Đối lập với dối trá, bạo lực, phi luật pháp và nô lệ - Tại sao không?
J.B
Nguyễn Hữu Vinh
(VNTB) - Vốn quen với tư duy nô lệ, nên những tư tưởng độc lập, tiến bộ đều bị kẻ bồi bút kết án bất chấp lẽ phải và sự thật. Tuy nhiên, khi ngửa mặt nhổ nước bọt lên trời, thì chính khuôn mặt họ dính đầy những thứ cặn bã của chính họ.
Ngay cả đảng cũng ngoài vòng pháp luật
Đọc hai bài báo được tờ Petrotimes của TBT Nguyễn Như Phong “ưu ái” dành cho Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam (HNBĐLVN), ngoài thể hiện sự ngô nghê về trình độ lý luận và nhận thức xã hội, còn nói lên một điều: Một khi đã là công cụ dùng bảo vệ độc tài, thì có thể bất chấp tất cả mọi chuẩn mực xã hội.
Họ có thể tự sáng tác thêm Hiến Pháp, kết tội bất cứ ai, hô hào bạo lực ngay chính trên mặt báo. Chẳng hạn: Hiến pháp chẳng bao giờ ghi nhăng nhít những câu ngớ ngẩn như bài viết này đã sáng tác thêm. Rằng là “…nếu các hội ấy thực sự vì con người, vì lợi ích thật sự của nhân dân”[1] như họ cố tình thêm vào cho ra vẻ tử tế.
Thực tế, thì dù vì con người hay con chuột, dù là vì lợi ích thật sự hay giả trá…, tất cả đều được, miễn là dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản, phải đặt lợi ích của đảng lên trên hết. Bởi nó là “công cụ tư tưởng, văn hóa của đảng”. Đó mới là mấu chốt, nhưng tờ báo này không tiện trắng trợn nói ra mà thôi.
Hài hước và bất chấp hơn là: “Ðảng, Nhà nước không cấm thành lập các tổ chức độc lập, nhưng từ độc lập trở thành đối lập với hệ thống chính trị thì tự nó đã đối lập với lợi ích của nhân dân, trái với pháp luật”. Hẳn nhiên những cái đầu ở tờ báo của Nguyễn Như Phong đã không hiểu gì về luật pháp sơ đẳng mà càng thể hiện sự đánh tráo khái niệm rất trắng trợn trước người đọc. Hỡi ôi, họ không biết rằng, cái gọi là Hiến Pháp hay Quốc hội - dù là của đảng đi nữa, thì trên hình thức vẫn là của toàn dân – đã quy định rõ ràng đó là “quyền” của người dân. Đảng, nhà nước hay bất cứ tổ chức nào muốn cũng không thể cấm được và không được phép cấm, bởi không có quyền đó. Nhưng, ở đây họ cứ nhơn nhơn “tiết lộ bí mật nhà nước Pháp quyền XHCN” rằng đã là đảng thì bất chấp, cấm hay cho là quyền của đảng. Đây mới là mấu chốt, bản chất của chế độ độc tài.
Bởi, ngay cả đảng, cho đến nay vẫn là một tổ chức đứng ngoài vòng luật pháp Việt Nam, dù cái gọi là Hiến pháp quy định rõ ràng: “…Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Đây chỉ là một ví dụ về sự hài hước của cái gọi là “nhà nước pháp quyền XHCN”.
Và cũng do đó, việc đánh tráo “hệ thống chính trị” là “lợi ích của nhân dân” để kết tội rằng “đối lập với hệ thống chính trị thì tự nó đã đối lập với lợi ích của nhân dân” chỉ là giọng lưỡi của đám lưu manh bất chấp lẽ phải.
Răm rắp và… nói ngược
Để trả lời câu hỏi của bài báo “Độc lập hay đối lập?”, chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn hai khái niệm này.
Theo Từ điển Tiếng Việt, “Độc lập” là từ gốc Hán, độc tức là một, lập là đứng; vậy độc lập tức là đứng một mình, không phụ thuộc vào ai. Còn “Đối lập” có nghĩa là: Đứng ở phía trái ngược, có quan hệ chống đối nhau. Như vậy, ở đây HNBĐLVN có đối lập với báo chí quốc doanh như tờ Petrotimes nói hay không?
Ở bài trước, chúng tôi đã nhắc đến câu nói của C.Mác: “… muốn cho báo chí có thể hoàn thành sứ mệnh của mình thì trước hết cần phải không có áp lực nào từ bên ngoài vào, cần phải thừa nhận là báo chí có những quy luật nội tại của mình”. (C.Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập; Tập 1, tr.227).
