Pháp - Trung đọ sức tại châu Phi
50 năm bang giao giữa Pháp và Trung Quốc. Paris và Bắc Kinh trong nửa thế kỷ qua đã đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa. Tại châu Phi, Pháp và Trung Quốc cùng đang lao vào một cuộc chạy đua để tranh giành ảnh hưởng của lục địa Đen, một thị trường với hơn 1 tỷ dân và nhu cầu tiêu thụ tăng 20 % một năm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến công du Tanzania cuối tháng Ba 2013 - REUTERS /Thomas Mukoya
|
Đâu là những giới hạn trong chính sách chinh phục châu Phi của Trung Quốc ? Đâu là những lợi thế của Pháp để tiếp tục đứng vững tại châu lục này, cưỡng lại các làn sóng đầu tư ồ ạt của Trung Quốc ?
Thống kê cho thấy sự hiện diện về kinh tế của Pháp tại châu Phi đang bị thu hẹp lại. Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã nghiễm nhiên trở thành đối tác thương mại số 1 của châu lục này. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều giữa Trung Quốc và châu Phi lớn hơn so với của Pháp và lục địa Đen từ năm 2007.
Không thể phủ nhận ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc và những lợi thế mà Bắc Kinh có được đối với châu Phi. Nhưng đối với châu Phi, Trung Quốc không « một mình một chợ ». Pháp vẫn có nhiều lá chủ bài trong tay, nhất là đối với những quốc gia thuộc khối Pháp ngữ.
Trả lời đài RFI Pháp ngữ, Lionel Zinsou, chủ tịch quỹ đầu từ PAI Partners phân tích về điều mà mọi người gọi là « sự thụt lùi của Pháp tại châu Phi ». Ông Zinsou còn là một trong những tác giả của báo cáo mang tên « Afrique-France : Un
partenariat pour l’avenir / Châu Phi – Pháp : đối tác cho tương lai ». Báo cáo này đã được trình lên tổng thống François Hollande nhân thượng đỉnh Pháp và châu Phi được tổ chức tại điện Elysée, Paris trong hai ngày 6 và 07/12/2013.
« Pháp là một quốc gia chuyên về xuất khẩu. Trong 10 năm qua, Pháp liên tục mất thị trường tại châu Phi. Trong lúc đó thì các hoạt động thương mại của châu Phi ngày càng dựa nhiều vào Trung Quốc. Vì vậy mọi người đã lên tiếng báo động và nói tới sự ‘tuột dốc’ của Pháp tại lục địa Đen. Nhưng sự suy thoái đó đã diễn ra từng bước và nếu nhìn đến tổng kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang châu Phi thì chỉ số này đã tăng lên gấp đôi trong thời gian 10 năm qua.
Theo tôi vị trí của nước Pháp nói riêng và của châu Âu nói chung sở dĩ bị thu hẹp lại tại châu Phi, là vì châu Âu không đánh giá đúng tình hình
: kinh tế châu Phi chỉ tăng khoảng 5 % mỗi năm nhưng nhu cầu tiêu thụ và nhu cầu nhập khẩu của châu lục này lại tăng 20 % mỗi năm.
Trong lúc mà châu Âu chậm chân như vậy thì hầu hết các quốc gia đang trỗi dậy - không chỉ có Trung Quốc mà cả Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, chen chân vào thị trường châu Phi đang có một đà vươn lên mạnh như vậy. Hiếm khi một quốc gia hay một châu lục nào có được tỷ lệ tăng trưởng ‘thần tốc’ như ở châu Phi.
Tuy nhiên bên cạnh đó, cần biết rằng Pháp không chỉ là một nguồn cung cấp hàng nhập khẩu cho châu Phi mà Pháp còn là một quốc gia đã đầu tư rất nhiều vào châu lục này và đã đặt nhiều hạ tầng cơ sở, nhà máy sản xuất tại đây và các công ty Pháp tạo nhiều công việc làm cho người châu Phi.
Các tập đoàn Pháp hiện diện trong rất nhiều ngành nghề, từ công nghiệp khai thác quặng mỏ đến lĩnh vực sản xuất các dụng cụ thường dùng, từ các dịch vụ tài chính, tư vấn đến các hoạt động văn hóa … Ở điểm này, Trung Quốc không đầu tư nhiều như Pháp. Nhưng xét về khối lượng vốn đầu tư đổ vào trong thời gian gần đây thì đúng là Trung Quốc đang bắt kịp nước Pháp.
