Chính trị hóa lực lượng vũ trang là phản dân chủ

Yêu cầu quân đội trung thành với đảng là phản dân chủ

Khái niệm “Chính hóa lực lượng vũ trang” ở đây được hiểu là lực lượng vũ trang  bị ảnh hưởng, hoặc bị buộc phải trung thành với một đảng phái chính trị.
Nguyên tắc phổ quát của xã hội dân chủ đối với lực lượng vũ trang là:
Lực lượng vũ trang phải phục vụ đất nước chứ không phải là người lãnh đạo Nhà nước. Lực lượng vũ trang chỉ tuân theo pháp luật và tuân theo mệnh lệnh của Nhà nước; bảo vệ nhân dân theo quy định của pháp luật. Chỉ có những người được dân bầu lên mới có trách nhiệm và quyền lực tối cao đối với lực lượng vũ trang và sử dụng nó trong việc quyết định vận mệnh của đất nước. Nguyên tắc kiểm soát dân sự đối với lực lượng vũ trang là nguyên tắc cơ bản của xã hội dân chủ.
Lực lượng tồn tại để bảo vệ đất nước, bảo đảm an ninh – trật tự xã hội và các quyền tự do của nhân dân. Lực lượng không được đại diện hay ủng hộ bất cứ quan điểm chính trị nào, không được tuyên thệ trung thành với một hệ tư tưởng nào, không được tuyên thệ trung thành với một tôn giáo hoặc sắc tộc nào. Lực lượng vũ trang phải trung thành với những lý tưởng chung của dân tộc, trung thành với pháp quyền và nguyên tắc dân chủ. Mục tiêu của lực lượng vũ trang là bảo vệ xã hội chứ không phải định hình xã hội. Lực lượng vũ trang phải là đầy tớ trung lập của nhà nước và là người bảo vệ xã hội.
Tình trạng của lực lượng vũ trang ở Việt Nam hiện nay thì sao?
Điều 3 trong chương 1 quy định về “Chế độ chính trị” của Hiến pháp năm 2013 có nhắc đến mục tiêu “dân chủ”, trích: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.”
Nhưng  điều 65 của Hiến pháp 2013 lại quy định lực lượng vũ trang ngoài việc “tuyệt đối trung thành” với cả Tổ quốc, Nhân dân, Nhà nước còn phải tuyệt đối trung thành với cả Đảng, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa…trích: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Điều này là không logic, làm cho bản Hiến pháp tự nó đã mâu thuẫn và phủ nhận mục tiêu xây dựng một xã hội dân chủ ở Việt Nam. Bởi vì các phạm trù Tổ quốc, Nhân dân, Nhà nước, Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa không phải là một thể thống nhất. Lực lượng vũ trang phải trung thành với 04 chủ thể là Tổ quốc, Nhân dân, Đảng và Nhà nước, trong đó 02 chủ thể (Tổ quốc và Nhân dân) không xác định là ai, còn lại chỉ là phải trung thành với Đảng và Nhà nước. Mặt khác, điều 4 Hiến pháp lại quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội và chỉ có “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” còn Đảng Cộng sản Việt Nam lại không nằm trong khuôn khổ pháp luật.
Thực chất các điều 4 và điều 65 của Hiến pháp năm 2013 đã xác định Đảng Cộng sản Việt Nam đứng trên pháp luật, đứng trên Tổ quốc, Nhân dân, Nhà nước, xã hội và buộc lực lượng vũ trang phải trung thành với mình, bảo vệ mình và chế độ xã hội chủ nghĩa; phủ nhận mục tiêu xây dựng một xã hội dân chủ. Chính trị hóa lực lượng vũ trang là công cụ hòng thiết lập và duy trì một thể chế toàn trị.
Tháng 03/2014,
Đức Phong


,
Được tạo bởi Blogger.