Vậy thì, ngay cả theo quan điểm của C.Mác, báo chí Việt Nam đặt “dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng” có thể hoàn thành sứ mệnh của mình hay không? Câu trả lời là không thể, nếu sứ mệnh của báo chí là để phục vụ nhân dân dù báo chí Việt Nam với hơn 800 tờ báo, vài vạn phóng viên. Bởi tất cả đều chỉ là “công cụ công tác tư tưởng của đảng”. Với vai trò công cụ, nó chỉ phục vụ cho đảng và vì lợi ích của đảng mà thôi. Vì thế khi có những vấn đề liên quan tới đời sống nhân dân phải đối mặt với sự thối rữa dẫn tới ảnh hưởng vị trí độc tài của đảng, hay khi lợi ích của đảng đối lập với lợi ích của dân thì hầu như 100% các tờ báo trên đều răm rắp dưới ngọn roi của đảng và… nói ngược. Điển hình là các vụ cướp đất đai, tài sản người dân, những vụ việc ký kết các hiệp định về lãnh thổ, lãnh hải mà lãnh thổ teo dần, giặc chiếm biển đảo… Mục đích là chỉ nhằm khư khư giữ vị trí độc tài của đảng, họ bất chấp mọi thủ đoạn và luật pháp lẫn lương tâm.
Dối trá, bạo lực, nô lệ: Những điều trông thấy…
Để làm tốt vai trò “công cụ” đã không thiếu các chiêu bài dối trá sống sượng, vu cáo, gian trá, dựng chuyện… đủ cả.
Người ta đã thấy ở đó, những hình ảnh được dàn dựng để vu cáo một cộng đồng tôn giáo, minh họa cho chính sách cướp đất đai tôn giáo bất chấp pháp luật. Người ta thấy ở đó cơn lên đồng tập thể của bầy đàn truyền thông, cắt xén để vu cáo một Tổng Giám mục biết thao thức vì vị thế yếu kém của đất nước muốn tìm một lối ra. Nhưng người ta không thấy những hình ảnh công dân Việt Nam được rao bán trong các động mại dâm ở nước ngoài, ở các chợ người Việt Nam như thời mua bán nô lệ hay những cảnh phụ nữ Việt cởi truồng cho đàn ông ngoại quốc chọn mua. Bởi vì hệ thống báo chí công cụ không thấy nhục.
Người ta thấy ở đó những trận chiến không cân sức, những cuộc tập trận “chống bạo loạn” đề phòng sự nổi dậy khi người dân bị cướp bằng nhiều cách, từ đất đai đến tham nhũng. Nhưng không thấy trên đó những hoàn cảnh người dân bỗng chốc bị cướp hết đất đai, nhà cửa chỉ để phục vụ một nhóm lợi ích nào đó mà đảng tổ chức hoặc đứng sau lưng.
Người ta thấy ở đó, những trò bẩn thỉu, vu cáo người yêu nước khi Tổ Quốc bị xâm lăng với những ngôn từ cục súc và hạ đẳng. Nhưng không thấy bóng dáng những hàng rào sống bằng người đã bị bắn tan xác trên Trường Sa ở Gạc Ma năm 1988. Trên những tờ Quân đội Nhân dân, Nhân dân, VTV… luôn xúi giục, kêu gào người dân đem thân xác mình “bám biển, giữ chủ quyền”, trong khi đội quân được nuôi để bảo vệ lãnh thổ của đất nước thì được đưa đi cướp đất của dân. Chỉ vì kẻ thù xâm lược ngày nay lại là bạn vàng của đảng.
Người ta thấy trên đó rổn rảng những từ ngữ sáo rỗng ca ngợi đảng vinh quang, bác vĩ đại… nhưng không thấy dưới sự lãnh đạo đó, lãnh thổ ngày càng rơi vào tay kẻ thù. Kèm theo đó những tin bài từ thực tế cướp giết hiếp lan tràn xã hội, đầy rẫy mặt báo như để chứng minh.
Người ta cũng thấy ở đó, bạn “16 chữ vàng và 4 tốt” của đảng, những lá cờ nô lệ 6 sao khi đón kẻ thù dân tộc. Thậm chí ở đó còn ca ngợi tướng Tàu Cộng đã dẫn hơn nửa triệu quân xâm lược đất nước ta, gây bao tội ác trên biên giới kể từ 1979 [2]. Nhưng những tội ác của quân Trung Cộng xâm lược đối với chiến sĩ, đồng bào ta thì biến mất.
Hèn hạ hơn, mặt báo run sợ không dám gọi tên kẻ thù mà chỉ là “tàu lạ” “thuyền lạ” “người lạ”… để chỉ bọn bành trướng xâm lược. Nhưng, mỉa mai thay, ở đó sẵn sàng kết tội những công dân yêu nước nhưng thấp cổ bé họng và tay không.
Ở đó, họ luôn kêu gào bỏ tiền cho những cuộc “Học tập và làm theo Hồ Chí Minh”. Nhưng, họ cố quên câu nói được cho là của ông ấy: “Hễ còn một tên xâm lược nào trên đất nước, thì chúng ta còn phải chiến đấu, quét sạch nó đi”. Thậm chí, ai hô lên Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam thì được đi tù.
