Em gái của trời
(Cusiu)
Chương 1
Sau 5 ngày bỏ nhà đi bụi thì cuối cùng tôi
cũng chịu mò về nhà, vì hay tin ngoại tôi chống gậy đi tìm. Ngoại mắt không
thấy đường, tai nghễnh ngàng rồi, vừa đi vừa gào tên tôi khắp làng khắp xóm.
Nghe thằng bạn kể tới đó thôi tôi cũng không đủ can đảm ở cái chòi vịt nhà nó
một thêm ngày nào nữa, sợ thì ít mà thương ngoại thì nhiều, ngoại nuôi tôi từ
bé đến giờ, ngoại cưng tôi nhất.
Lần đầu tiên trong đời tôi dạt nhà vì cái lý
do chẳng giống ai, đó là ba tôi lấy vợ khác sau hơn 10 năm gà trống nuôi...
tôi. Đó là một phụ nữ người gốc Huế, bán bánh bèo lọc nậm ở chợ huyện, quen ba
tôi trong một lần ba tôi tới tiêm thuốc cho mấy con heo nhà bả (ba tôi là bác
sĩ thú y, gọi thế cho oai chứ chả có bằng cấp gì, toàn bị chúng nó gọi là “bác
sĩ heo”). Sau đó thì bả hay ghé nhà tôi vì nhà tôi gần chợ, bả đi bán sẵn ghé
luôn, thỉnh thoảng có mua quà cho tôi, ban đầu thì tôi thích lắm, cho gì
cũng lấy. Nhưng sau khi biết ba tôi chuẩn bị lấy bả làm vợ thì tôi vứt hết, vứt
sạch. Thậm chí thấy bả tới nhà là tôi bỏ đi ra ngoài, không thèm chào như trước
nữa.
Đến trước ngày cưới một hôm thì tôi bỏ đi,
mọi người bận bịu quá nên chắc chả ai để ý đến tôi, khiến kế hoạch phá vỡ đám
cưới của tôi sụp đổ. Cưới xong mới bắt đầu thấy có người í ới đi tìm. Ừ thì về
nhà, chả ai dám nói gì, nói là tôi bỏ đi nữa, bây giờ tôi oai lắm, ai cũng sợ
tôi, tôi dám bỏ nhà đi bụi cơ mà. Nghĩ thế nên tôi chả thèm chào hỏi ai, lầm
lũi xuống bếp bới cơm rồi mang ra vườn ngồi trên khúc cây đổ ăn, ngấu nghiến
như một con chó con đói lâu ngày, xong rồi thì lăn ra ngủ, mặc kệ.
Từ đấy tôi bắt đầu gắt gỏng, thỉnh thoảng còn
bỏ ăn, bả gọi tôi không thèm thưa, trả lời thì luôn trống không và chưa một lần
tôi gọi bả là mẹ. Tôi cố tình chống đối và tỏ ra khó chịu với mẹ ghẻ, mặc dù bả
không làm gì tôi cả. Có lần tôi nghe trộm được bả nói với ba tôi là bả thương
tôi như con đẻ, từ từ bả sẽ lấy được thiện cảm của tôi. Đừng mơ lừa được tôi
nhé “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng” Câu này
tôi thuộc lòng từ lâu rồi, tôi thách đấy!
Cứ thế năm tháng sau trôi qua, bả vẫn lầm lũi
tiếp cận và lấy lòng tôi, còn tôi thì ngày càng ngang ngạnh, có lúc tôi còn nói
hỗn với bả. Ba tôi thì vốn hiền lành như khúc củi, ổng lại bị thọt một chân,
chưa bao giờ ổng đánh tôi cả. Thế nên tôi càng được thể lấn tới.
Rồi một ngày bả dắt một con bé về, nó đen
nhẻm, tóc đỏ quạnh như cháy, quần áo thì quê mùa. Đích thị là con bé nhà quê vì
chỉ có bọn nhà quê mới thắt tóc bím 2 bên và mặc áo tay phồng, bọn con gái lớp
tôi nó bảo thế. Nó khúm núm chào tôi, mặt có vẻ sợ hãi vì tôi trừng mắt nhìn
nó. Ba tôi bảo nó là con riêng của “mẹ”, ở dưới quê với bà nội, vì học chưa hết
học kỳ nên bây giờ mới chuyển tới ở được, bảo tôi từ đây chăm sóc bảo
ban em học hành.
Tôi chả thèm nói gì, bỏ đi đá bóng, con riêng
với chả con chung, rõ là rách việc.Từ ngày có nó tôi lại càng thêm khó chịu, nó
đi ra đi vào, đụng cái này ngó cái kia. Cái gì cũng hỏi, cũng cầm lên lắc lắc
thử, coi bộ mới thấy lần đầu. Sai nó ủi đồ thì nó lớ ngớ làm cháy mất cái áo đi
học vì không biết vặn chỉnh nhiệt độ, bắt nó chép bài hộ thì nó chép ra cả lề
vở (sau này tôi mới biết vở nó cuốn nào cũng thế, chép ra lề để tiết kiệm). Đến
việc sai mở tivi nó cũng không biết cách, rõ là quê một cục. Tôi bực mình chửi
nó: “Mày chưa xem tivi bao giờ à?” Nó đỏ mặt, nó bảo bà nội nó cũng có cái đài
casset, nhưng mà chỉ có tiếng, không có hình người.
Tóc nó ban đầu tôi tưởng nó nhuộm, sau hỏi nó
mới bảo là ở dưới quê đi chăn bò với lội ruộng nhiều nên nó bị cháy. Nghe thế
tôi cười hô hố.. Vào năm thì nó đi học, nó học thua tôi hai lớp, tôi học lớp 8,
nó học lớp 6. Trẻ em ở quê thì thường dậy thì muộn, đến lớp 10 tôi mới bắt đầu
“lớn”, lớp 8 tôi vẫn còn còi cọc và trẻ con lắm, hầu hết con trai trong lớp tôi
đều thế, chả riêng gì tôi. Nó còn thê thảm hơn tôi, gầy đét và còi cọc như con
bé tiểu học, mới đầu nghe nó nói nó học lớp 6 tôi còn há mồm không tin.
