Việt Nam năm Giáp Ngọ: Con ngựa gỗ
Lê Diễn Đức
Cứ tưởng là đất nước có nhiều
thay đổi, cũng bằng anh bằng chị, chẳng thua kém ai, ở Việt Nam sương nhất, cái
gì cũng có, v.v… Đó là những điều mà kẻ có tiền (bất chính) huênh hoang, thiển
cận, chỉ nhìn vào bản thân mình, tự so sánh với chính mình, với cái ngày ăn cơm
độn mì, khoai lang.
39 năm hoà bình, với sự ngu xuẩn cộng với lòng kiêu hãnh đắc
thằng, Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đã đưa cả nước xuống bờ vực của đói rét.
Các nhà nghiên cứu phương Tây đánh giá rằng, vào nửa sau của thập kỷ 80, có 3
triệu người bị đói ở nông thôn, 12 triệu người không đủ ăn. Đảng đã phải giật
mình choàng tỉnh để tự “cởi trói”, “đổi mới”. Cứ xét từ năm 1986, từ giai đoạn
ấy, đầu tư nước ngoài FDI, đầu tư ưu đãi phát triển ODA, đầu tư ngân sách, tiền
kiều hối gửi về khoảng 10 tỷ USD/năm… phải tới hàng trăm tỷ USD đổ vào mảnh đất
chỉ hơn ba trăm ngàn hai trăm km2 trong hơn hai thập niên, thì không thay đổi
mới là lạ. Nhưng nếu các dự án, công trình không bị rút ruột từ 10-40%, không
có những con tàu nát của Vinashine hay ụ nổi sắt vụt của Vinalines, không bị bộ
máy tham nhũng, lãng phí chèn ép, thì sự thay đổi còn có thể nhiều hơn gấp bội.
Nhưng tất cả những thay đổi, suy cho cùng, cũng chỉ khá hơn cái
thời khốn khó trước năm 1986. Trừ một bộ phận quan chức và đám ăn theo giàu lên
nhanh chóng, ăn xài hoang phí nhờ trục lợi từ hệ thống chính trị đầy bất công,
còn lại đa số người lao động vẫn chật vật kiếm cơm qua ngày. Người nông dân vẫn
lam lũ trên ruộng đồng và học sinh miền núi vẫn cơm không đủ no, áo không đủ
mặc.
Nhìn ra thế giới, sau hơn hai thập niên mở cửa, rồi tham gia WTO,
Việt Nam vẫn nằm ở đáy của các tiêu chuẩn phát triển.
Theo các chuyên gia World Bank năm 2008, với tốc tộ tăng trưởng
hiện có (7%), Việt Nam phải mất rất lâu nữa mới đuổi kịp các nước trong khu vực
Đông Nam Á: 158 năm với Singapore, 95 năm với Thái Lan và 51 năm với Indonesia.
Trong khi tăng trưởng giảm sút từ năm 2011, năm 2013 chỉ còn 5,2%, mà người ta
sẽ đứng một chỗ để chờ Việt Nam đuổi theo chăng?
Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố trong
năm 2013, chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam xếp hạng 70 trên 148
nền kinh tế, tăng 5 hạng so với năm 2012.
Mặc dù Việt Nam tăng 5 hạng, từ 75 lên 70, nhưng vẫn còn khoảng
cách rất xa so với Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 24) hay Thái Lan (thứ 37).
Tăng hạng nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia đứng trong nhóm giai
đoạn thứ nhất, tức là giai đoạn cạnh tranh nhờ các yếu tố cơ bản, giống như
nhiều nước châu Phi.
Nền kinh tế có sức cạnh tranh không chỉ dựa vào một số yếu tố cơ
bản mà sự cạnh tranh phải nhờ hiệu quả/hiệu suất công việc và trí tuệ sáng tạo.
Theo WEB, Việt Nam chưa được xếp vào giai đoạn chuẩn bị chuyển tới giai đoạn
hiệu quả, chưa nói tới giai đoạn sáng tạo, khác với Philippines, Sri Lanka,
Brunei… đã được xếp như thế.
Thông điệp của báo cáo của WEF cũng cho thấy thể chế tốt và sáng
tạo là hai yếu tố quan trọng tạo ra năng lực cạnh tranh của quốc gia. Cả hai
vấn đề này ở Việt Nam, thể chế và sáng tạo đang rất yếu kém.
Về thể chế, Việt Nam được xếp hạng 98 thế giới, đứng thứ 9 trên 10
quốc gia của khu vực ASEAN, chỉ hơn mỗi Myanmar, nhưng chỉ về mặt lý thuết chứ
thực chất Myamar đang chuyển mình đi vào lộ trình dân chủ. Trong cuộc điều trần
UPR ngày 5/02/2014 tại Genève, đại diện Myamar đã kiến nghị Việt Nam thúc đẩy
dân chủ, tôn trọng pháp quyền và nhân quyền.
