Nhận định về vai trò của giới trí thức, nhà văn miền Bắc đối với chế độ cộng sản [1]

Ung dung ta nói điều ta nghĩ

Cúi ngửa theo người quyết chẳng theo

Nguyễn Trãi

Có hai điều cần được khai triển minh bạch ở đây.
Thứ nhất chữ miền Bắc tôi dùng ở đây để chỉ chung  những người cộng sản- mà gốc gác có thể ở Huế- Quảng Trị- Bình Định. Trí thức cộng sản như thế có thể để chỉ cả những trì thức trong Nam từng theo cộng sản như trường hợp Đào Hiếu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lữ Phương, Vũ Hạnh v.v.. Đó chỉ là một cách gọi cho gọn và tiện.
Thứ hai chữ trí thức, tôi hiểu một cách rộng rãi, thoáng đạt mà nó thể hiện ngay trong ý nghĩa câu thơ của cụ Nguyễn Trãi: Ung dung ta nói điều ta nghĩ. Dám nói điều ta nghĩ, đó là thái độ trí thức đấy.
Vì thế đối với tôi, cụ Nguyễn Trãi là một người trí thức tiêu biểu vì dám nghĩ, dám có tư tưởng, dám đặt vấn đề mà không không sợ quyền lực.
Nói như thế, có nghĩa tôi đặt nhẹ các vấn đề bằng cấp, vấn đề về nghiệp vụ, về khả năng chuyên môn của người trí thức. Nó có thì càng tốt mà không có cũng được.
Nói như thế cũng có nghĩa tôi coi những nhà văn như Nguyên Ngọc- Dương Thu Hương, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên là những người trí thức tiêu biểu của miền Bắc- mặc dầu trình độ nghiệp vụ chuyên môn của họ có thể chưa học hết bởi vì họ tham gia kháng chiến từ hồi còn trẻ. Điều này trên thực tế cũng đúng vì một số đông các nhà trí thức miền Bắc không có điều kiện học hỏi. Trừ một thiểu số tốt nghiệp đại học trong nước hoặc được đi học ở liên Xô hoặc các nước XHCN khác.
- Trí thức hiểu theo nghĩa dân giả
Đối với người dân thường thì hễ có bằng cấp là được xếp vào loại trí thức. Ngay cả bằng giả, bàng mượn, bằng mua như bây giờ.
Cũng vậy, sau 1975 sự so sánh về cái được gọi là trí thức giữa hai miền chủ yếu là dựa trên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Dư luận thường cho rằng bác sĩ ’ ngụy’ thì giỏi hơn nhiều phần so với bác sĩ ‘giải phóng’. Sự so sánh ấy đi đến độ coi một bên là bác sĩ bên kia chỉ đáng là y tá..
Người ta- theo nghĩa kẻ chiến thắng cũng như kẻ thua cuộc đều hiểu ngầm- tìm đến bác sĩ ‘Ngụy’ để chữa trị. Cái gì mang nhãn hiệu ‘Ngụy’ thì có nghĩa là tốt hơn. Từ thuốc men, quần áo, vật dụng, nhà cửa, đồ dùng, xe cộ, vật liệu, vật tư dĩ chí đến con người. Một viên thuốc Aspirine được mấy anh bộ độ vào Nam công tác, khuân vác vất vả đến rất tội nghiệp. Viên thuốc có dược liệu rất tốt, nhưng bề ngoài thì xấu xí, viên thuốc bở lắm. Lái buôn thuốc trong Nam mua cả lố giá rẻ, mang về chắc có trộn thêm bột mì, cho vào các loại máy dập tối tân. Viên thuốc nay bề ngoài trắng, cứng nhắc, bẻ không được và nay mang nhãn hiệu Aspro, bọc trong vỏ Alumium. Giá bán có thể gấp nhiều lần hơn viên Aspirine nguyên thủy.
Rõ ràng người ta mua cái nhãn.Cái nhãn ấy tuy bề ngoài chẳng là gì cũng làm tụt giá những hào quang của sự chiến thắng.