Nhà có mỗi một chiếc Phượng Hoàng nên ba tôi
bắt tôi phải chở nó đi học, mặc dù tôi cực lực phản đối. Mấy ngày đầu tôi phóng
cái vèo đi trước, mặc kệ nó lủi thủi đi bộ theo sau. Mẹ nó thì đi bán từ sớm,
ba tôi thì không đi xe đạp được với lại cũng chả có xe, thế nên nó phải cuốc bộ
đến trường, mặc dù khá xa. Có lần quên tập, tôi chạy ngược xe về nhà thì thấy
nó đang mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi đỏ gay vì mệt, tôi lấy làm đắc chí lắm, nghĩ
bụng: “cho mày chết đi con nhà quê”...
Một lần nó sốt mấy ngày liền do đi học nắng
quá, nó vẫn giấu không cho ba tôi và mẹ nó biết vụ tôi không chở nó đi học.
Thấy nó nằm rên hử hử trên giường, lúc tỉnh nó còn dặn tôi để quần áo đấy nó
giặt, nó đang mệt quá không giặt được. Nghe nó lảm nhảm tự nhiên thấy hơi.. tội
tội và có lỗi với nó.
Nó hết sốt và đi học lại thì tôi bắt đầu cho
nó đi chung xe, ban đầu nó hơi ngạc nhiên, sau nó cũng lên, suốt cả năm học tôi
chở nó, chưa bao giờ tôi thấy nó nói gì. Thỉnh thoảng có nghe nó hát nho nhỏ gì
đó, tôi quay lại thì nó lại im. Nó là một đứa khá khó hiểu, mãi cho đến lúc nó
đi xa mãi, tôi cũng chưa hiểu được nó, con em gái bé bỏng của tôi….
Chương 2
Sau vài lần bị bạn bè bắt gặp tôi chở con bé
đi học, bọn trong lớp tôi ngay lập tức rêu rao cái tin động trời này vào lớp:
“Thằng T có bồ rồi tụi bay ơi, thằng T có bồ rồi, bồ nó xấu như con ma lem”. Có
thằng còn thề sống thề chết là thấy bọn tôi ôm nhau, đúng là chém gió một cách
trắng trợn kinh tởm mà. Tôi thanh minh không được, điên máu gào toáng lên rằng
đó là “em họ” tôi, đứa nào còn nói nữa thì cẩn thận ăn đấm. Thấy tôi làm dữ,
bọn nó cũng chùn không nói nữa, nhưng tôi để ý bọn con gái nhìn tôi với ánh mắt
rất đểu, thỉnh thoảng có đứa còn đưa tay bịt miệng cười hi hí. Thật là một nỗi
oan động trời mà, tôi đẹp trai thế này, lại là con của bác sĩ... mà lại đi cặp
bồ với một đứa đen đủi xấu xí như thế à, nghĩ sao vậy chứ, thật bực mình hết
chỗ nói.
Hôm sau tôi quyết định không chở nó đi nữa,
kệ cho nó đi bộ. Nó cũng không nói gì, cúi đầu lặng lẽ rảo bước khi thấy tôi
phóng xe đi trước. Nhưng mà đi được một đoạn, ngẫm lại cái hôm nó ốm liệt
giường, thều thào xin lỗi đến tội nghiệp vì không giặt được quần áo, nấu cơm
cho tôi được, để tôi phải làm, nó nói như là nó có lỗi lắm ấy… Tôi quay xe lại,
dù sao thì…
Từ xa xa tôi thấy nó đang lững thững đi,
trông dáng nó bé tí teo như cục kẹo vậy, trên lưng là cái cặp to tướng. À mà
không giống cục kẹo lắm, nhìn kỹ thì giống con rùa con hơn, một con rùa cả
nghĩa đen và nghĩa bóng… Tôi bảo nó lên xe, nó im lặng bước lên, cũng lại chả
nói gì. Nó như là bản sao của mẹ nó vậy, không bao giờ chống đối hay hỏi han
điều gì, mẹ con nó như những người phụ nữ ở nhà thống lý Pá Tra ngày xưa…
Tôi đi đường tắt để tránh sự dòm ngó của bọn
trong lớp, con đường vòng vo và vắng nhà cửa. Tôi chở nó chạy xe băng băng qua
vườn điều, vườn cam, vườn mía, băng qua cả những ngày tôi phởn chí dừng xe lại
trèo vào bứt trộm ổi cho nó ăn, nó ở ngoài trông xe mà mặt tái mét, băng qua cả
những lần tôi điên tiết bỏ nó giữa đường cho nó đi bộ, làm nó bị trễ cả giờ
kiểm tra, băng qua cả những hôm bị xịt lốp xe, hỏng xe, tôi thì dắt, nó đi phía
sau phì phò đẩy hộ... Bây giờ thỉnh thoảng có dịp về quê tôi hay xách chiếc xe
đạp ngày xưa đi ngang con đường ấy để tìm lại kỉ niệm, có những lúc giật mình
buột miệng gì đó mà không thấy ai trả lời, tôi quay lại nhìn phía sau, không
còn thấy cô em gầy gò của tôi hai tay bám chặt vào yên xe, mặt ngơ ngác thay
cho câu hỏi nữa... Bất giác tôi không còn sức để đi tiếp, dừng xe lại… nước mắt
chảy dài...
Ngày ấy bọn tôi hay có trò chơi gảy hình,
hình Songoku và dũng sĩ Héc-man. Trong lớp tôi hầu như ngày nào cũng mở hội gảy
hình trước giờ học. Tôi chơi dở tệ nên thường xuyên thua sạch, bao nhiêu tiền
ba tôi cho mua sách vở bút mực tôi đều mua hình và cống nạp hết cho tụi bạn.