Vậy trong bối cảnh đó Pháp phải làm gì để duy trì thế thượng phong của mình đối với lục địa Đen ? Tôi cho rằng Pháp cần tận dụng những lợi thế sẵn có –từ vốn đầu tư đến các cơ sở hạ tầng, nhân lực … để chinh phục lại châu Phi đang bị Trung Quốc mê hoặc. Pháp cần phải nhanh chóng tham gia vào tiến trình phát triển đó của châu Phi ».
Châu Phi, sân sau của Trung Quốc ?
Về phần Trung Quốc, cơ xưởng sản xuất của thế giới này cần đến châu Phi hay nói đúng hơn là cần các nguồn nguyên và nhiên liệu của châu lục này. Đồng thời là một nhà vô địch về xuất khẩu, Trung Quốc đã sớm trông thấy ở châu Phi một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng.
Tổng trao đổi mậu dịch và đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi đã tăng mạnh kể từ năm 2000 với Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc –Châu Phi. Năm 1990, hàng xuất khẩu của Trung Quốc chỉ chiếm được 1 % thị trường của châu Phi. Tỷ lệ đó nhảy vọt lên thành 15 % vào năm 2010.
Thêm vào đó quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước châu Phi lại tương đối dễ dàng, do Trung Quốc chưa từng đô hộ bất kỳ một quốc gia nào tại châu lục này. Trong quá khứ Trung Quốc lại luôn ủng hộ các nước thuộc địa cũ đòi độc lập.
Trung Quốc luôn tôn trọng nguyên tắc « không can thiệp vào công việc nội bộ », qua đó không « đụng chạm » đến những vấn đề nhạy cảm của các đối tác châu Phi. Theo nghiên cứu của trung tâm Center for Global Development, trong
thời gian 2000 đến 2013, Trung Quốc đầu tư 75 tỷ đô la vào châu lục này, chủ yếu trong các lĩnh vực như xây dựng, năng lượng, quặng mỏ …
Trong năm 2012 chẳng hạn Trung Quốc đầu tư tổng cộng 120 tỷ đô la ở hải ngoại, trong đó gần một nửa đã được trút vào châu Phi. Ba nước được các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm nhiều hơn cả là Nigeria, Algeri, Nam Phi. Tổng cộng từ năm 2005 tới 2012 Trung Quốc đầu tư 108 tỷ đô la vào châu lục này, trong đó hơn 34 tỷ được dành cho ngành vận tải, 31 tỷ hướng tới các công nghiệp khai thác dầu hỏa.
Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc dùng lá bài kinh tế để « thâu tóm » châu Phi. Theo quan điểm của nhà báo Michel Beuret, thì còn quá sớm để khẳng định là Trung Quốc đã « thuần phục » được Lục địa Đen. Ông Beuret còn là đồng tác giả cuốn « La Chinafrique » ghép từ hai chữ Trung Quốc và châu Phi, do nhà xuất bản Grasset phát hành năm 2008.
« Như vừa nói, các quốc gia đang trỗi dậy chứ không riêng gì Trung Quốc, đã nhanh chân tiến vào thị trường châu phi vào lúc mà mọi người cho rằng châu lục này không còn hấp dẫn. Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh cộng đồng quốc tế đã lơ là với lục địa Đen. Nhiều người bắt đầu thối chí và nghĩ rằng châu Phi không có hy vọng cất cánh kinh tế thì đấy chính là thời điểm mà Bắc Kinh ý thức được về tầm mức quan trọng của châu lục này đối với sự phát triển của chính bản thân Trung Quốc.
Từ đó Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp khai thác quặng mỏ, xây dựng cầu đường, hạ tầng cơ sở và nhất là ngành viễn thông. Cũng nhờ những khoản đầu tư đó của Trung Quốc mà kinh tế châu Phi có sức lôi cuốn hơn. Thế rồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa, nhiều nền kinh tế đang lên khác –như là Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Nga và kể cả Nam Phi…đã nhập cuộc. Nam Phi thậm chí là một đối thủ quan trọng của Trung Quốc ngay trên châu lục này.
Về câu hỏi Trung Quốc đã chinh phục được châu Phi hay chưa, thì tôi trả lời là chưa. Trung Quốc hoàn toàn ý thức được điều đó và họ chủ trương phát triển quan hệ hợp tác với các nước châu Phi chứ đó không phải là một mối quan hệ giữa người mạnh với kẻ yếu. Có rất nhiều các lĩnh vực mà phía Trung Quốc không can thiệp vào.
