CON ĐƯỜNG ĐI TÌM CÔNG LÝ
Pháp luật không có công lý-
Pháp luật bạo tàn
Công lý không có pháp luật- Công lý yếu đuối
(Pascal -
luật gia La mã)
Năm công an
Tuy Hòa dùng nhục hình đánh chết người vô tội, nhưng chỉ chịu mức án khiến dư
luận bàng hoàng và thất vọng. Trước đó, vụ án oan động trời Nguyễn Thanh Chấn
đã được giải quyết về phương diện hình sự. Nhưng ông Chấn vẫn chưa thể dừng
chân trên con đường tiếp cận công lý để đòi bồi thường cho 10 năm tù oan.
Còn gia đình
chị Huyền trong vụ Cát Tường đang phấp phỏng chờ ngày công lý lên tiếng với vụ
án hiếm có trong lịch sử tố tụng: có người chết nhưng không tìm thấy xác... Các
bị hại trong vụ siêu lừa Huyền Như vẫn đang chờ mong công lý trong phán quyết
về bồi thường.
V.v,...
Tất cả những
vụ việc đó cho thấy con đường đến với công lý nhiều quanh co, khúc khuỷu, mà
nếu không có niềm tin thì người ta rất dễ bỏ cuộc.
Công lý có đồng nghĩa với pháp luật?
Công lý,
khái niệm tưởng như câu cửa miệng, hóa ra không đơn giản. Người phương Tây quan
niệm công lý là một khái niệm triết lý, pháp luật, đạo đức đặt ra trên cơ sở
tôn trọng pháp luật và sự công bằng. Công lý là thái độ, cách ứng xử tôn trọng
chân lý và tự do của người khác, thái độ này có nguồn gốc bẩm sinh và phổ biến
trong ý thức mỗi con người.
John Rawls, nhà triết học người Mỹ, viết trong cuốn Luận
thuyết về công lý rằng: Công lý là đức hạnh thứ nhất
cho các định chế xã hội, cũng như chân lý là của các hệ thống tư tưởng. Một lý
thuyết dù có lộng lẫy đến đâu nhưng nếu nó sai thì phải bị bác bỏ, cũng như
luật pháp và định chế có hoàn chỉnh đến đâu cũng cần phải dẹp bỏ nếu nó là bất
công.
Theo quan
niệm của người châu Phi, công lý là sự ứng xử phù hợp với truyền thống của tiền
nhân. Ở Ấn Độ, người Hindu coi công lý là sự tôn trọng và chấp nhận trật tự,
đẳng cấp trong xã hội. Còn giáo lý đạo Ki-tô thì cho rằng công lý là sự công
bằng, liêm khiết, sự phán quyết công minh phù hợp với pháp luật, và trên hết là
phù hợp với lề luật thiên chúa và luật tự nhiên.
Nhưng công
lý có khi không đồng nghĩa với pháp luật. Xét xử đúng pháp luật không có nghĩa
ở đâu, khi nào cũng đã là công lý. Pháp luật chỉ là phương tiện chứa đựng công
lý và quan tòa là người chuyển tải công lý đó đến với xã hội.
Việc nhận
thức ở đâu, bao giờ pháp luật cũng là công lý sẽ dẫn đến hai hệ lụy:
- Nhiều
người nhận thức rằng tòa áp dụng luật tức là đã thực thi công lý trong trường
hợp pháp luật không thể hiện công lý hoặc không được áp dụng và giải thích trên
tinh thần công lý.
- Trói tay chính tòa án, khiến họ không có quyền
sáng tạo luật khi pháp luật còn thiếu sót hoặc yên tâm xử đúng pháp luật là đã
đảm bảo công lý.
Chính vì
thế, ngồi tại hội đồng xét xử ở VN có Hội thẩm nhân dân, ở Mỹ có bồi thẩm đoàn.
Họ chính là hiện thân của cuộc sống sinh động bên ngoài, là sự bổ khuyết tuyệt
vời cho pháp luật mà dù cố gắng đến đâu cũng không theo kịp cuộc sống.
Hiến pháp 2013 tại điều 102 có sửa đổi quan trọng, khi
khẳng định tòa án có nhiệm vụ không chỉ bảo vệ pháp luật mà còn bảo vệ công lý. Thẩm
phán không chỉ là "bộ luật" lạnh lùng, khô khan và cứng nhắc, mà còn
phải là con người đúng nghĩa và toàn diện nhất. Biết đau với những nỗi đau của
đồng loại.
Trong trường
hợp vụ án dùng nhục hình ở Tuy Hòa, có thể các quan tòa khẳng định mình đã xử
đúng luật. Thế nhưng bản án 3 năm án treo cho những bị cáo đánh chết
người khiến những ai có lương tâm không thể im lặng, thì liệu đã phải là công
lý?
