Sự mù quáng vô tận
Ở Tây
phương, hầu như ai cũng đồng ý ba tên siêu sát thủ hàng đầu của thế kỷ 20 là
Hitler, Stalin và Mao Trạch Đông.
Trong ba người, Hitler là kẻ bị căm ghét nhất và bị lên án nhiều nhất, nhưng
thật ra, theo các sử gia, đó lại là người gây ra tội ác ít nhất.
Số nạn nhân của những tên siêu sát thủ này thay đổi theo từng tài liệu và từng
cách tính, nhưng nói chung, của Hitler là khoảng từ 17 đến 30 triệu; của Stalin
là từ 40 đến 62 triệu; của Mao Trạch Đông là từ 45 đến 75 triệu. Nhìn vào con
số nào, tối thiểu hay tối đa, Stalin và Mao Trạch Đông cũng đều vượt xa Hitler.
Tất cả các tội ác của Hitler đều được công khai hóa. Ở nhiều quốc gia, không
phải việc ca ngợi mà cả việc hoài nghi hay biện bạch cho các tội ác ấy cũng đều
bị phê phán gay gắt, thậm chí, bị xem là phạm pháp. Hitler trở thành biểu tượng
của cái ác, của tội chống lại nhân loại. Mọi người đều biết điều đó. Và công
nhận điều đó.
Tội ác của Stalin được giấu giếm kỹ hơn. Suốt cả mấy chục năm, ông được xem như
một vị cha già dân tộc, hơn nữa, một cứu tinh của nhân loại. Nhiều nhà thơ, nhà
văn và trí thức nổi tiếng khắp nơi trên thế giới đua nhau ca tụng và góp phần
thần thánh hoá ông. Những lời tụng ca ấy lan đến tận Việt Nam, trong thơ Tố
Hữu: “Thương cha, thương mẹ, thương chồng / Thương mình thương một, thương Ông
thương mười.”
Tuy nhiên, sau khi Stalin chết được một thời gian, trong thời xét lại ở Liên
xô, một số tội ác của Stalin bắt đầu được vạch trần; đặc biệt, sau khi Liên xô
sụp đổ, hầu như toàn bộ những tội ác ấy đều được phanh phui. Người ta thấy
Stalin không khác gì một con quỷ dữ. Số nạn nhân bị hành quyết chính thức lên
đến cả triệu người. Số người bị chết, dưới hình thức này hay hình thức khác,
trong các trại tù và trại cải tạo lên đến mấy triệu. Số nạn nhân mà người ta
không thể đếm hết là số những người thuộc các sắc tộc khác, kể cả người Đức và
người Ukraine, bị Stalin ra trục xuất, đày đến những nơi hoang vu hẻo lánh và
đầy băng giá, cũng như những người dân bị chết vì đói khát do các chính sách
kinh tế và kiểm soát lương thực ngặt nghèo của Stalin. Con số này lên đến vài
chục triệu.
Nhận ra sự thật ấy, hầu như ở khắp nơi trên thế giới, người ta đều lên án
Stalin. Từ đầu thập niên 1990, khi chế độ Cộng sản ở Nga và Đông Âu cáo chung,
rất nhiều bức tượng của Stalin bị giật sập. Tuy nhiên, gần đây, ở Nga, dường
như le lói chút xu hướng muốn phục hồi uy tín của Stalin cho một mưu đồ chính
trị gì đó. Tượng Statin được dựng lại ở Georgia, quê quán của ông, cũng như ở
Moscow, trong quần thể tượng đài tưởng niệm các lãnh tụ Cộng sản. Dù sao, đó
chỉ là một chỉ dấu nhỏ. Và nó cũng bị phê phán dữ dội. Một cách chính thức,
chưa thấy một tên tuổi lớn nào dám công khai biện hộ cho Stalin.
Còn với Mao Trạch Đông?
Giống như trường hợp của Hitler và Stalin, rất khó biết được chính xác số nạn
nhân bị chết dưới tay của Mao Trạch Đông. Họ gồm hai loại chính: Một là những
người bị giết chết theo lệnh, trực tiếp hoặc gián tiếp, của Mao (ví dụ trong
thời chiến tranh trước 1949, thời cải cách ruộng đất, thời chống xét lại và
thời Cách mạng văn hóa) và hai là những người bị chết do các chính sách của Mao
gây ra, từ các chính sách thanh trừng trong nội bộ đảng và các chính sách thanh
tẩy chủng tộc ở Tibet đến các chính sách kinh tế điên khùng dẫn đến những nạn
đói kinh hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc khiến cả hàng chục triệu người
chết.