Nhưng quan trọng hơn cả, nó làm mở mắt nhiều người- Trong đó đặc biệt có Bùi Tín và Dương Thu Hương. Dương Thu Hương viết rằng  bà đã phải khóc khi nhìn thấy đất miền Nam khác hẳn sự tuyên truyền của miền Bắc.
Không kể những người như Hoàng Văn Chí, Xuân Vũ, đã phản tỉnh trước đây. Sự phản tỉnh sớm của ông Bùi Tín và bà Dương Thu Hương  tôi cho là tiêu biểu nhất mở đầu cho nhiều trí thức tiến bộ khác sau này.
Nhưng tôi nghĩ phải công bằng dành cho họ thời gian chuyển đổi- cần từng bước—từng giai đoạn lột xác- từng giai đoạn trăn trở- để chứng tỏ đó là thái độ can đảm và chân thực của một người trí thức.
Nếu lột xác ngay có thể được hiểu đó chỉ là thái độ trở cờ- thứ chủ nghĩa cơ hội-. Điều mà nhiều người không muốn điều đó.
Cho nên những người tỏ ra nghi ngờ thái độ thay đổi của bà Dương Thu Hương hay ông Bùi Tín và đòi hỏi sự thay đổi 180%- đòi hỏi sự dứt khoát quá nhanh- rồi nêu ra vấn đề thực hay giả- hoặc vội đưa ra những lời cảnh cáo- đều vội vã, chủ quan rơi vào chủ nghĩa giáo điều.
Rồi tiếp theo nào là đồng hồ hai cửa sổ và hằng trăm thứ đồ dùng khác kìn kịt khuân về Bắc như những món quà quý giá nhất.
Võ Văn Kiệt  và giới trí thức miền Nam
Đến bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên ‘ngụy’ đều có trình độ chuyên môn bảo đảm..Ông Võ Văn Kiệt là người khôn ngoan, sáng suốt đã biết dùng ‘chất xám’ trong Nam, trong vai trò cố vấn về kinh tế mà sau này được gọi là ‘ Nhóm chiều thứ sáu’. Khi ra làm Thủ tướng , ông đã kéo hai chuyên viên miền Nam ra Bắc làm việc bên cạnh ông, trong đó có ông Lâm Võ Hoàng.[1]
Trường hợp Lâm Võ Hoàng và nhóm Chiều Thứ Sáu.
Sau này, ông Lâm Võ Hoàng được ông Võ Văn Kiệt cho đi tham quan nước ngoài như Pháp, Canada,Ý( Rome), từ 05-01-1996 đến 12-02-1996, trong bản Tường Trình do em ông Lâm Võ Hoàng cung cấp cho tôi.. Mở đầu tờ trình, ông Lâm Võ Hoàng viết:
Kính thưa anh Sáu, xin gửi đến anh Sáu ba tập sách nhỏ, tôi vừa viết xong, để đánh dấu lòng tri ân của tôi đối với một trong rất nhiều nghĩa cử có ý nghĩa nhất của anh Sáu, trong quá trình tôi có may mắn được anh Sáu tạo điều kiện tiếp tục phục vụ đất nước, trong buổi đầu, tưởng đâu ‘ tàn Đời’.[2]
Xin lưu ý đến chữ Tàn Đời như một lời tri ân và cũng như một lời phê phán chế độ ấy.
Qua câu chuyện ông Lâm Võ Hoàng, nhìn lại những gì xảy ra sáu 1975, tôi thấy cái sai lầm lớn nhất của chính quyền miền Bắc là tự loại trừ một ‘ Chiến lợi phẩm’ quý giá nhất của miền Nam là họ đã vứt tất cả cá chất xám miền Nam-đi cải tạo- không dùng- không tin-bỏ sọt rác-.
Chiến thắng xong, họ chỉ lo cái thiển cận, cái trước mặt, lo thu góp của cải, tài sản, kho tàng, tịch thu nhà cửa, tịch thu nguyên liệu, hãng xưởng, vũ khí chất đầy xe chở về miền Bắc.
Đó chỉ là một cuộc hôi của thiển cận vì đã không nghĩ đến cái vốn làm ra của ấy.
