Quan hệ đối tác toàn diện Mỹ-Việt đang ở đâu?
Đào Như
Trong một thông báo tại Hà Nội, Thượng Nghị sĩ Bob Corker nói rõ quyết tâm của Chính phủ Mỹ sẽ kết thúc vòng đàm phán TPP trong vòng từ ngày 12 đến ngày 18 tháng tới. |
OAK PARK, ILLINOIS—
Sau 38 năm kết thúc cuộc chiến và
18 năm sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, tầm nhìn của hai kẻ cựu thù
Việt, Mỹ đôi khi không nhìn chung về một hướng. Mãi đến năm 2011, trong chiều
hướng của chủ thuyết “Thế kỷ Châu Á Thái Bình Dương Của Mỹ” của Ngoại trưởng
Hillary Clinton, Tổng thống Obama lần đầu tiên nhìn nhận Việt Nam là một đối
tác đáng tin cậy của Mỹ tại Đông Nam Á trong chiến lược Mỹ trở lại Châu Á Thái
Bình Dương, nhất là Đông Nam Á.
Sau những biến đổi tồi tệ về tình
hình khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông do Trung Quốc tạo nên, đe dọa tác hại
đến lợi ích quốc gia của Mỹ tại khu vực này, Tổng thống Obama chủ động mời Chủ
tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang qua Washington để thảo luận vào ngày
25/7/2013 về tình hình khu vực Biển Đông với hy vọng nâng cao quan hệ Việt-Mỹ
lên tầm đối tác toàn diện.
Theo thông cáo chung sau cuộc gặp
lịch sử này, ”Tổng thống Obama và Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang quyết định xác
lập đối tác toàn diện trong quan hệ Mỹ-Việt.” Mối quan hệ này được thiết lập
trên một số cơ chế hợp tác trong nhiều lãnh vực khác nhau, trong đó có quan hệ
chính trị-ngoại giao, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, môi trường và y tế,
giải quyết hậu quả chiến tranh, du lịch và thể thao, kinh tế và mậu dịch, an
ninh và quốc phòng, nhân quyền…
Phần nhiều những mối quan hệ này
- kể cả quan hệ ngoại giao-chính trị - dễ dung hòa, vì cả hai bên Mỹ-Việt đều
sẵn sàng quên đi những hệ lụy chiến tranh giữa 2 nước trong quá khứ để cùng
nhau hướng đến lợi ích chung. Nhưng vì những khác biệt về điều kiện lịch sử, xã
hội, văn hóa và kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam hiện nay, những mối quan hệ về nhân
quyền, an ninh-quốc phòng, và kinh tế-thương mại, nhất là vòng đàm phán về vấn
đề Việt Nam gia nhập TPP, vẫn còn nhiều trở ngại và thử thách.
Từ cuộc họp thượng đỉnh
Washington hôm 25/7/2013 cho đến nay, hai bên thường xuyên trao đổi về những
biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện cũng như tăng cường
phối hợp các tiến trình đàm phán TPP. Các viên chức cao cấp của hai bên tiếp
tục điện đàm, thường xuyên đi lại giữa Hà Nội và Washington để thúc đẩy quan hệ
đối tác toàn diện.
Ngày 14-3-2014, theo đề nghị của
phía Hoa Kỳ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã điện đàm với Chánh Văn phòng
Tòa Bạch Ốc, đại diện Tổng thống Obama, ông Denis McDonough, nhằm thúc đẩy việc
kiện toàn quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ. Nội dung của cuộc điện đàm này
cũng không có gì mới lạ, không đạt được tính đột phá. Có chăng đó là câu nói có
vẻ hứa hẹn một cái gì đó từ phía Hoa Kỳ: “Hiệp hội TPP sẽ dành sự linh hoạt
thỏa đáng đối với các thành viên đang phát triển, như Việt Nam…” Nhưng Chánh
Văn phòng Tòa Bạch Ốc Denis McDonough không nêu rõ ý nghĩa cụ thể của cụm từ
“linh hoạt thỏa đáng” là như thế nào? Gồm có những gì? Vòng đàm phán TPP vẫn còn
nhiều gai góc, không thỏa mãn được Tòa Bạch Ốc đang thật sự mong muốn vòng đàm
phán này sớm chấm dứt trước cuối năm 2014.