Hôm đấy cay cú vì lời thách thức của thằng bạn quá mà hết sạch tiền, tôi chả
biết làm sao cả. Ba tôi thì đi vắng chưa về nên không nói xạo để xin tiền được.
Tôi đánh liều... Lục cặp của nó trộm tiền, vì tôi biết mẹ nó hay dấm dúi tiền
cho nó mua mấy thứ linh tinh của bọn con gái. Định bụng khi thắng cuộc tôi sẽ
bán hình lại lấy tiền rồi khéo léo bỏ vào trả lại cho nó như không có chuyện gì
xảy ra. Ai ngờ đâu... tôi thua sạch sẽ…
Cả ngày hôm đấy tôi cứ lấm la lấm lét nhìn nó,
tôi chỉ sợ nó méc mẹ nó hay ba tôi. Rồi thì ba tôi vặn hỏi, tôi sẽ lắp bắp, rồi
thì lộ ra cả chuyện tôi không mua sách vở, rồi thì… lúc đấy thì chỉ có mà nhục
hơn chết.
Nhưng mà quái lạ là tôi không thấy nó nói gì,
tôi chắc chắn là nó đã biết vì tôi thấy nó soạn sách vở đi học, có lôi mấy thứ
trong cái ngăn đựng tiền ra. Nhưng dù sao, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm như vừa
thoát được một kiếp nạn…
Mãi sau này tôi mới phát hiện ra một điều, nó
là đứa con gái duy nhất trong trường đội nón lá đi học. Trước đây tôi tưởng
điều đó là bình thường vì thấy cô, dì, hay những phụ nữ tôi quen đều đội như
vậy. Nhưng khi nghe con gái trong lớp xì xào: “con bồ thằng T nó vẫn đội nón lá
đi học đấy, đúng là gái dưới quê lên có khác” thì tôi mới chột dạ, như thế là
nhà quê, là không hợp thời…
Tôi về nhà lôi nó ra hỏi: “Con kia, sao mày
lại đội nón lá đi học, đây có phải như dưới quê mày đâu, mày không biết xấu hổ
à?”. Nó lí nhí: “Tiền em dành được để mua nón hoa, em làm mất rồi”. Tôi đứng
hình và hiểu ra ngay, thì ra những khi mẹ nó cho nó tiền mua quà, mua bút sách
này nọ, nó đều tiết kiệm lại, vở nó viết ra cả lề, nó tính nháp ra chằng chịt
cái bàn học vì sợ tốn giấy, trong khi tôi thì giật giấy trắng trong tập gấp máy
bay phi ầm ầm, bộ đồ đi học của nó, cũng là được “thừa kế” của một người chị
họ, sách giáo khoa của nó cũng là đi mượn về, nhiều quyển còn bị xé lam nham…
Nó tiết kiệm từng đồng từng xu để rồi cuối cùng bị thằng khốn nạn như tôi ăn
cắp mất…
Tôi đuổi nó vào rồi ngồi thẫn thờ một lúc,
lần đầu tiên tôi nhận ra một điều là dù sao nó cũng là một đứa con gái, cũng
biết xấu hổ khi bạn bè chê cười, cũng thích nơ kẹp tóc và nón hoa như bao đứa
khác... Tôi thấy ân hận ghê gớm, tâm trạng nặng nề kéo dài mãi đến tận mấy hôm
sau...
Chương 3
Những ngày tháng trẻ con vụng dại ấy rồi cũng
trôi qua nhanh chóng, vẫn chiếc ngựa chiến ấy, tôi chở nó băng băng qua tuổi
thơ, băng qua những ngày tháng cuối cùng của đời học sinh ở trường huyện, nhưng
tôi không còn cố tình phóng nhanh để cho nó hoảng sợ nữa, tôi không còn bắt nó
đi bộ một đoạn rất xa khi gần đến trường để tránh bị phát hiện nữa. Tôi chở
thẳng nó vào trường, như thể một thằng anh trai chở em gái đi học. Ừ, nó là em
gái tôi mà, lần đầu tiên trong đời tôi có em gái, nó lại ngoan và hiền như thế,
có lý do gì để tôi bắt nạt nó hoài cơ chứ… Tôi nhận ra điều này, tuy muộn nhưng
không trễ. Nó thấy tôi bắt đầu đối tốt với nó, không còn quát mắng nó như xưa
nữa, không còn dọa đánh nó mỗi lần nó làm gì lớ ngớ nữa… Nó không nói gì nhưng
nó nhìn tôi lạ lắm, không còn thái độ sợ sệt như trước đây nữa, hình như mắt nó
có gì đó long lanh… Nếu nó là con cún con, tôi ắt hẳn nó sẽ vẫy vẫy cái đuôi bé
tí…
Một ngày cuối năm lớp 9, tôi đang ngồi học
trong lớp thì nó ở đâu chạy vào, nước mắt nước mũi tèm nhem: “Ba bị tông xe rồi
anh Bi ơi, người ta đưa vô bệnh viện rồi…”
Tôi chở nó phóng như bay vào bệnh viện, sáng nay có người mang ô tô đến chở ba tôi đi vào xã chích ngừa cho gia súc, bảo là chiều sẽ về…
Tôi chở nó phóng như bay vào bệnh viện, sáng nay có người mang ô tô đến chở ba tôi đi vào xã chích ngừa cho gia súc, bảo là chiều sẽ về…
Vừa để nó xuống xe, tôi phóng như bay vào
phòng cấp cứu, tôi biết nó ở chỗ nào vì bà ngoại tôi từng 2 lần nằm ở đây. Cô
dì chú bác họ hàng tôi đứng chật ngoài phòng cấp cứu, ba tôi vốn hiền lành và
tốt bụng nên được cả họ quý mến… Cô tôi thấy tôi đến thì chạy lại ôm chồm lấy
tôi khóc nức nở. Tôi hoảng loạn mặt mày tái mét, miệng lắp bắp: “ba… ba con...
