Kinh tế Nga đang xuống dốc
G7 đã loại Nga |
Ngô Nhân
Dụng
Lúc đầu
chỉ có năm “cường quốc kinh tế” G-5 họp với nhau: Anh, Pháp, Tây Ðức, Hoa Kỳ và
Nhật. Các nước Âu châu muốn mời Ý tham dự, Hoa Kỳ đòi phải thêm Canada, nước
bạn Bắc Mỹ, cho nên thành Nhóm Bảy Nước G-7. Công chuyện họ thường bàn nhau là
làm sao điều hợp chính sách tiền tệ và ngoại thương để không làm thiệt hại lẫn
nhau. Năm 1998, họ mời thêm nước Nga, không phải vì kinh tế Nga lớn, mà vì Nga
có bom nguyên tử, lại đang cần được khích lệ trên đường tư bản hóa. Từ đó Nhóm
Tám Nước G-8 bàn thêm chuyện an ninh thế giới. Năm nay, bảy nước G-7 họp khẩn
cấp do tổng thống Mỹ yêu cầu, và họ đồng thanh tuyên bố sẽ không tham dự kỳ họp
G-8 sắp tới ở Sochi, nước Nga, nơi mới diễn ra Thế Vận Hội Mùa Ðông. Thay vào
đó, họ sẽ họp lại nhóm G-7 tại Bruxelles cũng vào Tháng Năm, và không mời Nga
dự. Họ còn tuyên bố sẽ không bao giờ mời Nga họp, cho tới khi Nga “xuống thang”
trong cuộc khủng hoảng Crimea và Ukraine.
Báo chí thế giới loan tin: Nga bị đuổi khỏi G-8. Nhưng trong thực tế, G-8 không
phải là một tổ chức, cũng chẳng có điều lệ về tư cách thành viên. Năm ngoái,
Nhóm G-7 cũng từng họp riêng với nhau vào Tháng Năm ở Aylesbury bên nước Anh,
mà chẳng mời Nga dự. Bảy nước G-7 hiện nay bao gồm 63% tài sản kinh tế thế
giới, tổng cộng 241,000 tỷ mỹ kim; chắc chắn những quyết định chính sách chung
của họ sẽ ảnh hưởng trên kinh tế toàn cầu. Ðược tham dự, tức là được góp ý kiến
trên các quyết định đó, và còn tăng thêm cho uy tín quốc gia. Tính trên tổng
sản lượng thì kinh tế Trung Quốc lớn hơn Nga, lâu nay vẫn muốn góp mặt để thành
một Nhóm G-9. Nhưng bây giờ sau khi Nga “bị đuổi” thì Trung Quốc khó có hy vọng
được mời trong nhiều năm tới.
Quyết định của G-7 hoàn toàn vì chính trị. Họ lên án Nga đã không tôn trọng
những “giá trị và nguyên lý” về bang giao quốc tế khi đem Crimea trở lại lãnh
thổ Nga. Các nước Pháp, Ðức, Anh, Ý đã phong tỏa tài sản một số người thân cận
với ông Vladimir Putin, Mỹ phong tỏa thêm một số công ty và ngân hàng. Nay bày
nước dọa sẽ có các biện pháp trừng phạt kinh tế khác nếu Nga leo thang đe dọa
thế quân bình vùng chung quanh Nga và Ukraine.
Nga đang đe dọa thật. Ông Putin có thể sách động dân gốc Nga ở mấy tỉnh miền
Ðông Ukraine nổi lên, đòi theo gót Crimea. Và ngay sát bên còn một vùng đất
tình trạng rất giống Crimea; là Transnistria, một dải đất dài nằm theo biên
giới giữa Ukraine và Moldova. Transnistria đã ly khai khỏi Moldova vào năm
1992, sau khi xứ này tuyên bố độc lập lúc Liên Bang Xô Viết tan rã. Hiện có
1,200 quân Nga đóng ở đây, sau khi đã tới đóng vai “bảo vệ hòa bình” vì cuộc
xung đột giữa Moldova và Transnistria; và đến nay vẫn không chịu rút về dù đã
ký kết với Moldova, và được Liên Hiệp Quốc thúc giục! Trong số dân Transnistria
gần 600,000 người có 90% mang hai hoặc ba quốc tịch; 300 ngàn nhận quốc tịch
Moldova; 150 ngàn quốc tịch Nga và 100 ngàn quốc tịch Ukraine. Trong khi cả thế
giới chưa nước nào công nhận Transnistria là một quốc gia cả, người gốc Nga ở
đây cũng đang đòi trở về với “Nước Mẹ!”
