10 BÀI HỌC KHỞI NGHIỆP TỪ STEVE JOBS
Quan điểm của ông là tạo ra một sản phẩm thật
hấp dẫn và khác biệt, sau đó nói với thị trường đó chính là cái họ cần.
Apple được Steve Jobs lập ra năm 1976 trong một gara tồi tàn, với số vốn khiêm
tốn. Vì thế, con đường ông đưa Apple đi lên thành công ty có giá trị vốn hóa
lớn nhất thế giới có thể giúp các nhà khởi nghiệp rút ra rất nhiều bài học,
theo Entrepreneur.
1. Thành công luôn đi kèm với sự kiên trì
Steve Jobs thành công nhờ sự kiên trì khi đối
mặt với hàng loạt thất bại. Ông hiểu rằng đây là một phần của chuyến đi và nó
thậm chí sẽ giúp ông nghĩ ra thêm ý tưởng mới. Bạn hãy xem cách ông ấy vươn lên
khi bị chính Apple sa thải năm 1985. Chỉ sau đó vài tháng, Steve đã thành lập
Pixar, rồi đến NeXT.
"Tôi bị thuyết phục rằng gần một nửa lý
do tạo nên sự khác biệt giữa người thành công và người không chính là sự kiên
trì", Steve cho biết trong một buổi phỏng vấn năm 1995.
2. Khi đã lên chức CEO, hãy làm tốt vai trò
bán hàng
Steve Jobs vẫn giữ chức vụ chủ chốt trong
việc kinh doanh tại Apple cho đến tận phút cuối. Trên YouTube, bạn có thể tìm
thấy rất nhiều video ông diễn thuyết trước mặt khán giả. Các bài thuyết trình
này đều có vẻ đơn giản và tự phát, nhưng thực tế, chúng đều đã được lên kế
hoạch kỹ lưỡng. Chưa bao giờ trong 23 năm làm việc tại Apple, Steve lơ là trách
nhiệm thúc đẩy doanh số cho công ty.
3. Tự tạo ra thị trường cho sản phẩm
Steve Jobs hoàn toàn phớt lờ lý thuyết
"Hãy phục vụ thị trường cái họ cần". Ông không tin vào các tài liệu
nghiên cứu thị trường và cho rằng "Người tiêu dùng còn chẳng biết họ muốn
cái gì cho đến khi chúng ta tạo ra nó". Quan điểm của Steve là tạo ra thứ
gì đó thật hấp dẫn và khác biệt đến mức không thể cưỡng lại được, và sau đó nói
với thị trường đó là cái họ cần.
Ví dụ, khi mọi người đang hài lòng với máy
nghe nhạc MP3, Steve tung ra iPod. Ngay lập tức, thiết bị này đã nâng nhu cầu
của thị trường lên một cấp bậc mới.
4. Biết cải tiến ý tưởng sẵn có
Không phải lúc nào Steve Jobs cũng là người đi
đầu trong phát triển sản phẩm. Nhưng ông có tầm nhìn bẩm sinh để biết cái gì sẽ
gây bão trên thị trường. Rất nhiều sản phẩm của "Táo Khuyết" không
phải là ý tưởng của Steve, mà được ông nhặt nhạnh ở đâu đó. Tài năng của ông
nằm ở chỗ có thể định hình lại những ý tưởng đó và biến chúng thành thứ thống
trị thị trường.
Một ví dụ điển hình là iPad. Tiền thân của
thiết bị này là GridPad, được tạo ra năm 1989 và là một trong cả tá máy tính
bảng đã không thể làm nên chuyện thời đó. Steve đã nghiên cứu mô hình này và
cải tiến nó để mở ra thị trường cho máy tính bảng sau này.
5. Xuất sắc trong mọi công đoạn
Apple được gây dựng trên cơ sở xuất sắc từ
khâu sản xuất, chuỗi cung ứng, kênh phân phối ra thị trường đến chiến lược
quảng cáo. Steve từng nói rằng: "Hãy luôn là thước đo của chất lượng. Vì
một số người vẫn chưa quen với môi trường luôn đòi hỏi sự xuất sắc".
6. Chú ý đến chi tiết
Với Steve Jobs, cả thiết kế và tính năng đều
rất quan trọng. Ông luôn đòi hỏi thiết bị nhìn từ mặt trước hay mặt sau đều
phải đẹp mắt. Thiết kế bên trong cũng vậy, vì kỹ sư khác sẽ nhìn thấy chúng khi
tháo sản phẩm ra. Steve cho biết ông bị ảnh hưởng điều này từ cha mình - người
luôn yêu cầu ông làm mặt sau hàng rào và tủ cũng cần phải chú ý, dù có thể
chẳng ai nhìn được.
7. Có phong thái lãnh đạo
Steve Jobs đã cho chúng ta thấy tầm quan
trọng của điều này trong việc thuyết phục thị trường. Apple chưa bao giờ có sức
hấp dẫn như thế dưới thời cựu CEO - John Scully. Suy cho cùng, chính sự trở lại
của Steve năm 1997 đã vực dậy cả Apple. Phong thái tinh tế của ông đã định hình
cho thương hiệu "Táo Khuyết", khiến hãng có được sự tôn sùng của rất
nhiều người hâm mộ.
8. Bán sự đơn giản
Tất cả sản phẩm của Apple đểu rất dễ dùng, do
Steve Jobs ghét sự phức tạp. Với ông, đơn giản luôn là ưu tiên hàng đầu. Dễ sử
dụng và thiết kế đơn giản đến mức tối thiểu là điểm khác biệt giữa sản phẩm của
Apple và các đối thủ.
Steve biết rằng trong thế giới công nghệ đầy
phức tạp, mọi người thích sự đơn giản và sẵn sàng trả giá cao hơn cho điều này.
Các thông điệp marketing của ông đều nhấn mạnh điều đó. Ông cho thế giới thấy
cuộc sống có thể trở nên thoải mái và dễ kiểm soát như thế nào nếu có thiết bị
của mình.
9. Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome
Steve Jobs không cảm thấy áp lực trước xu
hướng thị trường. Ông nắm lấy mọi cơ hội marketing và thử mọi phương pháp, từ
truyền thống đến cách tân, để quảng bá sản phẩm. Steve thành công vì đã tạo
được một câu chuyện mạch lạc về Apple và biết kể nó theo tất cả các cách có thể
thu hút khách hàng.
10. Xây dựng một đế chế toàn người tài
Steve Jobs nổi tiếng là người luôn đề cao
việc săn tìm nhân viên tốt nhất. Một khi đã phát hiện người phù hợp, ông sẽ tự
mình thuyết phục bằng được. Một trong những lần tuyển dụng nổi tiếng nhất của
ông là Tim Cook - người kế nhiệm chức CEO Apple sau khi Steve nghỉ hưu.
Steve dĩ nhiên không cho
rằng ông có thể làm tất cả một mình. Và kết quả là khi rời Apple, ông vẫn để
lại một đội ngũ nhân sự xuất sắc có thể tiếp tục đưa công ty đi lên.
0 nhận xét