Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa để 'dằn mặt' Việt Nam

BẮC KINH (NV) .- Trung Quốc tổ chức tập trận hải quân ở khu vực quần đảo Hoàng Sa là nhằm 'dằn mặt' Việt Nam, ngay trong dịp hàng trăm người biểu tình ở Hà Nội tưởng niệm các chiến sĩ hải quân VNCH hy sinh bảo vệ tổ quốc cách đây 40 năm.

Hôm Thứ Năm, Tân Hoa Xã cho hay đoàn chiến hạm của Hạm đội Nam Hải rời một căn cứ trên đảo Hải Nam ngày 20/1/2014 đi tập trận và tuần tiễu dương oai kéo dài 2 ngày tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, đã hoàn tất. Cuộc tập trận bao gồm tuần tra một số đảo, sử dụng các tàu chiến, tàu đệm khí đổ bộ (hovercraft) và cả trực thăng tham gia.
Khi loan báo cuộc tập trận hồi cuối tuần qua, Tân Hoa Xã không nói cuộc tập trận diễn ra ở đâu. Nguồn tin này chỉ nói rằng đoàn chiến hạm gồm có tàu đổ bộ lớn nhất của Trung Quốc (tàu đổ quân Trường Bạch Sơn), cùng hai khu trục hạm Vũ Hán (số 169) và Hải Khẩu (số 171). Cả ba tàu này đều là những chiến hạm lớn trang bị điện tử và võ khí tối tân nhất của Trung Quốc.
Nay thì nói rõ ra là tới vùng quần đảo Hoàng Sa để tập trận, quần đảo mà họ đã cướp của Việt Nam sau một trận hải chiến với hải quân VNCH ngày 19/1/1974, cách đây 40 năm. Bản tin trước chỉ loan báo đoàn chiếm hạm có 3 chiếc tàu mặt nước mang theo tàu đổ bộ đệm khí và trực thăng, nay thì nói rõ hơn là có sự tham dự của cả tàu ngầm.
Cuộc tập trận gồm cả đổ bộ chiếm đảo của lực lượng thủy quân lục chiến và chống tàu ngầm của 'địch.'

Hoàn Cầu Thời Báo, phó bản tuyên truyền của Nhân Dân Nhật Báo tại Bắc Kinh, nói rằng cuộc tuần tra và tập trận “chứng tỏ rằng quân đội Trung Quốc vẫn duy trì cảnh giác chống lại những tuyên bố (của các nước khác) về chủ quyền Biển Đông, đồng thời chứng tỏ sức mạnh lực lượng tàu ngầm được tăng cường”.

Bản tin Tân Hoa Xã ngày Thứ Năm 23/1/2014 thuật lời Hồ Đắc Hải, chỉ huy phó đội tàu tập trận nói trên khoe rằng một cuộc huấn luyện đổ bộ lính thủy quân lục chiến bằng tàu đệm khí kéo dài 20 phút “đạt được mục tiêu dự tính. Chỉ huy trưởng đoàn tàu là Khương Uy Liệt cũng lên đảo để tiếp xúc với lính trấn đóng trên đảo.
Cuộc tập trận và tuần tra của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa cướp được 40 năm trước chỉ nhằm biểu diễn sức mạnh quân sự vào dịp nhiều cuộc tưởng niệm 74 chiến sĩ Hải quân VNCH đã bỏ mình vì nước khi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước sự xâm lăng của Trung quốc.
Tại Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn, các cuộc triển lãm do nhà cầm quyền CSVN tổ chức có tính dè dặt và không dám vinh danh các chiến sĩ Hải quân VNCH trên chiến hạm Nhật Tảo (HQ 10) bị bắn trúng đạn của đối phương và chìm. Người dân thì đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng hải quân VNCH vị quốc vong thân, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, ở tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội, đã bị nhà cầm quyền phá rối và giải tán.
Tuy nhà cầm quyền CSVN vẫn tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam với các bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi, nhưng theo phân tích gia Gordon Chang viết trên tạp chí World Affairs ngày 23/1/2014 thì trên thực tế, nhà cầm quyền Hà Nội chỉ hành động tượng trưng, tuyên truyền đầu lưỡi, rất giới hạn.
Tuần tự trước sau, Trung Quốc đưa ra những tuyên bố, lệnh hành chánh để củng cố thêm mãi lời tuyên bố chủ quyền trên các vùng biển đảo đã dùng sức mạnh đi ăn cướp mà có. Cái lệnh mới nhất có hiệu lực từ đầu Tháng Giêng 2014 là cấm tàu đánh cá “nước ngoài” hoạt động trong vùng biển “Tam Sa”, chiếm đến gần 80% Biển Đông, hoàn toàn không phải ao nhà của Bắc Kinh.
Trung quốc dùng quân sự hậu thuẫn cho tuyên bố chủ quyền. Hà Nội chỉ đưa ra phản đối suông. Phân tích gia Gordon Chang gọi hành động của Hà Nội là “phản công tượng trưng chống lại chủ trương bá quyền bành trướng của Trung Quốc”.
Một mặt xua đoàn chiến hạm xuống biểu diễn cơ bắp ở Hoàng Sa, Bắc Kinh cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo đe dọa là việc Việt Nam tổ chức kỷ niệm trận hải chiến giữa Hải quân VNCH và Trung Cộng “gia tăng cơ hội làm mối quan hệ Bắc Kinh – Hà Nội bị trật đường rầy”.
Không biết tìm kiếm tin tức ở đâu hay chỉ dự đoán, tờ báo này còn cho rằng ở Việt Nam còn đang dự tính tổ chức kỷ niệm 35 năm cuộc chiến biên giới Hoa Việt (xảy ra năm 1979) mà Đặng Tiểu Bình tuyên bố là “dạy cho Việt Nam một bài học” vì đã đem quân giúp người dân Cam Bốt chống lại Khmer Đỏ diệt chủng nhưng lại là tay sai đắc lực của Bắc Kinh.
“Bây giờ khó mà có thể lạc quan về mối quan hệ Trung Quốc- Việt Nam vì một số lãnh tụ Việt Nam bầy tỏ công khai là họ sẽ ủng hộ các hoạt động tưởng niệm đánh đấu cuộc chiến Hoa-Việt 35 năm trước”, Hoàn Cầu Thời báo ngày 23/1/2014 viết.

Bởi vậy báo này cho rằng phía Việt Nam nhiều phần sẽ thúc đẩy chủ trương đòi lại quần đảo Hoàng Sa thành vấn đề tranh chấp quốc tế. Từ đó, tờ báo kêu gọi Bắc Kinh phải chuẩn bị tất cả mọi mặt từ ngoại giao, tuyên truyền, pháp lý đến những đụng độ bất ngờ trên Biển Đông. 

Đồng thời Hoàn Cầu Thời Báo đe dọa Hà Nội nên “hướng dẫn dư luận quần chúng tránh khêu gợi tinh thần quốc gia hơn nữa mà làm gia tăng căng thẳng quan hệ với Trung Quốc”. (TN) 

Được tạo bởi Blogger.