sao rồi cô?” Cô không trả lời mà đưa tay lên bụm miệng rồi nấc càng mạnh... Tôi
hoảng quá, chạy lại túm lấy anh tôi, chú tôi, bác tôi… gào toáng lên: “ba con
sao rồi, ba con sao rồi…”. Không ai đủ dũng khí để nói gì với tôi, một thằng
mất mẹ từ năm 3 tuổi... Họ sợ phải chính miệng thốt ra với tôi rằng: “Bi à, ba
con mất rồi…”…
Từ ngày ba tôi mất, tôi biến thành một người hoàn toàn khác, không còn muốn quậy phá làng xóm nữa, không còn muốn đùa giỡn chạy nhảy nữa, tôi gần như là một cái xác không hồn… Bạn bè cũng nhìn tôi bằng ánh mắt khác, một ánh mắt đầy thương hại, lớp tôi còn tổ chức đến nhà tôi ”thăm và chia sẻ” với tôi, tôi biết thế nên trốn sang nhà ngoại, tôi chẳng cần ai thương hại hết, tôi chẳng cần ai hết, tôi chỉ cần ba tôi mà thôi… ba ơi…
Từ ngày ba tôi mất, tôi biến thành một người hoàn toàn khác, không còn muốn quậy phá làng xóm nữa, không còn muốn đùa giỡn chạy nhảy nữa, tôi gần như là một cái xác không hồn… Bạn bè cũng nhìn tôi bằng ánh mắt khác, một ánh mắt đầy thương hại, lớp tôi còn tổ chức đến nhà tôi ”thăm và chia sẻ” với tôi, tôi biết thế nên trốn sang nhà ngoại, tôi chẳng cần ai thương hại hết, tôi chẳng cần ai hết, tôi chỉ cần ba tôi mà thôi… ba ơi…
Con em gái tôi, từ dạo đó cũng trở nên ít nói
hơn. Hằng ngày tôi vẫn chở nó đi học, vì tôi chỉ còn vài tháng ngắn ngủi nữa là
hết cấp 2 rồi, dù sao thì như ngoại tôi nói, tôi phải cố học để ba mẹ tôi ở
dưới suối vàng được yên lòng...
Cô tôi sang nhà nói chuyện với mẹ kế của tôi
về việc để tôi qua nhà cô ở, cô sẽ nuôi và chăm sóc tôi. Tôi ở trong buồng nghe
mẹ kế nói, chậm rãi và từ tốn bằng giọng Huế khá nặng, rằng bà thương tôi như
con, ba tôi mất rồi nên bà phải có trách nhiệm nuôi nấng tôi nên người, bà nhất
định không để tôi phải khổ…
Từ đấy mẹ kế tôi nuôi tôi và em gái bằng gánh
hàng chợ nắng đắt mưa ế, bằng những buổi sáng dậy sớm tinh sương để nặn nặn gói
gói chiên chiên xào xào. Tôi nghe hai mẹ con họ thì thầm, để tránh gây ồn “cho
anh Bi ngủ... “, tôi nghe con em kể chuyện đi học ở trường, tôi nghe họ nói đến
những gì cao xa và tốt đẹp lắm... Chiếc đèn Hoa Kỳ treo ở bếp in bóng hai người
phụ nữ bé nhỏ ấy vào tường, in cả vào những giấc mơ của tôi sau này, giấc mơ có
mùi hành phi thơm phức… Con bé em tôi từ dạo đấy phải dậy sớm để phụ mẹ nên bị
thiếu ngủ, có lần tôi chở nó đi học, quay xe lại nhìn thì thấy tay nó vẫn bám
chặt yên, nhưng mắt thì đã nhắm nghiền từ lúc nào, lông mi nó dài và cong lắm…
Nhiều lần tôi áy náy quá, cố dậy theo để phụ
làm bánh, nhưng mẹ kế nhất quyết không cho, nằng nặc bảo tôi đi ngủ, bà nói
rằng chỉ còn vài tháng nữa là thi chuyển cấp 3 rồi, tôi nhất định phải đậu
trường chuyên trên tỉnh, cứ học giỏi vào là khổ bao nhiêu bà cũng chịu được,
còn con Luyến (em gái tôi) thì chưa phải chuyển cấp nên để nó phụ. Bà xua tôi
vào ngủ như xua tà…
Cuối cùng tôi cũng đậu vào trường chuyên trên
thị xã thật, con em tôi là người biết đầu tiên. Nó cầm tờ giấy báo phóng ra
ngoài mương câu cá để tìm tôi, bộ dạng nó hớn hở còn hơn cả tôi. Nó đưa tôi tờ
giấy, mắt nó mở to và rạng rỡ: “anh Bi xem này. “. Tôi cầm tờ giấy báo trên
tay, vui thì ít mà nhớ ba tôi thì nhiều... Nếu ba tôi mà còn sống, chắc chắn
ông sẽ vứt cả nạng mà chạy đi tìm tôi… “Bi phải thi khối B, làm hẳn bác sĩ, bác
sĩ thật, chứ không phải bác sĩ heo như ba… ”
Chương 4
Trường mới cách nhà tôi gần 50km, tất nhiên
là với chiếc xe đạp cọc cạch, tôi không thể nào đạp xe đến trường với một
khoảng cách xa như vậy được. Vì vậy chắc chắn nếu tôi đi học cấp 3 trên đấy,
tôi phải trọ học, phải xa nhà. Vấn đề ở đây không phải là tôi không muốn đi học
xa, mà là vì nếu ở trọ thì sẽ có biết bao nhiêu vấn đề phát sinh. Tiền nhà trọ,
tiền ăn, tiền học, tiền điện, tiền nước... Tiền tiền tiền, thứ mà nhà tôi thiếu
nhất vào lúc này, khi trụ cột là ba tôi đã không còn nữa...
