Xã hội dân sự ở VN: Phương châm và độ chin mồi?
* PHƯƠNG CHÂM NÀO ?
Khác hẳn với xã hội
dân sự ở các nước phát triển, các nhóm dân sự ở Việt Nam không có được không
gian tự do biểu đạt, và không gian này càng bị thu hẹp trong bối cảnh thể chế
chính trị một đảng được coi là “duy nhất” ở Việt Nam. Tình hình như thế dẫn đến
hậu quả tất cả các nhóm dân sự đều có thể bị chính quyền đàn áp nếu bị coi là
quá thiên về hoạt động chính trị nhằm thay đổi chế độ.
Thực ra về mục
đích, xã hội dân sự với các phong trào dân sự không nhắm đến một cuộc tranh
đua, giành đoạt về quyền lực đối với chính thể đương nhiệm.
Với sứ mệnh được
mặc định của mình, xã hội dân sự chỉ nhằm làm cho chính quyền nhận ra được
những sai lầm trong chính sách và quá trình thực hiện chính sách, từ đó tiến
hành hủy bỏ hoặc điều chỉnh những chính sách, nhân sự thực hiện.
Ôn hòa, bất bạo
động, tránh đổ máu là những đặc trưng trong phương pháp hoạt động của xã hội
dân sự và các phong trào dân sự. Chính phương châm này đã loại trừ tâm trạng lo
lắng đầu tiên của những người muốn tham gia phong trào dân sự là liệu họ có bị
sách nhiễu hoặc thậm chí bị bắt bởi những hoạt động thuần túy xã hội của mình.
* ĐÃ CHÍN MUỒI ĐỂ
XÂY DỰNG XÃ HỘI DÂN SỰ Ở VIỆT NAM ?
Việt Nam hiện thời
đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế lụn bại, tham nhũng ghê rợn chưa từng
thấy, xã hội nhiễu nhương đạo lý, chính trị bất nhất đạo đức, tình cảm của
người dân chuyển từ bức xúc đến phẫn nộ rồi tràn sang phẫn uất. Trong bối cảnh
đó u uất đó, những người muốn có một sự thay đổi lớn lao về thể chế chính trị
không phải là ít.
Xã hội dân sự là
một trong những phương cách tốt nhất để tạo nên sự thay đổi cấp thiết ấy.
Hãy làm sao để
người dân nhận ra rằng được sinh ra từ lòng xã hội dân sự, các phong trào dân
sự không phải là một khái niệm cao siêu mà giai cấp nông dân và công nhân không
thể với tới được.
Ngược lại, hoạt
động dân sự trong xã hội dân sự là những gì thiết thân và gần gũi nhất với đời
sống dân sinh, nhằm hỗ trợ giải quyết một cách thấu tình đạt lý những bức xúc
của dân chúng liên quan đến nhiều chủ đề thiết thực trong hiện tồn Việt Nam như
Hiến pháp, tham nhũng, đất đai, môi trường, biển đảo, quyền lợi người lao động,
thị trường, các chính sách công bất hợp lý…
Có quá nhiều vấn đề
cần phải giải quyết trong bối cảnh chính quyền không có đủ năng lực và ngày
càng mất đi sự công tâm cần có để bảo đảm việc chấp nhiệm một cách công bằng.
Đó cũng chính là nhu cầu xã hội đang nảy sinh trong lòng xã hội Việt Nam đương
đại, đòi hỏi phải có những tác động phi chính phủ, tức hoạt động nằm ngoài
khuôn khổ của đảng và chính quyền, giúp cho người dân nhận thức được bản chất
của những mâu thuẫn, khó khăn, xung đột và tìm cách giải quyết phần nào những
mối nguy đó.
* NHỮNG TIỀN ĐỀ CỦA
XÃ HỘI DÂN SỰ Ở VIỆT NAM
Có thể xem phong
trào phản biện Bauxite từ năm 2007 là tiêu điểm đầu tiên mang dấu ấn của nhóm
trí thức xuất thân từ lòng đảng, nhưng đậm nét cách tân và có quan điểm cách
mạng hơn nhiều so với những lề thói cũ. Công cuộc phản đối dự án khai thác
bauxite của Trung Quốc cũng có thể có ý nghĩa không kém thua so với 11 cuộc
biểu tình chống sự can thiệp của Bắc Kinh vào Biển Đông vào năm 2011.
