Phản bác chú giải sai lệch, thông tin hiểm độc của Trung Quốc

 Việc học giới TQ luôn tìm cách gài những thông tin hiểm độc trong các nghiên cứu khoa học không phải là mới, chỉ có điều càng về sau này họ càng lộ liễu, ngoài vấn đề các quần đảo trên Biển Đông, gần đây lại lộ rõ ý đồ gây xáo trộn thông tin đối với các đảo phía tây nam VN.
Phản bác chú giải sai lệch, thông tin hiểm độc của Trung Quốc
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân - Ảnh: L.Điền
Từ bài viết “Cách chú giải bá đạo của học giới Trung Quốc” về tập bản đồ hàng hải 1841 ở Đại học Yale" (Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 
19-8-2015), nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân nhận được lời đề nghị của NXB Văn Hóa Văn Nghệ nên dịch, chú giải tập bản đồ này để phục vụ cho nghiên cứu và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Đến nay, công trình đã hoàn tất. Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân xoay quanh công trình này:
* Được biết ông vừa hoàn thành việc chú giải tập bản đồ hàng hải 1841 ở Đại học Yale và sẽ xuất bản ở VN trong thời gian tới, ông có thể giới thiệu sơ nét về tập sách này?
- Cuốn này có hơn 200 trang. Tập bản đồ gốc ở Đại học Yale có 122 bản đồ, chia làm hai bộ phận nam bắc, bộ phận phía bắc với gần 80 trang diễn tả vùng biển phía đông Trung Quốc (TQ), không liên quan đến VN, nên trong bản tiếng Việt này tôi chỉ dịch và chú giải bộ phận phía nam, tức từ nam Quảng Đông đến Bangkok, phần phía nam này 44 trang.
Nội dung sách này có nhiều trang bản đồ diễn tả phần Biển Đông VN, với những địa điểm cảng thị ven bờ và rất nhiều hải đảo lớn nhỏ gần và xa bờ, cụ thể là không gian biển từ Đà Nẵng đến đảo Thổ Chu.

* Ông có thể nói rõ hơn tầm quan trọng của tập bản đồ gốc trong hệ thống tư liệu nghiên cứu về lịch sử chủ quyền biển đảo ở Biển Đông? Và mức độ ảnh hưởng của việc chú giải “bá đạo” từ học giới TQ khi dẫn dụng tập bản đồ này đối với nhận thức của công chúng và của giới nghiên cứu là như thế nào?
- Thật ra, tập bản đồ này cũng chỉ là một phần nhỏ trong vô vàn sử liệu Trung Hoa liên quan đến lịch sử địa lý Biển Đông VN, nội dung chỉ đơn thuần là một tư liệu chỉ nam hàng hải.
Các trang bản đồ miêu tả hình thể cảng biển, hải đảo và ghi chép những thông tin cần thiết để người điều khiển tàu thuyền tiện bề sử dụng.
Nói chung tập bản đồ này chỉ thuần túy là một tư liệu về khoa học hàng hải cổ đại, không trực tiếp phản ánh vấn đề chủ quyền biển của các quốc gia, tuy nhiên loại tư liệu này cho nhiều thông tin trong nghiên cứu lịch sử hàng hải và quan hệ hải thương giữa TQ và khu vực Đông Nam Á, chúng cũng gián tiếp liên quan đến việc nghiên cứu chủ quyền biển đảo.
Học giới TQ đã lợi dụng việc nghiên cứu nó để gắn thêm những chú giải bậy bạ, thí dụ như họ chú giải rằng đảo Thổ Chu là của Campuchia chẳng hạn, hay như thay vì phải theo đúng cách quy ước trong tư liệu cổ mà nói Giao Chỉ hải, An Nam dương tức vùng Biển Đông VN thì họ lại chú giải là nó chỉ ứng với 
vùng biển vịnh Bắc bộ...
Bản dịch và chú giải mà tôi thực hiện lần này nhằm để đông đảo độc giả có cái nhìn đúng đắn đối với tư liệu cổ.
Đối với cộng đồng học thuật, tuy đây là tập bản đồ Trung văn nhưng là tập bản đồ được phổ biến rộng, đã được tìm hiểu, phân tích bằng tiếng Anh, tiếng Trung.
Do chưa có bản dịch ngôn ngữ khác, nên đa số học giả phương Tây không có sự đối chiếu khi nghiên cứu, họ chỉ tham khảo các bài nghiên cứu và bản chú giải của học giới TQ, nếu chúng ta không thông qua một bản dịch và chú giải bằng tiếng Việt cặn kẽ, thấu đáo và đúng đắn thì học giới bốn biển có thể bị ảnh hưởng bởi cách hiểu của TQ, khi sự sai lệch nhân rộng thì việc cải chính sẽ càng phức tạp.
Phản bác chú giải sai lệch, thông tin hiểm độc của Trung Quốc
Núi lớn Tân Châu; chú thích trong bản dịch tiếng Việt: Tân Châu, tức cảng Quy Nhơn, còn gọi cảng Thị Nại, tỉnh Bình Định, Việt Nam - Ảnh: trích từ tập bản đồ Yale
* Việc ông chú giải tập bản đồ hàng hải 1841 ở Đại học Yale có thể xem như một lời “đáp trả” học giới TQ?
