Ba “ông lớn” điện, than, dầu khí đòi người tiêu dùng gánh lỗ

 Ba tập đoàn lớn là Điện lực (EVN), Công nghiệp than - khoáng sản (TKV), Dầu khí (PVN) đồng loạt kêu lỗ hàng ngàn tỉ đồng do điều chỉnh tỉ giá, đề nghị… tính vào giá thành điện.
Cách xử lý lỗ thường thấy của các tập đoàn lớn ở Việt Nam là... tăng giá bán. Trong ảnh: công nhân sửa chữa lưới điện tại thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai - Ảnh: Tiến Thành
Cách xử lý lỗ thường thấy của các tập đoàn lớn ở Việt Nam là... tăng giá bán. Trong ảnh: công nhân sửa chữa lưới điện tại thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai - Ảnh: Tiến Thành
Trong khi đó, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công thương và chuyên gia cho rằng không thể đưa vào giá thành và tăng bao nhiêu cũng được, phải tính toán kỹ tránh kích hoạt làn sóng tăng giá.
Phải trông vào... tăng giá
Phân tích nguyên nhân khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá, ông Hồ Công Kỳ, chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power - thuộc PVN), giải thích hầu như tất cả các nhà máy điện khi đầu tư (vốn cần đến cả tỉ USD - PV) đều phải đi vay khoảng 70%, nhiều nhà máy phải vay cả tỉ USD.
Khi giá 1 USD là 21.000 VND thì vay 1 tỉ USD được quy đổi là 21.000 tỉ VND, nhưng khi tỉ giá tăng, 1 USD đổi được 22.000 VND thì nợ của doanh nghiệp tăng ngay lên thành 22.000 tỉ VND (tăng 1.000 tỉ VND). Nghĩa vụ trả nợ tăng, đồng nghĩa chi phí tăng, giá bán không tăng thì hiệu quả doanh nghiệp giảm, thậm chí lỗ.
Về khoản “lỗ” 1.200 tỉ đồng vừa được đề nghị tính vào giá điện của TKV, ông Nguyễn Anh Tuấn, phó tổng giám đốc tập đoàn này, cho biết thực chất ông không cho rằng đó là TKV “bị lỗ”.
TKV chỉ đề xuất Bộ Công thương cho phép điều chỉnh tỉ giá theo diễn biến thực tế theo đúng quy định mà thông tư của Bộ Công thương đã quy định.

Ông Tuấn cho rằng hiện các doanh nghiệp phát điện của TKV vẫn phải tính theo tỉ giá cũ, trong khi đó nếu căn cứ theo tỉ giá mới, mức chênh lệch tới 1.200 tỉ đồng (điều này đồng nghĩa 1.200 tỉ đồng chưa được tính vào chi phí phát điện của TKV - PV). Nên theo ông Tuấn, TKV đề nghị tính theo tỉ giá mới “cho đúng bản chất kinh tế”.
Ông Tuấn cũng cho rằng các nhà máy phát điện đầu tư để phát điện, nếu chênh lệch tỉ giá không tính vào giá điện thì... không phân bổ đi đâu được.
Ông nhấn mạnh hiện các doanh nghiệp tư nhân, nhiều nhà máy điện theo hình thức BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao) đều đã có cơ chế được tính vào giá thành ngay khi có phát sinh chênh lệch bởi điều chỉnh tỉ giá. Riêng một số doanh nghiệp nhà nước như TKV lại chưa được. “Điều này là không công bằng” - ông Tuấn nói.
Phần chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD đã được doanh nghiệp tính vào lợi nhuận các năm. Nay giá trị phải trả cho việc vay ngoại tệ tăng lên thì doanh nghiệp lại kêu lỗ. Do đó, cần phải phân bổ sao cho hợp lý chứ không thể kêu lỗ được.“Không phù hợp”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Văn Phước, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng việc doanh nghiệp kêu lỗ hàng nghìn tỉ đồng do chênh lệch tỉ giá là phiến diện. Bởi doanh nghiệp có vay ngoại tệ với lãi suất thấp chỉ 5%/năm, trong khi đó lãi suất vay tiền đồng bình quân 10%/năm. Chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền này đã bị doanh nghiệp bỏ qua.
Ở góc độ Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến, cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp, phân tích theo quy định, khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá sẽ được đưa vào chi phí sản xuất, khoản lỗ này được phân bổ trong năm năm.
Từ những năm trước, EVN lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng do điều chỉnh tỉ giá, và khoản lỗ này đang để phân bổ dần vào những năm sau. Được biết hiện nay EVN vẫn còn mấy nghìn tỉ đồng lỗ do chênh lệch tỉ giá.