Ngoài việc giết người trực tiếp và gián tiếp, Mao Trạch Đông còn phạm nhiều sai
phạm nghiêm trọng khác đối với đất nước Trung Quốc, trong đó, đáng kể nhất là:
Một, phá nát nền văn hóa truyền thống vốn lừng lẫy khắp thế giới trong cả hơn
hai ngàn năm; hai, làm kinh tế Trung Quốc hoàn toàn suy sụp và kiệt quệ; và
cuối cùng, ba, đẩy cả một tỉ người vào tù ngục của một chế độ độc tài, độc đoán
và vô nhân đạo. Trong ba sai phạm ấy, Đặng Tiểu Bình, với chính sách đổi mới từ
giữa thập niên 1980, chỉ cứu chữa được hai sai phạm đầu. Còn chế độ độc tài thì
vẫn còn đó, đè nặng lên cuộc sống của mọi người. Dù kinh tế phát triển nhanh,
Trung Quốc vẫn nằm trong danh sách những nước chà đạp lên quyền làm người một
cách trầm trọng nhất. Người dân Trung Quốc, dù no ấm, thậm chí, giàu có hơn,
vẫn tiếp tục bị nghẹt thở dưới một chế độ độc đảng hà khắc.
Vậy mà, lạ, trong khi huyền thoại Hitler đã hoàn toàn sụp đổ, huyền thoại
Stalin đã sụp đổ gần hết, huyền thoại Mao Trạch Đông tại Trung Quốc hầu như vẫn
còn nguyên vẹn. Cách đây mười mấy năm, đi Hong Kong, và cách đây chỉ có mấy
năm, đi Trung Quốc, tôi vẫn thấy các bức tượng Mao nho nhỏ được bày bán đầy
trong các tiệm; hình ảnh của ông vẫn xuất hiện đầy trên áo sơ-mi, ly tách và
nhiều loại đồ trang trí khác. Bày bán nhiều như thế hẳn là có nhiều người mua,
trong đó, có khá nhiều người thuộc giới trẻ. Đến Bắc Kinh, vẫn thấy bức tượng
của Mao dựng uy nghi ngay trước cổng Thiên An Môn. Trên các phương tiện truyền
thông đại chúng, những lời ca ngợi Mao vẫn đầy dẫy.
Nhưng sự sùng bái đối với Mao Trạch Đông được thấy rõ nhất là vào kỷ niệm 120
ngày sinh của ông vào cuối tháng 12 vừa qua. Chính phủ Trung Quốc chi ra cả
thảy hai tỉ rưỡi đô la cho việc tưởng niệm (bao gồm cả việc bảo tồn ngôi nhà cũ
của Mao cũng như việc trùng tu một trung tâm du lịch ở địa phương). Một bức
tượng Mao bằng vàng ròng trị giá 20 triệu bảng Anh được dựng lên để dân chúng
đến cúng vái. Cúng vái thực sự. Với nhang khói nghi ngút. Mà số người đến cúng
vái như vậy, theo báo chí, lên đến cả mấy trăm ngàn người. Họ ùn ùn kéo về từ
mọi miền trên đất nước. Một bài báo đăng trên tờ Telegraph ở Anh chạy tít: “Ở
Trung Quốc, Mao Chủ tịch vẫn còn lớn hơn cả Chúa Jesus” (In China, Chairman Mao still bigger than
Jesus). Trong bài, ký giả dẫn lời một y tá 23 tuổi: “Mao là một vị
thần ở Phương Đông” (Mao is a god in the East).