Ngày 14/7/2014, ông Evan
Medeiros, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Obama, đến Hà Nội với mục đích thúc
đẩy Việt Nam về các vấn đề liên quan đến đàm phán TPP và Biển Đông. Điều đáng
chú ý là sứ mệnh của ông Medeiros rất bao quát và rộng lớn: kết hợp hai vấn đề
to lớn là việc Việt Nam gia nhập TPP và an ninh Biển Đông.
Trước đây Mỹ chỉ đòi Việt Nam
muốn được gia nhập TPP phải có tiến bộ về nhân quyền. Bây giờ thì lại kèm theo
an ninh BIển Đông. Nghĩa là muốn gia nhập TPP, ngoài điều kiện phải có tiến bộ
về nhân quyền, Việt Nam phải phối hợp quân sự với Mỹ để chống trả ý đồ xâm lăng
của Trung Quốc tại Biển Đông. Mặc dầu không nói ra, ai cũng hiểu đó là liên
minh quân sự với Mỹ. Vì vậy khi đến VN, mục đích chủ yếu của ông Medeiros là
gặp Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Tướng Vịnh
lúc nào cũng “yểm” sẵn “Chính sách Quốc phòng 3 không”, nhất là điều thứ 3:
“Việt Nam không liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào để chống lại một quốc
gia khác”. Do đó ông Medeiros đã không đạt được sự hợp tác của Tướng Vịnh như
Tòa Bạch Ốc mong muốn.
Tiếp theo đó là chuyến công du
Hoa Kỳ của ông Phạm Quang Nghị ngày 21/7/2014, chuyến đi đánh dấu một lần nữa
tầm quan trọng trong việc thúc đẩy kiện toàn quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ
và Việt Nam. Phạm Quang Nghị là Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị,
được xem như là người sẽ kế vị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tương lai.
Mục đích chủ yếu của chuyến công du của ông Nghị là thay đổi quan điểm của dân
chúng và Quốc hội Mỹ xưa nay thường cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam thiên về
Trung Quốc và chống lại Mỹ.
Đây là biểu hiện cho thấy quan hệ
Việt-Mỹ đang đi vào một giai đoạn mới và tích cực. Tại Mỹ ông Nghị đã tiếp xúc
với các Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Tony
Blinken, Chủ tịch tạm quyền Thượng viện Patrick Leahy và Thượng Nghị sĩ John
McCain. Trong các cuộc tiếp xúc này, ông Phạm Quang Nghị đã thông báo về tình
hình và chính sách đối ngoại của Việt Nam và khẳng định Đảng và Nhà Nước Việt
Nam coi trọng và không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ
đối tác toàn diện. Hai bên cũng đề cập đến tình hình dân chủ và nhân quyền tại Việt
Nam. Hiệu quả của chuyến công du Mỹ của ông Nghị là phần nào làm cho nhân dân
và chính phủ Mỹ thấy rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang dần dần rời bỏ Bắc Kinh
và hướng về Washington. Nhưng dường như sự xoay chiều này của Đảng Cộng sản
Việt Nam không đủ để thỏa mãn Quốc hội Mỹ.
Ngày 29/7/2014, Dân biểu Cộng hòa
Frank Wolf gửi một bức thư với chữ ký của 32 Dân biểu khác cho Tổng thống Obama
mạnh mẽ khuyến cáo Quốc hội Mỹ không cho Việt Nam gia nhập TPP nếu Hà Nội không
thay đổi đáng kể về mặt nhân quyền, cải tổ luật pháp phù hợp với luật bảo vệ
lao động, và Chính phủ Hà Nội phải theo đuổi thể chế dân chủ pháp quyền.
