Đế quốc Trung Quốc
Nguyễn Hưng Quốc
Để chống
lại âm mưu bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc, chỉ cần chút tỉnh táo,
hầu như ai cũng nhận thấy Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất: liên minh với
nhiều nước khác, trong đó có Mỹ, hơn nữa, Mỹ phải là trung tâm của khối liên
minh ấy. Nhưng, cũng chỉ cần chút tỉnh táo, chúng ta không thể không phân vân:
Liệu, một, Mỹ có nhiệt tình giúp Việt Nam hay không; hai, nếu nhiệt tình, liệu
Mỹ có thể thắng được Trung Quốc hay không?
Việc Mỹ
có nhiệt tình giúp Việt Nam hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên,
điều cần xác định ngay là: Mỹ không bắt buộc phải giúp Việt Nam trong trận
chiến chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Thành thực mà nói, việc Trung Quốc công
bố con đường chín khúc (hoặc con đường lưỡi bò) bao trùm cả Hoàng Sa lẫn Trường
Sa và một phần khá lớn lãnh hải Việt Nam chỉ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến
Việt Nam và một số quốc gia như Malaysia, Philippines và Brunei chứ không ảnh
hưởng gì đến Mỹ. Nhớ, ngày 23 tháng 11 năm 2013, Trung Quốc tuyên bố lập vùng
nhận dạng phòng không (ADIZ) trên bầu trời biển Hoa Đông, bao trùm khu vực quần
đảo Điếu Ngư/Senkaku mà họ và Nhật Bản đang tranh chấp. Nội dung của tuyên bố
này là tất cả các máy bay bay ngang qua khu vực ấy đều phải thông báo và chấp
hành mệnh lệnh của Trung Quốc. Ngay sau lời tuyên bố của Trung Quốc, Mỹ cho hai
chiếc phản lực cơ chiến đấu bay vào khu vực được gọi là vùng nhận dạng phòng
không ấy. Trung Quốc im thin thít. Rồi cả Nhật lẫn Hàn Quốc đều cho máy bay
chiến đấu đến vùng đó để tập trận. Mấy tháng sau, Trung Quốc vẫn giữ thái độ im
lìm. Dường như họ thấy họ đi quá xa. Một cảnh huống tương tự cũng có thể xảy ra
ở Biển Đông: Trung Quốc tuyên bố gì thì tùy họ, nhưng tàu bè của các nước lớn,
trong đó, có Mỹ, cứ thản nhiên qua lại.
Dù sao,
đó cũng là biện pháp cuối cùng. Cách tốt nhất vẫn là ngăn chận ngay từ đầu để
Trung Quốc không hợp pháp hóa con đường lưỡi bò ngang ngược ấy. Trong trường
hợp này, họ cần đến sự đóng góp của Việt Nam. Dĩ nhiên, với một điều kiện: Việt
Nam phải thực sự muốn và có quyết tâm bảo vệ biển và đảo của mình.
Vấn đề
thứ hai phức tạp hơn: Liệu Mỹ có thể thắng được Trung Quốc trên Biển Đông?
Để trả
lời câu hỏi ấy, không nên quên sức mạnh của Trung Quốc: Về phương diện kinh tế,
Trung Quốc có tổng sản phẩm trong nước (GDP) lớn thứ nhì trên thế giới; và theo
dự kiến của nhiều nhà kinh tế học, trong vòng một hai thập niên tới, Trung Quốc
sẽ vượt qua Mỹ về phương diện này. Về quân sự, Trung Quốc là nước chi tiêu cho
quốc phòng lớn hàng thứ hai, chỉ sau Mỹ. Về dân số, cứ một trong bảy người trên
mặt đất là người…Tàu.
