​Ưu tiên trong tuyển sinh chưa công bằng

Đó là đánh giá của nhiều phụ huynh và sinh viên đang theo học tại các trường ĐH về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ hiện nay.
​Ưu tiên trong tuyển sinh chưa công bằng
Nhiều phụ huynh và sinh viên cũng cho rằng cần phải điều chỉnh ưu tiên trong tuyển sinh cho hợp lý. Trong cảnh: Thí sinh xếp hàng chờ nộp và rút hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH năm 2015 tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: Ngọc Tuyền.
TTO xin giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến về vấn đề này:
* Bà Thủy Liên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM, phụ huynh có con đang là sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):
Con tôi phải nhường ước mơ cho những bạn được cộng điểm
Nhìn ở góc độ là phụ huynh có con từng thi đại học thì bản thân tôi cũng thấy tiếc cho con khi lẽ ra con đủ khả năng vào trường mong ước nhưng lại phải nhường cho những bạn được cộng điểm.
Tuy nhiên, tôi chỉ tiếc thôi, chứ không bức xúc vì tôi thấy cái gì cũng có những cái tốt và chưa tốt. Để tiêu chí này đươc thực hiện đúng và chuẩn thì cần phải có những quy định cụ thể và chi tiết hơn.
Ngay tại TP.HCM không phải trường nào cũng là trung tâm dạy và học tốt, vẫn có những trường ở vùng sâu vùng xa, vẫn có những em học sinh không có điều kiện đến trường. Nói thiệt là quy trình giáo dục chưa chuẩn và đồng đều nên kéo theo cả hệ thống khập khiễng.
Vấn đề này không nói chắc nhiều người cũng hiểu, quá nhiều vướng mắc, thương nhưng thương không cho trót, mà nghiêm cũng chưa hẳn là nghiêm.
Là phụ huynh nhưng lại công tác ở trường ĐH và hơn nữa là trong lĩnh vực tuyển sinh, tham gia giảng dạy, tôi thấy rằng cộng điểm chỉ để vào ĐH thì thực sự không ăn thua.

Vì có quá nhiều sinh viên ở tỉnh không theo nổi chương trình và không thích nghi được với môi trường, rồi mặc cảm, rồi thiếu thốn... thật sự đáng tiếc. Cộng điểm là để động viên, nhưng vô hình chung lại làm nhiều em ảo tưởng và lại giành mất cơ hội của người khác.
* Nguyễn Hiền (phụ huynh tỉnh Lâm Đồng)
Học sinh khu vực 3 chắc gì có điều kiện học tốt hơn khu vực 1?
Ở tỉnh Lâm Đồng, học sinh ở các thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc, với điều kiện ở đây học cực tốt, có các Trường chuyên như: Thăng Long, Bảo Lộc, nhưng thí sinh nơi đây được hưởng ưu tiên khu vực 1 (cộng 1,5 điểm) như khu vực miền núi thì học sinh ở những nơi khác sao mà chịu nổi, chắc gì ở khu vực 3 (không được hưởng ưu tiên) có điều kiện hoc tốt bằng ở đây?
Trong khi đó trong tỉnh, nhưng huyện khó khăn nhất là Đam Rông cũng chỉ cộng được 1,5 điểm. Thật là bất cập và không công bằng. Đề nghị phải điều chỉnh để thật sự công bằng, chứ nhìn vào mã tỉnh của thí sinh Lâm Đồng... là được cộng 1,5 điểm trở lên là bất hợp lý.
Cách xác định mức điểm ưu tiên khu vực quá rắc rối, quan điểm không nhất quán và mang tâm lý muốn chiều lòng nhiều đối tượng, hoàn cảnh. Chỉ nên xác định là năm cuối học ở đâu, tốt nghiệp ở đâu thì đươc ưu tiên theo khu vực đó. Mặt khác, nên thu hẹp mức điểm ưu tiên lại để đảm bảo chất lượng và công bằng. Đề nghị Bộ GD-ĐT cần xem xét lại chính sách ưu tiên trong tuyển sinh.
* Phạm Xuân Chiến (sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):
Ưu tiên trong tuyển sinh không hợp lý
Tôi trước đây là học sinh trường chuyên của tỉnh Quảng Nam. Thú thật, mơ ước của tôi là được trở thành sinh viên của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nhưng tôi lượng sức mình và cũng ngại vụ cộng điểm ưu tiên  trong tuyển sinh (tôi biết có thí sinh được cộng đến 2-3 điểm ưu tiên) nên chấp nhận dự thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM để theo đuổi đam mê học ngành cơ điện tử.
Bản thân tôi trước đây cũng được cộng điểm ưu tiên khu vực 0,5 điểm khi thi ĐH nhưng thực tế tôi không cần đến số điểm này vì điểm của tôi cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển 2 điểm.
Khi vào ĐH tôi thấy rất nhiều bạn trúng tuyển nhờ được cộng điểm ưu tiên. Trong quá trình học không ít trong số sinh viên này phải học hành rất vất vả, thi lại nhiều lần. Bạn bè tôi ở các trường ĐH khác cũng cho biết có những bạn trúng tuyển nhờ cộng điểm ưu tiên 2-3 điểm đã phải bỏ học vì không theo nổi chương trình.
Như vậy, rõ ràng những bạn này đã giành mất cơ hội của bạn khác (không được cộng điểu ưu tiên) lẽ ra xứng đáng được trúng tuyển hơn.
