Trung Quốc đang có ý đồ gì ở Việt Nam?
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Công nhân Trung Quốc
tham gia thi công Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng giờ tan ca.
|
Kinh tế hay chính trị?
Dư luận Việt Nam thể
hiện qua báo chí và các diễn đàn trên mạng đang bày tỏ sự quan tâm rất lớn về
hiện tượng người Trung Quốc xâm nhập sâu vào nền kinh tế Việt Nam và với cung
cách đặc biệt khác thường. Câu hỏi đặt ra là phía sau những hành động đó ẩn
khuất những mưu toan gì cả về kinh tế lẫn chính trị?
Trả lời Nam Nguyên tối
13/3/2014, TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập từ Hà Nội nhận định:
“Sự lo ngại trong công
luận của Việt Nam rất là lớn, tôi cũng không hiểu tại làm sao mà trên lãnh thổ
Việt Nam lại có các đơn vị Trung Quốc kinh doanh đóng kín như người dân ở đấy
nói lại, như ở Hà Tĩnh công an vào họ cũng không cho vào. Như vậy ở đấy thành
ra lãnh địa của Trung Quốc rồi chứ còn gì nữa!
Và nhân kinh nghiệm ở
Ukraina làm người ta cũng liên tưởng đến, nếu như ông Putin đã lấy lý do để bảo
vệ kiều dân Nga ở Ukraina, thì cũng rất có thể đến một ngày nào đấy Trung Quốc
lấy lý do để bảo vệ những công nhân Trung Quốc ở đấy, họ cũng sẽ làm một đòn
tương tự thì lúc ấy sẽ ra làm sao?”
Nếu như ông Putin đã
lấy lý do để bảo vệ kiều dân Nga ở Ukraina, thì cũng rất có thể đến một ngày
nào đấy TQ lấy lý do để bảo vệ những công nhân Trung Quốc ở đấy, họ cũng sẽ làm
một đòn tương tự thì lúc ấy sẽ ra làm sao?
-TS Lê Đăng Doanh
Mô tả thực chất các
hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam mà dư luận cho là bất thường, có
thể tiềm ẩn những toan tính khó hiểu. TS Lê Đăng Doanh phân tích:
“Đầu tư chính thức
nước ngoài của Trung Quốc vào Việt Nam thì không lớn nhưng mà Trung Quốc vì
nhiều lý do, trong đó có lý do Việt Nam xây nhà máy điện nhưng không có vốn lại
vay từ quỹ xuất khẩu của Trung Quốc, cho nên phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc
công nghệ Trung Quốc. Thứ hai nữa, Trung Quốc có những cách làm không phù hợp
với luật pháp của bất kỳ nước nào là đút lót để mua lại của các doanh nghiệp
Việt Nam các mỏ các khoáng sản là cái mà Trung Quốc hiện nay đang rất cần và
thứ ba là Trung Quốc cũng mua lại công ty CP là công ty hiện nay chiếm 70% thị
trường thức ăn gia súc của Việt Nam. Sự lo ngại của người dân Việt Nam là hiện
nay Trung Quốc có những dự án ở Tây Nguyên là vùng địa bàn chiến lược về mặt
quân sự cũng như về mặt chiến lược đối với Việt Nam. Ngoài ra Trung Quốc đầu tư
vào nhiều dự án, khác với các nước khác Trung Quốc xây một khu riêng và dựng
hàng rào lên kín mít và người dân không biết trong đấy họ làm cái gì và đấy là
công nhân hay là lính hay là họ định chuẩn bị cái gì đây.”
