Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 14 tháng 9, 2014
Hôm qua tôi gặp lại một người bạn lâu năm tại
buổi ra mắt quyển sách mới của anh: Trần Trung Đạo. Cách đây một phần tư
thế kỷ, chúng tôi thuộc nhóm anh em người Việt tiên phong trong buổi hồng
hoang của kỷ nguyên internet. Nhóm VietNet, thoạt đầu chỉ vài ba mươi
người, sau tăng dần lên đến vài trăm. Con số ít nên ai ai cũng biết nhau.
Tình cảm gắn bó từ thuở ấy, dù lâu lắm mới gặp lại, vẫn không phai nhoà.
Trong phần phát biểu rất ngắn, anh Trần Trung
Đạo kết luận rằng dân chủ là giải pháp duy nhất cho Việt Nam. Tôi hoàn toàn
đồng ý: chỉ có dân chủ thì mới đẩy lùi hoạ bắc xâm, cho phép người dân nhập
cuộc giải quyết các vấn nạn xã hội, tạo môi trường cho đất nước hoà nhập
vào thế giới tự do và phát triển.
Biết thế, nhưng làm làm sao tiến đến dân chủ?
Vận hội nghìn năm một thuở
Khổ nạn của dân tộc năm 1975 đã mở ra một vận
hội mới. 4 triệu rưỡi người Việt ở hải ngoại sẽ tạo được vận hội cho đất
nước hồi sinh, như Phượng Hoàng đã hồi sinh từ tro bụi. Chúng ta 39 năm lầm
lũi đi trên sa mạc tìm đường cứu dân cứu nước đã bỏ quên yếu tố quan trọng
nhất: sức mạnh tiềm tàng của khối người này.
Có dân tộc nào dám ước mơ, chỉ trong nháy mắt
của lịch sử nhân loại, rải khắp 5 châu bấy nhiêu hạt mầm cho tương lai?
Phong trào Đông Du thời xưa đào tạo được bao lăm mà trần ai vất vả vô cùng,
và rồi còn lại được mấy người? 4 triệu rưỡi người con của Mẹ Việt Nam ở
khắp 5 châu là cơ may hãn hữu của dân tộc, mấy nghìn năm chỉ có một lần.
Nhưng cơ may ấy sẽ qua đi rất nhanh nếu chúng
ta không biết nắm bắt lấy bây giờ. Mỗi ngày qua đi, quỹ thời gian của chúng
ta càng ngắn lại.
Biến mình thành Bách Việt
Thời Bách Việt của 5 nghìn năm trước, cả trăm
bộ tộc Việt quây quần với nhau, trong đó có những bộ tộc lớn: Điền Việt, Âu
Việt, Hồ Việt, Đông Việt, U Việt, Mân Việt, Nam Việt, Lạc Việt. Khi một bộ
tộc gặp nguy thì các bộ tộc khác quây vào bảo vệ và giải cứu. Nhưng rồi
quân du mục phương Bắc tràn xuống đánh tan và đồng hoá tất cả, trừ một
nhánh chạy thoát xuống phương Nam, là thuỷ tổ của dân tộc Việt Nam ngày nay.
Trong mấy nghìn năm sau đó, giòng giống Lạc
Việt trơ trọi đối đầu với phương bắc, đã đổ biết bao xương máu để thoát
nghìn năm bắc thuộc và gìn giữ bờ
cõi, giống nòi cho đến tận giờ.
Vì tình cờ của lịch sử, năm 1975 và sau đó lũ
lượt người Việt thoát nạn cộng sản ra đi, nhiều trăm nghìn người bỏ mạng
trên biển khơi, để ngày nay có 4 triệu rưỡi hạt mầm rải khắp năm châu. Chỗ
nào có tự do, dân chủ, phú cường nhất trên hành tinh này thì chỗ đó có
người Việt bám rễ vì chỉ những nơi ấy định cư những người Việt Nam tị nạn
bỏ nước ra đi. Chúng ta có cơ hội xây dựng lại Bách Việt: Mỹ-Việt,
Canada-Việt, Pháp-Việt, Đức-Việt, Nhật-Việt, Úc-Việt, Na Uy-Việt, Hoà
Lan-Việt... mạnh gấp trăm lần Bách Việt thời cổ xưa, để cứu nguy Lạc Việt
đang bị vây khổn. Nhưng chúng ta phải chủ động biến mình thành Bách Việt
trước đã.
Xây dựng và phát triển nội lực
Muốn là Bách Việt thì cộng đồng Việt ở khắp
thế giới tự do phải phát triển sức mạnh ngay tại quốc gia sở tại, nghĩa là
phải bám rễ thật sâu vào xã hội nơi mình đang sinh sống và rồi kết lại với
nhau nhằm đủ sức ảnh hưởng lên chính quyền và tranh thủ sự ủng hộ của các
cộng đồng bạn.
Chúng ta ở mọi nơi cần rủ nhau, giúp nhau
phát triển và hoà nhập thật nhanh, thật sâu vào nền kinh tế, xã hội và
chính trị nơi mình đang sinh sống, và phải có kế hoạch thu hút và đào tạo
đội ngũ lãnh đạo trẻ để tiếp nối công cuộc phát triển nội lực từ thế hệ này
sang thế hệ khác.