Bên cạnh đó cũng có nhiều bạn có hộ khẩu ở khu vực 1 nhưng học tập ở thành phố và những bạn là người dân tộc thiểu số nhưng sống ở các thành phố lớn cũng được cộng điểm ưu tiên. Điều này rõ ràng là không hợp lý.
Tôi cũng cho rằng để công bằng cần phải điều chỉnh chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh. Theo đó, đối với tất cả thí sinh nên bỏ việc ưu tiên KV theo hộ khẩu.
Đồng thời xem xét những thí sinh người dân tộc thiểu số mà sống và theo học tại các đô thị thì không được hưởng ưu tiên trong tuyển sinh vì điều kiện sống và học tập của những bạn này đâu thua kém gì thí sinh không được hưởng ưu tiên.
* Nguyễn Hoàng Hải (sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM):
Điểm ưu tiên rất cần thiết cho thí sinh vùng sâu vùng xa
Tôi thấy việc cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ là nhân văn, tạo sự công bằng. Bởi rõ ràng, điều kiện học tập, trường lớp, giáo viên của các học sinh thành phố hơn hẳn so với những thí sinh ở vùng sâu vùng xa. Bản thân tôi cũng từng là học sinh ở một trong những huyện vùng xa của tỉnh Đồng Nai, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn.
Khi học chương trình phổ thông, về phần kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp chúng tôi được trang bị đầy đủ và hoàn toàn có thể nắm vững. Tuy nhiên, phần kiến thức nâng cao để xét tuyển ĐH, CĐ, dù có học thêm, tìm hiểu nhiều hơn đi chăng nữa thì vẫn còn có một độ chênh nhất định so với những học sinh ở thành phố.
Đơn cử như việc thi thử ĐH, không phải trường nào ở huyện tôi cũng có thể tổ chức, bởi trình độ học sinh chỉ muốn tốt nghiệp và có nguyện vọng xét tuyển ĐH chênh lệch và kinh phí, thời gian tổ chức còn hạn hẹp.
Do đó, khi bước vào kỳ thi chính thức khó tránh khỏi những bỡ ngỡ, tâm lý nhất định. Giáo viên ở nhiều trường huyện dù tâm huyết đến đâu thì vẫn phải đặt mục tiêu tốt nghiệp cho học sinh lên hàng đầu, nhiều giáo viên mới ra trường dù có chuyên môn nhưng còn thiếu kinh nghiệm, chưa nắm hết các dạng đề, các thủ thuật làm bài thi ĐH, CĐ để truyền đạt cho học sinh.
Những năm gần đây, với sự phát triển của internet, việc ôn thi ĐH, CĐ ở huyện tôi cũng được cải thiện, số lượng học sinh đậu các trường ĐH, CĐ ngày càng tăng. Tuy nhiên, chủ yếu học sinh đậu vào những trường ĐH có mức điểm chuẩn vừa phải. Còn để đậu vào các trường ĐH tầm trung trở lên thì điểm ưu tiên vẫn rất cần thiết. Đặc biệt là những ngành điểm cao như y dược, ngoại thương…
Bản thân tôi và nhiều bạn cùng trang lứa cũng là học sinh ở trường huyện những ngày đầu bước chân vào giảng đường ĐH thấy mình còn thua kém nhiều so với các bạn học ở thành phố nhất là việc học ngoại ngữ, các kỹ năng mềm, khả năng tư duy, phân tích vấn đề.
Tuy nhiên, sau một thời gian được nhà trường đào tạo, trau dồi kiến thức, được tham gia nhiều hơn các CLB, đội, nhóm ở trường ĐH, chúng tôi cảm thấy mình có thể hòa nhập tốt và càng quyết tâm nỗ lực, học hỏi nhiều hơn nữa để đáp ứng các chuẩn đầu ra của nhà trường và khẳng định bản thân.
Cá nhân tôi thấy một số trường hợp sinh viên đạt điểm đầu vào rất cao, học ở thành phố nhưng khả năng tư duy cũng bình thường, bởi khi học phổ thông, các bạn ấy học theo kiểu “gà công nghiệp”, học vì điểm số… Do đó, điểm đầu vào dù cao nhưng chưa chắc tư duy và sự nỗ lực của các bạn thành phố đã hơn các học sinh ở trường làng, trường huyện.
Tuy vậy, tôi cũng thấy việc cộng điểm ưu tiên như hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong bối cảnh kỳ thi “2 trong 1” như năm vừa qua. Việc phân khu vực cộng điểm ưu điểm còn chưa hợp lý.
Ví dụ tất cả các thí sinh ở Tây nguyên đều được cộng 1,5 điểm ưu tiên khu vực là chưa thỏa đáng bởi, dù sao thì các bạn học trường chuyên ở các thành phố như Đà Lạt, Buôn Mê Thuột… vẫn có nhiều điều kiện để học tập, ôn luyện hơn các bạn học ở trường huyện ở những địa phương  khác tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn nằm ở khu vực 2, khu vực 2-NT.
Việc chệnh lệch về điểm số ưu tiên giữa các khu vực, đối tượng nên được điều chỉnh cho phù hợp nhất là khi độ chênh lệnh điểm nhỏ nhất giờ là 0,25 điểm thay vì 0,5 như trước đây.
Hơn nữa, nhiều trường còn xét tuyển theo thang điểm 40, do đó điểm ưu tiên cũng được tính và chia theo tỷ lệ của thang điểm này khiến cho độ chênh lệnh điểm giữa lớn hơn giữa các thí sinh được và không được cộng điểm ưu tiên.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.