4 lý do cho thấy ông Putin đang thua cuộc ở Ukraine
Người dân biểu tình phản đối Putin xâm lược Ukriane |
Trong bối cảnh bán đảo Crimea đang ở vào tình trạng “nước sôi lửa bỏng”, có một số dấu hiệu cho thấy "đưa quân đội vào Ukraine" sẽ là thảm họa đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Dư luận Nga phản đối can thiệp Ukraine
Theo bài viết mang tiêu đề: "4 lý do cho thấy ông Putin đang thua cuộc ở Ukraine" đăng trên tờ TIME (Mỹ), ở nước Nga, hành động can thiệp vào Ukraine là một trong những quyết định của ông Putin nhận được ít sự ủng hộ của người dân nhất. Một cuộc khảo sát do chính điện Kremlin tiến hành cho thấy 73% người Nga tham gia khảo sát phản đối nước này can thiệp vào Ukraine.
Gần 3/4 người dân Nga phản đối bất kỳ kiểu “phản ứng” gì của Mátxcơva với Ukraine, không nói tới một hành động quân sự mà Nga đang thể hiện ở Crimea hiện nay. Hành động can thiệp vào Gruzia của Nga năm 2008 nhận được nhiều sự ủng hộ từ trong nước. Lí do là Gruzia không phải là Ukraine. Ukraine là một quốc gia thuộc tộc người Slavơ có mối quan hệ văn hóa và lịch sử thân thiết với Nga. Phần lớn người Nga có ít nhất một người thân hoặc bạn bè đang sinh sống ở Ukraine. Do vậy, chỉ cần tưởng tượng ra một cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” giữa hai quốc gia Slavơ lớn nhât thế giới cũng đủ khiến người dân Nga “rùng mình”.
Nền kinh tế Nga đã chịu tổn thất từ việc can thiệp Ukraine
Khi các thị trường mở cửa vào ngày 3/3, các nhà đầu tư đã thể hiện phản ứng trước sự can thiệp của Nga vào Ukraine cuối tuần. Kết quả là các chỉ số chứng khoán chính của Nga đã giảm xuống hơn 10%.
Chỉ trong một ngày, 60 tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán Nga, nhiều hơn số tiền Nga chi cho Thế vận hội mùa đông Sochi vừa qua. Tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom, công ty đem lại gần 1 /4 tổng số thuế của Nga, đã mất 15 tỷ USD giá trị trị trường chỉ trong 1 ngày – bằng với số tiền Nga từng hứa sẽ cho Ukraine vay.
Giá trị đồng Rúp Nga so với đồng Đô la Mỹ đã xuống thấp kỉ lục và Ngân hàng trung ương Nga đã phải chi 10 tỷ USD cho các thị trường hối đoái để vực dậy đồng nội tệ.
Ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Nga cũng không muốn sáp nhập với nước này
Hôm 3/3, quốc gia giàu dầu mỏ Kazakhstan, thành viên quan trọng nhất của tất cả các liên minh do Nga khởi xướng, thể hiện lập trường lên án Nga. Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo nước này thể hiện lập trường đối lập với Nga về một vấn đề chiến lược như vậy: “Kazakhstan bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Ukraine. Kazakhstan kêu gọi tất cả các bên dừng sử dụng bạo lực để giải quyết tình hình”, Bộ Ngoại giao Kazakhstan tuyên bố.
Các nước láng giềng Nga lo sợ rằng việc Mátxcơva can thiệp vào Ukraine sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm. Mọi quốc gia thuộc Liên Xô (cũ) từ Trung Á cho tới Baltic đều có lượng lớn cư dân nói tiếng Nga. Do vậy, nếu Nga tự cho mình quyền “xâm lược” Ukraine khi nào cảm thấy những người nói tiếng Nga bị đe dọa, lẽ tự nhiên là bất kỳ quốc gia đồng minh nào của Nga trong khu vực cũng phải tìm cách để không bị rơi vào hoàn cảnh như Ukraine hiện này.
Các quốc gia ở Đông Âu và vùng Cápcadơ, bao gồm Armenia, một đồng minh trung thành của Nga, có thể sẽ tìm cách làm thân với EU và NATO. Với các quốc gia ở Trung Á, việc tăng cường an ninh đề phòng Nga can thiệp sẽ có nghĩa phải củng cố quan hệ, bao gồm quan hệ quân sự, với Trung Quốc.
Nga sẽ ngày càng bị phương Tây cô lập
Hồi tháng 6/2013, Tổng thống Putin lên kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Sochi. Nhưng hôm 2/3, tất cả các quốc gia phương Tây đều tuyên bố hoãn các công tác chuẩn bị cho Hội nghị này để phản đối việc Nga can thiệp vào Ukraine.
Trong những năm gần đây, một trong những trở ngại lớn nhất trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây là kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu. Nga coi đây là mối đe dọa chính tới an ninh của nước này. Nhưng sau khi Nga quyết định đưa quân tới Crimea, Ukraine, nhưng tất cả những công sức của Mátxcơva dùng biện pháp ngoại giao để cản trở phương Tây phát triển hệ thống này như bị “đổ xuống sông xuống biển”.
Bên cạnh đó, nước Nga của Tổng thống Putin cũng đối mặt với nguy cơ bị phương Tây áp đặt các lệnh cấm vận về kinh tế để “trả đũa” việc Nga can thiệp vào Ukraine.