Cũng phải nói là người Trung Quốc không đem súng ống đến châu Phi như một số quốc gia đã từng làm trong quá khứ. Nhiều người Trung Quốc đến châu lục này làm ăn họ cũng cực khổ và sống một cách đạm bạc. Đó là điều tương đối người Phi châu dễ chấp nhận. Nhưng nói như thế không phải là sự chung sống đó lúc nào cũng diễn ra suông sẻ. Sự hiện diện của Trung Quốc cũng đã đặt ra khá nhiều vấn đề và đôi khi xảy ra xung đột như ở Zambie, Kenya Sénégal …
Trung Quốc tại châu Phi : cơ hội và thách thức
Vào lúc mà phương Tây lơ là với châu Phi thì Trung Quốc đã nhanh chân tiến vào châu lục này. Với Pháp nói riêng và với nhiều nước châu Âu nói chung, châu Phi từng là nạn nhận của chính sách thực dân trong quá khứ. Hiện tại châu lục này lại vấp phải thái độ đôi khi còn trịch thượng của những đối tác châu Âu. Trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, cũng châu Phi cảm thấy bị thiệt thòi trong quan hệ hợp tác với Mỹ. Một số khác thì lún sâu vào các cuộc « nội chiến ». Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của các nhà đầu tư Trung Quốc như một chiếc phao giúp châu lục này đi lên.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, châu Phi « tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa » : thoái khỏi sự thống trị của các nước phương Tây để trở thành « nô lệ » cho Trung Quốc. Về điểm này, Lionel Zinsou chủ tịch quỹ đầu tư PAI Partners phân tích :
« Tôi không nghĩ là châu Phi ngày nay
đang bị ‘đô hộ trở lại’ và tôi muốn nói đây thực sự là một sự ‘giải phóng’ cho châu lục này. Nói là Trung Quốc ‘đô hộ’ châu Phi là một quan điểm hẹp hòi của châu Âu. Bởi chính bản thân người dân châu Phi không cảm thấy là đang bị rơi vào tròng của Trung Quốc, cho dù là có khá nhiều cuộc xung đột xảy ra trong thời gian gần đây ở một số quốc gia để phản đối chính sách bất công của các công ty Trung Quốc.
Chúng ta phải nhìn nhận là hiện nay có khoảng 200 ngàn người Pháp sống tại lục địa Đen, trong lúc đó thì đã có tới một triệu rưỡi người Hoa đến đây làm ăn sinh sống. Dù có nhiều căng thẳng trong sự chung sống đó nhưng tôi nhận thấy là có một sự liên đới giữa người châu Phi với người Trung Quốc, cả hai đã từng bị thống trị trong quá khứ và họ đã tự giải phóng khỏi ách độ hộ của phương Tây. Nói cách khác, chính châu Phi cần có sự hiện diện của các doanh nghiệp Trung Quốc, cần có vốn của Trung Quốc để làm đối trọng với sự áp đảo của Pháp nói riêng, của châu Âu nói chung. Chính Trung Quốc đã làm thay đổi quan điểm của quốc tế về châu Phi.
Một lãnh đạo châu Phi ví von : Pháp thời thuộc địa coi châu Phi là một thứ nô lệ của mình, sau đó trong những năm 1990 thì coi như là một nàng hầu. Còn Trung Quốc ngay từ đầu xem quan hệ với châu Phi như một cuộc hôn nhân được dàn xếp vì lợi ích của đôi bên. Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc đã nhìn thấy những tiềm năng nào ở châu Phi ?
Chúng ta phải thực tế và nhìn vào các con số thống kê : trong 15 năm liền kinh tế châu Phi tăng trưởng với nhịp độ trung bình là 5 %. Cùng thời kỳ, GDP của châu Âu đang tăng khoảng 3 % một năm lại tuột xuống còn điểm âm. Vậy mà châu Âu không thấy được tiềm năng đầy hứa hẹn của lục địa Đen. Trong khi đó Trung Quốc nhận thức ngay thấy một điều : châu Phi là một lục địa nghèo, dân số lại tăng nhanh vậy họ cần hàng rẻ và thế là các tập đoàn Trung Quốc ồ ạt nhập áo quần, giày dép, đồng hồ, xe đạp và trong tương lai là xe hơi … vào châu lục này.
Hơn nữa Trung Quốc cũng nhìn thấy ở các đối tác châu Phi một nguồn cung cấp nguyên và nhiên liệu. Từng bước, thay vì cung cấp nguyên nhiên liệu cho châu Âu, châu Phi ưu tiên cho các khách hàng Trung Quốc hơn. Bénin chủ yếu xuất khẩu bông gòn. Ban đầu là để cung cấp cho các nhà máy ở miền đông nước Pháp thế nhưng gần đây, bông gòn của Bénin được bán thẳng cho Thượng Hải và chỉ nhằm phục vụ cho ‘cơ xưởng lớn nhất của thế giới mà thôi’
Cho dù là đã huy động vốn và nhân lực để mở rộng địa bàn hoạt động ở châu Phi, để từng bước làm chủ các nguồn cung cấp nguyên và nhiên liệu của châu lục này, nhưng các doanh nghiệp của Trung Quốc đang vấp phải nhiều trở ngại.