Phải mất bao nhiêu công của mới đào tạo được đội ngũ trí thức ấy trong chính quyền, trong hành chánh, trong thương mại và ngay cả trong quân đội miền Nam?
Và khi những thành phần này ra Hải ngoại, người ta mới hiểu đúng mức giá trị trí thức miền Nam trong việc Hội nhập ở xứ người.
Huy Đức, trong sách Bên Thắng Cuộc có viết rằng: bằng cấp ở Liên Xô được cho điểm 1, ở Pháp 0,9 và ở Mỹ chỉ được 0,8. Chỉ dựa trên cơ sở chính trị, họ đánh giá sai lầm như vậy.[3]
Và cũng vì thế, có những trí thức miền Nam thiện chí sẵn lòng hợp tác với chính quyền mới đều không được trọng dụng như quý ông  Chu Phạm Ngọc Sơn, Châu Tâm Luân, Dương Kích Nhưỡng, Phạm Biểu Tâm, Phạm Hoàng Hộ, Trần Ngọc Ninh người trước kẻ sau đều tìm cách cuốn gói ra đi.
Sự thiển cận để cho chính trị xen vào nên không lạ gì trước tình trạng xuất huyết chất xám, người ta đã điều từ miền Bắc vào một kẻ vô học tiêu biểu nhất của miền Bắc- ông Đỗ Mười-, năm 1978, ông này có nhiệm vụ cào bằng, cải tạo xã hội miền Nam như miền Bắc mà ông đã làm trước đây ở miền Bắc. Ông cho rằng: Chỉ cần 3 ngày đào tạo xong. Kỹ sư ba ngày, bác sĩ ba ngày, giáo sư ba ngày!! Dĩ nhiên, ai cũng hiểu đây chỉ  là một cách nói của một người ít học!!
Tình trạng lo hôi của sau 1975, nó nhắc tôi nhớ đến nước Pháp của De Gaullle, sau chiến tranh thế giới thứ hai. Người Pháp lo gỡ toàn bộ trang bị máy móc nhà máy sản xuất xe hơi của Đức kìn kịt trở về Pháp. Trong khi nước Mỹ lo thu phục nhân  tài- giới trí thức ưu tú hàng đầu của Đức- mời về những vị trị then chốt trong giảng dậy và nghiên cứu hàng đầu của Mỹ.
- Nguyễn Trọng Văn đánh giá trí thức miền Bắc: Vô sản và vô học
Cũng vì thế mà ngay cả trong lãnh vực khoa học nhân văn cũng cho thấy sự tụt hậu về nhiều mặt của trí thức miền Bắc. Sự tụt hậu so với miền Nam hẳn là có. Chương trình giáo dục của miền Nam –  từ trung học, nhất là ở bậc đại học là theo chương trình của Pháp hay một phần của Mỹ-. Bằng cấp được nhận là tương đương.
Nguyễn Trọng Văn- mặc dầu đi theo phe cộng sản- nhưng Nguyễn Trọng Văn vốn tính bạo nói đã nhận xét thẳng thừng: Họ chẳng những là người vô sản mà còn vô học nữa.[4]
 Những phát ngôn rất tùy tiện như cho rằng trí thức miền Nam ở lại theo chủ nghĩa 3N: 3 N theo giải thích của Nguyễn Trọng Văn là: Ngu, Nghèo và Nhát.[5]
Một lần khác, năm 1980 trong dịp kỷ niệm 5 năm sau ‘Giải Phóng’, Nguyễn Trọng Văn có dịp đọc một tham luận về tình hình trí thức miền Nam sau 1975. Ông đã chơi chữ và dùng ba chữ Là. Thoạt đầu, trí thức miền Nam coi cách mạng Là Mình. Sau hai năm coi cách mạng chỉ còn Là Bạn. Và sau 5 năm coi cách mạng là Là Thù Nghịch.[6]
Đây là một nhận xét xúc phạm đến nhiều người. Xúc phạm cả đến trí thức từ hai phía. Trí thức miền Nam có bao nhiêu người coi Cách mạng Là Mình?
Sự xúc phạm như thế thường xảy ra từ hai phía.
Viết ra bao giấy mực cho vừa?