Bà Phạm Chi Lan,
nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự đồng tình
với công luận. Theo đó, về mặt kinh tế thì Việt Nam đã lệ thuộc Trung
Quốc khá nhiều mặt, nhất là tình trạng nhập siêu nặng nề. Từ trước đến nay có
khá nhiều dự án của Trung Quốc vào Việt Nam không qua kênh đầu tư trực tiếp mà
qua đấu thầu, trúng thầu EPC cho các nhà máy quan trọng của Việt Nam như điện,
cảng biển, hóa chất….Bà Phạm Chi Lan tiếp lời:
“Thực tế có nhiều doanh nghiệp hoặc cá nhân
Trung Quốc vào làm ăn ở Việt Nam theo kiểu không có phép tắc gì cả và gây ra
những nhiễu loạn trong xã hội cũng như gây thiệt hại cho người Việt Nam rất
nhiều. Như chuyện họ đi nuôi tôm nuôi cá ở vùng biển Khánh Hòa, hoặc đi thuê
người dân trồng khoai lang ở Vĩnh Long hoặc là đi thu mua các loại rễ cây, sừng
móng trâu bò v..v.. Những câu chuyện gần như là những câu chuyện thường kỳ trên
báo chí rồi.
Ngoài ra lượng người
Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp vào Việt Nam và làm việc ở Việt Nam hiện nay
cũng quá nhiều qua các nhà máy các công trình khác nhau. Họ vào Việt Nam không
có phép tắc gì cả. Thí dụ báo chí gần đây nói, họ vào một nhà máy điện, chính
quyền địa phương yêu cầu phải làm thủ tục để xin visa làm việc, xin phép cho
người lao động của Trung Quốc ở đó. Nhưng người ta cứ thản nhiên bỏ mặc tất cả
những yêu cầu của chính quyền cứ để người của người ta vào Việt Nam không có
phép tắc gì cả. Tất cả những chuyện đó cộng với tất cả những vấn đề về biên
giới về biển đảo mà Trung Quốc càng ngày càng lấn và tỏ thái độ ngang ngược hơn
thì chắc chắn nó gây mối lo ngại cho người việt Nam. Điều lo ngại của người
Việt Nam là hoàn toàn chính đáng và cảnh báo ngay là điều hết sức cần thiết
hiện nay.”
Cần có hành động gì?
Đáp câu hỏi của Nam
Nguyên là đứng trước những sự báo động cả về kinh tế lẫn chính trị mà công luận
quan tâm, người Việt Nam sẽ phải có hành động gì. TS Lê Đăng Doanh phát biểu:
Rõ ràng bây giờ cần
phải có một báo cáo ra Quốc hội về thực trạng các đầu tư của Trung Quốc như thế
nào, thực trạng họ làm gì.
-TS Lê Đăng Doanh
“Rõ ràng bây giờ cần
phải có một báo cáo ra Quốc hội về thực trạng các đầu tư của Trung Quốc như thế
nào, thực trạng họ làm gì, những người nào có phép, những người nào không có
phép và nếu như họ vào đây mà họ dựng hàng rào, họ không cho công an vào kiểm
soát, chúng ta không biết họ ở trong đó họ xây dựng nhà máy hay họ đào công sự
thì đấy là điều hết sức nguy hiểm. Tôi rất mong Quốc hội kỳ này họp sẽ có ý
kiến và sẽ yêu cầu Chính phủ báo cáo về những tình hình đó và công bố công khai
cho dân biết… Quốc hội sẽ có những quyết định và biện pháp cần thiết để bảo vệ
chủ quyền Việt Nam.”
Báo Đất Việt Online
ngày 11/3 đưa lên mạng bài “Trung Quốc đầu tư nghìn tỷ vào Nam Định, thêm lo?
Theo đó, UBND tỉnh Nam Định vừa cấp chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn dệt may
Yulun Giang Tô Trung Quốc xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng
vốn đầu tư 68 triệu USD tương đương 1.400 tỷ đồng tại khu công nghiệp Bảo Minh
huyện Vụ Bản. Dự án này có tiến độ thực hiện từ nay đến tháng 6/2016, thời hạn
sử dụng đất 46 năm. Tập đoàn Yulun Trung Quốc sẽ xây dựng nhà máy trên diện
tích 80.000m2, công suất sản xuất sợi 9.816 tấn/năm; dệt 21,6 triệu mét
vải/năm; nhuộm 24 triệu mét/ năm. Ngoài dự án của Yulun, tỉnh Nam Định cũng
đang xem xét để trình Chính phủ dự án khu công nghiệp dệt may sử dụng tới 1.000
héc-ta đất tại huyện Nghĩa Hưng. Tờ báo trích một loạt ý kiến chuyên gia quan
ngại Trung Quốc đầu tư mạnh, lộ ý đồ kiểm soát thị trường Việt Nam.