Một thể chế chính trị độc đảng, chính phủ không được thiêt lập từ
bầu cử tự do, đảng cầm quyền hoạt động ngoài vòng pháp luật, định hướng đất
nước theo con đường xã hội chủ nghĩa siêu thực, là gánh nặng nhất làm trì trệ
sự phát triển.
Về sáng tạo, Việt Nam xếp hạng 85 thế giới. Chất lượng giáo dục
rất quan trọng cho hai yếu tố này, nhưng tương tự như những năm trước đây, giáo
dục và đào tạo bậc cao của Việt Nam lại bị xếp hạng ở tận thứ 95.
Ngoài ra, mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ mới của Việt Nam xếp
hạng 102.
Thành tích nghiên cứu ứng dụng của Việt Nam còn quá khiêm tốn so
với các nước trong khu vực. Về bằng sáng chế, ở đây được hiểu là bằng sáng chế
Mỹ (US patent) bởi uy tín của nó. Trong 5 năm gần đây nhất 2006-2010, Việt Nam
chỉ có 5 bằng sáng chế, thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Singapore là nước có nhiều bằng sáng chế (BSC) nhất, 2.496 bằng, gấp
khoảng 3 lần nước đứng thứ hai về thành tích này, Malaysia.
Thống kê của USPTO cho thấy trong các nước Đông Nam Á: 1.
Singapore ( 4,8 triệu dân): 2.496 BSC; 2. Malaysia (27,9 triệu
dân): 877 BSC; 3. Thái Lan (68,1 triệu dân): 206 BSC; 4.
Phillipines (93,6 triệu dân): 143; 5 BSC; Indonesia (232 triệu dân): 74
BSC; 6. Việt Nam (89 triệu dân): 5 BSC.
Thời gian qua, Việt Nam đã thu hút được khá nhiều đầu tư nước
ngoài FDI phần nhiều cũng từ những lợi thế về quy mô thị trường (thứ 36) và thị
trường lao động (thứ 56). FDI góp đến khoảng 20% vào GDP của cả nước, riêng năm
2014 số vốn đăng ký là 22 tỷ USD, một cứu cánh cho nền kinh tế ảm đạm. Tuy
nhiên sự đóng góp cho ngân sách và thuế của khu vực này rất hạn chế.
Theo kết quả điều tra gần 2.000 nhà đầu tư nước ngoài của Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong hai năm liền, lý do hàng đầu
khiến các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là chi phí giá lao động rẻ, được
ưu đãi về thuế và đất đai hay ổn định chính trị…
Nhưng đáng lo ngại nhất là trong 10 lý do hàng đầu để các nhà đầu
tư chọn Việt Nam, không có yếu tố nào thuộc về chất lượng điều hành của chính
quyền (như cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát tham nhũng, bảo vệ quyền tài
sản, bảo hộ đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ…
Trong khi đó, qua phân tích từ điều tra, chính chất lượng điều
hành, quản lý là nhu cầu hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng
cao, công nghệ tốt, mang lại nhiều giá trị gia tăng…
Tại phiên họp của Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng
cao năng lực cạnh tranh vào ngày cuối cùng năm 2013, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
đưa ra nhiều thông điệp và cam kết. Nhưng đấy là những câu khẩu hiệu sáo rỗng
không mang tính khả thi.
Nợ công, theo các chuyên gia đạt mức 95% GDP là một con số nguy
hiểm cho một nền kinh tế nhỏ bé như của Việt Nam, nợ doanh nghiệp nhà nước hơn
60 tỷ USD không tính vào nợ công, nợ xấu trên tổng dư nợ của các tổ chức tín
dụng đã đạt 146,5 nghìn tỷ đồng (6,94 tỷ USD) trong năm 2013, tăng 23,73% so
với năm 2012, cứ mỗi quý phải trả 1 tỷ USD cả gốc lẫn lãi (khoảng 25 – 26 ngàn
tỷ đồng), bất động sản đóng băng với khoản nợ gần 10 tỷ USD , hệ thống ngân
hàng mất lòng tin nghiêm trọng… Chỉ xoay xở trong mớ những chỉ số này đã
là nan giải, nói gì đến phát triển.
Từ năm 2004, khi mà các chỉ số kinh tế đang cao, nhìn nền kinh tế
theo định hứơng xã hội chủ nghĩa, nhà báo Ba Lan Maria Kruczkowska đi Việt Nam
về đã dự báo “Việt Nam: con rồng không bay“. Đến tháng 7/2012 tờ
Foreign Policy đánh giá ”Phép lạ với Việt Nam kết thúc”. Đến tháng
10/2012, tờ Newsweek mô tả “Từ hổ đến mèo: Kinh tế Việt Nam trật đường rầy”.
Các dự đoán đều chính xác. 2013, một năm khó khăn, bế tắc. 2014, năm Giáp Ngọ,
kinh tế Việt Nam chỉ có thể là… con ngựa gỗ!
© Lê Diễn Đức – RFA