Đa đảng: Tại sao ‘không’?

Độc giả web Dân Luận

Nhân kỷ niệm ngày lập Đảng CSVN 3/2. 

Đa đảng, đa nguyên là tự sát nhưng không đa đảng, đa nguyên thì quá trình tự sát, tự hủy diệt càng diễn tiến nhanh hơn. Quả là một bài toán nan giải cho chế độ vào lúc này.


Tham nhũng đang là quốc nạn, là thứ ung nhọt ăn sâu vào cơ thể xã hội,đánh mất niềm tin. Chữa được thứ bệnh này không thể phun thuốc trừ sâu, tiêm thuốc độc mãi mà phải tăng sức đề kháng của cơ thể. Muốn vậy phải bằng mọi cách hạn chế quyền lực. Làm được điều này phải duy trì một chế độ dân chủ đại nghị. Xem ra phải chia sẻ bớt quyền lực cho một đảng phái khác là điều mà “đảng ta” không hề mong muốn. Nhưng không còn cách nào khác.


Thực chất nếu đa đảng, đảng CSVN vẫn còn rất nhiều cơ hội nắm quyền. Bài học từ Campuchia vẫn còn nóng. Hun-xen sau hai lần sang thăm Việt Nam hẳn đã truyền cho ông anh một ít kinh nghiệm. Bởi lẽ các đảng phái khác khi tham gia vào chính trường phải mất một thời gian dài để ổn định. Sự non trẻ của họ sẽ là điều kiện để “đảng ta” dễ dàng thao túng. Chưa kể đến ngón bài tủ là gian lận trong bầu cử vốn là ngón nghề sở trường mà Hun-xen sẵn sàng truyền nghề
cho ông anh.


Vấn đề tham vọng của ông bạn láng giềng “4 tốt và 16 chữ vàng” không còn là nguy cơ mà nó hiển hiện rõ ràng như ban ngày. Trước đây còn hy vọng vì chung ý thức hệ mà ông bạn có thể bỏ qua không ăn cướp đất đai, nay thì hy vọng đó đã tiêu tan. Chỉ có hòa hợp hòa giải dân tộc với thằng em máu mủ VNCH mới có thể bảo vệ được giang san tổ quốc. Chí ít cũng có thể lợi dụng được tiếng nói của các học giả trí thức ở trời Tây vào các phiên tòa mang tính quốc tế. Chỉ có đa đảng, tiếng nói hòa hợp hòa giải mới đủ sức nặng thuyết phục, còn không chỉ là lời nói suông.


Niềm tin trong dân đã xuống đến mức gần như cạn kiệt. Sự bất mãn đã chuyển hóa thành hung bạo. Từ sự phản kháng cá nhân đang dần chuyển thành sự phản kháng tập thể. Khoảng cách từ tự phát thành tự giác có lẻ không còn xa. Cái đáng sợ là người dân bắt đầu coi thường luật pháp. Sự bình thản đến khó tin của tội phạm mang án tử hình, bị cáo ngủ ngay ở vành móng ngựa hoặc việc tuyên án tử một lúc đến 34 tội phạm là minh chứng cho việc luật pháp đã đi hết giới hạn ngăn đe của nó. Thuốc đã bị lạm dụng quá liều và xảy ra hiệu ứng lờn thuốc. Trong tình trạng này chỉ có sự phân chia quyền lực mới có thể lấy lại lòng tin dẫn đến một chế độ pháp quyền. Chỉ có sự cạnh tranh về mặt chính sách trong nhiều đảng phái mới thúc đẩy được quyền làm chủ của người dân và là cứu cánh cho cả chế độ.


Việc không xóa bỏ điều 4 trong “Hiếp pháp” là một sai lầm. Nhưng đây là một sai lầm có thể sửa. Vấn đề là gần đây Tuyên giáo trung ương đã bắt đầu nới lỏng những chủ đề nhạy cảm cho báo chí như việc ca ngợi người lính hải quân VNCH, ca ngợi tổng thống Ngô Đình Diệm. Không biết đây là một chủ trương dọn đường cho cải cách thể chế hay chỉ là một bước lùi trong sách lược của người Cộng sản? Dù sao nó cũng không dễ đánh lừa được người dân vốn đã quá quen với việc “vận dụng sáng tạo” về mặt đường lối của “đảng ta”.



Trong bất kỳ trạng thái nào thì “đa đảng” cũng có vẻ là một nước cờ chính trị khôn ngoan của Đảng CSVN lúc này.

Được tạo bởi Blogger.