Trung Quốc phải chấm dứt bay ra Trường Sa
Không chỉ xây dựng trái phép ở Trường Sa, Bắc Kinh còn liên tiếp tiến hành các chuyến bay thử nghiệm ở đường băng tại đá Chữ Thập, bất chấp phản đối của các nước trong khu vực.
Hai máy bay dân dụng đậu trên đường băng do Trung Quốc xây phi pháp ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc công bố những tấm ảnh chụp máy bay từ tối 6-1-2016 |
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, ngày 6-1 hai máy bay dân sự cỡ lớn của Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường
Sa của Việt Nam.
Phản ứng về vụ việc này, ngày 7-1 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động bay thử nghiệm ở Trường Sa và cho rằng hành động này “đã xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng
không ở Biển Đông”.
Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh Việt Nam một lần nữa mạnh mẽ phản đối hành động bay thử nghiệm trái phép của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
“Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế.
Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp” - ông Lê
Hải Bình tuyên bố.
Trước đó ngày 2-1, Trung Quốc thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, cũng ở đá Chữ Thập. Ngay sau đó, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động trái phép này của Bắc Kinh.
Trong bản tin ngày 6-1, Hãng tin Tân Hoa xã không tiết lộ chi tiết hai máy bay cỡ lớn được thử nghiệm ở đá Chữ Thập nhưng trên hình ảnh có một chiếc của Hãng hàng không China Southern và giới chuyên gia nhận định đó là máy bay Airbus.
Hai máy bay này cất cánh từ sân bay Mỹ Lan ở Hải Khẩu, thủ phủ của tỉnh Hải
Nam (Trung Quốc).
Theo Reuters, đường băng trên đá Chữ Thập dài 3.000m và là một trong ba đường băng mà Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa.
Reuters cho hay các đường băng này đủ dài để tiếp nhận các loại máy bay đánh bom tầm xa, các loại máy bay vận tải cũng như các chiến đấu cơ tối tân của Bắc Kinh.
TS Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, phân tích: việc làm này của Trung Quốc mở đầu cho một giai đoạn mới, chuẩn bị dọn đường cho các chiến đấu cơ nhằm phục vụ mưu đồ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Việc Trung Quốc khống chế đường hàng không ở Trường Sa sẽ đe dọa đến tình hình an ninh của các đảo mà Việt Nam đang quản lý hợp pháp. Đây là một hành vi cực kỳ nguy hiểm đối với
chủ quyền đất nước.
GS Jonathan London từ ĐH Thành thị Hong Kong cho rằng các hoạt động gần đây của Trung Quốc rõ ràng cho thấy nước này không tôn trọng các cam kết với giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam gần đây của Chủ tịch, Tổng bí thư Tập Cận Bình.
Đây là hành vi thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, làm leo thang căng thẳng và bất chấp các chuẩn mực, luật pháp quốc tế. Rõ ràng hành động này của Bắc Kinh đã củng cố mưu đồ thôn tính Biển Đông
của Trung Quốc.
Philippines lên án Trung Quốc
Hôm qua, chính quyền Manila lập tức lên án việc Trung Quốc tiếp tục cho hai chuyến bay dân dụng bay thử nghiệm trái phép đến đá
Chữ Thập.
Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario nhấn mạnh nước này rất quan ngại hành động trên của Trung Quốc và sẽ tiếp tục phản ứng.
Bộ trưởng del Rosario nói rằng nếu không phản đối chính thức, Trung Quốc sẽ lấn tới bước áp đặt ADIZ ở đây.
“Đây là những hành động gây hấn khiến chúng ta cần phải suy nghĩ và đưa ra lập trường của mình” - ông del Rosario nhấn mạnh với hàm ý nhắc nhở các
nước cùng lên tiếng.
Trong chuyến thăm Philippines ngày 7-1, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cũng phản đối mọi hành vi hạn chế tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông bởi đây là vấn đề “không thể thương lượng”.
Ngoại trưởng Anh cam kết Anh sẽ khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
|
Uy hiếp an toàn bay trong khu vực
Trong văn bản gửi văn phòng Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày 6-1, Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo về việc một số máy bay hoạt động trong vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh nhưng không liên lạc với cơ quan không lưu phụ trách theo quy định quốc tế về an toàn bay.
Từ ngày 1 đến 6-1-2016, cơ quan không lưu Việt Nam phát hiện một số máy bay không được xác định hoạt động trong FIR Hồ Chí Minh cắt ngang các đường hàng không L625, N892 (mực bay từ FL135 đến FL460), M771 (mực bay từ FL250 đến FL460), từ điểm báo cáo (điểm phải báo cáo khi bay đến theo quy định của ICAO) DONA đến ALDAS.
Theo lưu trữ rađa của Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, các máy bay trên không nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh.
Một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết các máy bay nói trên bay theo đường bay thẳng trong không phận quốc tế từ phía bắc đến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 28-12-2015 đến nay, các cơ quan quản lý bay của Việt Nam không hề nhận được bất kỳ thông báo bay nào của phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động bay đến đá Chữ Thập của Việt Nam.
Cục Hàng không khẳng định hoạt động của các máy bay Trung Quốc nêu trên đã vi phạm các quy định của ICAO, ảnh hưởng nghiêm trọng và uy hiếp an toàn đến các hoạt động bay trong khu vực.
|
0 nhận xét