Lúc ngồi ăn cơm, tôi bảo với mẹ kế: ”Thôi con
ở nhà học cũng được, ở trọ rồi tiền đâu mà học, với lại con thích ở nhà thôi,
lên đó biết chơi với ai”. Bà nghe vậy thì dừng đũa, nói với tôi một cách nghiêm
nghị nhất: “Con nghe cô, con nhất định phải đi học, cô còn lo được thì con cứ
an tâm mà học hành, sau này cô già yếu không còn sức nữa thì con còn phải thay
cô lo cho con Luyến nữa chứ… ”. Bà nói nhiều lắm, đại ý như là tôi phải hoàn
thành tâm nguyện của ba tôi, sau này tương lai còn dài lắm, rồi thì cứ học thật
giỏi, phải làm gương cho em... Bà ít học, nửa chữ cắn đôi bà cũng không biết,
nên bà cảm nhận được cái sự khổ của việc không được đến trường, được đi học...
Con Luyến nó cũng ngồi im nghe, nó cũng mong tôi đi học lắm, nó còn bảo sau này
nó cũng muốn vào trường chuyên như tôi, nó sẽ học để làm cô giáo…
Một ngày cuối tháng tám, tôi dậy rất sớm để
chuẩn bị lên đường, áo len mũ trùm kín mít vì trời lạnh. Chiếc balo đã chật
cứng quần áo con Luyến nó xếp vào cho tôi hôm qua, một cái bao đựng hũ ruốc khô
mẹ kế làm, một bao gạo đựng trong túi cám con cò, vài thứ vật dụng linh tinh…
Ngày ấy phương tiện di chuyển còn ít, đi đâu xa xa là phải đi bằng ô tô than,
mỗi lần ba tôi đi lên thị xã mua thuốc hay học lớp kỹ năng nông nghiệp về là áo
quần ướt đẫm mồ hôi và bồ hóng bụi than thì bám đen kịt, lấm lem mặt mũi như
Bao Công...
Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi rời
khỏi cái phố huyện nghèo, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Mẹ kế hôm đấy vẫn đi bán,
vì nghỉ bán một ngày là cụt vốn ngay. Tối hôm trước bà đã dặn dò tôi đủ điều
rồi, ngồi nghe căn dặn, tôi bắt đầu cảm nhận được tình cảm của bà dành cho tôi,
đứa con riêng của chồng suốt ngày chỉ biết chống đối và quậy phá…
Tôi chở con Luyến qua nhà ngoại, để nó ngồi
sau ôm ba lô và đồ đạc cho tôi. Ngoại tôi biết là sáng nay tôi sẽ qua nên đã
chống gậy đứng sẵn ngoài cửa chờ từ lúc nào. Ngồi nói chuyện với ngoại một lúc
thì tôi chào ngoại về để kịp xe, ngoại dúi cho tôi một cục tiền lẻ cuộn tròn và
cột chặt bằng dây thun, bảo tôi cầm lấy thỉnh thoảng ăn quà, cục tiền tròn vo
và cũ kỹ, có lẽ ngoại đã dành từ rất lâu rồi… Ngoại dặn tôi phải học cho giỏi
để làm bác sĩ, để về chữa bệnh đau lưng cho bà, để chữa mắt cho bà, để bà lại
được dịp đi lòng vòng khắp xóm để khoe “Thằng cu Bi nhà tôi nó đậu to lắm, đậu
trường to nhất trên thị xã…”… Giờ tôi cũng đã thành bác sĩ, nhưng ngoại tôi thì
đã đi xa lắm rồi…
Bến xe quê tôi thực chất nó chỉ là một khu
đất trống gần chợ, sáng thì nó là bến xe, quá trưa thì thành chỗ phơi cá khô
của tiểu thương trong chợ, chiều thì thành chỗ đá bóng của trẻ con. Con Luyến
nó nhất quyết chờ tôi lên xe rồi mới chịu về, tôi bị nhét ra hàng ghế sau cùng,
tôi úp mặt vào cửa kính phía sau xe, nhìn ra cái bóng bé tẹo của nó xa dần xa
dần trong lớp sương mờ của buổi sáng miền núi. Sau này có dịp đi ô tô, xe bus,
tôi thường chọn cho mình dãy ghế sau cùng, chỗ mà người ta tránh nhất, để thỉnh
thoảng nhìn ra cửa kính, tìm kiếm một cái gì đó, một cái gì đó thật mơ hồ…
Chương 5
Trường trên thị xã khác hẳn ở dưới quê tôi,
tuy không mát mẻ và nhiều bóng cây bằng nhưng rất rộng và sạch sẽ. Sau hai ngày
đầu bỡ ngỡ thì anh con của bác hàng xóm dưới quê cũng tìm được cho tôi một
phòng trọ ở gần trường, ở chung với một anh người Tày lành như đất lên thị xã
học theo diện chính sách.
Ngoài giờ đi học thì tôi hay lăng quăng ra bờ
hồ gần trường để đi dạo, ra sân vận động xem đá bóng, thỉnh thoảng buồn quá thì
trèo lên cái cột nước ở gần trường để ngồi ngắm nhà cửa, xe cộ, cây cối bé tẹo
ở phía dưới. Học trường mới lớp mới, trong lớp toàn học sinh của thị xã con nhà
khá giả nên với bộ dạng hai lúa và khù khờ của mình, tôi hầu như không thể hòa
nhập được với bọn chúng. À mà thật ra tôi cũng chả muốn chơi với ai cả, chỉ
muốn đi học rồi về, ai hỏi thì trả lời, không thì thôi, có hôm cả ngày tôi
không nói tiếng nào. Một thời gian thì tôi bị liệt vào thành phần lập dị trong
lớp, nhưng tôi chả mấy quan tâm về điều này.