Đến đầu năm 2013,
nhóm “Kiến nghị 72” với những kiến nghị chưa có tiền lệ về đổi mới Hiến pháp,
là một hiện tượng có vẻ như đột biến, nhưng thực chất là tuân theo đúng quy
luật biện chứng “lượng đổi dẫn đến chất đổi”. Sau nhiều năm không nhận ra một
sự thay đổi và cải thiện đáng kể nào từ phía đảng và chính quyền, giới trí thức
bất đồng tiên phong đã phải trực chỉ một điều cốt tử: một khi nền chính trị
Việt Nam không có đối trọng – được thể hiện bởi những lực lượng vật chất –
những chính sách bất hợp lý về tư tưởng và bất công về quyền lợi của nó chỉ có
thể dẫn dân tộc đến hố sâu phân hóa và tự triệt tiêu động lực tiến bộ.
Có thể coi sự hình
thành của “Kiến nghị 72” nhằm thay đổi điều 4 Hiến pháp về vai trò độc đảng là
dấu mốc cực kỳ quan trọng cho việc khởi xướng tiền đề của hoạt động xã hội dân
sự ở Việt Nam trong tương lai.
Sau “Kiến nghị 72”,
một số blogger trẻ cũng đã khởi phát phong trào 258 – một hoạt động mà về hình
thức chỉ là tiếp xúc và trao bản tuyên bố phản đối điều 258 Bộ luật hình sự cho
các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và một số tổ chức nhân quyền quốc
tế, nhưng thực chất là bày tỏ thái độ phản đối công khai đối với chính quyền
theo tinh thần minh bạch hóa và tác động thay đổi chính sách của xã hội dân sự.
Năm 2013 là thời
điểm của sự hình thành những tiền đề các nhóm dân sự. Hàng loạt tổ chức dân sự
mới ra đời như Diễn đàn Xã hội dân sự, nhóm Phụ nữ nhân quyền Việt Nam, Hội Bầu
bí tương thân, Hội Dân oan Việt Nam…. Đến nay, đã có ít nhất 15 tổ chức dân sự
có khuynh hướng tác động nhằm điều chỉnh hoạt động chính trị ở Việt Nam, chưa
kể nhiều tổ chức dân sự mang mục tiêu giáo dục, xã hội và văn hóa.
Cũng chủ yếu từ năm
2011 đến nay, hoạt động truyền thông xã hội tại Việt Nam đã hình thành một cách
dày dạn và tỏ ra can đảm hơn hẳn hoạt động thông tin “lề trái” ở Trung Quốc. Số
người viết ngày càng nhiều, nhưng quan trọng hơn, số bài viết có chất lượng và
có sức lan tỏa, tính kết nối với hệ thống truyền thông quốc tế ngày càng tăng.
Truyền thông quốc tế lại tác động đến nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và chính
phủ các quốc gia hàng đầu về dân chủ và nhân quyền, tạo nên hiệu ứng tác động
ngược lại đối với nhà cầm quyền ở Việt Nam.
Chính hiệu ứng
“trong ra ngoài vào” như vậy đã thực sự làm nên một đối trọng về áp lực dư luận
đối với hệ thống báo đảng, khiến cho các cơ quan tuyên giáo từ trung ương đến
địa phương không thể xem thường truyền thông xã hội. Trong một số trường hợp
liên quan đến “Kiến nghị 72”, vụ tuyệt thực của hai tù nhân lương tâm Cù Huy Hà
Vũ và Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, vụ bắt rồi thả một nữ sinh là Phương Uyên, đề
xuất thành lập đảng mới của một luật gia là ông Lê Hiếu Đằng, hiện tượng thoái
– bỏ đảng, lễ tưởng niệm ngày mất đảo Hoàng Sa…, giới báo chí “lề đảng” đã phải
chọn cách đứng trước vành “đối chất” thay vì phẩy tay bỏ qua vào những năm
trước.