Chính phủ Nga tỏ ra cứng rắn, coi được tham dự vào G-8 hay không chẳng có gì
quan trọng. Ngoại trưởng SergeLavrov nói, “Ðể coi, một năm hay năm rưỡi sau,
chúng tôi sẽ ra sao khi không còn tham dự nữa.” Ông biết rằng chỉ có Mỹ sẵn
sàng tạo thêm áp lực phong tỏa kinh tế, còn các nước Âu Châu rất khó. Ðồng minh
thân nhất của Mỹ là Anh quốc. Nhưng London hiện nay là nơi các đại gia giàu
nhất nước Nga gửi tiền, mua nhà, và đầu tư. Trị giá 28 công ty Nga ghi danh ở
thị trường chứng khoán London lên tới gần 400 tỷ Mỹ kim. Mỗi năm các công ty
Nga trả cho các ngân hàng cố vấn London 300 triệu. Các luật sư cố vấn London
đòi các công ty Nga trả mỗi giờ 1,500 bảng Anh (2,500 Mỹ kim). Ðức nhập cảng
hơi đốt của Nga cho 40% nhu cầu, và cung cấp máy móc, xe đắt tiền cho Nga. Bà
Thủ Tướng Angela Merkel nói rằng muốn phong tỏa kinh tế Nga cần phải tham khảo
ý kiến của 28 nước trong Liên Hiệp Châu Âu (EU). Cho nên trong thời gian tới,
các nước G-7 sẽ chỉ làm áp lực từng bước nhỏ, tấn công trên từng phần trong các
ngành nhiên liệu, dịch vụ tài chánh, ngân hàng, và xuất cảng vũ khí.
Nhưng trong thực tế, khối G-7 không cần làm nhiều, vì trước khi ra khỏi G-8,
kinh tế Nga đã đang trên đà xuống dốc rồi.
Trong mười năm từ khi ông Vladimir Putin lên cầm quyền, năm 2000, kinh tế Nga
mạnh nhờ giá dầu lửa trên thế giới lên cao; trung bình mỗi năm lợi tức quốc gia
(GDP) tăng 7%. Năm ngoái, GDP chỉ tăng được 1.3%, và ông Andrei Klepach, thứ
trưởng kinh tế mới nói với báo chí rằng trong quý đầu năm 2014 chắc tỷ lệ tăng
trưởng sẽ xuống số không. Tình trạng kinh tế ngưng trệ diễn ra trong khi giá
dầu thô trên thế giới vẫn giữ mức khoảng 110 đô la một thùng, là mức cao nhất
xưa nay. Ðiều đó cho thấy kinh tế Nga gặp khó khăn vì những nguyên do lớn trong
cơ cấu kinh tế.
Vladimir Putin không tin tưởng ở sức mạnh của thị trường; ông tập trung quyết
định kinh tế quốc gia vào trong tay, trao cho một số cận thần, nhiều người là
cựu sĩ quan công an KGB như ông. Ông cũng theo thói quen như các nhà lãnh đạo
Trung Quốc, chú trọng đến đầu tư, nhưng đem tiền cho những xí nghiệp vay dùng
vào dự án không có hiệu quả. Mặc dù tiền đầu tư chiếm 26% của GDP, nhưng khả năng
sản xuất của các xí nghiệp giảm dần, đường sá và đường xe lửa đang hư hỏng.
Chính phủ Nga khuyến khích các đại gia, các đại công ty, phần lớn là doanh
nghiệp nhà nước. Các nhà kinh doanh và ngân hàng nhỏ khó cạnh tranh với guồng
máy quốc doanh. Nạn tham nhũng lan tràn từ trên xuống dưới khiến kinh tế càng
khó phát triển.
Nhờ có nhiều dầu khí để bán, Nga không phát triển những ngành công nghiệp nhẹ
nhắm vào xuất cảng như ở Trung Quốc. Vì vậy, sản xuất công nghiệp ở Nga không
tiến lên theo đúng nhu cầu của một nước đang phát triển. Tại những nước đang
hưng thịnh, như Nam Hàn, Cộng Hòa Tiệp, sản xuất công nghiệp đóng góp vào 20%
tổng sản lượng nội địa. Công nghiệp Nga hiện nay chỉ chiếm 15% GDP, giảm xuống
từ tỷ lệ 18% vào năm 2005.
Trong cuộc họp báo vào Thứ Hai, 24 Tháng Ba, 2014, Thứ Trưởng Kinh Tế Andrei
Klepach nói rằng các hành động phong tỏa của Mỹ và Tây Âu không ảnh hưởng đến
kinh tế Nga bao nhiêu, nhưng ông công nhận nhiều người Nga đã chuyển tiền ra
nước ngoài. Trong mấy năm qua, mỗi năm số vốn chạy khỏi nước Nga trị giá khoảng
60 tỷ đô la; nhưng nay đến lượt các nhà đầu tư ngoại quốc cũng rút tiền đem về.
Riêng trong ba tháng đầu năm 2014, ông Klepach cho biết số tiền vốn “vượt biên”
khoảng từ 65 đến 70 tỷ, cao hơn tổng số của cả năm ngoái. Mà một nửa số tiền đó
mới được chuyển đi trong Tháng Ba này.