Cứ đều đặn đầu tháng là mẹ kế tôi gởi gạo,
tiền, mắm muối và những thứ cần thiết lên cho tôi. Tháng nào cũng như tháng
nào, chưa một lần bà để tôi đói hay thiếu thốn. Thỉnh thoảng con em tôi nó có
biên thư lên, lá thư của nó thường có ba phần, một phần của ngoại tôi, một phần
của mẹ kế, và một dòng ngắn ngủn của nó cuối thư “Anh Bi ráng học cho giỏi
nghen...”. Hầu như lần nào cũng chỉ có vậy, nhưng tôi vẫn háo hức khi mỗi lần
nhận được thư của nó, nét chữ của nó tròn vo và nắn nót, tôi đọc được nét mặt
của nó trong thư...
Mặc dù trường cách nhà tôi cũng không xa lắm,
chỉ khoảng 50 cây số, nhưng ngày xưa đi lại khó khăn và cũng sợ tốn kém nên tôi
ở một lèo đến giáp Tết cũng chưa chịu về nhà.
Hôm ấy đi học về thì tôi thấy con Luyến đứng
trước nhà, tay cầm mảnh giấy ghi địa chỉ. Tôi ngạc nhiên lắm, chạy ngay lại hỏi
nó: “Mày đạp xe lên đây à, xa thế mà mày cũng đi được, mày có hâm không đấy?”
Nó bảo với tôi là nó được nghỉ 2 ngày nên lên
thăm tôi, nó đi từ lúc 5 giờ sáng bây giờ mới tới. Với lại nó cũng muốn lên xem
thị xã nó như thế nào...
Tôi gỡ những thứ linh tinh trên xe xuống cho
nó. Gạo, bánh của ngoại, nửa con vịt của cô, và một bọc bánh tráng nướng nát vụn
vì đi đường xa...
Tối hôm đấy nó ngủ lại phòng tôi vì tôi không
cho nó đi xe về buổi tối, sợ nguy hiểm. Anh người Tày biết ý nên sang nhà hàng
xóm ngủ nhờ và cũng vì cái phòng tôi bé tẹo nên không đủ chỗ cho ba người. Nó
đi đường xa mệt nên đi tắm rồi lăn quay ra ngủ. Tôi thì ngồi học bài đến khuya…
Phòng của tôi chỉ rộng 12m2 và kê đủ thứ linh
tinh rồi nên chỗ ngủ cũng là chỗ ăn cơm, chỗ tiếp khách. Tôi nằm xuống cạnh nó,
lần đầu tiên trong đời tôi nằm gần một đứa con gái như thế. Tôi quay mặt vào
tường nhưng có cái gì đó thôi thúc, thôi thúc khiến tôi quay sang nhìn nó. Con
em tôi học lớp 8 rồi, cũng bắt đầu lớn rồi. Trong ánh sáng mập mờ của cái đèn
học tôi chợt nhận ra nó không còn là con bé đen nhẻm dạo trước nữa. Hai năm ở
nhà tôi không phải chăn trâu bắt ốc, không phải ăn uống khổ cực nữa nên nó đã
mập và da dẻ đã trắng lên rất nhiều. Tôi nằm nghiêng đối diện nó, tự nhiên tôi
nhận ra là so với tất cả con gái tôi từng gặp hay học chung, không có đứa nào
đẹp bằng nó cả... Nó xinh lắm, xinh ghê gớm, sao bây giờ tôi mới nhận ra nhỉ,
hay là tôi xa nhà nửa năm nên nhìn nó lạ đi…
Năm ấy tôi cũng đã bắt đầu dậy thì rồi, cũng
vật vã và cào cấu như bao người khác, nhưng chuyện ấy và con gái đối với tôi là
một cái gì đó rất mơ hồ và siêu thực. Tôi không biết là mình muốn gì và cần gì
nữa, tôi đón nhận sự thay đổi của cơ thể, của tâm lý một cách tự nhiên và thuần
khiết nhất…
Tôi nằm ngắm trộm nó đến nửa đêm thì bỏ ra
ngoài đi dạo. Tôi sợ chính mình, sợ chính đôi bàn tay run cầm cập thò ra lại
rụt vào của mình, sợ chính cơ thể mình. Sợ con bé nằm ngủ ngoan như thiên thần
trước mặt mình... Tôi thấy mình thật ghê tởm và xấu xa như con quỷ...
Sáng hôm sau tôi viết giấy xin phép nghỉ học
rồi chở đi nó dạo quanh thị xã. Chỉ còn hơn nửa tháng nửa là Tết nên đường phố
đẹp lạ lùng, hay là điều gì khác trong tôi khiến tôi thấy nó bỗng nhiên đẹp
nhỉ. Tôi cũng không biết nữa, chỉ biết con em tôi nó cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn ngắm
những dãy nhà cao tầng, khu chợ nhộn nhịp đông đúc khác hẳn với cái chợ nhỏ
vắng teo ở nhà...
Tôi chở nó qua trường tôi đang học cho nó
xem, mua cho nó chiếc bánh kẹp trước cổng trường mà ở dưới quê không có, mua cả
cho nó một cái bờm kẹp tóc. Lâu lắm rồi tôi mới thấy nó cười, nó cười cũng
không giống những đứa con gái khác, có cái gì đó buồn xa xăm, mặc dù tôi biết
là nó vui thật...
Lúc nó về, tôi buột miệng bảo nó: “Em đi xe
cẩn thận đấy, về nhà thì qua nhà cô Tư gọi điện lên cho anh, cái số anh vừa
chép ấy''. Nói xong tôi mới nhớ đây là lần đầu tôi gọi nó bằng em, thôi kệ, tôi
thấy tôi và nó cũng đủ lớn để gọi như thế rồi, và tôi biết, điều đó khiến nó
vui...