Truyền thông xã hội
lại là một thành phần đương nhiên của xã hội dân sự. Đó cũng là lý do để có thể
tạm thời kết luận rằng một phần quan trọng và có thể có tính quyết định của xã
hội dân sự đã manh nha và đang dần khởi sắc ở Việt Nam, cho dù chân đứng của nó
có lẽ còn khá lâu nữa mới vững chắc và đồng vị tại một điểm thống nhất nào đó.
* ẢNH HƯỞNG ĐỐI
NGOẠI ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI DÂN SỰ Ở VIỆT NAM
Trong bối cảnh hình
thành những tiền đề đầu tiên của xã hội dân sự, hướng mở về đối ngoại kéo theo
độ mở về chính trị đã cho thấy chưa bao giờ từ năm 1975 đến nay, Nhà nước Việt
Nam lại “cần” đến cộng đồng quốc tế như bây giờ. Nhu cầu thiết thân về quyền
lợi và quyền lực như thế đang liên quan trực tiếp đến các chủ đề hấp dẫn như
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương – TPP, cũng như lời hứa hẹn về
“đối tác chiến lược toàn diện” từ phía người Mỹ, trong đó trước mắt là một vài
động thái liên minh quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ để giảm thiểu tác động rất
tiêu cực từ Trung Quốc.
Hiển nhiên là giai
đoạn đầu của xã hội dân sự đang diễn ra ở Việt Nam, trong bối cảnh nhà nước này
đang dần phải chấp nhận những giá trị phổ quát về nhân sinh, nhân quyền và dân
chủ của cộng đồng quốc tế. Đó cũng là lý do để có thể cho rằng đã có những tín
hiệu cho thấy một số quan chức cao cấp nào đó của đảng và chính quyền, tuy chưa
công khai biểu hiện quan điểm vì lý do chưa muốn hoặc vẫn bị áp lực bởi “chủ
nghĩa kinh viện tập thể”, vẫn đang có xu hướng âm thầm “xoay trục” sang phương
Tây và dần chấp nhận đường hướng một mô hình xã hội dân sự nào đó trong tương
lai cho Việt Nam. Vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014, đã có những dấu hiệu từ
giới truyền thông của đảng cho thấy vấn đề xã hội dân sự đang bắt đầu được giới
đảng quan tâm theo chiều hướng buộc phải thích nghi với đòi hỏi của cộng đồng
quốc tế.
Đó cũng là lý do để
có thể cho rằng tỉ lệ thuận với khuynh hướng “xoay trục” sang phương Tây, một
nhận thức mới mẻ đang dần hình thành trong não trạng của một số lãnh đạo cao
cấp: trong tương lai gần, một lực lượng trí thức có tính độc lập tương đối với
hệ tư tưởng của đảng, có thể là cần thiết được duy trì mà không bị sách nhiễu
hoặc bắt bớ, với mục đích tạo nên một ráng hồng dân chủ nào đó cho khuôn mặt
của chế độ, cũng là nhân tố có thể mang lại thiện cảm với các tổ chức và quốc
gia trên thế giới quan tâm đến vấn đề dân chủ, nhân quyền và xã hội dân sự ở
Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết, lực lượng trí thức độc lập này còn có thể
là cầu nối trong – ngoài để một số quan chức cao cấp Việt Nam dễ tiếp cận hơn
với các tổ chức quốc tế. Nhưng tất nhiên, đó chỉ là nhận thức và suy diễn chủ
quan của giới quan chức đảng, trong khi phần lớn tương lai của xã hội dân sự
lại do chính giới trí thức Việt Nam tự quyết.
-- Nhà báo PHẠM CHÍ
DŨNG
(Trích tham luận
tại Hội thảo “Trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội Đồng Nhân
Quyền Liên Hiệp Quốc” ngày 4/2/2014, bên cạnh cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát
về nhân quyền Việt Nam diễn ra tại Geneve vào ngày 5/2/2014)