"Chôn lấp" đá xanh Sài Gòn xưa vì lười hay vì cái gì?
Sau khi những thanh đá bó vỉa xưa của Sài Gòn lộ ra khi làm đường Hai Bà Trưng trưa 6-1, đến 7-1 lại bị chôn lấp tiếp bằng ximăng trám trét cẩu thả.
Ximăng được trám trét cẩu thả ở đoạn đá xanh bó vỉa đường Hai Bà Trưng (góc giao với Lê Duẩn) lộ ra khi làm đường Hai Bà Trưng - Ảnh: M.C. |
Và đó không phải là điểm phát lộ hiếm hoi khi những thanh đá bó vỉa của Sài Gòn xưa bền chắc lẫn đẹp hơn hẳn những dải bêtông, ximăng bó vỉa hiện nay suốt dọc hai bên con đường này vẫn tiếp tục nằm dưới những bó vỉa bêtông, ximăng.
Ngậm ngùi thay cho hồn phố Sài Gòn
Đó là lý do khiến hàng trăm bạn đọc bức xúc về sự chọn lựa trong thiết kế, thi công đường phố khi đó không phải là chuyện cá biệt, nếu không muốn nói là phổ biến ở nhiều đường phố hiện nay tại quận 1, 3, TP.HCM.
Một số bạn đọc như Đàn ông SG thì hoài niệm: "Viên đá, tảng đá là vật vô tri, vô giác nhưng với thời gian con người đã thổi hồn vào, có tình yêu với nó vì đó là ký ức, là kỷ niệm, những phiến đá như thế này cư dân Sài Gòn đã đi mòn dép, mòn giày, thậm chí mòn cả da lòng bàn chân. Còn rất nhiều thứ với thời gian con người đã vô tình phá bỏ, quên lãng một cách không nuối tiếc".
"Đọc bài này mà ngậm ngùi thay cho hồn phố Sài Gòn và tấm tình của người xưa ký thác nơi một hòn ngọc Viễn Đông" - bạn Tư Trầu.
Đá bó vỉa Sài Gòn xưa bám chân chứ không trơn trượt , trời mưa láng lẫy như bó vỉa bây giờ. Cái đá bó vỉa Sài Gòn này hay lắm nhe. Các nhà quản lý TP.HCM nên tìm hiểu.
Bạn 7ste
|
... Rất nhiều hoài niệm tương tự. Nhưng dù hoài niệm đó có thật nhưng sẽ không có giá trị nếu những cái xưa cũ đến giờ vẫn được khẳng định.
Nếu không, ngay một số trục đường trung tâm TP.HCM hiện nay người ta đã dựng lại những thanh đá bó vỉa mới (cũng là đá xanh Biên Hòa nhưng cắt bằng máy nên láng hơn, trơn hơn).
Vậy cũng dễ hiểu tại sao bạn Đào Huy Hoàng thốt lên bức xúc chính đáng của mình: "Xin lỗi bạn đọc, nếu mình phát biểu có ý không làm bạn đọc hài lòng, mong bạn đọc thông cảm.
Không lẽ chúng ta thời nay tính toán tệ hơn người xưa nhiều lắm sao? Chửi tôi ngu tôi chịu chứ tôi thấy đá bó vỉa hè quanh nhà thờ Đức Bà tốt gấp vạn lần ba cái đá trời ơi... Có cục nhẵn thín, nhất là xe tay ga muốn leo lề với góc xéo có ngày ngã chúi nhủi, không thì bị vít ga quá trớn (vì lúc đầu vít ga do trơn trượt không lên được), cuối cùng đâm đầu vào tường. Cảnh này tôi thấy như cơm bữa, nếu để đá nham nhám như quanh nhà thờ Đức Bà coi vậy mà lại hay".
Đúng là khó ai có thể bác bỏ nhận định "đường Sài Gòn xưa đẹp và bền chắc" của bạn Robert. Vì vậy, bạn Người Sài Gòn đặt vấn đề: "Cái này nói chính xác hơn là do trình độ xây dựng xưa và nay, qua đó nếu biết nhìn thẳng vào sự thật này thì nên biết khiêm tốn và học hỏi tiền nhân sẽ hay biết bao. Rất tiếc lại không nghĩ và làm được như vậy".