Nhưng tôi cũng không quên một điều là trên tờ Đất Nước, Nguyễn Trọng Văn đã lần lượt đưa lên giàn phóng tố cáo trí thức miền Nam như Nghiêm Xuân Gồng, Mai Thảo, giáo sư Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Khắc Hoạch, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Sỹ Tế mà ông gọi chung là những ảo tưởng của người cầm bút miền Nam. Riêng Trần Thái Đỉnh với những nhận xét của Nguyễn Trọng Văn có tính ác ý rõ ràng về những bài biên khảo về triết Hiện sinh của ông này.
Đặc biệt có hai bài dành cho Nguyễn Văn Trung là: Triết học hiện sinh và những người cầm bút ở miền Nam trên tờ Đất Nước, số 2 và một bài: Những người con hoang của Nguyễn Văn Trung, trên Bách Khoa, số 264.
Chưa kể, một đánh phá có tính cách chủ định với cuốn: Phạm Duy đã chết như thế nào, Văn Mới, 1971 mà tôi đã có bài viết trả lời.
Sau đó, ông còn đề cao một vài người có xu hướng theo bên kia như Nhất Hạnh, Thái Lãng, Nguyễn Tường Giang và một nhà thơ vô danh nào đó có tên Nguyễn Lê Tuân với nhan đề: Chào Mừng anh em ruột thịt.
Về Nhất Hạnh, ông viết: Trước thơ văn của nhất Hạnh, những viên ‘Kim cương chói lòa cái tuyệt vời, tuyệt đúng, tuyệt đẹp’ của Sáng Tạo, Văn Nghệ, Thế Kỷ 20..trở thành những bong bóng sà phòng của trẻ con.[7]
Về Nguyễn Trọng Văn, tôi xin phép được sử dụng đúng chữ của ông quen dùng. Đó là chữ Con Hoang. Ông chính là Thứ Con Hoang của Miền Nam và sau này trở thành đứa con hoang vô thừa nhận của người cộng sản.
Ông là thứ Unwanted cả từ hai phía. Phía người Quốc gia lắm lúc trộm nghĩ phải coi ông như một người phản bội. Ông cứ theo cộng sản cũng được và đành chấp nhận. Nhưng theo mà chửi miền Nam thì lại là chuyện khác. Rải rác trong nhiều bài viết, ông coi miền Nam như một ổ đĩ điếm.
Khi lần đầu tiên về VN, tôi đến nhà ông trong cư xá Sĩ quan Chí Hòa.. Ngay trước nhà có một khoảng trống lớn thì nay mọc lên rất nhiều quán cà phê đủ loại.  Việc đầu tiên trước khi hỏi thăm nhau, tôi nói: cậu trước đây chửi miền Nam chỉ là ổ điếm thì nay trước nhà cậu không phải chỉ một ổ, mà nhiều ổ. Nhận xét ấy làm Nguyễn Trọng Văn cười- cười đến sặc sụa- cười không ngớt- sau đó cái cười trở thành như mếu. Văn chảy nước mắt. Nỗi giận hờn tự nhiên biến mất thương cho một thằng trí thức miền Nam mê muội. Nhưng rồi chứng nào vẫn tật ấy.
Phía người cộng sản, họ coi ông như một thứ cò mồi giai đoạn như một thứ củi mục cần loại bỏ.
Và chính ông đã tự xếp mình vào thành phần có Bốn Cái Không:
- Không cộng sản: ông không vào đảng nhưng cũng không chống cộng.
- Không Quốc gia, nhưng không chống đảng phái Quốc Gia
- Không tôn giáo nào, nhưng không bao giờ chống tôn giáo
- Không theo Mỹ, cũng không chống Mỹ.[8]
Vậy thì Nguyễn Trọng Văn là ai? Đứng ở đâu trên đất nước miền Nam?
·         Từ căn bản, cần nhìn nhận cộng sản là một điều xấu
 Để cho bài  tham khảo này có cái lô-gic căn bản, nhờ đó giải thích, cắt nghĩa được thái độ của người trí thức miền Bắc. Xin bắt đầu bằng một tiền đề khẳng định mà tính nội hàm chứa đựng ngay cả kết luận.