Cũng nên chú ý, trong tháng 7 vừa
rồi Quốc hội Mỹ đã thông qua hai dự luật quan trọng có lẽ cũng nhằm thúc đẩy
mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam. Đó là Dự luật cho phép Mỹ
hợp tác và giúp đỡ Việt Nam xây nhà máy hạt nhân dân sự tại Việt Nam và Dự luật
giải tỏa các lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN
Đầu tháng Tám này, cố vấn cấp cao
của Tổng thống Obama, Thượng Nghị sĩ Bob Corker, đã đi thăm Hà Nội và tiếp xúc
với các yếu nhân Việt Nam cũng không ngoài mục đích thúc đẩy kiện toàn quan hệ
đối tác toàn diện và thúc đẩy tiến trình đàm phán TPP. Trao đổi với ông Bob
Corker hôm 5-8, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã “kêu gọi Quốc Hội Mỹ thúc đẩy
các mối quan hệ kinh tế, đầu tư thương mại song phương, tạo điều kiện để Việt
Nam gia nhập TPP và ủng hộ một giải pháp ôn hòa cho vấn đề Biển Đông…” Đúng là
ông Sang chỉ lập lại những gì ông đã phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống
Obama tại Tòa Bach Ốc hồi năm ngoái (ngày 25/7/2013).
Trong một thông báo tại Hà Nội,
Thượng Nghị sĩ Bob Corker nói rõ quyết tâm của Chính phủ Mỹ sẽ kết thúc vòng
đàm phán TPP trong vòng từ ngày 12 đến ngày 18 tháng tới - nghĩa là thời khoản
dành ưu tiên cho Việt Nam gia nhập TPP còn rất ngắn. Phải chăng ông Corker đang
chuyển thông điệp của Tòa Bạch Ốc đòi Việt Nam phải gấp rút cải thiện nhân
quyền nếu không muốn bỏ mất hoàn toàn cơ hội gia nhập TPP?
Tuy nhiên, một ánh sáng vừa le
lói ở cuối đường hầm TPP: Trong chuyến công du Việt Nam mới đây, Thượng Nghị sĩ
John McCain đã tuyên bố hôm 8/8/2014 tại Hà Nội rằng “đã đến lúc Washington nên
nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, vì Hà Nội đã có tiến bộ
về nhân quyền như việc thả một số nhà bất đồng chính kiến và cởi mở hơn trong
vấn đề tôn giáo”. Về phần mình Thượng Nghị sĩ Sheldon Whitehouse cho rằng việc
nới lỏng sẽ xảy ra từng giai đoạn, nhưng nó có thể tiến nhanh hơn.
Ông McCain cũng hứa hẹn “Mỹ sẽ có
tư duy và hành động mới trong quan hệ với Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng kết thúc
vòng đàm phán TPP và làm việc với Việt Nam nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn để được
Mỹ công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường”. Thượng Nghị sĩ McCain nói
thêm: ”Chúng tôi sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự và tăng các chuyến viếng
thăm của tàu chiến đến mức mà Việt Nam cho phép, không phải bằng cách thiết lập
căn cứ, điều mà chúng tôi không có ý định, mà bằng các thỏa thuận giữa hai
nước…Chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ an ninh để giúp Việt Nam cải thiện khả năng
nhận thức về lãnh hải và xây dựng năng lực bảo vệ chủ quyền…”(1)
Dĩ nhiên thật là lạc quan cho
những ai được nghe những gì Thượng Nghị sĩ John McCain vừa nêu lên tại Hà Nội
hôm 8-8-2014 về những ưu tiên mà chính phủ Mỹ dành cho VN trong tiến trình gia
nhập TPP và trong việc kiện toàn và phát triển quan hệ đối tác toàn diện giữa
Mỹ và Việt Nam. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng đó mới chỉ là phát biểu của Thượng
Nghị sĩ John McCain chưa được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua và cũng chưa đem ra đàm
phán với phía Việt Nam. Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay đã xoay chiều,
hướng về Washington, điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẵn sàng quay nòng súng
180 độ để đánh trả Trung Quốc nhằm bảo vệ Biển Đông.
Cho nên vấn đề liên minh quân sự
với Mỹ vẫn còn là một mục tiêu khó đạt tới đối với Việt Nam, nhất là khi họ đã
quyết tâm bảo vệ “Chính sách Quốc phòng 3 không” của họ. Với chính sách này,
Việt Nam đã thành công giải quyết trong hòa bình những xung đột trên Biển Đông.
Cụ thể là việc Trung Quốc rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển đặc quyền
kinh tế của VN sớm hơn 1 tháng trước thời hạn do Trung Quốc ấn định.
Do vậy thật khó lượng định quan
hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam hiện nay đang ở đâu.
0 nhận xét