Chương 6
Hai mươi chín giáp Tết tôi mới về đến nhà, bà
ngoại với cô tôi chờ sẵn ở nhà tôi từ lúc nào rồi, lúc ăn cơm họ hỏi han tôi đủ
thứ rồi lắng yên nghe tôi kể chuyện học trên thị xã, kể về nhà cửa phố phường,
về những thứ mà dưới quê tôi không có, về tất tần tật những chuyện xảy ra trong
nửa năm tôi xa nhà. Lần đầu tôi đi xa nên ăn cơm gia đình tôi thấy ngon và ấm
cúng lạ thường, không chê ỏng eo như ngày còn ở quê nữa. Tôi thấy mình thật dại
khi trước đây không biết trân trọng những bữa cơm đông đủ ở nhà...
Tối đấy tôi chở con Luyến đi dạo, tôi bảo nó
kể cho tôi nghe chuyện ở nhà, chuyện học hành của nó, chuyện linh tinh xóm
làng. Nó ngồi sau tôi thì thầm to nhỏ chuyện anh hàng xóm mới lấy vợ, chuyện
con chó ở nhà đẻ được hai con, biết ăn cơm thì nó cắp ra chợ bán, chuyện bà
ngoại hay chống gậy sang hỏi bao giờ thì thằng Bi nó về, chuyện về trường cấp 2
mới xây thêm một dãy nhà nữa...
Ngày ấy quê tôi chưa có đèn đường, nhưng vì
gần Tết nên nhà nào cũng thắp đèn sáng trưng để gói bánh, để thịt gà thịt
heo... Tôi chở nó đi xa tít, ra tận con đập nước ngoài ven, chỗ mà ngày còn ở
nhà tôi hay ra tắm với lũ bạn. Ngồi trên bờ đập nước, gió thổi mát lạnh, nói
chuyện với nó, tôi phát hiện ra rằng nó đã khác xưa rất nhiều, cũng đã bắt đầu
hiểu chuyện chứ không có khù khờ như dạo mới lên nữa... Nó đã lớn thật rồi, chí
ít là trong suy nghĩ...
Lúc nằm mơ màng ngủ, nhớ lại lúc ở trên con
đập, tôi chợt thấy xao xuyến lạ kì, sao hồi nãy nó cười duyên thế nhỉ, sao hôm
nay nó lại kẹp cái bờm của tôi mua cho nhỉ, trông đáng yêu và gọn gàng lắm,
không có bù xù như ngày trước... Tôi có tâm trạng ấy cũng là vì lên cấp 3, tôi
được đọc cuốn sách về tình yêu đầu tiên trong đời, hình như là quyển ''Đồi gió
hú''... Nói cách khác, là tôi đã bắt đầu biết mơ mộng, mơ mộng những thứ mà
trước đó tôi cho rằng vớ vẩn và đáng khinh...
Đấy là năm 1995, năm đầu tiên cấm nổ pháo vào
dịp Tết. Tết trở nên kém vui hẳn đi. Với lại nhà tôi đang có tang nên tôi cũng
chẳng muốn đi đâu, mấy ngày Tết quanh quẩn ở nhà một mình với chiếc ti vi trắng
đen có cái chốt vặn cọt kẹt. Mùng 5 Tết thì nó về nhà, nó đi về quê thăm bà nội
từ hôm mồng 2, hôm nay phải về để mùng 7 còn đi học lại. Nó bước vào nhà, mặc
chiếc váy màu xanh gấp nếp, áo sơ mi trắng cổ tròn. Đấy là kiểu thời trang ngày
xưa của hầu hết tụi con gái quê tôi. Giấu vẻ ngạc nhiên khi lần đầu thấy nó mặc
váy, tôi gật đầu khi nó chào rồi tiếp tục hướng mắt vào tivi. Nhưng thật ra,
thật ra tôi tò mò kinh khủng, tôi muốn quay sang nhìn nó, nhìn dáng nó trong
chiếc váy, nhìn thấy nó lần đầu ăn diện. Tôi cố gắng kiềm chế để nhìn lên tivi,
cố gắng không quay sang nhìn nó, cũng không biết vì sao tôi làm lại thế nữa.
Tôi chỉ biết là mặc dù nhìn thế, nhưng tôi không biết là tivi đang chiếu cái
gì, đơn giản là vì tâm trí và ý nghĩ của tôi thuộc về nơi khác...
Tôi lên thị xã học lại, mang theo nỗi bâng
khuâng kỳ lạ về cô em gái. Hình ảnh nó hôm Tết cứ ám ảnh tôi mãi, nó đi
vào cả những giấc mơ, những buổi chiều thơ thẩn, những lúc ngồi trên bồn nước
cao, trong lớp học, thậm chí nó lờ mờ hiện ra cả trên mặt nước bờ hồ, khiến tôi
phải giật mình cứ ngỡ là đang ngủ gật...
Đến tháng năm, lúc mà ve đã râm ran chuẩn bị
vào hè thì cô tôi biên thư lên bảo tôi về nhà gấp. Tôi thấy kì lạ là sao không
phải là em gái tôi, mà lại là cô tôi. Giọng của cô trong thư cũng gấp gáp lạ
thường. Chiều hôm đấy học xong tôi bắt xe rồi về quê ngay trong đêm...
Chương 7
May là hôm đấy tôi về ngay, chứ còn chần chừ
đến sáng hôm sau thì tôi đã không còn được gặp mẹ kế lần cuối nữa. Bà nằm trên
giường, vẫn tỉnh táo và nói chuyện được, nhưng bụng rất to như có chửa sắp
sinh, da thì tái nhợt. Cô tôi nói, bà bị xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối, trạm
xá trả về tối qua...