- Chúng ta nên vượt qua mục tiêu đáp trả hay đối chọi, học giới TQ đông đúc, lại nói bậy luôn miệng, thì giờ đâu mà đáp trả hoài.
Nên tôi nghĩ là chúng ta nên cố gắng xử lý tư liệu cổ của họ thật đúng đắn, dẫu ít, dẫu chậm nhưng chuẩn mực đàng hoàng, tránh sa vào cực đoan như họ.
Trong lời dẫn cho bản dịch và chú giải tập bản đồ, tôi có nói cái ý là “Tuy do người Trung Hoa xưa soạn vẽ, nhưng với đặc tính của nó, nội dung loại tư liệu hàng hải phần lớn gắn liền với sự liên đới khu vực và những mối quan hệ quốc tế.
Học giới Trung Hoa ngày nay thường hay chủ quan và cực đoan khi xử lý loại tư liệu này, một mặt là sự ỷ lại bởi cho rằng đây là nguồn tư liệu bản ngữ của mình, mặt khác là do không nắm rõ hay phớt lờ các ghi chép bản địa.
Vì vậy, ghi chép của người Trung Hoa xưa về địa bàn VN hay vùng Đông Nam Á cần được dịch giải tường tận, công việc này không phải nhằm để đối sánh “cách hiểu của TQ” với “cách hiểu của VN” hay với “cách hiểu Đông Nam Á”, mà nhằm tìm đến “cách hiểu đúng đắn” gần với ý nghĩa chân xác của tư liệu nguồn”.
* Chú giải tập bản đồ này “từ phía VN”, ông có lợi thế gì nếu so với học giả các nước khác?
- Tôi thực hiện công việc này với lợi thế là được tham khảo những kết quả của học giới Trung - Tây trong mấy năm vừa qua, ở phần chú giải tôi truy tìm nguồn gốc cách ghi nhận địa danh trong tư liệu Trung Hoa sớm nhất, dẫn chứng, đối chiếu nhiều tư liệu địa danh trên các bản đồ cổ phương Tây, khai thác nhiều cách ghi nhận địa danh trên bản đồ cổ và tư liệu viết trong nguồn tư liệu Hán - Nôm VN và tên gọi dân gian, nhằm thấy được sự tương đồng dị biệt cũng như tìm hiểu diễn biến của nhiều địa danh lịch sử.
* Song song với việc chú giải, ông có cập nhật tình hình các học giả TQ vẫn dẫn dụng và chú giải “bá đạo” đối với tập bản đồ này?
Với tư cách một nhà nghiên cứu về chủ quyền biển đảo VN từ hệ thống tư liệu TQ và nước ngoài, ông có nghĩ đến việc phổ biến tập bản đồ này sau khi được chú giải đến rộng rãi công chúng và học giới trong cũng như ngoài nước?
- Hồi cuối tháng 8 năm ngoái, tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Con đường tơ lụa mở rộng: Lịch sử và văn hóa hải dương châu Á” (Beyond the silk road: Asian maritime history and culture) do Bảo tàng Hàng hải TQ tổ chức ở Thượng Hải, tác giả từng chú giải bậy bạ “đảo Thổ Chu của Campuchia” mà tôi đề cập trong bài viết trên TTCT (số ra ngày 19-8-2015) lại vẫn giữ nguyên cái sai ấy trong một nghiên cứu mới đem trình bày tại hội thảo, tham luận của ông ta có tiêu đề “Lược giải về các địa đồ và tư liệu chỉ nam hàng hải Trung Hoa - Thái Lan đầu thời Thanh”.
Kỷ yếu hội thảo có bài tham luận ấy đã được xuất bản thành sách (Nhà xuất bản Trung Tây, 12-2015), tình hình này cho thấy chúng ta cần phải nhanh chóng và bằng nhiều hình thức, nhiều phương tiện gửi thông tin cảnh báo đến giới học thuật quốc tế để họ cẩn trọng khi tham khảo các nghiên 
cứu của học giới TQ.
Việc học giới TQ luôn tìm cách gài những thông tin hiểm độc trong các nghiên cứu khoa học không phải là mới, chỉ có điều càng về sau này họ càng lộ liễu, ngoài vấn đề các quần đảo trên Biển Đông, gần đây lại lộ rõ ý đồ gây xáo trộn thông tin đối với các đảo phía tây nam VN.
Ra mắt Tập bản đồ hàng hải 1841 
ở thư viện Đại học Yale
Phản bác chú giải sai lệch, thông tin hiểm độc của Trung Quốc
Tập sách do NXB Văn Hóa Văn Nghệ vừa in xong, sẽ giới thiệu tại Hội sách TP.HCM lần 9 - Ảnh: L.Điền
NXB Văn Hóa Văn Nghệ sẽ tổ chức buổi ra mắt sách chính thức và giao lưu với nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân vào sáng 23-3 (từ 9g-11g30) tại nhà chuyên đề 1 trong khuôn viên Hội sách TP.HCM (công viên Lê Văn Tám, Q.1, TP.HCM).
Cùng dẫn chương trình và trao đổi với ông Phạm Hoàng Quân là TS Nguyễn Thị Hậu và TS Lê Vĩnh Trương - thành viên Quỹ nghiên cứu Biển Đông. Bạn đọc có nhu cầu trao đổi các vấn đề liên quan đến tập bản đồ này có thể đặt câu hỏi với các diễn giả tại đây.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.