Khi người Cộng sản phản tỉnh
Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC Việt ngữ từ London
Trong
thời gian qua có khá nhiều đảng viên và cựu quan chức lên tiếng chỉ trích những
bất cập, phi lý, sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam và kêu gọi giới lãnh đạo
Việt Nam thay đổi để giúp Đất nước tiến tới tự do, dân chủ, giàu mạnh.
Trong số họ, có những người đã
công khai từ bỏ Đảng Cộng sản vì họ nhận ra rằng Đảng đã suy thoái biến chất,
chỉ lo cho lợi ích của mình và coi nhẹ lợi ích của Đất nước, Dân tộc, Nhân dân.
Một gương mặt tiêu biểu cho
những tiếng nói đòi hỏi dân chủ ấy – và có thể nói cũng là biểu tượng cho phong
trào dân chủ trong nước – là ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt
trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, người vừa qua đời tại thành phố tối
hôm 22/1.
Nhận ra ‘Đảng đang biến chất’
Dù biết rằng đâu đó có những
người không thích ông Đằng vì ông là một người Cộng sản và từng tham gia phong
trào đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, nhưng chắc ít ai
có thể phủ nhận rằng ông làm vậy chỉ vì ông tin rằng sự dấn thân của mình có
thể giúp giải phóng Dân tộc và đưa Đất nước tới tự do, dân chủ.
Có thể nói, ông thuộc thế hệ mà
có ai đó gọi là ‘thế hệ Vàng của cuộc Cách mạng Giải phóng Dân tộc, trong sáng,
lãng mạn, tràn đầy lí tưởng’.
Và nếu nhìn lại cuộc đời của
ông Lê Hiếu Đằng, công việc của ông, những băn khoăn, trăn trở của ông – đặc
biệt trong những năm tháng cuối đời, được thể hiện qua ‘Suy nghĩ trong những
ngày nằm bịnh’ được ông viết vào tháng 8/2013 – có thể thấy rõ điều đó.
Quả thực, ông là một người rất
nặng lòng với Nước, với Dân và là một người ‘Cộng sản’ thực sự.
Khác hẳn với những quan chức
‘cộng sản’ nhưng nhiều ‘tư bản’ – như biệt thự, xe hơi – ở Việt Nam, dù nhiều
năm công tác trong Đảng với một chức vị khá cao ông chẳng có tài sản gì đáng
giá.
Trong
một bài viết kể về chuyện đi thăm ông Đằng khi ông nằm viện được đăng trên
trang Bauxite Việt Nam vào tháng 12/2013, một người bạn của ông Đằng là ông Hạ
Đình Nguyên, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Hành động thuộc Tổng hội Sinh viên Sài
Gòn, đã viết rằng cái nhà ông Đằng ‘chỉ có 3 thước bề ngang đã cho thuê, chỉ
sống ở phần bếp đằng sau, không thể để lọt cái quan tài’.
Chính vì một lý tưởng trong
sáng và một lối sống minh bạch như vậy, ông không thể chấp nhận khi thấy Đảng
Cộng sản ‘trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại
lợi ích dân tộc, nhân dân’ như ông nhận định trong tuyên bố bỏ Đảng của mình.
Cũng vì nhận ra rằng ‘đảng’ của
ngày hôm nay là một ‘đảng của những tập đoàn lợi ích’, không còn là Đảng mà ông
từng biết trước đây, trong những năm tháng cuối đời, ông liên tục lên tiếng chỉ
trích đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản. Cùng lúc ông kêu gọi đa nguyên,
đa đảng, đòi dân chủ, tự do và hạnh phúc cho người dân và độc lập cho đất nước.
Chẳng hạn, dù đang lâm trọng
bệnh, ông vẫn chấp nhận trả lời phỏng vấn của BBC sau khi Quốc hội Việt Nam
thông qua Hiến pháp sửa đổi. Trong cuộc phỏng vấn ấy ông nhận định rằng
việc thông qua một bản Hiến pháp như vậy chứng tỏ ‘Quốc hội chỉ là bù
nhìn chứ không có thực quyền, phản lại lợi ích quần chúng’.
Chuyện Quốc hội Việt Nam thông
qua ‘một Hiến pháp đi ngược lại lòng dân, không có dân chủ, nhất là
trong vấn đề ruộng đất’ cũng là ‘là giọt nước làm tràn ly’, khiến ông
đi đến quyết định bỏ Đảng.
Trở thành biểu tượng dân chủ
Khi mạnh dạn, công khai lên
tiếng đòi dân chủ, tự do, hạnh phúc cho dân, ông cũng đã trở thành một biểu
tượng cho phong trào dân chủ trong nước.
Việc nhiều giới – trong đó các
nhân sỹ, trí thức và những ai muốn Việt Nam thay đổi – dành cho ông sự ủng hộ
hay bày tỏ sự vui mừng, thán phục mỗi khi ông thẳng thắn đề cập đến các vấn nạn
của Đất nước hay mạnh dạn kêu gọi giới lãnh đạo Việt Nam thay đổi và đặc biệt
khi ông quyết định bỏ Đảng Cộng sản và kêu gọi thiết lập một chính đảng mới
chứng minh điều đó.
