Giá Trị Cuộc Sống - Sướng Và Khổ
Có một đề thi dành cho các thí
sinh đau khổ thuộc mọi lứa tuổi như sau: “Bạn hãy chứng minh bạn khổ.”
Thí sinh thứ nhất, một người đàn
ông chừng sáu mươi, chứng minh: Tôi lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo.
Bố mẹ tôi quanh năm ‘bán mặt cho đất – bán lưng cho trời’. Vì nhà nghèo nên tôi
phải nghỉ học sớm để đi làm kiếm tiền mưu sinh. Nghĩ mà tủi thân!...
Thí sinh thứ hai, một phụ nữ trẻ,
dẫn chứng: Tôi là người kém sức khoẻ. Từ nhỏ đã hay đau yếu. Mỗi lần trái gió
trở trời là tôi lại xụt xịt. Rất khó chịu!...
Thí sinh thứ ba, một thanh niên
tuổi chừng hăm mấy, viết ngay không chần chừ: Tôi chẳng có tài cán gì. Giữa đám
đông bạn bè, tôi chẳng biết ca hát. Mấy đứa bạn cứ trêu chọc bảo tôi giọng
ngang như cua bò. Bực tức và chán ghê!...
Thí sinh thứ tư toan đặt bút xuống
viết thì khựng lại. Rồi anh suy nghĩ có vẻ rất căng thẳng. Cuối cùng, quyết định
nộp giấy trắng.
Kết quả cuộc thi: Ba thí sinh đầu
tiên được 1 điểm an ủi vì đã có… công viết. Còn thí sinh thứ tư thì phải lên gặp
thầy để trình bày rõ lý do tại sao lại để giấy trắng.
Trong giờ sửa bài, giáo sư nhận
xét chung:
- Các bạn không được
điểm cao vì bài các bạn không thể hiện được tư duy sâu sắc. Các bạn chỉ liệt kê
những điều không như ý xảy ra trong cuộc đời. Ai cũng làm được như thế. Thực ra
nó không đủ chứng minh rằng các bạn khổ vì góc nhìn đó quá hẹp.
Rồi giáo sư quay sang thí sinh thứ
tư và hỏi:
- Tại sao bạn để giấy
trắng?
- Thưa giáo sư, thoạt
đầu tôi cũng có khuynh hướng vội vàng liệt kê như các bạn kia. Nhưng tôi chợt
giật mình…
- Sao bạn lại
giật mình?
- Dạ, xin cho
phép tôi đứng lên trước mọi người để trình bày được dễ dàng hơn.
Thế rồi cậu khập khiễng bước lên
trên. Quay xuống nhìn mọi người, cậu nở một nụ cười thân thiện. Người ta thấy mặt
cậu một bên bị nám đen. Cậu nói:
- Hồi tôi còn nhỏ,
bố mẹ phải đi làm ngoài đồng, chỉ có chị tôi và tôi ở nhà. Một hôm, chị đang nấu
cơm thì bị cháy nhà. Như quý vị thấy, tôi bị phỏng nặng, bây giờ vẫn còn dấu
cháy trên mặt. Năm tôi lên bảy, bố tôi qua đời. Một buổi tôi đi học, một buổi
tôi phải đi bán vé số ở khu chợ gần nhà để phụ mẹ. Cách đây ít năm, trên đường
đi nhà thờ về, có một chú kia nhậu say lái xe tông vào tôi khiến chân tôi bị tật
từ hồi đó. Bây giờ mỗi khi trời trở lạnh, chân tôi cũng khá đau. Gần đây, tôi
thú thật là tôi yêu một người con gái, nhưng tôi thế này thì làm sao xứng với
người ta được!
Trong phòng lúc ấy có nhiều người.
Giọng cậu yếu ớt nhưng ai cũng nghe rõ vì bầu khí lặng im đến lạ thường.
- Nhưng sao bạn không viết những
điều đau khổ này vào bài thi - Dạ không, vì
tôi giật mình. Tôi giật mình khi tôi chợt nhớ lại lời của bạn tôi trong nhà thờ
hôm Chúa Nhật. Anh ấy nói với mấy người nghèo khổ rằng: “Anh em thật có phúc.”
Thế là tôi khựng lại để suy nghĩ. Rồi tôi nhận ra: để chứng minh tôi thực
sự khổ thì tôi phải chứng minh cho được rằng tôi không có gì để hạnh phúc.
Mọi người càng chăm chú. Vị giáo
sư lên tiếng:
- Hay ! Xin lỗi bạn,
tôi không phải là Kitô hữu, vậy cho tôi hỏi anh bạn gì gì đó của bạn nói như thế
nào về việc may phúc khiến bạn thay đổi cách nhìn như thế ?
- Dạ thưa
giáo sư, bạn tôi tên là Giêsu. Anh ấy nói: “Mắt anh em thật có phúc vì được
thấy những điều đang thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe những điều đang
nghe. Nhiều người mong mỏi được như anh em mà không được.” (Mt 13:16-17).
- Thưa giáo sư, lúc ấy tôi
chợt nhìn thấy và nghe được nhiều điều may mắn trong cuộc sống của tôi. Tôi có
mẹ có chị. Nhà chúng tôi tuy chẳng kín cổng cao tường nhưng đùm bọc nhau ấm áp.
Tôi có trái tim biết rung động. Tôi có lòng quảng đại. Tôi có lương tâm. Tôi có
bạn bè nói chuyện. Tôi có nhiều người cầu nguyện cho tôi. Tôi được đi học. Tôi
có trí khôn để nhận ra trong cái xui có cái hên, tức là trong nghịch cảnh có ân
sủng.
Ví dụ: Vì lớn lên trong cảnh
khó khăn, tôi thấy mình biết cảm thương với người nghèo hơn. Vì mang tật nguyền
trên mình, tôi hiểu được nỗi đau của tha nhân. Vì thấy mình giới hạn, tôi đặt
niềm tin vào Chúa nhiều hơn. À, cuối tuần nào tôi cũng được cùng mẹ và chị đi Lễ
với bà con chòm xóm để nghe Lời Chúa. Vui lắm !