Tôi khẳng định bản chất của chế độ Cộng sản là một điều xấu.
Có thể khẳng định le Mal est communiste. Đó là một một cái xấu không từ bên ngoài, không nhất thời, không chen lẫn điều xấu lẫn điều tốt mà là một điều xấu tự bản chất.
Định đề này như một tiền đề đồng thời như một kết luận như một nguyên lý. Các trí thức miền Bắc nếu không xác định rõ được điều này thì sẽ có quan điểm mơ hồ, có những nhận định lưỡng giá hay nước đôi (Ambiguité). Như có một số vị cho rằng- trường hợp ông Lê Hiếu Đằng- : Đảng cộng sản mới đầu là lý tưởng, là tốt sau này là suy thoái..Hoặc đa số trí thức tin tưởng rằng có thể sửa sai, cải thiện cái Đảng ấy.
Đó là những tư tưởng  hão huyền như một cách tự dối mình.
Đó có thể là phản tỉnh mà chưa phản kháng.
Đó có thể là lẫn lộn giữa lý thuyết và thực tế, giữa bản chất và hiện tượng, giữa cái được gọi lá quyền lợi cá nhân vá cái nhân danh quyền lợi tập thể.
- Trí thức miền Bắc như vợ bé của chế độ
Họ quản lý giới trí thức miền Bắc từ cái bụng lên cái đầu. Quản lý cái dạ dầy là quản lý được cái đầu của trí thức miền Bắc…Nói ra thì phiền, nhưng cái lụy của trí thức miền Bắc là bắt đầu từ cái Hộ Khẩu.
Vì thế, trí thức XHCN được coi như ‘ vợ bé của chế độ’ được ve vuốt tán tỉnh, được cho ăn, cho uống mà không bao giờ chính thức cưới làm vợ.
Sở dĩ chúng ta có thể đi đến một kết luận chắc nịch, cộng sản là một điều xấu bởi vì xét lịch sử cái Đảng ấy đã trở thành họa cho nhân loại chỉ sau các chế độ phong kiến và Phát Xít.
Lịch sử các nước như Liên Xô và Trung Quốc dưới chế độ cộng sản là những cuộc tắm máu người dân vô tội. Con số nạn nhân lên đến hằng triệu và nhiều trục triệu. Tội ác chồng chất không thể tính hết được.
Chẳng hạn, từ năm 1958 đến 1962, Mao Trạch Đông đã làm chết cả 10 triệu người. Nó là một trong những tội ác giết người tập thể lớn nhất của nhân loại.(Most deadly mass killings in human history). Bước nhảy vọt làm cho 45 triệu người dân Trung Hoa chịu đói khát, dánh đập, tù đầy đến chết với những cảnh ăn thịt trẻ con ghê rợn.
Nếu ai đã có dịp đọc cuốn sách của Frank DiKotter thì sẽ thấy kinh hoàng , rởn tóc gáy. [9]
Mao đã để lại nhiều câu nói thời danh như: Cách mạng không phải là một bữa tiệc.
 Xấu tự bản chất là một điều xấu đã trở thành một vô thức tập thể, đã trở thành da thịt của chế độ, trở thảnh máu huyết của cơ chế vận hành một cách máy móc không chuyển đổi được.
Nó tạo thành bằng những tư tưởng đã khuôn đúc, đã hoàn chỉnh. (Idées toutes faites). Cho nên nó không chấp nhận bất cứ ý tưởng nào ở bên ngoài nó.
Những ý kiến- những góp ý- những phản biện đều bị bỏ ngoài tai.
- Cộng sản là thứ chủ nghĩa giáo điều. Đó là thứ tôn giáo mà không có tôn giáo
Mà ai còn tin rằng có thể góp ý, có thể sửa sai Đảng thì đó là một ảo tưởng trí thức- tự đánh lừa mình.
Họ sửa sai thì được- sửa sai nhiều lần- mỗi năm mỗi sửa- hai mưới năm ba mươi năm vẫn tiếp tục sửa-.
Chẳng những thế, khác nó còn được coi là chệch hướng và tệ hại hơn nửa trở thành thù địch có thể bị thanh toán, khai trừ hoặc tù đầy.
