Xây dựng xã hội dân sự trong lòng cộng đồng hải ngoại

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 10 tháng 9, 2014
Cộng đồng Việt yếu kém hơn hẳn các cộng đồng bạn về khả năng xin ngân khoản của chính phủ Hoa Kỳ để phục vụ cho những đồng hương cần giúp đỡ và để xây dựng cộng đồng. Trong sách Thông Điệp Hy Vọng & Trách Nhiệm, xuất bản năm 2010, tôi so sánh những con số cho thấy trong lĩnh vực này cộng đồng Việt thua xa các cộng đồng nhỏ bé cùng cảnh ngộ tị nạn như Cambốt, Lào, và Hmong.
Đây quả là một thiệt thòi rất lớn cho chúng ta vì ngân khoản của chính phủ phần lớn là từ tiền thuế của chúng ta đóng. Nếu không biết lấy về cho cộng đồng của mình thì có nghĩa là số tiền ấy đã đi sang các cộng đồng khác trong khi người mình có biết bao nhu cầu cần được đáp ứng và cộng đồng rất cần phát triển năng lực tổ chức. 
Nỗ lực thay đổi
Trong 17 năm qua, BPSOS đã có nhiều nỗ lực để thay đổi tình trạng này.
Trước hết, chúng tôi tổ chức nhiều buổi huấn luyện về thành lập tổ chức và xin ngân khoản cho tổng cộng khoảng 400 người thuộc gần trăm hội đoàn Việt (và cả một số tổ chức thuộc các cộng đồng bạn) ở khắp Hoa Kỳ. Một số tài liệu dùng trong huấn luyện được đưa vào sách Thông Điệp Hy Vọng & Trách Nhiệm.
Kế đến, chúng tôi giúp xin ngân khoản, trực tiếp hoặc qua BPSOS, cho tổng cộng 85 tổ chức trên toàn quốc để họ vừa phục vụ đồng hương trong vùng vừa phát triển năng lực quản trị ngân sách cũng như thực hiện dự án theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Tổng cộng số ngân khoản xin trực tiếp lên đến gần 1.6 triệu Mỹ kim cho 24 tổ chức và ngân khoản xin qua BPSOS là gần 940 nghìn Mỹ kim cho 61 tổ chức. “Xin qua BPSOS” nghĩa là chúng tôi xin dưới danh nghĩa của BPSOS và cấp lại cho các tổ chức trong cộng đồng.
Buổi huấn luyện căn bản về điều hành và quản lý tổ chức bất vụ lợi, ngày 22 tháng 10, 2009, hội trường Saigon Houston Radio.
 Đối với mỗi tổ chức nhận được ngân khoản trực tiếp hay gián tiếp, chúng tôi đều cung cấp việc huấn luyện về quản trị tài chánh, giữ sổ sách, làm báo cáo, gây quỹ, viết đề án để tự xin ngân khoản...
Chúng tôi cũng giúp cho trên một chục tổ chức đăng ký hoạt động bất vụ lợi với tiểu bang hoặc xin quy chế miễn thuế với liên bang.
Những ví dụ thành công
Một trường hợp thành công nổi bật là tổ chức Hiệp Lực (VN Teamwork) ở Houston. Tổng cộng tổ chức này đã nhận được trên $150,000 từ BPSOS qua nhiều năm. Thoạt đầu, họ dùng số tiền để phát triển chương trình khai thuế miễn phí cho đồng hương. Sau đó họ chắt chiu dồn ngân sách để thuê hẳn một nhân viên chuyên viết đề án xin ngân khoản. Mỗi lần chúng tôi tổ chức huấn luyện, họ đều cử người đi dự. Hiện nay tổ chức này sở hữu và điều hành 2 nhà dưỡng lão ở Houston với trị giá lên đến nhiều triệu Mỹ kim.
Chúng tôi cũng giúp cho các tổ chức tôn giáo để phát triển năng lực phục vụ đồng hương. Ở Bắc Virginia thì có Tu Viện Tường Vân vùng Haymarket. Tổng cộng các khoản tài trợ trực tiếp và gián tiếp lên đến $135,000 để giúp đồng hương mới đến Hoa Kỳ tìm việc làm. Vị trụ trì Tu Viện Tường Vân đã lặn lội đến tiểu bang khác dự khóa học về viết đề án xin ngân khoản, sau đó lại giúp "phụ giảng" cho chúng tôi trong những khóa hướng dẫn cho các hội đoàn người Việt ở trong vùng.