Vợ và hai con nhỏ của nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Ảnh: Duy Thanh/TTO |
Tiếp cận công lý là quyền con người
Vấn đề thực
thi công lý của tòa án gắn liền với việc đảm bảo quyền tiếp cận công lý của
người dân. Bởi một lẽ rất tự nhiên: khi có tranh chấp, không tự hòa giải được,
người ta phải tìm đến tòa án để phân giải đúng sai; khi có vi phạm pháp luật,
tòa án là nơi cuối cùng để xử lý trách nhiệm trên cơ sở công lý.
Để tiếp cận
được với công lý, người dân cần phải được biết và có khả năng để biết công lý
nằm ở đâu? Đến với công lý bằng con đường nào và phương tiện gì?...
Khác với nhà
nước chuyên chế, công lý nằm trong tay kẻ cai trị chuyên quyền và độc đoán,
trong nhà nước pháp quyền, tiếp cận công lý là quyền của người dân và nghĩa vụ
của nhà nước. Công lý chỉ tồn tại và thực thi trong nhà nước pháp quyền khi
người ta được tự do, bởi cơ sở của công lý phải được đặt trên nền tảng quyền cơ
bản của con người.
Chúng ta
đang tiến hành cải cách tư pháp trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền của
dân, do dân, vì dân mà trọng tâm là cải cách hệ thống tòa án. Mục đích của cải
cách tư pháp không nằm ngoài việc đảm bảo cho tòa án thực thi công lý. Để đạt
được mục đích này, việc bảo đảm quyền tiếp cận công lý cho người dân là hết sức
quan trọng
Quyền tiếp cận công lý (L'access à la justice) đã được
long trọng ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền con người. Có thể nói các
quyền trong tư pháp hình sự chỉ gói gọn trong quyền tiếp cận công lý.
Quyền tiếp
cận công lý được thể hiện ở các nội dung: Quyền trợ giúp pháp lý, quyền giáo
dục đào tạo pháp luật, quyền được biết thông tin pháp luật và một hệ thống tư
pháp công bằng và hiệu quả đảm bảo quyền xét xử công bằng:
Pháp luật là
nơi công lý hiện diện và tòa án là nơi thực thi công lý. Tuy nhiên, tiếp cận
với hệ thống pháp luật, với tòa án không phải ai cũng có năng lực cá nhân, tài
chính và điều kiện sống giống nhau. Những người nghèo, người sống ở vùng khó
khăn, người khuyết tật... không thể tiếp cận công lý nếu nhà nước không có biện
pháp trợ giúp pháp lý cho họ. Chính vì vậy, quyền tiếp cận công lý bao gồm
quyền được trợ giúp pháp lý của những người yếu thế trong xã hội.
Muốn tiếp
cận công lý một cách dễ dàng, người dân phải có trình độ hiểu biết nhất định về
pháp luật. Vì vậy, quyền được giáo dục, đào tạo pháp luật là một yếu tố của
quyền tiếp cận công lý.
Đảm bảo
quyền tiếp cận thông tin pháp luật là một nội dung của quyền tiếp cận công lý,
nó đòi hỏi sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng, thông qua luật,
quyền tiếp cận các văn bản pháp luật và đòi hỏi pháp luật phải công khai, minh
bạch, dễ truy cập.
Công lý chỉ
nằm trên giấy và trợ giúp pháp luật, giáo dục, đào tạo pháp luật, v.v... sẽ
không có ý nghĩa nếu không có hệ thống tư pháp độc lập, hiệu quả. Tòa án với tư
cách cơ quan thực hiện quyền tư pháp cũng là nơi công lý được thực thi. Điều đó
giải thích tại sao khi nói đến công lý, người ta nghĩ ngay đến tòa án.
Đường nhọc nhằn
Nhìn vào hệ
thống pháp luật, trong đó có pháp luật hình sự, người ta thấy Việt Nam đã, đang
và cam kết tiếp thu những giá trị tiến bộ và văn minh nhân loại được ghi nhận
trong các công ước quốc tế về quyền con người. Các hành vi xâm phạm quyền con
người đã được điều chỉnh ở mức độ cao nhất bằng luật hình sự.
Người bị
tình nghi có quyền bất khả xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, được đảm bảo
quyền bào chữa và ở mức độ nào đó, cả quyền im lặng không phải đưa ra chứng cứ
chống lại chính mình... Những điều này đã được quy định hoặc cụ thể, hoặc thấp
thoáng trong luật Việt Nam.
Thế nhưng,
nửa đêm nhân viên công quyền ở Tuy Hòa vẫn xông vào nhà bắt người, giam giữ
trái pháp luật và dùng nhục hình tra tấn. Tội giết người quy định cụ thể thế
nhưng ông Chấn vẫn kêu oan và bị oan thật...
Hóa ra công
lý đang nằm trong pháp luật của chúng ta nhưng để tiếp cận với công lý lại thật
nhọc nhằn và gỡ bỏ những trở ngại, những rào cản để con đường tiếp cận
công lý thông thoáng hơn, để công lý như mưa rào tưới mát những người đang kháo
khát nó.
Đinh
Thế Hưng(Viện
Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)
0 nhận xét