Nhưng họ lại chống lại những tham vọng sửa sai và họ quy cho cái tội: Chủ nghĩa xét lại như trường hợp Hoàng Minh Chính. Bài học Hoàng Minh Chính với tư tưởng: Chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam đã bị còng tay gây họa lây cho khoảng 200 người khác.
Nhưng những người trong cuộc biết rõ rằng, chính Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đều mặc nhiên, minh nhiên ủng hộ Hoàng Minh Chính.
Và nói cho cùng, bắt Hoàng Minh Chính thì đồng thời cũng phải bắt giam từ Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh đến cả Hồ Chí Minh.
Cũng vì thế cộng sản là một điều xấu tự thân ( En soi)- một điều xấu phổ biến. Phổ biến tại Liên Xô, tại Trung Cộng, tại Đông Âu cũ, tại Bắc Hàn và tại Việt Nam.
Gương của Bắc Hàn những ngày gần đây với những tin tức được tuồn ra bên ngoài nghe mà rùng rợn.
Tại Việt Nam trước đây chỉ xấu một nửa phía Bắc. Sau 1975 cả nước nhuộm xấu.
Hằng triệu người đã ngã gục. Nó đã đưa cả một dân tộc chìm đắm trong những cuộc cách mạng đẫm máu do những tính toán và những quyết định sai lầm.  Nó phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác.
Nếu có điều chi khác biệt giữa các nước cộng sản như Trung Hoa hay Bắc Hàn với Việt Nam là có sự khác biệt về mức độ chứ không có sự khác biệt về bản chất.
Bản chất là xấu giống nhau, mức độ thì khác nhau vì ít hay nhiều.
Tên của những tên đao phủ đó là Staline, Mao Trạch Đông, Fidel Castro và xin dám lần đầu nêu tên Hồ Chí Minh.
Vì thế, ngay đến Hồ Chí Minh cũng phải được nhìn lại và phải được xếp chung danh sách những tên đồ tể thế giới.
Không có lý do chính đáng nào để tách HCM ra khỏi danh sách ấy cả.
Chế độ ấy gây ra chết chóc sinh mạng con người thì lãnh đạo phải là kẻ sát nhân.
Sở dĩ điều xấu ấy vẫn tồn tại, vì nó là một điều xấu được che đậy  bởi bạo lực và tuyên truyền. và không có giải pháp hoặc một cố gắng cải thiện từng phần, từng vấn đề. Đã bao nhiêu năm rồi, số phận đất nước Việt Nam đã chìm đắm trong giấc mơ cộng sản?
Ta có thể nhận ra điều xấu ấy, nhưng lại không nhận ra được ai là thủ phạm
- Chính vì những giải pháp ôn hòa, thỏa hiệp hoặc huyễn tượng về một chế độ cộng sản có thể cải tiến đã kéo dài sinh mệnh chính trị của cộng sản ở Việt Nam.
Nhiều trí thức miền Bắc đã nuôi dưỡng, vỗ béo nuôi nó trong nhiều năm nay.Nói ra không ai tin hoặc không muốn tin. Nói ra thì khó chịu, không bằng lòng. Nhưng thực tế nó là như vậy.
Nhiều trí thức chân chính của miền Bắc đã tự thú như vậy: Hoàng Ngọc Hiến nói đến thứ Văn Học phải đạo. Minh Châu đã khuất bóng mỉa mai một thứ văn học Minh Họa. Lại Nguyên Ân gọi là Tao Đàn, Nguyên Ngọc gọi là Tụng Ca.
Vẫn lại một Dương Thu Hương gọi: thực chất là một lớp công chức thuộc địa.[10]
Ít nhiều họ là những tên lính canh của CNXH.
Vì thế, ngày nay nhiều tác giả đã bàn đến cái Loyal Opposition như sẽ đề cập đến sau này. Dương Thu Hương đề cập đến cái Quy chế của sự nhầm lẫn. Phạm Thị Hoài nêu trường hợp giáo sư Chu Hảo để gián tiếp nói tới: Thái độ lạc quan vô tận của một số lớn trí thức miền Bắc.
