Bất bình tham nhũng là cội nguồn phong trào biểu tình chống chính phủ Thái Lan
Tú
Anh - RFI
Những hành vi
tham ô của cựu Thủ tướng
Thaksin Shinawatra được khai thác tối đa làm bùng ngọn lửa tranh đấu của phong
trào biểu tình chống chính phủ Yingluck Shinawatra. Mặc dù tham ô là căn bệnh trầm kha của xứ Thái, nhưng đối với một bộ phận dân chúng, gia
đình nhà tỷ phú
Shinawatra đã vượt mức có thể chấp nhận được.
Bằng cách nào mà dân biểu Suthep Thaugsuban có thể lôi kéo nhiều người dân tham gia một phong
trào biểu tình kéo dài gần ba tháng liên tục, phong tỏa thủ đô Bangkok
với ý định ép chính phủ dân cử nhượng quyền cho một ủy ban tự phong ?
Theo giới phân tích, mối quan hệ giữa dân chúng Thái Lan và tình trạng tham ô trong guồng máy Nhà nước rất phức tạp trong một quốc gia có tiếng bị lũng đoạn vì những đường dây « phe đảng » quyền lực ngầm và hối lộ.
Nhà bình
luận chính trị Voranai
Vanijaka của Bangkong Post thẩm định, những người tham
gia phong trào biểu tình từ mùa thu đến nay tố cáo ông
Thaksin, người anh của Thủ tướng Yingluck đương nhiệm, tuy bị lật đổ vẫn tiếp tục chỉ đạo cô em của mình. Người Thái rất thực tế, họ biết rằng, giới cầm quyền không có ai hoàn toàn trong sạch. Tuy nhiên, vấn đề của cựu Thủ tướng
Thaksin là trong lúc cầm quyền cho đến khi bị đảo chính năm 2006, vì lòng tham
không đáy, ông đã « cắt đứt giao kèo bất thành văn ». Doanh
nhân tỷ phú Thaksin
muốn chiếm hữu tất cả mọi lãnh vực tài chính, kinh tế, địa ốc cho bản thân ông và gia đình Shinawatra. Tham lam quá độ là điều nguy hiểm tại Thái Lan.
Người biểu tình không những lên án dòng họ anh em Thủ tướng Yingluck, mà còn công kích chính sách giúp người nghèo như trợ giá gạo cho nông dân, bị xem là thủ đoạn mua phiếu cử tri.
Theo AFP
tại Bangkok, những người lãnh đạo phong trào phản kháng khai thác lòng bất mãn này của một bộ phận dân chúng để trình bày công cuộc đấu tranh chính trị của họ là cuộc chiến trong sạch hóa đất nước. Tuy
nhiên, ý thức là phe chính phủ, bị dân thủ đô và phía nam chống đối, vẫn được đại đa số dân nông thôn ở những vùng kém phát triển ở phía bắc ủng hộ, nên đối lập tìm mọi cách tránh né bầu cử được ấn định vào đầu tháng Hai tới.
Nhà tỷ phú Thaksin sống lưu vong để tránh bản án hai năm tù giam vì bê bối tài chính. Năm 2010, tòa án Thái Lan tịch biên 1,4 tỷ đô la, tức phân nửa tài sản của Thaksin để trừng phạt một vụ trốn thuế có liên quan đến tập đoàn viễn thông do ông làm chủ và bán cho một đối tác
Singapore.
Thay vì
xây dựng tập đoàn công nghiệp hùng mạnh như các tập đoàn Sam
Sung, Deawu…của Hàn Quốc, Thủ tướng Thái đã hành động theo tư lợi, bất chấp phản đối của công luận lúc bấy giờ. Những người lãnh đạo phong trào chống chinh
phủ đã sử dụng những sai trái này của Thaksin để huy động dân chúng biểu tình.
Lập luận đó bị ông Noppadon Pattama, một cố vấn của nhà tỷ phú lưu vong bác bỏ vì « tại Thái Lan, gia đình Shinawatra không phải là kẻ
tham ô duy nhất ».
Ngay dân
biểu Chuvit Kamolvisit, nhân vật dấn thân chống tham
nhũng, cũng xuất thân là «vua » các phòng tắm hơi đấm bóp.
Bản thân lãnh đạo phong trào xuống đường hiện nay là dân biểu Suthep Thaugsuban cũng không phải là trong sạch. Hồi giữa thập niên 1990, ông phải từ chức Bộ trưởng vì bị nghi ngờ lạm dụng luật địa ốc để lấy bớt phần đất đai cung cấp cho người nghèo chia lại cho người giàu.
Sự kiện một kẻ bị tai tiếng trở thành nhà vô đich chống tham nhũng có thể là dấu hiệu cho thấy dân Thái Lan bắt đầu hết chịu đựng nổi tệ nạn tham ô. Trong bản xếp hạng mới nhất của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, Thái Lan đứng hạng thứ 102 trên tổng số 177, tức là chỉ khá hơn 75 nước.
Theo một kết quả điều tra của Đại học Thương mại Thái Lan, trung bình mỗi xí nghiệp phải hối lộ cho công chức từ 25% đến 35% tiền hoa hồng mỗi lần ký hợp đồng trong lãnh vực công. Cách nay 20 năm, tỷ lệ này chỉ ở mức độ từ 5% đến 10%.
Theo nhận định của giáo sư
Thanavath Phonvichai, của đại học này, thì trước đây người dân Thái sẵn sàng chi tiền để công việc được tiến nhanh,
nhưng giờ đây, người biểu tình phản kháng đã ý thức rằng đã đến lúc chấm dứt truyền thống hối lộ lót tay này.