Ông cụ bán vé số để làm khuyến học

Bắt đầu làm khuyến học từ lúc vé số chỉ 2.000 đồng/tờ, từ đó đến nay cũng được hơn chục năm, càng làm ông càng cảm thấy say mê và xem khuyến học như là một sở thích không thể nào bỏ được.
Các em thiếu nhi ở xã Phú Hữu luôn quấn quýt quanh ông Một mỗi khi ông ghé thăm, phát kẹo cho các em - Ảnh: Hải Quân
Các em thiếu nhi ở xã Phú Hữu luôn quấn quýt quanh ông Một mỗi khi ông ghé thăm, phát kẹo cho các em - Ảnh: Hải Quân
Với mái tóc và bộ râu dài bạc trắng, hình ảnh ông Lê Văn Một (79 tuổi, ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) hằng ngày đạp xe bán báo, bán vé số dạo đã trở nên quen thuộc với người dân xung quanh khu vực phà Cát Lái.
Ông Một là một trong những người đầu tiên nuôi heo đất làm khuyến học ở xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch.
“Ông Một hết sức nhiệt tình, tận tụy với học sinh nghèo. Ông đi bán vé số đến đâu gặp con nít nào cũng hỏi han, phát kẹo. Giờ tụi nhỏ trong xã cứ thấy ông là khoanh tay chào, ríu rít gọi ông cố” - thầy Lê Văn Chiện, phó chủ tịch Hội Khuyến học xã Phú Hữu, chia sẻ.
Xuất phát từ tình cảm với trẻ em nghèo, ông Một đã gắn bó với công tác khuyến học hơn 10 năm qua và luôn là gương điển hình tiêu biểu ở địa phương.
Sở thích làm khuyến học
Nhà ông Một nằm trong một hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo sát bên hông bến phà Cát Lái. Trong nhà ông có rất nhiều giấy khen, bài báo viết về hoạt động, thành tích của ông suốt thời gian làm khuyến học.
“Năm nay cho Cẩm Tiên 500.000 đồng vì cháu nó học trung học rồi, sắp tới dành một suất cho Công Minh đang học lớp 7. Tới đây có ông Mười Thành, chủ nhà trọ, hứa ủng hộ 3 triệu, còn cô Liên ở trạm y tế nói cho 1 triệu, rồi cổ bỏ ống heo riêng cũng được thêm 700.000 - 800.000 đồng nữa...” - ông Một lẩm nhẩm, cẩn thận ghi chép lại vào cuốn sổ tay danh sách những học sinh nghèo và các nhà hảo tâm ủng hộ cho dịp phát học bổng sắp tới.

“Hồi xưa chiến tranh loạn lạc nên tui chỉ học đến lớp 5 rồi nghỉ. Sau này con tui đứa nào giỏi lắm thì tới lớp 6, lớp 7 là nghỉ học hết. Thành ra khi vào trường học bán vé số cho các thầy, nghe kể về mấy đứa nhỏ học giỏi nhưng nhà nghèo đành bỏ học tui thấy uổng quá!” - ông Một chia sẻ.
Ông Một bắt đầu làm khuyến học từ lúc vé số chỉ 2.000 đồng/tờ. Từ đó đến nay cũng được hơn chục năm, càng làm ông càng cảm thấy say mê và xem khuyến học như là một sở thích không thể nào bỏ được.
“Hồi ấy còn dẻo dai, mỗi ngày tui bán được 100 - 200 tờ vé số. Ngày nào bán hết thì tui bỏ heo 15.000 đồng. Hôm nào ế quá thì tôi bỏ heo 5.000 - 10.000 đồng. Tuổi già người ta có nhiều sở thích như chơi cây cảnh, làm thơ, diễn văn nghệ... Riêng tui có hai cái thú là ca vọng cổ và bỏ ống heo làm khuyến học” - ông Một nói.
Mỗi năm ông cố gắng dành ra 10 suất học bổng, mỗi suất 
300.000 - 500.000 đồng cho học sinh nghèo. Bên cạnh đó, ông còn vận động các nhà hảo tâm được thêm 100 - 150 phần quà nhân dịp khai giảng, tổng kết, Trung thu, tết thiếu nhi...
“Nhà người ta nuôi cả đàn heo, còn tui chỉ nuôi hai con thôi. Một con dành cho quỹ khuyến học gia đình, cháu chắt trong nhà đạt điểm cao tui thưởng; con còn lại tui dành tiền để tặng học bổng cho các cháu học sinh nghèo” - ông Một hóm hỉnh chia sẻ.