Chỉ nói tóm tắt là tội của chế độ cộng sản cũng gián tiếp- một cách nào đó- cũng là trách nhiệm của giới trí thức miền Bắc.
Bởi vì im lặng là đồng lõa với tội phạm.
·         Sự phản kháng tiêu cực của đa số thầm lặng là nguy hiểm nhât
Đây là chủ đề thứ hai cần nắm vững.
Chính vì giới trí thức miền Bắc đã thất bại trong việc không loại trừ được cái nguy cơ của cộng sản- không tìm ra được giải pháp thay thế- tạo ra tình trạng trì trệ và sự suy thoái đến hiện nay đã làm nảy sinh ra một số hiện tượng tiêu cực nơi phần đông dân chúng.
- Nhân dân làm chủ biến thành lạm phát dân chủ
Cái hiện tượng tiêu cực trong dân chúng đã phá nát cơ cấu của một xã hội dân sự trong một thể chế hành chánh lành mạnh, ổn định và trật tự. Nó đã biến một cái quyền bịa đặt trở thành sự lạm phát dân chủ. Đó là thứ chủ nghĩa mạnh ai nấy làm, mạnh nấy sống, sống chết mặc ai.
Chưa bao giờ cái khẩu hiệu Nhân dân làm chủ trở thành lố bịch và tai hại như ngày này!!
Trí thức miền Bắc trong tình huống hiện nay như một cái bề mặt đẹp của một tòa nhà sụp đổ. Họ trách nhiệm về sự sống còn ấy nếu cứ tiếp tục không dám nhìn thẳng vào sự thật, không có can đảm dùng cú đạp cho tòa nhà ấy sụp xuống để xây cái khác..
Đó là thân phận khó xử của nhiều người trí thức hiện nay. Bỏ thì thương, vương thì tội. Cứ nấn ná, chần chờ, viện cớ này cớ nọ để mua thời gian.
Nay đã đến lúc thời gian không thuộc về họ nữa.
Họ và Đảng cộng sản đã nhiều phen đồng lõa với niềm xác tín vĩ đại ngay cả trong những sai lầm của họ.
Người ta đã không nhận thức được rằng cái phản ứng của đa số thầm lặng chính là nguyên nhân làm cho xã hội sa đọa nhất. Cái đa số thầm lặng mà cơ may phản biện hầu như không có thì sự phản kháng là những phản ứng tiêu cực.
Điều này xem ra vô hại đối với kẻ cầm quyền, nhưng lại là những đà cản bước tiến và xói mòn xã hội. Vốn liếng xã hội dân sự mỗi ngày mỗi tiêu hào. Một người không sao- 10 người cũng không sao. Nhưng triệu người và hàng chục triệu người cùng một phản ứng tiêu cực thì sức phá hoại là không lường được.
Và ngày nay, người ta mới dần hiểu được sự phản kháng này nó tai hại như thế nào.
Đó là sự vô trách nhiệm toàn diện, trên toàn xã hội, trên mọi tầng lớp dân chúng, nhất là trên giới trẻ. Đó là sự thản nhiên( Indifférence) trước bất cứ tình huống nào của một con người hay một xã hội vô cảm.
Nó phô diễn bằng những hành động phi nhân tính- giết người tàn bạo- giết người một cách tùy tiện vô cớ-hay bằng những cớ nhỏ nhặt không đáng kể như đi ăn trộm một con chó- .
Tóm lại giết người một cách gratuit.
Luật rừng để đương đầu với chế độ toàn trị.
Không có sự so sánh nào nổi bật hơn là một bên thì chính quyền xử dụng luật lệ một cách vô tội vạ với bàn tay sắt. Như tù đầy, bắt bớ, hành hạ, đánh người đánh chết.
Một bên dân chúng hiện nay là sài luật rừng để hành xử với nhau. Giết người vô tội vạ, cần chém là chém, cần giết là giết, cấn ăn cắp, ăn cướp là ăn cướp.
