TP.HCM 9 tháng không phát hiện tham nhũng: đại biểu không tin

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM, Phó chánh Thanh tra TP.HCM Nguyễn Thị Ngọc Nga cho biết 9 tháng đầu năm 2015 ,TP.HCM không phát 
hiện trường hợp tham nhũng nào. Nhiều đại biểu ngay lập tức có ý kiến.
Tại phiên họp HĐND TP.HCM ngày 9-12, bà Nguyễn Thị Ngọc Nga - phó chánh Thanh tra TP.HCM - cho biết trong 9 tháng đầu năm 2015 không phát hiện trường hợp tham nhũng nào - Ảnh: T.Trung
Tại phiên họp HĐND TP.HCM ngày 9-12, bà Nguyễn Thị Ngọc Nga - phó chánh Thanh tra TP.HCM - cho biết trong 9 tháng đầu năm 2015 không phát hiện trường hợp tham nhũng nào - Ảnh: T.Trung
Thông tin này được lãnh đạo Thanh tra TP.HCM đưa ra sáng 9-12 theo yêu cầu của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP, người điều hành phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội kỳ họp thứ 20 HĐND TP khóa VIII.
Trước đó, đại biểu Trần Văn Thiện đặt câu hỏi: “Ở TP.HCM hiện nay tình trạng tham nhũng đang thật sự như thế nào? Đó là một câu hỏi tôi muốn đặt ra. Tham nhũng không có hay nó đang trốn ở đâu?”.
Tham nhũng phức tạp nhưng... chưa phát hiện
Đại biểu Trần Văn Thiện đã đưa ra câu hỏi hóc búa: “Tại sao suốt nhiệm kỳ vừa qua của HĐND TP.HCM, vấn đề chống tham nhũng không được đưa vào thảo luận tại nghị trường? Một vấn đề nóng hổi như vậy tại sao bị bỏ qua?”.
Từ băn khoăn này, ông Thiện đặt tiếp câu hỏi: “Thực trạng tham nhũng ở TP.HCM hiện nay như thế nào? Các số liệu thanh tra trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội liệu có phản ánh đúng tình hình, thực trạng tham nhũng hay không? TP.HCM sắp tới sẽ có mô hình, giải pháp gì để đột phá trong cuộc chiến chống tham nhũng?”.

Đại biểu Trần Văn Thiện nói ông mong ở TP.HCM cũng như cả nước “xuất hiện một vị tướng có đủ tài, tâm, bản lĩnh và đặc biệt là dũng khi lãnh đạo cuộc đấu tranh chống quốc nạn tham nhũng có hiệu quả”.
Được chủ tọa yêu cầu trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Thiện, phó chánh Thanh tra TP Nguyễn Thị Ngọc Nga cho biết:
“Chín tháng đầu năm 2015, qua công tác thanh tra chưa phát hiện trường hợp tham nhũng tại TP.HCM. Kiểm tra xử lý nội bộ cũng không phát hiện trường hợp tham nhũng nào”.
Tuy nhiên, kết quả đánh giá tình hình tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng cũng do bà Nga thông tin lại rất trái ngược với kết quả “chưa phát hiện tham nhũng”.
Cụ thể, theo bà Nga: “Tình hình tham nhũng vẫn còn phức tạp ở một số ngành xây dựng cơ bản, cổ phần hóa doanh nghiệp, đấu thầu, mua sắm công...”. Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc liên quan đến công dân vẫn chưa chuyển biến tích cực.
Việc tặng quà, nhận quà vẫn còn ngấm ngầm diễn ra, khó phát hiện, khó định giá quà tặng nào là vi phạm, giám sát khó khăn.
Nghiêm trọng hơn, theo bà Nga: “Một bộ phận cán bộ thiếu rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý cơ chế chính sách để tham nhũng, lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vòi vĩnh, làm trái quy định”.
Còn cán bộ nhũng nhiễu
“Vẫn còn cán bộ nhũng nhiễu, cán bộ năng lực hạn chế dẫn đến lúng túng, thực hiện nhiệm vụ không đạt yêu cầu” - giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn thẳng thắn thừa nhận về phẩm chất cán bộ trong lĩnh vực mình quản lý.
