Đảng trước, Xuân sau
Khẩu hiệu gây tranh cãi
Đấng Tạo hóa
đã tạo dựng nên vũ trụ, cỏ cây, muôn vật, loài người, quốc gia, … rồi mới đến
đảng phái chính trị. Nhưng cứ mỗi độ Xuân về, thì khẩu hiệu “mừng đảng, mừng
xuân” lại được trang hoàng khắp nơi. Rõ ràng, về mặt nhận thức của những người
CSVN là có vấn đề. Họ đã đi ngược qui luật của tự nhiên, lẽ ra phải là mừng
xuân, mừng đất nước,… rồi mừng gì thì mừng tiếp. Một đảng đã tồn tại hơn 80 năm
mà nhận thức như vậy thì đất nước, nhân dân chẳng mong chờ gì ở họ. Và thực tế
mấy chục năm cầm quyền của họ đã chứng minh sự thật phũ phàng đó. Sau đây, xin
trích đăng lại những quan điểm của những chuyên gia, nhà văn, chính trị ở trong
nước về chủ đề này:
Thiên nhiên thì đã có từ khi khai thiên lập địa
rồi; đất nước thì cũng đã có ngàn tuổi rồi. Còn đảng thì mới có mấy chục năm.
Họ tự đề cao như thế là không được.
-Phạm Đình Trọng
Cái khẩu hiệu
“mừng đảng mừng Xuân” khiến nhà báo Bùi Đức Lại qua bài “ Nhân chuyện
tranh cãi xung quanh một khẩu hiệu” có nhắc đến “một vị tiếng nói vốn có trọng
lượng” nêu lên ý kiến đại khái rằng khẩu hiệu này không ổn về phương diện “thứ
tự trọng khinh”, bởi vì “xuân là chuyện của muôn lòai vạn thuở, sao lại xếp sau
đảng là cái hữu hạn ?”.
Nhà báo
Nguyễn Tôn Hiệt có lẽ gay gắt hơn qua bài “Những khẩu hiệu quái đản”, thắc mắc
rằng tại sao lại có cái khẩu hiệu đó, “chả lẽ đảng có trước rồi Xuân mới có sau
?”, mà như vậy, “trước khi có đảng, dân tộc ta suốt 4.000 năm không có mùa Xuân
hay sao ?”.
Nhà báo Trần
Nhương thì lưu ý tới sự “phản cảm”, nhấn mạnh rằng “Viết như thế này rất hại
cho đảng” vì “đảng trong dân sao họ cứ tâng đảng lên trên tất cả”, mà “ yêu
nhau như thế bằng mười hại nhau…”.
Nhận xét về
khẩu hiệu “mừng đảng mừng Xuân”, GS Nguyễn Thế Hùng từ Đà Nẵng nhận xét:
“Chuyện này
không hợp lý. Và nhiều người cũng đã nói rồi. Thí dụ như Xuân là Xuân của Đất
Trời. Xuân về là vạn vật đâm chồi, nảy lộc. Và con người là một sinh vật rất
nhỏ bé được Tạo Hóa ban ơn. Lẽ ra mỗi buổi sáng mở mắt ra là chúng ta phải cảm
tạ Thượng Đế. Như vậy thì đầu năm, chúng ta phải mừng Xuân trước rồi mới mừng
đất nước. Ông bà mình ngày xưa có câu “Cung Chúc Tân Xuân”, tức là chúc mừng mùa
Xuân đã trở về. Như thế nó mới hợp vấn đề mùa Xuân rồi sau đó đất nước, rồi sau
đó là cái gì nữa thì nó mới hợp lý, theo lẽ thường tình.”
Từ Saigòn,
nhà văn Phạm Đình Trọng có vẻ “gay gắt” hơn trước điều mà ông gọi là “ tự đề
cao, không còn biết Trời Đất” trong cái khẩu hiệu đó của đảng:
“Tất nhiên là không đúng rồi. Bởi vì thiên
nhiên của đất nước, thiên nhiên thì đã có từ khi khai thiên lập địa rồi; đất
nước thì cũng đã có ngàn tuổi rồi. Còn đảng thì mới có mấy chục năm. Họ tự đề
cao như thế là không được. Nó lố bịch. Đây là sự tự huyễn hoặc, tự đề cao một
cách quá đáng, không còn biết đến Trời Đất, lẽ phải nữa. Một thời đảng quá hợm
hĩnh, quá ngạo mạn, tự đề cao mình như thế. Đây là cái mà có lẽ đến bây giờ nó
vẫn chưa chấm dứt, và kéo dài kể từ khi xuất hiện người CS đến giờ. Việc tự cho
mình là cứu đất nước, mang mùa Xuân đến cho dân tộc, rồi “mừng đảng, mừng
Xuân”, tức cái gì cũng đều đưa đảng lên trên cả. Đấy là một sự ngang ngược,
ngạo mạn của người CS.”
Nhạc sĩ lão
thành trong nước, nhạc sĩ Tô Hải, cũng cảnh báo:
“Người dân
chỉ cần nói hai chữ dân chủ thôi, hoặc chỉ cần nói “mừng Xuân” trước rồi mới
nói “mừng Đảng” là không được rồi. Mà phải nói “mừng Đảng, mừng Xuân”. Ở nước
ta, bất cứ chuyện gì cũng có thể trở thành tội phạm, cho nên việc đàn áp thì
nhậy bén lắm.”