Tiền rút khỏi nước Nga sẽ được đổi lấy ngoại tệ, nhất là mua đô la Mỹ. Từ năm
2011 đến nay, đồng rúp của Nga đã mất giá 22% so với đồng đô la; và hối suất
xuống mạnh nhất trong tháng qua, từ khi vụ khủng hoảng Ukraine và Crimea bùng
nổ. Ngân hàng trung ương Nga đã bỏ đô la dự trữ ra mua đồng rúp, và tăng lãi
suất để giữ giá. Nhưng trong tình trạng kinh tế đang xuống việc tăng lãi suất
sẽ chỉ khiến việc tiêu thụ và đầu tư giảm sút.
Ông Klepach cho biết ngân hàng trung ương Nga sẽ hạ thấp lãi suất, và trong
Tháng Ba giá sinh hoạt sẽ chỉ tăng từ 0.9 đến 1%; ước đoán này cho thấy tỷ lệ
lạm phát trong năm 2014 sẽ lên tới gần 7% cao hơn tỷ lệ lạm phát trung bình
3.8% của các nước đang phát triển cùng trình độ với Nga.
Với tình trạng kinh tế suy yếu như vậy, ông Vladimir Putin sẽ chịu hai thứ áp
lực kinh tế từ Mỹ và các nước Châu Âu. Thứ nhất, phong tỏa tài sản các cận thần
của ông Putin; thứ hai, chính phủ Mỹ đổi chính sách, sống xa hoa xuất cảng dầu
lửa và khí đốt.
Ông Alexey Navalnymarch là người đã ra tranh cử thị trưởng thủ đô Matskva vào
Tháng Chín năm ngoái, ông được một phần ba phiếu bầu mặc dù không được các báo
đài nhắc tới. Ông mới bị quản thúc tại gia sau khi tham dự các cuộc biểu tình
phản đối ông Putin. Trong một bài gửi ra nước ngoài vào tuần trước, ông đã nêu
đích danh những nhân vật mà các nước Tây phương nên phong tỏa tài sản, vì họ đã
kiếm được tiền nhờ tham nhũng, lạm quyền. Nhóm cận thần này không những cung
cấp tiền cho đảng của ông Putin mà còn điều khiển cả bộ máy tuyên truyền gồm
báo, đài chuyên đi xuyên tạc các đảng chính trị đối lập.
Những cận thần của ông Putin đều có tài sản lớn nằm ở các nước Tây phương, kể
cả ở Mỹ. Nếu bị phong tỏa, cuộc sống xa hoa của họ sẽ chịu ảnh hưởng và họ sẽ
lo lắng về tương lai. Áp lực đó sẽ khiến chính đám này khuyên ông Putin phải dè
dặt.
Ðòn kinh tế thứ hai nước Mỹ có thể thi hành, là thay đổi chính sách năng lượng,
khuyến khích việc xuất cảng dầu, khí; vì Mỹ đang trở thành nước sản xuất nhiều
nhất thế giới, nhờ áp dụng những phát minh trong kỹ thuật khai thác mới. Mục
này đã trình bày vấn đề đó trong một bài trước. Cả nước Nga đang sống khá giả
nhờ xuất cảng dầu khí. Mỗi năm Nga thu về 220 tỷ đô la nhờ xuất cảng dầu khí,
160 tỷ bán cho các nước Âu Châu. Ngoài món đó ra, số khiếm hụt trong cán cân
thương mại về các món hàng khác sẽ lên tới 10% tổng sản lượng nội địa. Cho tới
nay, ông Putin không bao giờ muốn Iran với Mỹ hòa hoãn; vì nếu không bị cấm
vận, Iran sẽ là nước xuất cảng dầu lửa và khí đốt đứng hàng thứ tư trên thế
giới. Chỉ cần Mỹ tuyên bố xuất cảng dầu khí, giá thị trường thế giới sẽ xuống,
ngân sách chính phủ Nga lập tức bị ảnh hưởng.
Chắc hẳn ông Vladimir Putin cũng biết nhược điểm kinh tế của mình, cho nên đã
thấy dấu hiệu ông bắt đầu nhường nhịn. Cho đến nay, chính phủ Nga nhất định
không coi chính phủ mới ở Ukraine là hợp pháp; vẫn chỉ công nhận Cựu Tổng Thống
Yanukovych, tay chân của họ. Nhưng trong ngày Thứ Hai vừa qua, trong khi các
nước G-7 họp ở Den Haag, Hòa Lan công khai phản đối Nga, ngoại trưởng Sergei
Lavrov đã chịu gặp gỡ ngoại trưởng của chính phủ Ukraine mới, cũng tại thành
phố này. Trước đó, ông Lavrov đã nhiều lần từ chối không gặp ở những nơi khác,
dù hai người ở cùng một khách sạn!
0 nhận xét