Đã đến lúc thay đổi trong hòa bình và trật tự?
"Thời
cuối những năm 90 mình có nghe/đọc lỏm được lời một số giáo sư kinh tế chính
trị có sừng có mỏ của thế giới nói về việc một ngày nào đó cải cách kinh tế ở
Việt Nam sẽ đưa nền kinh tế đi xa nền tảng lý luận của nền chính trị đến mức
mà, như một đứa trẻ lớn nhanh làm rách cái áo đang mặc, chính trị sẽ bị phá
tung để kinh tế được phát triển bình thường. Các giáo sư đó nói rằng lúc đó mới
chính là lúc mà cải cách thực sự, xuyên suốt xảy ra.
Ở giai đoạn đầu 2014 này mình có dự cảm là thời điểm đó đã đến rất gần sát với
chúng ta. Nền chính trị cồng kềnh mang nặng tính áp đặt, mệnh lệnh, luôn đòi
hỏi sự quy phục thông qua trừng phạt và đe dọa, đề cao sự bí mật, duy trì quyền
lực trong một nhóm nhỏ đang tiến đến chỗ bị bắt buộc phải đối mặt với thực tế
của một thế giới ngày một cởi mở nơi thông tin lan truyền lập tức trong thời
gian thực, nơi nhân phẩm và lòng tự trọng của con người được đề cao, nơi kiến
thức được phổ biến miễn phí và tranh luận được khuyến khích. Trong cái môi
trường toàn cầu cởi mở và cấp tiến như vậy thì nền chính trị của chúng ta, xưa
từng được coi như đỉnh cao lương tri, trí tuệ loài người, giờ đang trở thành cổ
lỗ, xa rời hay đi ngược lại thực tế đời sống và vì thế thành ra phản động. Một
nền chính trị đóng chặt thích che đậy có lẽ không quá tồi nếu như một hệ lụy
của nó không phải là ngăn chặn sự kiểm tra, giám sát của người dân thường lên
các hoạt động của bộ máy kinh tế dưới quyền của nó. Thiếu vắng sự kiểm tra,
giám sát, tính công khai minh bạch này các thực thể kinh tế quốc doanh được mặc
sức làm gì tùy thích gây ra những vụ việc gây thất thoát, mất mát tài sản công
và tư với quy mô càng lúc càng trầm trọng.
Nhu cầu hay đòi hỏi hay tính tất yếu của cải cách chính trị là điều ai ai cũng
nhận thấy. Người ta chỉ không đồng ý được với nhau về cách mà cải cách chính
trị sẽ xảy ra ở Việt Nam. Người trong chính quyền tất nhiên không ai muốn ôm
rơm rặm bụng và muốn nhường nhiệm vụ phức tạp, nặng nề này lại cho các thế hệ
sau. Họ viện dẫn các lý do như e ngại sự mất ổn định xã hội, vv để trì hoãn các
cải cách chính trị. Người dân, bị ép giữa sự o ép của nền hành chính cổ lỗ và
nền kinh tế phát triển lờ đờ, đối mặt với thực tế cuộc sống mang nhiều mầu sắc
bi quan càng lúc càng cất tiếng to hơn với đòi hỏi thay đổi.
Trong năm 2014 và 2015 là hai năm bản lề của đại hội Đảng, mình nhận định là sẽ
có một nút thắt ở đâu đó đẩy câu truyện Việt Nam lên đỉnh điểm. Nếu ai cũng
biết là trước sau gì cũng có sự thay đổi và ai cũng biết là nếu có thay đổi thì
sẽ có khoảng trống quyền lực thì chắc chắn sẽ có những nhóm muốn có được lợi
thế của người đi trước (first mover's advantage) để lấp đầy vào khoảng trống
đó. Và như thế thực tế là sẽ có nhiều hơn một nhóm tranh giành nhau vị trí
người đi trước. Những nhóm này chắc chắn sẽ xuất phát từ trong chính nội bộ hiện
tại, bởi những người có lẽ là cơ hội, nhưng cũng có thể là đã chán ngán những
cảnh dối gian đang diễn ra hàng ngày hàng giờ và như người ở bẩn lâu ngày thấy
cần phải tắm rửa họ cũng thấy đến lúc phải tẩy uế rồi. Bất kể phe nào giành
chiến thắng trong cuộc đua này mình tin là họ sẽ giơ cao ngọn cờ dân túy vv tạo
tiền đề tốt cho một quá trình dân chủ hóa thực sự cho Việt Nam.
Trở ngại lớn nhất cho cải cách chính trị ở Việt Nam là vấn đề Trung Quốc. Trung
Quốc chắc chắn không muốn có Việt Nam đi theo một định hướng dân chủ kiểu
phương Tây ở sát bên sườn và vì thế sẵn sàng chi mạnh để giữ cho Việt Nam nằm
lại trong vòng ảnh hưởng. Đây tuy thế lại là một cách đánh giá cố hữu và tĩnh.
Thực tế Trung Quốc hiện nay cũng đang manh nha những đòi hỏi cải cách mạnh mẽ
từ trong chính nội bộ của họ, càng lúc càng khốc liệt tiến đến một đỉnh điểm mà
cải cách chính trị thành ra một vấn đề sống còn quyết định sự toàn vẹn của
chính Trung Quốc. Những điều này nói nghe có vẻ xa vời nhưng như lịch sử cho
thấy thì thường sẽ xảy ra theo kiểu bất ngờ cho tất cả mọi người với tốc độ
chóng mặt. Nếu Trung Quốc phải đối đầu với vấn đề nội bộ của mình thì đó sẽ là
cơ hội cho Việt Nam. Nói thêm ở lề thì việc Trung Quốc sợ Việt Nam ngả theo
phương Tây cũng có thể được dùng một cách thông minh để khắc chế những tham
vọng biển đảo của Trung Quốc. Việt Nam mà dân chủ hóa thì Trung Quốc cũng sẽ 21
Lê Lai 22 Lê Lợi mà đi theo.
Hiểu được tính của dân mình nên mình chỉ mong sao nếu có gì thay đổi thì thay
đổi đó hòa bình và không gây náo loạn. Làm được điều này với người Việt Nam ưa
ẩu đả ít thích lý luận là rất khó. Nhưng nếu việc thay đổi là tất yếu thì chính
quyền cần chuẩn bị cho nó không phải với gậy và dao mà là với vòng tay ôm ấp.
Khả năng này cũng thấp nên khả năng cao là sẽ có những va chạm lúc mà người ta
đã quá chán nản rồi.
Mình đọc được những suy nghĩ tương tự trong tâm sự đầu năm của các ông Lê Kiên
Thành và Lê Công Định - rằng dân còn biết tức giận là còn may và vật cùng tắc
biến. Đã đến lúc đất nước mình cần chuyển hướng để trở thành một đất nước bình
thường như hàng trăm đất nước khác nơi con người không bị cấm đoán, chặn họng,
nơi người ta được vui sống trong bình an, hạnh phúc, không bị chính những người
đồng bào của mình đe dọa, bắt nạt, trấn lột. Thôi bỏ đi những mộng tưởng hão
huyền thiên đường hạ giới, xã hội lý tưởng lấp lánh muôn mầu, hãy cùng quay về
thực tại để giúp cho cuộc sống của mỗi người ngay trong đời này, ngay lúc bây
giờ được trở nên đáng sống. Hạnh phúc chỉ đơn giản như thế thôi mà sao mãi
không thành hiện thực được."
-- Status trên Facebook Anh Gau Pham