Nhiều người đã bày tỏ lòng quý
mến cũng như lo lắng khi biết ông lâm bệnh. Và chắc chắn trong những ngày tới
sẽ có nhiều nhân sỹ, trí thức và những người đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân
quyền ở Việt Nam cũng như hải ngoại sẽ bày tỏ sự thương tiếc, cảm phục và biết
ơn ông khi hay tin ông qua đời.
Với họ, trong những năm vừa qua
ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cổ vũ dân chủ, tự do, nhân quyền
ở Việt Nam. Là một quan chức với 40 năm là đảng viên, có nhiều đóng góp cho chế
độ lại nắm rõ nội tình của Đảng, việc ông lên tiếng về các vấn đề đó và đặc
biệt quyết định bỏ Đảng của ông chắc chắn đã và đang có nhiều tác động lớn đến
phong trào dân chủ.
Đây cũng là điều làm cho giới
lãnh đạo Việt Nam cảm thấy khó chịu vì nó còn có tác động rất lớn lên xã hội
Việt Nam nói chung và ảnh hưởng đến vị thế, vai trò của Đảng nói riêng.
Việc các báo Đảng – như Nhân
Dân, Quân đội Nhân dân và Sài Gòn Giải phóng – đã mở một ‘chiến dịch’ công
kích ông Đằng sau khi ông cho đăng bài viết ‘Suy nghĩ trong những ngày nằm
bịnh’ và coi những suy nghĩ của ông là ‘những hành vi độc hại của một khuynh
hướng tư tưởng sai lầm’ chứng minh điều đó.
Dẫn đến diễn biến hòa bình?
Quan trọng hơn Đảng Cộng sản sợ
những tiếng nói và quyết định của ông Lê Hiếu Đằng vì những hành động như thế
có thể làm các đảng viên khác phản tỉnh và ‘tự diễn biến’. Đây là một điều mà
Đảng luôn lo sợ, thường cảnh báo, chỉ trích và tìm cách ngăn ngừa.
Với những kinh nghiệm từ Đảng
Cộng sản Liên Xô trước đây, có thể Đảng Cộng sản Việt Nam nhận ra rằng ‘đối
tượng’ phá hoại Đảng lớn nhất, làm Đảng sụp đổ không phải đến từ bên ngoài mà
ngay từ trong Đảng. Vì vậy, Đảng luôn sợ và tìm cách ngăn ngừa mọi ‘diễn biến
hòa bình’.
"Chắc chắn nhiều người sẽ không quên ông –
một người ‘Cộng sản’ đích thực và là một con người rất nặng lòng với Nhân Dân,
với Dân tộc và với Đất nước."
Nếu nhìn lại những gì diễn ra
tại Việt Nam trong những năm qua có thể thấy rằng Đảng có ‘lý’, có ‘cơ sở’ để
lo sợ như vậy vì xem ra những tiếng nói đối lập trong Đảng hay từ những đảng
viên, cựu quan chức ở Việt Nam có tác động lên xã hội Việt Nam nói chung và
phong trào dân chủ nói riêng nhiều hơn những tiếng nói từ các nhân vật hay đảng
đối lập Việt Nam ở hải ngoại.
Với Đảng Cộng sản – và đặc biệt
đối với những lãnh đạo không muốn Việt Nam thay đổi – sự ‘phản tỉnh’ của đảng
viên hay ‘tự diễn biến’ trong Đảng là một mối nguy, cần phải ngăn ngừa bằng mọi
giá.
Nhưng đối với tiến trình dân
chủ của Việt Nam nói chung và với những ai muốn đất nước tiến tới dân chủ, tự
do, giàu mạnh đó có thể lại là một tín hiệu vui, đáng mừng. Chẳng hạn, những
thay đổi của Miến Điện và những biến động ở các nước Ả Rập và Bắc Phi trong
thời gian vừa qua cho thấy việc tự diễn biến không chỉ tốt cho Đất nước, cho
Nhân dân mà còn có thể tốt cho cả Đảng.
Vì biết phản tích và biết chấp
nhận tự diễn biến, giới tướng lãnh tại Miến Điện đã đưa đất nước này từ bỏ độc
tài chuyển sang dân chủ mà người dân không đổ máu, mình có thể chính danh nắm
quyền.
Trái lại, vì không biết phản
tích, không tự diễn biến, Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập bị truất phế, Đại
tá Moammar Gaddafi của Libya phải chết bi thảm, nhục nhã và hai quốc gia này
phải rơi vào xung đột, bất ổn.
Và nếu trong tương lai giới
lãnh đạo Việt Nam tự diễn biến và có những thay đổi quan trọng, tích cực như ở
Miến Điện hay khi Đất nước thực sự có dân chủ, tự do các thế hệ sau sẽ không
quên ông và những đóng góp của ông.
Có thể ông ra đi chưa thực sự
an lòng vì bao điều dang dở, vì sau bao năm tháng dấn thân cho lý tưởng, theo
và phục vụ Đảng cuối đời thất vọng nhận ra rằng lý tưởng trong sáng, tốt đẹp
ban đầu ấy không mang đến kết quả như mình mong muốn, theo đuổi. Nhưng chắc
chắn nhiều người sẽ không quên ông – một người ‘Cộng sản’ đích thực và là một
con người rất nặng lòng với Nhân Dân, với Dân tộc và với Đất nước.