Nguyên nhân luật pháp Việt Nam thường xuyên thay đổi


Luật pháp Việt Nam, sửa đổi liên tục. Hiến pháp thì 15 – 20 năm thay lại một lần chưa kể sửa đổi. Luật thì cứ 5 – 6 năm lại sửa đổi, bổ sung hoặc thay luật mới. Việc thay đổi hiến pháp, luật là do nó không phù hợp với thực tế, ban hành ra luật không phục vụ xã hội mà còn cản trở sự phát triển của xã hội. Việc thay đổi luật thường xuyên làm cho bộ máy hành pháp, tư pháp và người dân gặp rất nhiều khó khăn. Vậy tại sao ở xứ này lại có tình trạng như vậy?
Ở Việt Nam, quy trình làm luật là: Chính phủ đưa ra dự thảo luật, Quốc hội góp ý kiến và phê chuẩn. Sản phẩm luật hay, dở trách nhiệm cuối cùng phải là Quốc hội. Chính phủ (là cơ quan hành pháp) soạn thảo luật thì đương nhiên sẽ theo xu hướng đề cao công tác quản lý (hành pháp) thay vì đề cao quyền lợi của người dân. Từ quá trình soạn thảo và phê duyệt đều bị chi phối bởi hệ tư tưởng Mác – Lê Nin. Hệ tư tưởng Mác – Lê Nin là nền tảng của thể chế toàn trị, chuyên chính, độc đảng nó hoàn toàn trái với nguyên tắc phổ quát của nhà nước pháp quyền. Nhà nước toàn trị lấy “Đảng là thượng tôn”, nhà nước pháp quyền “Pháp luật là thượng tôn”. Đây là sự khác nhau cơ bản và nguyên nhân cốt lõi tại sao Quốc hội Việt Nam làm luật dở.

Hãy xem các kỳ họp Quốc hội, phần nghị sự các đại biểu góp ý với các dự án luật và biểu quyết phê chuẩn. Chưa nói đến kiến thức pháp luật của các đại biểu đến đâu mà chỉ nói đến trách nhiệm của các đại biểu. Các đại biểu hay các đoàn đại biểu Quốc hội cũng không có một trách nhiệm gì về việc phải góp ý kiến hay không góp ý với dự thảo luật. Việc các đại biểu nếu không bấm nút cho đủ số biểu quyết cần thiết để thông qua luật thì khi đó Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ buộc các đoàn đại biểu phải chỉ đạo các đại biểu bấm nút. Tâm lý thì các đại biểu bấm nút cho qua chuyện, nếu phát biểu ý kiến trái với chỉ đạo của tổ chức đảng thì các đại biểu sẽ bị “thổi còi” vì hơn 90%  đại biểu là Đảng viên công khai, còn một số khác “Sư sãi” …đều là là Đảng viên bí mật.
Ở một nền dân chủ thì quốc hội là tổ chức bao gồm các đảng chính trị khác nhau. Việc đề xuất dự thảo luật do các đảng chính trị đề xuất, việc góp ý kiến, tranh luận về các điều luật của dự thảo luật là dịp để cử tri đánh giá năng lực, mục đích của các đảng chính trị bảo vệ quyền lợi cho tầng lớp người dân nào trong xã hội. Và chỉ có như vậy, việc ban hành luật của quốc hội mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, không phải thường xuyên thay đổi như ở Việt Nam hiện nay.

16/03/2014, Thanh Châu

,
Được tạo bởi Blogger.