Theo GS
Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội thì cái tư duy “đảng trên hết” chẳng khác nào giẫm
lên dân tộc để “tô son điểm phấn” cho mình. GS Nguyễn Thanh Giang xem chừng như
không dằn được bực tức:
“Tư duy đó là
tư duy của kẻ cướp. Đảng luôn luôn giành lợi ích dân tộc đem về cho mình, kể cả
giành xương máu của nhân dân, của đồng bào về để tô son vẽ phấn cho đảng. Tức
là đảng không phải là người đem lại quyền lợi cho dân tộc, mà bắt dân tộc hy
sinh đổ xương đổ máu để tô điểm cho cái gọi là vinh quang hảo của đảng.”
“Thứ tự trọng khinh”
Nhưng cái
“thứ tự trọng khinh”, “phản cảm”, “yêu nhau như thế bằng mười hại nhau”… ấy của
khẩu hiệu “mừng đảng” trước rồi mới “mừng Xuân” sau khiến hồi năm 2000,
Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên Giáo) đã phải chỉ thị không
được “mừng đảng” trước mừng Xuân cùng nhân dân, đất nước vào mỗi độ Xuân về.
Tuy nhiên, nhà báo lão thành Hữu Thọ trong nước lưu ý rằng “sau Tết, nghe phản
ánh cũng chỉ 3 hay 4 địa phương thực hiện” cái chỉ thị này thôi, và “rồi quan
sát trong thực tiễn thì phổ biến lại quay về nếp cũ…”.
Blogger Trần
Nhương cũng đề cập tới chuyện “… Hà Nội vẫn chơi kiểu cũ, không chịu thực hiện
chỉ thị từ lâu rồi”. Về vấn đề này, nhà văn Phạm Đình Trọng nhận xét:
Chuyện khẩu hiệu “mừng đảng mừng Xuân” có thay đổi
hay không thì điều này tôi nghĩ nó phụ thuộc vào từng chỗ, từng nơi, tùy cái
chỗ người ta hiểu được hay không.
-GS Nguyễn Thế Hùng
“Trước phản
ứng của nhiều người dân thì đảng họ cũng bắt đầu nhìn nhận, đã thấy vấn đề rồi.
Do đó, hiện có một số nơi, ngày Tết, họ sửa lại là “mừng Xuân, mừng đảng”. Một
số nơi họ đã thay đổi thứ tự chữ như thế. Nhưng hiện còn rất nhiều nơi, họ vẫn
theo trật tự cũ là “mừng đảng, mừng Xuân”!
GS Nguyễn Thế
Hùng tin là những người “có trí tuệ” thì họ nghĩ là phải mừng Xuân, mừng
đất nước đổi mới; hoặc là mừng mùa Xuân trở về, hay nói cách khác, “Cung Chúc
Tân Xuân”, thế thôi. Còn vấn đề có “cải thiện” hay không còn tùy chỗ “người ta
hiểu được” hay không:
“Chuyện (khẩu
hiệu “mừng đảng mừng Xuân”) có thay đổi hay không thì điều này tôi nghĩ nó phụ
thuộc vào từng chỗ, từng nơi, tùy cái chỗ người ta hiểu được hay không. Thí dụ,
tôi ở Đà Nẵng, thì có trường họ đề là “Mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới”, rồi
có chỗ vẫn “mừng đảng, mừng Xuân”. Họ đề rất là lộn xộn.”
GS Nguyễn Thế
Hùng tin rằng vấn đề càng ngày càng tỏ, để sau này lịch sử phán xét thôi. Ông
lưu ý là sử kiện thì xảy ra một lần, nhưng người viết sử thì họ viết nhiều lần.
Nhưng lịch sử sau này rất công bằng, để những gì đúng thì nó sẽ “lắng đọng
lại”, còn những gì không đúng thì hậu thế sẽ lên án. GS Hùng khẳng định rằng
những người trí thức chân chính thì bao giờ cũng có tầm suy nghĩ có giá trị đến
một trăm năm hay hàng ngàn năm về sau, còn những người bình thường thì họ chỉ
biết ngày nay, ngày mai mà thôi.
Chuyện “đảng
trước, Xuân sau” khiến blogger Hiệu Minh bỗng nhớ lại trước kia khi “Đảng đã
cho ta một mùa Xuân” ra rả trên loa phường:
Đảng đã cho
ta một mùa xuân đầy ước vọng
Một mùa xuân
tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi
Đảng đã đem
về tuổi xuân cho nước non
Vang tiếng
hát ca chứa chan niềm yêu đời
Nhưng rồi
blogger Hiệu Minh thắc mắc “Nếu đảng lãnh đạo theo đường lối hiện nay thì cái
mùa Xuân năm nào chẳng còn, mà có khi dân lại ‘ước vọng’ mùa xuân khác, thì hỏi
rằng lúc đó, đảng tự bỏ điều 4 trong Hiến pháp có muộn lắm không?”