Hugh
White, một chuyên gia về Trung Quốc tại Úc, cho chưa bao giờ Mỹ đối đầu với một
địch thủ đáng gờm như Trung Quốc. Trong lịch sử, tính từ thập niên 1880 đến thời
gian gần đây, Mỹ có bốn đối thủ chính: Chủ nghĩa dân tộc ở Đức trong Đệ nhất
thế chiến, chủ nghĩa phát xít Đức trong Đệ nhị thế chiến, chủ nghĩa Cộng sản
trong thời Chiến tranh lạnh, và các nhóm Hồi giáo cực đoan trong trận chiến
chống khủng bố hiện nay. Trong bốn đối thủ ấy, chỉ có Liên Xô là ít nhiều có
thể uy hiếp Mỹ, nhưng chỉ có thể uy hiếp về quân sự; còn về kinh tế và nhiều
phương diện khác, Liên Xô đều thua xa Mỹ. Trường hợp của Trung Quốc thì khác:
Kinh tế của Trung Quốc lớn hơn hẳn kinh tế của Đức và Nhật thời Chiến tranh thế
giới lần thứ hai; việc quản lý kinh tế của họ cũng giỏi hơn hẳn Liên Xô thời
chưa sụp đổ.
Điểm yếu
lớn nhất của Trung Quốc là họ không có đồng minh. Thời Chiến tranh thế giới thứ
hai, Đức dù sao cũng có đồng minh (Nhật và Ý); thời Chiến tranh lạnh, Liên Xô
càng có nhiều đồng minh, còn Trung Quốc hiện nay thì hầu như không có ai cả,
hoặc nếu có, chỉ có một nước duy nhất: Bắc Hàn. Về phương diện này, Mỹ có ưu
thế hơn hẳn. Trước, trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, Mỹ có bốn đồng minh
thân cận nhất: Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Philippines và Úc. Gần đây, trước âm
mưu bành trướng của Trung Quốc, khả năng Ấn Độ ngả sang Mỹ là điều rất khả thi
(dù giới bình luận còn phân vân vì, một, Ấn Độ có truyền thống trung lập; và
hai, họ bị phân hóa rất trầm trọng về cả phương diện sắc tộc lẫn văn hóa và
chính trị).
Trung
Quốc có thể khắc phục tình trạng cô đơn của họ bằng hai cách: Một, nâng cấp
quyền lực mềm bằng các chính sách ngoại giao văn hóa có hiệu quả (một trong các
cách ấy là mở rộng các Viện Khổng Tử ở khắp nơi); và hai, vô hiệu hóa các quốc
gia có khả năng chống lại họ. Khả năng thứ nhất, về quyền lực mềm, có lẽ còn
lâu lắm, may ra, Trung Quốc mới có thể thành công. Một trong những điều kiện để
phát huy quyền lực mềm là dân chủ, nhưng đó lại là điều Trung Quốc không có.
Khả năng thứ hai gần hiện thực hơn: mua chuộc và dùng kinh tế để gây sức ép lên
các quốc gia khác, đặc biệt trong khu vực châu Á để họ đừng công khai chống lại
Trung Quốc. Chính sách này rõ ràng là có hiệu quả ít nhất đối với khối ASEAN:
hầu như không nước nào dám công khai chống lại, thậm chí, phê phán Trung Quốc
(trừ Philippines).
Tương
quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc, do đó, tuy vẫn nghiêng về phía Mỹ, nhưng
Mỹ lại không có sức mạnh áp đảo để có thể tự tin chấp nhận bất cứ một sự đối
đầu nào. Một số nhà bình luận chính trị cũng cho một sự đối đầu như thế vừa
nguy hiểm vừa khó thắng. Một giải pháp được đề nghị: Mỹ chấp nhận vai trò của
Trung Quốc với tư cách một siêu cường và đồng ý san sẻ quyền lực của Trung Quốc,
ít nhất, trong khu vực Á châu, đặc biệt ở Đông Á. Một sự thỏa thuận như vậy,
nếu được thực hiện, có khi kẻ bị hy sinh đầu tiên là Việt Nam. Chắc chắn Mỹ
không thể bỏ Nhật, Nam Triều Tiên và Úc - là những nước đồng minh lâu đời của
Mỹ: Mỹ vẫn cần những nước ấy để kiềm chế Trung Quốc.
Nêu lên
khả năng trên không phải để chúng ta tuyệt vọng. Nhưng đó là một cách nhắc nhở:
Việt Nam không nên ỷ y là Mỹ cần mình. Không, để có được một liên minh cần
thiết với Mỹ và các nước khác, Việt Nam cần phải cố gắng hết sức. Trong chính
trị thế giới thời hiện đại, nếu chúng ta không có nhiệt tình, không ai tự dưng
xông vào cứu mình cả.
0 nhận xét