Trước đó, nhiều đoạn đá xanh vỉa hè được phát lộ khi làm đường Hai Bà Trưng - Ảnh chụp 6-1 |
Người trong cuộc "rút hết ruột gan" phân tích
Bạn đọc có thể có ý kiến cảm nhận chủ quan, nhưng với bạn N.V.l. cho biết mình là người làm trong ngành giao thông công chánh thì phân tích cụ thể như "rút hết gan ruột" của người trong cuộc.
Về đoạn N.V.l dẫn đoạn "... một số dải đá bó vỉa vừa được lắp đặt ở vài đoạn đường tại TP.HCM: cắt bằng máy nên trơn láng, thậm chí có đoạn người ta còn mài láng đến bóng mặt, sắc cạnh như ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Duẩn... chẳng hạn. Nhiều người, xe cộ khi lên vỉa hè đã té ngã dúi dụi vì độ trơn láng này, nhất là khi trời mưa...".
Từ đó, bạn nói: "Tôi làm ngành giao thông công chánh góp ý chuyện này mãi không được. Các chủ đầu tư đều thích khác người, bệnh thành tích, hoành tráng. Công trình bó vỉa quận tôi phải khác các quận khác, phải là loại đá đắt tiền mới gây được điểm nhấn cho tuyến đường. Mặt khác, nếu chỉ nâng viên đá lên thì trong dự toán công trình làm sao tính được tiền vật tư. Và hậu quả là như báo đã phân tích.
Bạn Tony: "Hơn 100 năm vẫn còn mới đẹp thì mấy ông quản lý hôm nay suy nghĩ sao?" |
Bản thân tôi đã thấy hàng trăm vụ do bó vỉa quá trơn láng, nhiều người không cẩn thận khi chạy xe lên bó vỉa này đã bị ngã, đau xót nhất là những phụ nữ chở theo con nhỏ.
Đề nghị Sở GTVT, các quận huyện cương quyết không phê duyệt, không thông qua các dự án thiết kế loại bó vỉa dùng loại đá bóng nhẵn như thời gian qua.
Bạn N.V.I cũng chú ý các nội dung: "... Để rồi những lớp bêtông, ximăng bó vỉa kia chỉ ít lâu sau đã lở loét, bung bét hết...".
Phân tích hiện tượng này, bạn N.V.I cho rằng: "Làm bó vỉa bằng bêtông cũng tốt do có độ dính bám, không trơn trượt, nhưng do đã bị ăn bớt ximăng rồi (dù vẫn có giám sát ký nghiệm thu) nên làm sao không lở loét, bung bét? Ai từng đi đường Trần Phú, quận 5 (từ đường An Dương Vương đến ngã sáu đường Nguyễn Văn Cừ) bó vỉa làm bằng bê tông từ những năm 1970 của thế kỷ trước, đến nay vẫn không sứt mẻ gì. Bởi vì bêtông phải là bêtông, không thể là vữa hồ do bị bớt xén vật liệu".
Với các phần nội dung trên, ý kiến của không ít bạn đọc đặt vấn đề phải chăng: "Có làm mới có ăn"?. Có lẽ câu hỏi của bạn đọc rất cần được quan tâm và làm rõ...
Trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, Q.3, TP.HCM), dễ dàng nhận thấy lớp đá bó vỉa Sài Gòn xưa lộng lẫy nhô ra dưới lớp bêtông sỏi phủ lấp cẩu thả, xấu xí và không bền vững lâu nay - Ảnh chụp trưa 7-1 - Ảnh: M.C. |
Nhiều đoạn bêtông sỏi bong tróc, đá xanh bó vỉa cũ hiện ra như mới vừa lắp đặt - Ảnh: M.C. |
Đá bó vỉa mới trên đường Lê Duẩn cũng với nguyên liệu đá xanh Biên Hòa - Ảnh: M.C. |
0 nhận xét