Người ta đi tìm thuốc chữa, tìm đủ nguyên nhân, đổ cho giáo dục, đổ lẫn cho nhau- trước đây đổ cho tàn dư văn hóa đồi trụy Mỹ-Ngụy, nay Mỹ Ngụy không còn nữa thì đổ cho ai- trước đây đổ cho chiến tranh nay không còn chiến tranh thì đổ cho ai.
Thực chất, điều xấu ấy nó nằm sẵn trong cơ cấu của cơ chế cộng sản, trong một vòng xoáy của cái Trục của điều xấu (Axe du mal)- Một cái cercle vivieux-. Một cái vòng xoáy luẩn quẩn không lối ra. Hoặc triết lý một chút thì đó là một thứ bệnh dịch hạch mà bất cứ ai cũng có thể vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân của sự gây bệnh.
Nhưng cái con vi trùng của bệnh dịch hạch ấy là Đảng cộng sản. Triệt tiêu, loại bỏ cái đảng ấy là triệt tiêu con vi trùng thì mọi sự trở lại tình trạng bình thường.
Nguyên tắc là không sửa, không chữa mà hủy bỏ, triệt tiêu. Không ai đi chữa một con vi trùng cả.
Những người lãnh đạo cộng sản đã tưởng rằng có thể dùng bạo lực cưỡng chế và yên trí rằng họ đã thành công.
Thành công theo nghĩa ổn định, dẹp yên chỉ là cái nhất thời. Vì không phải lúc nào xử dụng bạo lực cũng có kết quả, vì nó là con dao hai lưỡi như kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm.
Nhưng nhiều khi phải nhiều năm sau, người ta mới nhận ra hậu quả của sức cản tiêu cực nó như thế nào..
Và đối với kẻ viết bài này thì chế độ cộng sản đã lung lay, đã có nguy cơ sụp đổ, chỉ vì những sức cản tiêu cực này.. Và nếu nói theo ngôn ngữ của giáo sư G.Chang tiên đóa rằng, nước Tàu sẽ sụp đổ trong cuốn sách The coming collapse of China (2001)
Đó là sự thờ ơ của dân chúng, đó là sự bất cần, sự thiếu trách nhiệm, sự thiếu niềm tin của dân chúng..
Lãnh đạo nói, dân chúng không nghe.
Đảng nói một đàng, dân chúng làm một nẻo. Càng nhiều luật lệ, càng nhiều thúc ép, càng thêm rắc rối. Đó là một cái cây đã rỗng ruột. Một bộ máy đã ì ạch, đã en panne.
Đảng là một cơ cấu đã mục ruỗng.
Có một con mắt của dân nhìn rõ được chân tướng của Đảng. Họ nhìn những cán bộ mất bản chất để nhận ra được cái cơ cấu Đảng mục ruỗng đó. Không phải cứ bắt giam tù, không phải cứ tống xuất, không phải cứ triệt tiêu tài sản, không phải cứ bịt mồm bịt miệng bằng những biện pháp dùi cui, bằng hệ thống công an trị thể lý là xong.
Chưa bao giờ cộng sản thành công trong việc cầm tù được tư tưởng người khác. Và xin nói thẳng, họ cũng chưa bao giờ có thể cải tạo được những người tù cải tạo trước 1975. 300 ngàn người tù cải tạo sau nhiều năm cải tạo thì họ vẫn là người tù cải tạo. Chỉ có khác, trước đây là một nỗi nhục thì nay có thể là một niềm vinh dự. Điều mà Mai Thảo gọi Dương Nghiễm Mậu sau nhiều năm sống dưới chế độ cộng sản đã tạo cho mình: Một bản lĩnh chói lòa.
Đã có được bao nhiêu trí thức miền Bắc có được bản lĩnh chói lòa như thế. Phải chăng đó là Dương Trung Quốc chăng?
Họ chỉ đạt được một kết quả ngoài mong muốn là đào sâu thêm sự hận thù. Hận thù chồng chất. Sau nảy có muốn nói gì đi nữa- như hòa hợp hòa giải-cũng không ai nghe nữa.
Thời của cộng sản nay đã chấm dứt. Nay chúng ta đang bước vào thời kỳ đồ đểu.

(Còn tiếp)

,
Được tạo bởi Blogger.