Ở đó không thấy Hiệp định Biên giới được đảng âm thầm ký kết với kẻ thù dân tộc từ hơn cả thập kỷ trước. Ở đó biến mất Ải Nam Quan, phần lớn thác Bản Giốc… Ở đó biến mất Quần đảo Hoàng Sa đang nằm dưới gót giày quân xâm lược mà vốn từ xưa cha ông đã dựng nước và giữ gìn bằng máu xương. Thậm chí, nếu không có báo chí độc lập thì dân ta chẳng ai biết đã có một văn bản mà Phạm Văn Đồng ký, đã từng đồng ý với tuyên bố của Trung Cộng rằng Hoàng Sa – Trường Sa là của chúng.
Ở đó không có những dòng tin về cái Hội nghị Thành đô, một hội nghị đang bị đảng giấu nhẹm trong vòng bí mật và đang làm nhức nhối người dân Việt. Nhưng người ta thấy công lao của các lãnh đạo đảng và nhà nước thật là “trời biển”, đạo đức của các lãnh đạo đảng và nhà nước thật là cao vời.
Người ta không tìm thấy sự biết ơn của đảng với công lao nuôi nấng của dân từ ngày đầu du nhập Cộng sản vào Việt Nam theo chỉ thị của Cộng sản Quốc tế, đến nay đảng tự ghi vào “Hiến pháp” buộc người dân chấp nhận “sự lãnh đạo tuyệt đối”. Nhưng người ta thấy bình thường với những câu cửa miệng “ơn đảng, ơn chính phủ”. Thậm chí, ngay cả khi đã được bộ máy của đảng và chính phủ cho đi tù oan mười năm như Nguyễn Thanh Chấn.
Người ta thấy xuất hiện ngày càng nhiều “các thế lực thù địch” của đảng, nó tiềm tàng trong nhân dân và hiện dần lên trên mặt báo nhà nước.
Đối lập có tội gì? Tại sao không đối lập?
Và HNBĐLVN ra đời, với tiêu chí: Không phụ thuộc bất cứ sự lãnh đạo vô luật pháp, thiếu đạo đức, mất dân tộc nào. Tất cả mọi hành động đều theo lẽ phải, công lý và sự thật phục vụ dân tộc, đất nước và con người, trái ngược những thực tế của hệ thống báo đảng đã nêu ở trên. Phải chăng đó là “đối lập”?
Chắc chắn, HNBĐLVN sẽ không học Nguyễn Như Phong về cách làm báo. Chẳng hạn ngay trên tờ Petrotimes của Nguyễn Như Phong, người ta thấy những bài viết của anh ta bào chữa, che chắn cho tướng Công an bị tố cáo nhận hối lộ cả triệu rưỡi đô-la nhưng lại bới móc lên “Những người đẹp “bán dâm” giờ ra sao? Phải chăng đó là “đối lập”?
Tại sao, những con người dám dấn thân, chiến đấu cho sự thật, cho người dân và nước Việt Nam trường tồn lại không là đối lập với kẻ bồi bút?
Vậy thì so với những cái thối tha, bẩn thỉu và hèn hạ “hùa với giặc, ác với dân” như trên, tại sao Sự thật – Công lý – Hòa bình, phục vụ người dân, yêu Tổ Quốc, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ lại không là đối lập?
Tại sao, những thông tin thiết thực cho người dân, thực tế về đời sống của họ, về nỗi thống khổ, những bất công của họ lại không thể đối lập với những thông tin nịnh hót và mê hoặc là “quang vinh, tài tình và đạo đức” trên các lời nói của đảng, đi kèm những tài sản kếch xù tự trên trời rơi xuống, hoặc được “cô em nuôi” tặng cho các cán bộ đảng?
Tại sao thay vì phải bảo đảm “tính đảng”, tính bạo lực “chuyên chính vô sản”, các tác phẩm bảo đảm tính chân thực theo đường hướng công lý, hòa bình lại không đối lập?
Trên hết, tại sao sự thật lại không đối lập với dối trá? Ánh sáng hẳn nhiên phải đối lập với bóng tối.
Không phải ai cũng thỏa hiệp với những cái ác, cái xấu, cái bẩn thỉu, đê tiện và hèn hạ để chỉ phục vụ cho bản thân mình mà vì thế dẫn tới các hành vi ngược lại những điều trái với đạo đức, lương tâm. Và do đó nó sẽ là đối lập, thưa anh Nguyễn Như Phong.
Phải chăng khi đối lập với cái ác, cái xấu thì “cần phải cảnh giác và loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống xã hội”?
Vậy, xã hội tươi đẹp của chúng ta đang sống ở đây là xã hội gì, thưa anh Nguyễn Như Phong?
J.B Nguyễn Hữu Vinh
0 nhận xét