Bên cạnh sự xâm nhập
nhiều lãnh vực trong nền kinh tế Việt Nam, Trung Quốc được cho là sẽ có làn
sóng đầu tư mạnh vào ngành may mặc, một phần nhỏ vào ngành dệt nhuộm. Chiến
lược của các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam trong lĩnh vực dệt may là đón
đầu cơ hội Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP)
mà bản thân Trung Quốc không tham gia. Theo dự kiến sản phẩm dệt may xuất khẩu
vào Mỹ và các nước nội khối TPP sẽ hưởng lãi suất 0% nếu đáp ứng điều kiện gọi
là “tính từ sợi yarn forward” hàng may mặc phải được sản xuất từ sợi có xuất xứ
các nước thành viên TPP. Trong bối cảnh doanh nghiệp dệt may Việt Nam từ trước
đến nay chủ yếu là gia công, phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, thì
họ sẽ rất khó khăn trong cạnh tranh khi hiệp định TPP trở thành hiện thực.
Đáp câu hỏi của chúng
tôi về việc ngành dệt may Việt Nam trông chờ nước ngoài đầu tư vào lãnh vực sản
xuất bông sợi, dệt nhuộm để có thể đáp ứng điều kiện “tính từ sợi” của TPP,
nhưng nay dư luận lại rất lo lắng khi có yếu tố Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế
Phạm Chi Lan từ Hà Nội nhận định:
“Khi mà Trung Quốc
quyết định đầu tư vào ngành dệt ở Việt Nam, tôi cho là một phần nào đó cũng có
thể chấp nhận được. Nếu như những nhà máy dệt họ đưa vào thực sự hiện đại, tốt
cả về hiệu quả kinh tế cũng như bảo vệ môi trường. Nhưng phía Việt Nam phải có
được cơ chế kiểm soát tốt về giá trị của đầu tư như thế nào, trình độ công nghệ
như thế nào, lượng nhân công làm việc ở nhà máy là người nào. Còn nếu họ đầu tư
theo kiểu một số trường hợp đã diễn ra, họ đưa nhân công của họ vào làm việc
tất cả các khâu, kể cả lao động bình thường rất giản đơn không cần kỹ thuật gì
cả mà không sử dụng người Việt Nam thì đấy lại là vấn đề khác.
Tôi cho là một mặt là
được nhưng mặt khác vào giai đoạn này Việt Nam cũng rất cần tự mình phát triển
ngành dệt của mình và có thể tìm kiếm con đường hợp tác đối với các đối tác
khác nữa chứ không nhất thiết chỉ có Trung Quốc. Tôi cho là để tránh phụ thuộc
lâu dài thì cần tránh phụ thuộc chỉ vào một đối tác cung cấp dệt ở Việt Nam,
thí dụ như nhà đầu tư từ Trung Quốc. Nên có một số nhà đầu tư khác nhau từ các
nước khác nhau, ví dụ có thể từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nơi khác để
tránh sự phụ thuộc vào nhà đầu tư Trung Quốc. Bởi vì khi vào Việt Nam quá nhiều
họ nắm phần khống chế của ngành dệt Việt Nam thì vẫn đưa Việt Nam vào sự lệ
thuộc họ.”
Theo các chuyên gia,
luật pháp của Việt Nam có thể chưa đầy đủ, nhưng chỉ với những qui định hiện
hành, cũng có thể kiểm soát sự lũng đoạn kinh tế xã hội Việt Nam từ phía người
Trung Quốc. Có chăng là các cấp chính quyền từ cao xuống thấp đã không thực thi
pháp luật một cách đúng mực. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp đồng tiền hối lộ
đã thể hiện giá trị siêu đẳng của nó.