Nhưng theo ông Tiến, bản thân việc các tập đoàn kêu lỗ do chênh lệch tỉ giá để hạch toán vào giá thành điện là chưa được hiểu đúng. Vì hạch toán lỗ do chênh lệch tỉ giá vào giá điện như thế nào thì phải được Bộ Công thương và Bộ Tài chính xem xét phê duyệt cụ thể.
Đơn cử như trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, mục tiêu tăng trưởng kinh tế... từ đó quyết định mức phân bổ lỗ do chênh lệch tỉ giá là bao nhiêu vì giá điện đang được Nhà nước kiểm soát. Do đó, doanh nghiệp không thể muốn đưa bao nhiêu thì đưa được.
Mặt khác, nói việc vay ngoại tệ để đầu tư công trình, dự án bị lỗ do nới tỉ giá là không phù hợp.
Ông Tiến khẳng định lỗ trong quá trình thi công công trình thì đã được vốn hóa vào trong giá trị công trình rồi. Chỉ có điều kinh doanh hằng ngày khi phát sinh các khoản mua bán vật tư, thiết bị mà thanh toán bằng USD thì có thể sẽ bị ảnh hưởng mà thôi.
Ông Tiến cho rằng các doanh nghiệp cần đánh giá tổng thể tác động từ việc điều chỉnh tỉ giá chứ không thể cứ nói nâng tỉ giá là báo cáo khó khăn và xin tăng giá bán, nhất là các mặt hàng thiết yếu như điện.
Trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Cần xem xét kỹ khả năng tăng giá điện
Trả lời Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho biết khoản lỗ phát sinh do tỉ giá là bất khả kháng, theo quy định hiện nay có thể được xem xét tính vào giá điện. Tuy nhiên, không có nghĩa nó sẽ được tính vào giá điện ngay mà sẽ được xem xét quyết định.
Điều này không phải bây giờ mới xảy ra vì theo vị lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, EVN từng phát sinh khoản lỗ 26.000 tỉ đồng cũng do điều chỉnh tỉ giá và đã phải phân bổ trong nhiều năm, đến tận bây giờ cũng chưa hẳn đã hết.
Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, cũng đồng tình phải xem xét nhiều yếu tố chi phí của các nhà máy điện. “Điều chỉnh tỉ giá không chỉ EVN, PVN, TKV bị ảnh hưởng, mà doanh nghiệp cả nước, người dân cũng bị ảnh hưởng”, vì vậy theo ông Ngãi, EVN cần tính toán chính xác xem tỉ giá khiến tăng chi phí bao nhiêu.
Với kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành điện, ông Ngãi cho biết tỉ giá tăng sẽ phải hạch toán vào giá điện, bởi quy định cho phép, thực tế cũng đã thực hiện rồi. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã cho tăng giá điện vào ngày 16-3 vừa qua, giờ tăng giá điện nữa sẽ “không hay”, bởi dù lạm phát thấp nhưng theo ông Ngãi, “giá ở thị trường, cái gì cũng đắt chứ không rẻ đi bao nhiêu”.
Cùng kêu lỗ
Theo thông tin từ Bộ Công thương, trong cuộc họp giao ban trực tuyến tháng 8-2015 ngày 3-9, phó tổng giám đốc TKV Vũ Anh Tuấn cho biết chênh lệch tỉ giá đã làm các nhà máy nhiệt điện TKV đầu tư phát sinh khoản lỗ đến 1.200 tỉ đồng. Do vậy, TKV đã kiến nghị Bộ Công thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỉ giá này vào giá thành điện.
Lãnh đạo PVN cũng cho rằng chênh lệch tỉ giá ảnh hưởng rất nhiều đến PVN.
Ông Ngô Sơn Hải - phó tổng giám đốc EVN - cũng “kêu” chênh lệch tỉ giá ảnh hưởng đến lĩnh vực điện rất lớn, riêng TKV lỗ khoảng 1.200 tỉ đồng. “Nếu cộng tất cả các con số mà cả TKV và PVN lỗ do tỉ giá thì có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỉ đồng” - ông Hải nói.
Ông Hải nhấn mạnh EVN đang thống kê số liệu để báo cáo Bộ Công thương nhằm có hướng giải quyết và cảnh báo “nếu tất cả các đơn vị điện của TKV, PVN đưa hết lỗ tỉ giá vào giá điện sẽ tác động rất lớn tới bức tranh tài chính của EVN”.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải kết luận diễn biến tỉ giá trong thời gian qua đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những kiến nghị tính vào giá thành sản xuất điện, ông Hải cho biết bộ sẽ trình Chính phủ xem xét.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.