Bên Công Giáo thì có nhà thờ St. John Vianney ở Louisville, Kentucky. Chúng tôi giúp xin $136,000 trong 3 năm để cộng đoàn này thiết lập lớp dạy computer cho đồng hương. Chúng tôi lại cử người đào tạo những thiện nguyện viên của nhà thờ trong việc quản trị dự án, làm sổ sách, viết báo cáo... Tháng 3 năm nay BPSOS yên tâm đóng cửa văn phòng tại thành phố này sau 6 năm xây dựng năng lực cho cộng đồng ở địa phương; các đồng hương cần sự giúp đỡ nay có thể đến với nhà thờ St. John Vianney.
Các thử thách
Các trường hợp không thành công cũng nhiều, do nhiều yếu tố ảnh hưởng, trong đó 2 yếu tố quyết định là: (1) không nắm vững nguyên tắc quản trị, (2) thiếu nhân sự có khả năng điều hành. 
Nhiều tổ chức nhỏ, chưa kinh nghiệm trong hoạt động bất vụ lợi thường không hiểu những nguyên tắc căn bản về quản lý tài chánh và thực hiện đề án. Chẳng hạn không ít những tổ chức đã ngỡ ngàng khi hiểu ra rằng mỗi cấp khoản là một hợp đồng, phải thực hiện đúng theo điều kiện của hợp đồng và phải báo cáo chi li dù là 1 xu. Chẳng hạn, nếu cấp khoản là để phục vụ người cao niên ở một khu vực nào thì tuyệt nhiên không được dùng để phục vụ bất kỳ ai không phải cao niên hoặc ngay cả người cao niên ở khu vực khác. Có tổ chức nhận cấp khoản nhằm giúp đồng hương tiếp cận dịch vụ lại dùng để chở đồng hương đi biểu tình chống "văn công Việt Cộng". Khi hiểu ra các tiêu chuẩn khắt khe trong quản lý và thực hiện một đề án, nhiều tổ chức không cảm thấy phù hợp với nguyện vọng hay khả năng nên đã không tiếp tục tìm cấp khoản từ chính quyền. Thậm chí có tổ chức nhận được ngân khoản xét ra quá lớn không đủ sức điều hành cuối cùng quyết định trả lại cho cơ quan cấp ngân khoản.
Nhưng khiếm khuyết trầm trọng hơn cả là thiếu nhân sự có kinh nghiệm và khả năng điều hành, quản lý một tổ chức bất vụ lợi theo đúng tiêu chuẩn của xã hội dân sự Hoa Kỳ. Phần lớn người Việt chọn học và làm trong các ngành nghề kỹ thuật, kinh doanh, luật, v.v. chứ ít ai chọn ngành quản trị tổ chức bất vụ lợi. Thành ra muốn tìm người có trả lương hay tình nguyện đều rất khó khăn. Và đây chính là cái vòng luẩn quẩn: không có người khởi đầu thì lấy ai đào tạo người nối gót?
Nói cách khác, hành trình phát triển cộng đồng kể trên chính là hành trình xây dựng xã hội dân sự phôi thai trong phạm vi cộng đồng để rồi hòa nhập cộng đồng vào xã hội dân sự đã phát triển của quốc gia sở tại. Và muốn vậy thì không thể thiếu những nhà hoạt động xã hội dân sự có kinh nghiệm và bản lĩnh. Đó chính là khuyết điểm lớn nhất trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Lợi ích cho đất nước
Việc phát triển năng lực cho cộng đồng có 2 mục đích. Trước hết là đáp ứng nhu cầu thiết thực của đồng hương và phát huy sức mạnh của cộng đồng ở khắp nơi. Quan trọng không kém là mục đích song hành: thay đổi Việt Nam.
Theo quan niệm của chúng tôi, cộng đồng Việt ở hải ngoại có thể đóng góp tích cực cho đất nước và dân tộc trong 2 lĩnh vực sở trường:(1) dùng sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng phát triển của mình để vận động quốc tế áp lực chế độ ở Việt Nam phải cải thiện nhân quyền và chấp nhận dân chủ hoá;(2) dùng kinh nghiệm hoạt động xã hội dân sự ở Hoa Kỳ để giúp đồng bào phát huy xã hội dân sự, là nền móng cho dân chủ, ở trong nước.

Đó là lý do năm 1997 chúng tôi khởi sự hành trình phát triển năng lực cho cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ và một số quốc gia khác nữa. Sách Thông Điệp Hy Vọng & Trách Nhiệm trình bày những kinh nghiệm thu thập, những nguyên tắc hoạt động, và những nét chính của sách lược nhiều thập niên nhằm chuyển biến cộng đồng và thay đổi đất nước.

,

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.