"Buýt Sài Gòn ngó buýt Hà Nội coi người ta làm"

 Hà Nội. Tuyến buýt số 09. Xe còn cách Bưu điện thành phố Hà Nội vài trăm mét. Hệ thống loa phát: “Điểm dừng tiếp theo Bưu điện Hà Nội, quý khách vui lòng chuẩn bị ra cửa để xuống xe”. 
"Buýt Sài Gòn ngó buýt Hà Nội coi người ta làm"
Hệ thống máy lạnh trên trần xe buýt số 38 (KDC Tân Quy - Đầm Sen) biển số 53N-4763 chỉ còn một nửa nắp che đậy, gây mất mỹ quan và an toàn cho hành khách (ảnh chụp trưa 24-2) - Ảnh: Quang Định
​Ghi nhận nhiều đổi thay của ngành xe buýt TP.HCM đem lại thuận lợi cho khách đi xe, song hai bạn đọc thường đi xe buýt cho rằng xe buýt Sài Gòn sẽ thân thiện hơn nếu có thêm một số cải tiến.
Tôi thường đi lại bằng xe buýt, bởi so với đi xe máy thì đi xe buýt dẫu có bất tiện hơn đôi chút là không tự chủ động được thời gian khi phải phụ thuộc vào lịch trình các tuyến cũng như khung giờ xe buýt hoạt động, thế nhưng phải nhìn nhận đi xe buýt vừa có lợi về kinh tế, lại đảm bảo an toàn giao thông.
Những điều mà xe buýt TP.HCM cố gắng làm được để phục vụ hành khách trong nhiều năm nay là thành quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, tôi thấy vẫn còn vài khiếm khuyết nhỏ có thể điều chỉnh sớm để phục vụ hành khách tốt hơn. Trong đó, tôi muốn nêu việc trên nhiều xe buýt hiện chưa trang bị hệ thống loa tự động nhắc nhở các điểm dừng, lịch trình chạy xe cũng như quãng đường mà xe sẽ đi qua...
Việc nhắc nhở các điểm đến mà xe sắp sửa dừng vẫn phụ thuộc vào nhân viên bán vé, vì vậy hành khách, nhất là những khách còn chưa thông thuộc đường phố, ít đi xe buýt, khách ở tỉnh về..., sẽ không tự chủ động được điểm mình sẽ đến, cần đến, nếu như không luôn miệng nhờ vả nhân viên bán vé nhắc hộ.

Tôi từng gặp không ít cảnh hành khách bị đi quá điểm cần đến vì nhân viên bán vé quên không nhắc hộ địa điểm đến mà khách đã nhờ khi mới lên xe. Bị đi quá điểm như vậy thì sự phức tạp là khó tránh khỏi khi khách lại phải bắt xe ngược lại, hoặc mất thêm tiền đi xe ôm.
Việc nhân viên bán vé quên không thể nhắc nhở hết các điểm dừng đỗ trên toàn lộ trình mà xe buýt chạy qua chúng ta cũng nên cảm thông, bởi họ làm việc trong môi trường luôn ngột ngạt, đông đúc, lại kiêm nhiều việc từ kiểm soát người lên xe, bán vé thu tiền, nhắc nhở mọi người thực hiện nội quy đi xe...
Có những nhân viên bán vé mà tôi thấy họ quá mệt mỏi vì bị khách “làm phiền” quá nhiều khi hết người này hỏi địa chỉ lại tới người khác nhờ nhắc hộ chỗ xuống xe...
Cũng có đôi ba lần ra Hà Nội và khi đi xe buýt ở thành phố này, tôi cảm nhận rất nhiều điều mới mẻ, hiện đại của hệ thống xe buýt ở đây, trong đó có việc các xe buýt tôi đi đều phát loa thông tin tự động về điểm dừng, trạm kế tiếp...
Ví dụ như tuyến buýt số 09, khi xe chuẩn bị về tới Bưu điện thành phố, khoảng cách còn tới vài trăm mét là hệ thống loa đã phát: “Điểm dừng tiếp theo Bưu điện Hà Nội, quý khách vui lòng chuẩn bị ra cửa để xuống xe”.
Ngoài việc nhắc nhở điểm dừng, hệ thống loa trên xe buýt còn phát các nội dung như nhắc nhở hành khách thực hiện nội quy đi xe, cách xử sự văn hóa, việc nhường ghế cho các đối tượng ưu tiên, lộ trình, giờ giấc chạy xe, cũng như cung cấp số điện thoại đường dây nóng, trang web của công ty vận tải để hành khách tìm lộ trình các tuyến buýt, đồng thời góp ý, phản ảnh những cái được và chưa được với mong muốn tiếp thu để phục vụ hành khách đi xe ngày một tốt hơn...
Nêu ra ví dụ về xe buýt ở Hà Nội, tôi chỉ mong những người có trách nhiệm của hệ thống xe buýt TP.HCM nhanh chóng trang bị cho tất cả các xe hệ thống thông tin tự động để phục vụ hành khách một cách tốt hơn, hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu sự vất vả cho nhân viên bán vé.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.