Vai trò của các mạng truyền thông xã hội
Nguyễn Hưng Quốc
Tôi chơi facebook đã được trên 5
tháng. Càng chơi càng thích. Thế giới facebook đa dạng vô cùng. Nhảm nhí: nó có
thừa. Khoe khoang để tự sướng: cũng có thừa. Nhưng tôi chỉ chú ý nhiều nhất đến
các trang facebook nghiêm túc, ở đó, người viết và người đọc bày tỏ những thao
thức về tình hình chính trị Việt Nam.
Phải nói ngay, những bài viết
cũng như những ý kiến phản hồi về chính trị như vậy khá giống nhau. Khác ở góc
nhìn. Khác ở giọng điệu. Và khác ở tiểu tiết. Nhưng nhìn chung, tất cả đều nhắm
vào hai vấn đề chính: Một, lên án sự độc tài và bày tỏ ước vọng dân chủ hóa để
đất nước được tự do và phát triển; và hai, lên tiếng báo động trước âm mưu xâm
lấn của Trung Quốc và phê phán thái độ nhu nhược và bất lực của chính quyền
Việt Nam.
Bản thân tôi, từ mấy tháng vừa
qua, cũng chỉ tập trung vào hai vấn đề chính ấy.
Từ góc độ một nhà văn, chỉ quanh
đi quẩn lại với hai loại đề tài ấy, nguy cơ rất dễ thấy: trùng lặp, đơn điệu và
nhàm. Tôi biết vậy nhưng lại không thể thoát được. Có hai lý do: Một, đó là
những ám ảnh lớn cứ đau đáu trong lòng; và hai, tôi nghĩ, trong cuộc đấu tranh
cho dân chủ, mọi tiếng kêu gào đều cần thiết. Bởi không phải ai cũng hiểu tất
cả những thảm họa đất nước đang đối diện. Nếu hiểu, chưa chắc mọi người đã biết
phải làm gì. Hơn nữa, tiếng kêu gào, tự nó, cũng là một thứ vũ khí. Một tiếng
kêu gào đơn độc của một cá nhân là một sự tuyệt vọng của nạn nhân. Nhưng khi
tiếng kêu gào ấy được vang âm và bắt gặp sự đồng điệu của đám đông, nó sẽ trở
thành một bản hùng ca của những người ra trận. Khi cả hàng triệu người cùng
gào, tiếng kêu của họ sẽ trở thành những bài ca chiến thắng.
Nhưng làm cách nào để cả triệu
người cùng gào? Có hai điều kiện: Một, do một tác nhân bên ngoài khiến mọi
người phẫn nộ và quên cả sợ hãi để dám xuống đường gào thét phản đối lại bạo
quyền (như những gì đã xảy ra ở Trung Đông và Bắc Phi vào đầu năm 2011); và
hai, khi mọi người ý thức rõ những bất công mà mình đang gánh chịu là một sự
phi lý, không thể chấp nhận được (như những gì xảy ra tại Liên Xô và các nước xã
hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào cuối thập niên 1980). Điều kiện thứ nhất có thể đến
một cách bất ngờ, không thể lường trước; còn điều kiện thứ hai thì cần thời
gian để chín muồi Các trang truyền thông xã hội có thể góp phần đắc lực
để thúc đẩy quá trình chín muồi của điều kiện thứ hai này.
Để làm được điều ấy, người ta
không cần phải kích động hay xúi giục ai cả. Các trang truyền thông xã hội, khi
cố gắng vạch trần bộ mặt thật của chế độ, chỉ nhắm đến một mục tiêu đơn giản và
rất khả thi: giành quyền viết lại lịch sử. Ở đây có hai khía cạnh cần chú ý:
Một, như nhiều học giả từng ghi nhận, lịch sử bao giờ cũng được viết bởi những
người thắng cuộc; và hai, lịch sử ấy nhắm vào hai mục tiêu chính: Thứ nhất,
huyền thoại hóa các chiến công của họ, và thứ hai, bôi nhọ kẻ thù. Ở cả hai
khía cạnh này, chính quyền Việt Nam, từ năm 1954 và đặc biệt, từ năm 1975, khi
cả nước được thống nhất, được chính quyền Việt Nam thực hiện một cách đầy tự
giác và triệt để. Họ bôi nhọ chính quyền miền Nam là ngụy quyền và Mỹ, kẻ từng
giúp chính quyền miền Nam, là đế quốc và thực dân kiểu mới. Họ cũng tích cực tô
vẽ hình ảnh của họ như những bậc anh hùng được cả thế giới ngưỡng mộ; ngưỡng mộ
đến nổi nhiều người ngoại quốc từng nằm mơ thấy mình là người Việt, dĩ nhiên,
là Việt xã hội chủ nghĩa. Không những anh hùng, họ còn là những con người mới
xã hội chủ nghĩa đẹp đẽ, nói theo hai câu thơ của Tố Hữu: “Còn gì đẹp trên đời
hơn thế / Người với người sống để yêu nhau” hoặc một câu thơ của Chế Lan Viên:
“Ôi ta là ta mà ta vẫn cứ mê ta”.
Từ trước đến gần đây, chính quyền
là những kẻ duy nhất có quyền viết lịch sử. Quyền ấy, không ai được chia sẻ cả.
Ngay cả những người từng nắm giữ những chức vụ cao cấp với họ cũng không được
quyền chia sẻ. Đó là lý do tại sao cuốn hồi ký Kết
thúc cuộc chiến tranh 30 năm của
Trần Văn Trà, vị tướng trong quân đội của họ, cũng bị thu hồi. Lý do? Nó lệch
ra ngoài, dù chỉ một chút, thứ lịch sử chính thống của họ. Đó cũng là lý do tại
sao gần đây, chính quyền Việt Nam ra lệnh tất cả các cuốn hồi ký, của bất cứ
người nào, cũng phải qua kiểm duyệt trước khi được in. Các loại sách khác có
thể được xuất bản qua phương thức liên kết với tư nhân hay tổ chức xã hội. Trừ
hồi ký.
Bây giờ, với sự phát triển ào ạt
của các trang mạng xã hội như blog hay facebook, người dân có thể lên tiếng bày
tỏ quan điểm cũng như kinh nghiệm của mình, thế độc quyền của những người cai
trị bị thách thức. Họ không thể kiểm duyệt hay cấm đoán hết được. Những câu
chuyện người thật việc thật, hoàn toàn có thực, được tung lên internet. Qua
những câu chuyện ấy, người ta có thể nhìn thấy chính quyền mang một bộ mặt khác
hẳn. Họ độc đoán. Họ tàn bạo. Họ có những chính sách lầm lẫn một cách tai hại.
Hay nói theo cách nói cô đúc được lưu hành trên internet lâu nay: Họ “lấy thù
làm bạn, hèn với giặc, ác với dân”; còn về chiến lược, họ loay hoay giữa hai
hướng: theo Mỹ thì mất đảng, theo Trung Quốc thì mất nước, họ thà chọn mất
nước.
Với những lịch sử như thế, vai
trò độc quyền của những kẻ chiến thắng bị hẹp lại; các huyền thoại của họ, do
đó, có nguy cơ bị phá vỡ dần dần. Với một chế độ độc tài, huyền thoại là một
trong những trụ cột chính trên đó người ta xây dựng quyền lực. Khi huyền thoại
bị phá vỡ hoặc xói mòn, nền tảng của chế độ cũng lung lay.
Làm chế độ lung lay, dù một cách
tiệm tiến, tự nó, đã là một thành tích quan trọng rồi.
0 nhận xét