Nếu nơi nơi đều làm vậy thì lực lượng người
Việt hải ngoại đang dần biến mình thành Bách Việt để vực dậy dân tộc đang
lâm trọng bệnh và cùng nhau thay đổi đất nước và gìn giữ sơn hà.
Mở các mũi nhọn nhân quyền
Khi đã có sức mạnh và ảnh hưởng, cộng đồng
người Việt ở khắp thế giới tự do có thể thực hiện quốc tế vận để tranh thủ
hậu thuẫn quốc tế quanh những vấn đề nhân quyền. Nhân quyền là giá trị toàn
cầu mà mọi quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đều phải tôn trọng và công
chúng ở nơi nơi đều quan tâm và chia xẻ. Các mũi nhọn nhân quyền có thể mở
ra cho Việt Nam là: tự do tôn giáo, chống buôn người, quyền văn hoá, quyền
lao động, xoá bỏ tra tấn, quyền của người khuyết tật, v.v. Đó là những lĩnh
vực nhân quyền nóng bỏng trên thế giới và có nhiều cơ hội được quốc tế yểm
trợ.
Quốc tế vận hiệu quả đòi hỏi chúng ta phải có
kiến thức chuyên môn trong từng lĩnh vực nhân quyền, có chứng cớ và tài
liệu không thể bác bỏ, và có tổ chức để đủ sức ảnh hưởng chính quyền và huy
động quần chúng quốc tế. Đó là lý do cần xây dựng và phát triển nội lực cho
từng cộng đồng Việt trên toàn thế giới.
Xây dựng và phát triển xã hội dân sự trong
nước
Từ đòi nhân quyền đến xây dựng dân chủ là một
quãng đường rất xa, mà quốc tế sẽ không đi cùng chúng ta. Chúng ta phải tự
mình đi quãng đường đó.
Dân chủ chỉ có khi người dân biết kết hợp
thành sức mạnh vượt lên trên sức mạnh của chế độ. Một chế độ toàn trị không
bao giờ cho phép người dân kết hợp lại với nhau. Làm "anh hùng bàn
phím" thì được, "chính trị salông" thì được, nhưng khi hai
người đến với nhau để tính kế kết hợp là bị đàn áp ngay.
Các mũi nhọn nhân quyền giúp chúng ta mở ra
những "hành lang an toàn" cho người dân trong nước kết hợp lại với nhau. Sự chú ý và can
thiệp của quốc tế trong từng lĩnh vực nhân quyền dựng lên bức tường che
chắn cho những người và nhóm người hoạt động ở đằng sau, trong phạm vi hành
lang an toàn đã được dựng lên. Dĩ nhiên sự an toàn chỉ là tương đối. Và dĩ
nhiên việc kết hợp lại với nhau phải do chính mình chủ động -- sự quan tâm
và can thiệp của quốc tế dừng lại ở bức tường che chắn.
Người Việt ở hải ngoại, khi đã đủ sức mạnh,
đủ năng lực, đủ kinh nghiệm trong xã hội dân sự trên cùng khắp thế giới, có
thể yểm trợ và hướng dẫn cho đồng bào trong nước để từng bước phát triển
kết hợp lại thành xã hội dân sự, thoạt tiên trong phạm vi của các hành lang
an toàn và rồi lan ra khắp xã hội.
Khi người dân trong nước, từ tư thế quỳ bắt
đầu đứng vững trên đôi chân của chính mình, thì nền dân chủ bắt đầu ló
dạng. Và các nhánh của Bách Việt ở khắp nơi trên thế giới sẽ góp sức với
dân tộc để đẩy đất nước đi lên, thoát cảnh lầm than lạc hậu, thoát hoạ bắc
xâm và bắt kịp thế giới trong thế kỷ 21.
Hành trình 17 năm
Anh Trần Trung Đạo, trong phần phát biểu ngắn
gọn, nhắc nhở rằng "con đường đến dân chủ rộng thênh thang, đủ rộng
cho mọi người cùng tham gia". Đúng vậy. Mỗi người chúng ta có thể chọn
cách thức riêng của mình trên con đường ấy.
17 năm trước, chúng tôi chọn một hành trình
để đem dân chủ đến cho đất nước không trễ hơn năm 2020, và đặt nền móng
phát triển đất nước cho cả trăm năm về sau.
Khi lịch sử thuyền nhân sang trang năm 1997
thì sứ mạng vớt đồng bào ngoài Biển Đông hay bảo vệ họ trong trại tị nạn
cũng chấm dứt; BPSOS bắt đầu hành trình xây dựng nội lực cho cộng đồng ở
hải ngoại, rồi khởi xướng quốc tế vận quanh một số mũi nhọn nhân quyền, và
cuối cùng tạo các hành lang an toàn cho sự phát triển xã hội dân sự ở trong
nước. Đó là một hành trình miệt mài, đòi hỏi những người có tâm huyết, có
đạo đức, có chiều sâu mà tôi gọi là "hào kiệt" của dân tộc. Chính
những hào kiệt ấy đang xây dựng lại Bách Việt của thời đại mới, để Việt Nam
có thể ngửng mặt sánh vai cùng thế giới.
Chắc chắn trong nhóm VietNet năm xưa có những
người cũng đang miệt mài trên những hành trình song song. Tôi cầu mong
những anh em ấy và mọi "hào kiệt" của dân tộc sẽ thành công, vì
đó sẽ là thành công chung cho đất nước.
Bài liên quan:
Ba bước dân chủ hoá
|
0 nhận xét