Thật ra, hiện tượng sùng bái lãnh tụ như vậy cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Sùng bái là tâm lý chung của loài người. Nguyên nhân chính là sự yếu đuối với
hai khía cạnh: Một, tâm lý bầy đàn; và hai, ước mơ được “cứu rỗi” qua hình ảnh
của thần tượng: người ta hoặc nhìn các thần tượng ấy như giấc mơ của chính mình
hoặc hy vọng thần tượng sẽ làm thay đổi đời mình. Ở Tây phương, trong nền văn
hóa đại chúng và nặng tính chất tiêu thụ, nhiều người cũng mê mệt với các hoàng
tử và các công chúa hay các ngôi sao trong các lãnh vực âm nhạc, điện ảnh, thể
thao, v.v… Tuy nhiên, kiểu sùng bái như vậy, về bản chất, khác hẳn kiểu sùng
bái lãnh tụ. Người ta có thể mê mệt một ngôi sao trong làng giải trí nhưng
không ai sẵn sàng chết hay hy sinh bất cứ thứ gì cho các ngôi sao ấy cả. Trong
chính trị, ngược lại, sự sùng bái mang tính chất tôn giáo, do đó, có thể dẫn
đến những hành vi tử vì đạo. Mức độ mê muội của sự sùng bái, do đó, lớn, sâu và
nghiêm trọng hơn nhiều.
Ở các nước dân chủ, về phương diện chính trị, với các lãnh tụ, người ta có thể
ngưỡng mộ, cực kỳ ngưỡng mộ, nhưng không sùng bái, hoặc nếu sùng bái, chỉ là
một sự sùng bái có mức độ.
Với tư cách một hiện tượng xã hội, sự sùng bái lãnh tụ hầu như là một tâm lý
đặc thù dưới các chế độ độc tài, từ độc tài quân phiệt đến độc tài Cộng sản.
Dưới chế độ độc tài quân phiệt, ở Iraq có Sadam Hussein; ở Libya có Muammar
Gaddafi; ở Malawi, có Malawi Hastings Banda; ở Togo cóGnassingbé Eyadéma;
ở Turkey có Mustafa Kemal Atatürk;
ở Turkmenistan có Saparmurat Niyazov.
Nhưng nhiều nhất là dưới chế độ Cộng sản: Ở Liên xô, có Lenin và Stalin; ở
Albania, có Enver Hoxha; ở Romania, có Nicolae Ceaușescu; ở Ba Lan, có Józef Piłsudski;
ở Việt Nam, có Hồ Chí Minh; ở Bắc Hàn có nguyên cả dòng họ Kim, hết cha đến con
rồi đến cháu, hết Lãnh tụ Vĩ đại đến Lãnh tụ Kính yêu; ngay ở Afghanistan trước
đây, Nur Muhammad Taraki, theo đòi Cộng sản, cũng tự xưng là một “Lãnh tụ Vĩ
đại” và là một “Vì sao ở Phương Đông”, v.v..
Lý do của việc gắn liền giữa chế độ độc tài và sự sùng bái lãnh tụ rất dễ hiểu:
Tất cả các chế độ độc tài đều sử dụng sự sùng bái của dân chúng đối với lãnh tụ
như một trong những chiến lược chính để xây dựng và bảo vệ chế độ. Không có
chính nghĩa và cơ sở pháp lý, họ chỉ có một cách duy nhất để tồn tại là mê hoặc
dân tâm. Biện pháp chính để mê hoặc là tuyên truyền. Nhưng muốn tuyên truyền
một cách hiệu quả thì lại cần đến hai điều kiện khác: Một, nắm toàn bộ các
phương tiện truyền thông để có thể dập tắt tất cả những tiếng nói khác, đặc
biệt, những tiếng nói trái chiều; và hai, trình độ dân trí thấp đủ để có thể
tin những lời nói dối trá.
Ở Trung Quốc, sự độc quyền thông tin vẫn tồn tại. Nhưng còn dân trí thấp? Trên
nguyên tắc, có cảm tưởng như đó là một nghịch lý. Một đất nước có truyền thống
lịch sử và văn hóa huy hoàng đến vậy không thể có dân trí thấp. Một nền kinh tế
phát triển nhanh và mạnh như vậy cũng không thể có dân trí thấp. Nhưng trên
thực tế, đặc biệt trong lãnh vực chính trị, người ta lại không thể không nói
trình độ dân trí của Trung Quốc, nói chung, còn khá thấp.
Thấp nên mới mê tín lâu đến như vậy.
Và vì mê tín lâu nên chế độ độc tài mới kéo dài. Dài triền miên.
Người ta thường nói độc tài đi đôi với ngu dân là vậy.