Thừa nhận này của ông Tuấn cũng là một phần trả lời câu hỏi của đại biểu Thích Thiện Tánh.
Đại biểu Thích Thiện Tánh cho biết có những ngôi chùa ở Bình Thạnh được phật tử cúng hiến đất chưa được cấp giấy, cất nhà 40-50 năm, nay dột muốn sửa nên mới xin làm sổ đỏ vì có sổ đỏ rồi mới xin được sửa chữa, nhưng xin cấp giấy chủ quyền đất mãi từ tháng 10-2014 đến giờ chưa có.
Trước thực tế nhũng nhiễu, phiền hà do cán bộ gây ra cho dân vẫn tồn tại, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm trăn trở: “Làm sao để cán bộ hiểu được rằng chiếc áo mình mặc, chén cơm mình ăn là do dân nuôi, chính vì vậy mình phải phục vụ nhân dân với tinh thần vô tư”.
Theo bà Tâm, dù các cơ quan nhà nước có nhiều nỗ lực nhưng người dân vẫn còn cảm thấy rất phiền hà, bức xúc. “TP mình sẽ đột phá gì về vấn đề này? Bây giờ thu nhập cán bộ như vậy liệu có thể vô tư, công tâm trong sáng trong phục vụ nhân dân được hay chưa?” - bà Tâm gợi mở.
Đồng tình với những đánh giá của bà Tâm và ông Tuấn về những nỗ lực cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm đề nghị các sở ngành phải nhìn vào mình và cơ quan mình trước.
Thủ trưởng phải chịu trách nhiệm trước về các thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị mình. Sở Nội vụ sẽ tăng cường thanh tra công vụ để việc thực thi thủ tục được tốt hơn.
“Cán bộ công chức làm không tốt thì đánh giá thẳng thừng là không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc có hoàn thành nhưng còn có thiếu sót, hai năm liền như vậy thì đưa vào diện tinh giản biên chế, không hoàn thành nhiệm vụ thì tinh giản biên chế ngay” - ông Lắm nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Tùng:
Tôi không tin kết quả phát hiện tham nhũng
Tôi rất bất ngờ khi phó chánh Thanh tra TP.HCM cho biết chín tháng đầu năm qua thanh tra, kiểm tra không phát hiện vụ việc tham nhũng nào ở TP.HCM. Điều này không chỉ mâu thuẫn với thực tế và mâu thuẫn với ngay báo cáo của Thanh tra TP.
Không nói đâu xa, chỉ trên báo Tuổi Trẻ gần đây đã nêu ít nhất ba vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại TP.HCM. Đó là vụ đòi 15.000 USD để cấp giấy phép đầu tư; vụ xin giấy phép xây dựng bị đòi 5.000 USD ở quận Bình Tân.
Và ngay đầu tuần, đích thân lãnh đạo PCCC Bình Tân đã phải xuống xin lỗi một người dân vì cán bộ PCCC ở đơn vị này đòi dân bồi dưỡng 3 triệu đồng tiền trà nước... Các vụ việc đó có phải tham nhũng không?
Mỗi ngày, người dân kêu ca về tình trạng nhũng nhiễu khi đi làm giấy tờ, mãi lộ... Đây có phải là tham nhũng không?
Dừng thu phí xe máy từ 1-1-2016
Chiều 9-12, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa VIII đã thông qua 12 tờ trình của UBND TP. Trong đó có tờ trình kiến nghị dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy từ ngày 1-1-2016.
Theo nghị quyết vừa được HĐND thông qua, người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng sẽ được hỗ trợ một lần tiền thuốc điều trị cắt cơn với mức 400.000 đồng/người/lần.
Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt giai đoạn 2016-2020 sẽ là 10% trên giá bán nước sạch, chưa bao gồm VAT.
Ngày 11-12 bầu chủ tịch, phó chủ tịch TP
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết chỉ công bố người ứng cử chức danh chủ tịch, phó chủ tịch TP vào sáng 11-12, trước khi HĐND tiến hành bầu các chức danh này. Theo thông lệ, chủ tịch UBND TP.HCM sẽ là một phó bí thư Thành ủy và là ủy viên Trung ương Đảng.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.