Jonathan London: Nhân quyền: bóng bẩy và thực chất
Tuần qua, chính trường
Việt Nam đã hướng về Geneve, nơi mà những hành động chính trị diễn ra sôi nổi
xoay quanh cuộc gặp gỡ Phiên Điều trần Kiểm điểm Định kỳ phổ quát (UPR:
Universal Periodic Review) của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc. Đến nay, đã
có khá nhiều thảo luận, tranh luận, và trận “ném đá” về UPR, một cụm từ mà
trước đây vài tuần đại đa số người quan tâm đến chính trị ở Việt Nam chẳng bao
giờ biết đến.
Nếu chúng ta đã biết từ
trước các phiên UPR gần như không thể mang lại một kết quả cụ thể nào chính vì
những hạn chế của LHQ, thì những sự kiện ở Geneve có ý nghĩa gì? Theo tôi, “tuần
UPR”của Việt Nam tại Geneve sẽ được ghi nhận như một sự kiện quan trọng, trong
sự phát triển chính trị đương đại của đất nước. Ít nhất có hai lý do.
1.
Một cơ hội để nhìn rõ và suy ngẫm về tình hình trong nước
Trong những năm qua,
tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ theo quan điểm chính thức
của nhà nước Việt Nam. Tôi rất hoan nghênh lời phát biểu của Thứ trưởng Ngoại
giao Hà Kim Ngọc, khi khẳng định rằng: “Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt
Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy tất cả các quyền và tự do cơ bản của con
người, coi đó là nguyên tắc cơ bản của các chiến lược và chính sách phát triển
kinh tế – xã hội của đất nước”. Nhưng, nếu những lời này thực sự phản ánh chính
sách của nhà nước Việt Nam thì chúng ta chỉ có thể có hai kết luận: hoặc là có
một số vấn đề trong quá trình thực hiện các chính sách đó; hoặc là có sự nhầm
lẫn giữa ý tưởng với thực tế.
Tôi khá thông cảm với
cách tiếp cận khái niệm về nhân quyền, nó bao gồm những yếu tố cả về chính trị,
xã hội, kinh tế, và dân sự. Và đại đa số những người lo ngại về nhân quyền ở
Việt Nam không hề phủ nhận thực tế rằng, dù còn quá nhiều bất cập, Việt Nam đã
có được nhiều tiến bộ quan trọng trong các vấn đề về kinh tế xã hội có liên
quan đến nhân quyền và chất lượng đời sống của nhân dân. Song, các vấn đề về
mức sống, dù rất quan trọng, không phải là những vấn đề trung tâm đối với tình
hình nhân quyền ở Việt Nam. Nói cách khác, việc chúng ta nhìn thấy những tiến
bộ hứa hẹn trong một số lĩnh vực không có nghĩa là chúng ta nên “tha thứ” hay
phủ nhận những vi phạm về nhân quyền từ trước đến nay ở Việt Nam.
Thay vì nói nhiều đến
những thành tích tưởng tượng, những luật lệ theo hình thức này, hình thức kia,
và những con số thống kê nghe thì hay ho nhưng vô nghĩa, nhà nước nên nỗ lực để
làm những gì mà họ nói. Nếu muốn bước vào một tương lai mới, thái độ chân thật
là bước đầu. Số người bị đánh đập, đe dọa, bỏ tù tại Việt Nam đã và đang
ở một mức độ kinh tởm. Mặc dù số người bị bỏ tù theo điều 88 đã giảm, xu
hướng con số đó không nói lên điều gì, nhất là khi có nhiều biện pháp áp chế
khác, cả chính thức, như những điều 58, 72, 79, lẫn không chính thức, như hiện
tượng sử dụng côn đồ và dùng luật rừng.
Những nhận xét trên có
lẽ không có gì mới lắm đối với người Việt Nam. Song, qua báo cáo của nhà nước
Việt Nam, sự quan tâm của công đồng quốc tế, và nhất mọi sự quan tâm và những
nỗ lực của các nhóm xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế, cả thế giới đang thấy rõ
hơn tình hình về nhân quyền ở Việt Nam. Đó là một kết quả tốt dù chỉ là một sự
bắt đầu. Ngay trong tuần sau UPR đã có những người bị đàn áp rồi, làm cho mọi
người nghi ngờ về câu “Nhà nước Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy
tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người.”
2.