   Ông Lê Văn Một

   
    
     
      Tuổi già người ta có nhiều sở thích như chơi cây cảnh, làm thơ, diễn văn nghệ... Riêng tui có hai cái thú là ca vọng cổ và bỏ ống heo làm khuyến học
Ông Lê Văn Một
Tuổi già người ta có nhiều sở thích như chơi cây cảnh, làm thơ, diễn văn nghệ... Riêng tui có hai cái thú là ca vọng cổ và bỏ ống heo làm khuyến học
“Còn sức là còn 
làm hoài”
Từ sáng sớm, ông Một bắt đầu rong ruổi khắp các con đường ở xã Phú Hữu và xã Đại Phước bán vé số, báo dạo. Vừa rảo bước ông vừa chỉ vào chiếc xe đạp, nói: “Chiếc xe này giờ ọp ẹp lắm rồi. Nó gắn bó với tui từ lúc tui bắt đầu làm khuyến học đến giờ. Mấy đứa con tui bảo mua xe mới cho tui nhưng tui vẫn giữ nó, coi như một kỷ vật thời làm khuyến học”.
Lúc ông bắt đầu bán vé số để nuôi heo đất, hàng xóm xung quanh tỏ ra dè bỉu, có người còn độc miệng nói: “Bộ ông này hâm hay sao, tiền còn không đủ ăn mà dám bỏ ra 3 - 4 triệu bạc làm chuyện bao đồng”. Ngay cả vợ con ông thời đó cũng không ủng hộ việc ông làm khuyến học.
“Nhà tui lúc đó cũng không dư dả gì, con cái toàn là lao động phổ thông, ổng lại nay đau mai ốm nên tui cũng phản đối dữ lắm vụ khuyến học. Nhưng mà ổng vẫn khăng khăng làm cho bằng được. Sau này thấy ổng tâm huyết làm và vui vẻ tui cũng xuống nước, ngày nào ổng bán ế tui còn bỏ ống heo phụ ổng” - bà Nguyễn Thị Đầm, vợ ông Một, tâm sự.
Khi nghe thầy cô kể có trường hợp học sinh vì nghèo túng mà bỏ học, ông liền đến từng nhà động viên những em đó quay lại trường học. Từ năm 2006 đến nay, nhiều năm liền ông Một được Hội Khuyến học tỉnh Đồng Nai tuyên dương.
Em Trần Thị Cẩm Tiên (Trường THCS Dương Văn Thì, huyện Nhơn Trạch) chia sẻ: “Năm lớp 6 em tính nghỉ học để đi chặt mía thuê kiếm tiền phụ mẹ. Ông Một biết chuyện liền đến nhà hỏi thăm, xin mấy thầy cho em vào học trước rồi thu xếp đóng học phí cho em. Đến khi em đạt học sinh tiên tiến, ông còn tặng quà cho em nữa”.
Thầy Lê Văn Chiện cho biết: “Khoảng năm 2005, Trường tiểu học Phú Hữu khi đó còn tổ chức khai giảng ở ngoài sân. Ông Một thấy các em học sinh chịu nắng nôi tội quá nên mới trích tiền cho nhà trường thuê 3 - 4 nhà vòm để các em tránh nắng. Rồi từ đó ông bắt đầu ủng hộ các suất học bổng cho nhà trường. Ông cũng là người đầu tiên nuôi heo đất làm khuyến học ở địa phương và tích cực tham gia các cuộc thi về khuyến học trên huyện, trên tỉnh”.
Sau này khi đã tạo được uy tín, ông Một tiếp tục huy động hỗ trợ từ các nhà hảo tâm trong xã để mở rộng nguồn tài trợ, vận động được nhiều suất học bổng cho các học sinh nghèo. “Thấy chú Một bán vé số mà còn làm khuyến học được, mình rất ngưỡng mộ. Nên sắp tới mình với nhiều bà con tiểu thương cũng muốn cùng chú ấy giúp đỡ các em nghèo học giỏi” - ông Nguyễn Hoàng Oanh, chủ nhà trọ Mười Thành, chia sẻ.
Ông Một tâm sự: “Còn sức là tui còn làm hoài. Nhiều hôm mệt muốn nghỉ bán, nhưng nghĩ tới mấy đứa nhỏ tui lại thấy thương, nên mưa gió gì cũng gắng đi để có tiền bỏ ống heo. Cứ mỗi lần tụi nhỏ vào nhà thăm tui, nghe mấy đứa nó cứ cảm ơn cố, chúc cố Một phát tài là tui khoái lắm!”.
Hội vé số 
Nghĩa Tình
Hội vé số tự quản Nghĩa Tình được ông Một và anh Trương Văn Tài, chủ một đại lý vé số trong xã Phú Hữu, thành lập cách đây sáu năm với 30 người, nhằm hỗ trợ những trường hợp bị lừa, bị giật vé số, những người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ bán vé số.
Ông Lê Văn Hách (85 tuổi, quê Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi vào hội vé số được bốn năm rồi. Tôi bị lừa vé số giả hai lần, mỗi lần 1,6 triệu đồng. Ông Một đã động viên giúp đỡ, cho tui trả góp dần”.
“Tui bán vé số được 10 năm rồi, tham gia hội từ ngày thành lập tới giờ. Hội vé số tự quản giúp tụi tui bán mà không cần đóng tiền thế chân. Hơn nữa, mỗi năm hội cho bốn lần gạo, tới tết còn có thưởng. Khi khó khăn thì mỗi người xuất ra vài ba chục ngàn đồng góp lại cho. Ông Một làm hội trưởng thường xuyên quan tâm tụi tui, ổng tiếu lâm hay pha trò lắm...” - ông Nguyễn Văn Dần (ấp Cát Lái, xã Phú Hữu) cho biết.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.