Con Luyến nó ngồi cạnh mẹ, tay nắm chặt lấy
mẹ. Tôi không biết là nó gan lỳ không khóc để tránh mẹ nó buồn, hay là nó đã
trốn vào góc nào đó khóc hết nước mắt rồi. Mặt nó phờ phạc đi vì thức đêm trông
mẹ, vì lo lắng, vì sợ hãi... Bà ngoại tôi thì khóc hết nước mắt, bà bảo bà có
một đứa “con gái” như mẹ là phúc của cả đời bà, phúc của thằng Cảng (bố tôi),
phúc của thằng Bi...
Tôi ra ngoài ngồi ủ rũ chẳng biết nói gì hơn,
chẳng biết phải làm gì trong lúc này. Một lúc sau thì cô tôi ra gọi tôi vào
buồng để mẹ kế tôi gặp. Bà nắm chặt tay tôi, thều thào bảo tôi phải học thật
giỏi để đỗ đạt cao, để sau này lo cho con Luyến... Bà nấc lên mấy cái rồi nhắm
mắt. Con Luyến thấy thế gào thảm thiết, gào như điên như dại. Cả nhà tôi, bà
con chòm xóm đến thăm cũng đồng loạt ôm mặt khóc nức nở. Đến lúc này tôi cũng
không nén được nữa, tôi nắm chặt lấy tay mẹ: “Mẹ ơi... mẹ ơi...”. Đấy là lần
đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi gọi Mẹ bằng Mẹ. Cái từ mà tưởng như đã
chết hẳn trong tôi từ lâu lắm rồi...
Mẹ không sinh ra tôi, nhưng đôi quang gánh
của bà đã gánh tôi trên vai, gánh cả những tủi nhục của phận làm vợ kế, gánh cả
đứa con gái nhặt được ở ngoài mương về nuôi nấng chăm sóc nó như con đẻ, để nó
thành em gái tôi như bây giờ. Tình thương của mẹ mênh mông và rộng lớn quá, đến
khi mẹ mất đi rồi tôi mới nhận ra thì đã quá muộn. Ngay cả lúc mẹ sắp ra đi, bà
cũng cố dặn cả nhà đừng báo cho tôi biết vì sợ tôi lo lắng mà ảnh hưởng học
hành. Thỉnh thoảng có nghe ai đó ru con: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ
ghẻ lại thương con chồng...” tôi lại nghĩ đến mẹ, nghĩ đến đôi quang gánh của
mẹ và cái nhìn trìu mến của bà khi lần đầu gặp tôi: “Cu Bi đây à anh, giống bố
nhỉ...”...
Đám tang mẹ xong, tôi lên thị xã thu dọn đồ
đạc rồi về ngay. Tôi quyết định bỏ học để theo chú tôi đi xẻ gỗ. Mà tôi có muốn
đi học cũng không được nữa vì lấy tiền đâu để mà học, rồi thì ai sẽ lo cho con
Luyến. Tôi ở nhà khoảng mười ngày, thấy con Luyến nguôi ngoai phần nào rồi,
trong bữa cơm tôi nói với nó: “Mai anh theo chú Bảy đi làm, em ở nhà lo học
nhá, cứ nửa tháng anh về một lần”. Nó nghe thế thì quên cả vẻ ủ rũ: “Không được,
anh không được bỏ học, anh mà bỏ học thì anh là đồ bất hiếu, không nghe lời ba
mẹ, ngày mai anh phải lên trường ngay, ở nhà đã có em lo...”. Nó nói như ra
lệnh, người lớn và rất dứt khoát. Tôi hơi bất ngờ khi thấy nó như thế, nhưng
vẫn từ tốn bảo nó: “Không phải anh không muốn đi học, anh đã quyết thế rồi, em
ở nhà học cho giỏi đi, không được nghĩ ngợi gì hết.”.
Nó thì nằng nặc bảo tôi đi học, tôi thì cứ ôn
tồn nói với nó, giải thích cho nó hiểu. Cuối cùng nói không được nữa, nó mới
nói toẹt với tôi: “Em bỏ học từ sau Tết rồi, từ mai em sẽ đi bán bánh thay mẹ,
anh cứ đi học... Anh nghe em... anh cứ học thật giỏi... Còn em là con gái, học
hành rồi cũng chẳng tới đâu... Em theo mẹ đi bán từ mấy tháng nay rồi...”. Đến
đây thì tôi shock nặng, bát cơm trên tay tôi tự nhiên nặng trịch, tôi không còn
lời nào để nói với nó nữa. Nó là đứa học giỏi nhất trường tôi, chỉ vào học nửa
năm nó đã đứng đầu trường, tôi nghĩ thế nên kì vọng vào nó biết nhường nào, vậy
mà vì tôi, vì một thằng chẳng phải máu mủ gì... Mãi rất lâu sau này tôi mới
biết, khi phát bệnh, biết mình sẽ không qua khỏi nên Mẹ đã bảo nó thôi học, tập
đi bán dần để sau này... nuôi tôi ăn học.
Sáng hôm sau ngủ dậy thì nó đã đội quang gánh
đi bán rồi. Nó để lại cho tôi một mảnh giấy nhỏ, dặn tôi đủ điều. Quần áo của
tôi nó đã xếp gọn gàng vào ba lô rồi, trong đó còn có một ít tiền được gói bằng
giấy báo, bên ngoài là bọc ni lông, cột rất kỹ càng. Đó là số tiền mẹ để lại
cho tôi, cô chú và hàng xóm dấm dúi giúp đỡ... Đủ để cho tôi ăn học trong 2
tháng..
Tôi gạt nước mắt, vác ba lô lên trường để
tiếp tục đi học, để lại ở quê cô em gái bé nhỏ hàng ngày vẫn nặng nề đôi gánh
trên vai, bước thấp bước cao trên những con dốc chợ miền núi “Ai bèo lọc nậm
không...”
(Cusiu)
Đoàn
Mạnh Quang