Một thành tích to lớn
Dù chưa thấy một thay
đổi hứa hẹn trong hành vi và cách cư xử từ phía nhà nước, Việt Nam đã đạt được
nhiều thành tích to lớn trong lĩnh vực nhân quyền. Ở đây tôi không nói đến
những báo cáo bóng bẩy như: “bước tiến đáng kể về tư duy nhà nước pháp quyền”
hay việc có “997 cơ quan báo chí, in 1.084 ấn phẩm” hay việc số người dùng
Internet đang tăng cao hay việc “có khoảng 460 hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp
có phạm vi hoạt động toàn quốc, liên tỉnh, thành phố” hay việc đã “cho phép” bà
Trần Thị Ngọc Minh sang Mỹ và chia sẻ thông tin về tình trạng của con gái trong
Gulag hay Guantanamo của Việt Nam.
Dù tôi không coi nhẹ
những nỗ lực của nhiều quan chức mà thực sự muốn có tiến bộ về nhân quyền, song
những thành tích to lớn nhất về nhân quyền ở Việt Nam lại xuất phát từ các nỗ
lực của nền xã hội dân sự đang phát triển đầy hứa hẹn.
Nếu trước đây tôi chưa
sẵn sàng coi những nỗ lực vì nhân quyền ở Việt Nam là một phong trào xã hội
thực sự, theo định nghĩa đúng của nó, thì bây giờ tôi có cái nhìn khác. Những
nỗ lực vì nhân quyền ở Việt Nam đã và đang phát triển một cách rất ấn tượng, bất
chấp những điều kiện khó khăn phải đối mặt mỗi ngày. Như chính ĐCSVN cách đây
tám mươi mấy năm đã nhận thấy, yêu nước, muốn công lý thì phải có một tổ chức
hữu hiệu. Dù bị đe dọa, bỏ tù liên tục, những nhóm, cá nhân, và mạng lưới đang
đấu tranh tích cực vì một Việt Nam pháp quyền và văn minh là những người anh
hùng của Việt Nam đương đại. Cả nước Việt Nam nên nhiệt liệt hoan nghênh những
nỗ lực dũng cảm của những con người này.
Việc chỉ có thể có những
thảo luận sâu và tự do về nhân quyền ở Việt Nam tận Geneve, một nơi rất xa Việt
Nam, có nhiều ý nghĩa. Câu “[Nhà nước] Việt Nam sẵn sàng mở cửa cho đối
thoại và hợp tác với các nước khác” là ý rất hay. Song, rất nhiều người
muốn chính quyền cũng nỗ lực xây dựng một nước pháp quyền và “mở cửa cho đối
thoại” với chính người dân Việt Nam hơn là những tuyến bố chung chung. Tiếc
rằng đến bây giờ vẫn chưa có một đối thoại nào (ngoài đồn công an và trên mạng)
giữa các bên của Việt Nam, gồm “bên trên” (chính quyền), “bên dưới” (xã hội dân
sự), và “bên ngoài” (cộng đồng người Việt hải ngoại). Thay vì coi những nỗ lực
về nhân quyền từ xã hội dân sự – trong và ngoài bộ máy – một lực lượng cần
“chống”, hãy mở đối thoại với họ. Hãy có đủ thâm nhình, dũng cảm, tự tin, và
lương tâm để có một bước tiến cần thiết trên đường phát triển của một đất nước
Việt Nam thực sự văn minh.
Dù cần thiết, sự có mặt
của một phong trào chưa đảm bảo sẽ có tiến bộ nào. Nói mãi qua mạng chưa chắc
có tắc động thực tiễn. Những tiến bộ tương lai sẽ chỉ có thể đạt được với những
nỗ lực hai chiều. Sự phát triển của xã hội dân sự, cùng với một sự quyết tâm và
dũng cảm mới của một số (không cần nhiều) nhân vật chủ chốt trong bộ máy
sẽ giúp vấn đề nhân quyền ở Việt Nam tốt hơn. Tất nhiên sự thay đổi thực sự
không thể xãy ra tự động từ trên xuống dưới.
Kết
luận
Là người Mỹ hay Trung
Quốc hay Hàn Quốc hay Việt Nam, chúng ta đều cần đấu tranh cho một thế giới hòa
bình, mà trong đó nhân quyền được tôn trọng một cách toàn diện. Vâng, phải có
trật tự. Nhưng, trật tự xã hội phải bảo đảm nhân quyền. Vấn đề không phải là
xem quyền nào “phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam” vấn
đề là làm gì và làm thế nào để nhà nước Việt Nam thực sự (không giả vờ) “tôn
trọng, bảo vệ và thúc đẩy tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người và có
hành vi hợp pháp.
Nguồn: xinloiong.jonathanlondon.net