Thứ nhất Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất hiện diện tại châu Phi. Bên cạnh các cường quốc công nghiệp như Anh, Pháp hay Mỹ, Đức, trong những năm gần đây, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã chen chân vào thị trường giàu tiềm năng này.
Thách thức thứ hai là ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi về cách hành xử của Trung Quốc tại châu Phi : thống đốc ngân hàng trung ương Nigeria Sanusi Lamido, người từng sống và làm việc tại Bắc Kinh, vào tháng 3/2013 trong một bài báo đã không ngớt lời chỉ trích Trung Quốc. Theo ông các tập đoàn Trung Quốc vơ vét nguyên liệu của châu Phi để phục vụ cho guồng máy sản xuất của mình. Các sản phẩm làm ra từ Trung Quốc lại để bán cho người Phi châu. Nói cách khác, Trung Quốc không giúp cho châu lục này vươn lên, không giúp cho châu Phi phát triển mạng lưới công nghiệp và cũng không tạo công việc làm cho người dân tại chỗ. Ông Lamido gọi hợp tác giữa châu Phi với Trung Quốc là một « chính sách thực dân mới ».
Trả lời đài RFI Pháp ngữ nhà báo Michel Beuret báo trước một số nguy cơ cho châu Phi trước các làn sóng đầu tư ồ ạt của các doanh nghiệp Trung Quốc :
« Với nguy cơ châu Phi cũng như châu Âu trước đây sẽ đánh mất các kỹ năng, các ngành nghề công nghiệp truyền thống. Khi dùng hàng của Trung Quốc rẻ hơn so với hàng của chính châu Phi sản xuất ra thì người dân tại Lục địa Đen sẽ không ngần ngại dẹp bỏ hẳn một số những lĩnh vực như dệt may, lương thực …. Người dân rất dễ ghiền hàng rẻ, như nghiện một thứ ma túy. Điều đó cho phép nhiều gia đình mua sắm, tiếp cận được với những sản phẩm mà đến nay vẫn ngoài tầm tay của họ»
Theo Viện nghiên cứu về quan hệ quốc tế thuộc đại học Witwatersrand, -Johannesburg Nam Phi, nhờ các làn sóng đầu tư vào châu Phi mà các tập đoàn doanh nghiệp của Trung Quốc thâu tóm được 50 % thị trường công cộng của các quốc gia trên lục địa Đen. Hiện tại có ít nhất là 800 tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc hiện diện tại châu lục này. Có từ 500.000 đến 750.000 người Trung Quốc lao động tại đây. Vấn đề đặt ra là người nhập cư Trung Quốc không hòa đồng với cuộc sống của người dân bản xứ. bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa là rào cản lớn.
Sau cùng, châu Phi bắt đầu lo ngại trước viễn cảnh bị Trung Quốc hút hết các nguồn tài nguyên. Chẳng hạn như tại Soudan, mới chỉ cách nay 1 thập niên Trung Quốc hoàn toàn vắng bóng nhưng giờ đây, dầu hỏa của quốc gia này gần như chỉ dành để bán cho Trung Quốc. Lại cũng Bắc Kinh đã ký thỏa thuận với 12 nước châu Phi để mua 1/3 dầu hỏa mà các quốc gia này sản xuất ra.
Từ năm 2006 Angola trở thành nguồn cung cấp vàng đen số 1 của Trung Quốc, trước cả Ả Rập Xê Út. Trong 10 năm qua, Gabon nhân lên gấp 4 lần khối lượng gỗ quý bán cho Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là tương lai châu Phi sẽ đi về đâu khi đã bị cạn kiệt các nguồn tài nguyên đó ?
Xung đột giữa người dân tại chỗ với các tập đoàn Trung Quốc ở châu Phi ngày càng nhiều và điều đó cho thấy Trung Quốc chưa hoàn toàn chinh phục được châu lục này.
Ngoài ra chiến lược của Bắc Kinh đối với châu Phi chỉ có thể hoạt động được như ý muốn với điều kiện ổn định và hòa bình phải được bảo đảm. Chính ở điểm này nhiều nhà phân tích cho rằng, Pháp và Trung Quốc sẽ không đối đầu nhau tại châu Phi mà đó phải là một sự « cạnh tranh trong hợp tác » để có lợi cho tất cả các bên.