Kiến nghị của cựu sĩ quan gửi Chủ tịch nước.
KIẾN NGHỊ của
một số cựu sĩ quan Lực lượng vũ trang nhân dân gửi Lãnh đạo Nhà nước và Chính
phủ CHXHCN Việt Nam
Ngày 2 tháng 9 năm 2014
Kính gửi :
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang Nhân dân,
Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
Minh họa |
Chúng tôi là những người lính trọn đời “Trung
với Nước, Hiếu với Dân”, luôn trăn trở với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và Nhân dân.
Đứng trước tình hình nghiêm trọng, đe dọa an ninh, chủ quyền và sự phát triển
của Quốc gia, chúng tôi vô cùng lo lắng và thấy cần phải kiến nghị với Lãnh đạo
Nhà nước một số điểm như sau.
1. Lực lượng vũ trang mang tên Nhân dân phải
luôn luôn vì Nhân dân, nên không được huy động Quân đội và Công an vào bất cứ
việc gì có hại cho Nhân dân. Sức mạnh của Lực lượng vũ trang chỉ có được khi
dựa vào Nhân dân, nên không được đánh mất tín nhiệm đối với Nhân dân. Vì vậy,
để bảo vệ uy tín của Quân đội là lực lượng có nhiệm vụ hiến định “quốc phòng”,
tức là bảo vệ Tổ quốc trước ngoại xâm, cần chấm dứt ngay việc huy động Quân đội
vào những sự vụ mang tính đối kháng với Nhân dân, như giải tỏa đất đai, ngăn
chặn các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa…
Để khôi phục uy tín của Công an, nhằm hoàn
thành tốt nhiệm vụ hiến định “bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an
toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm”, tuyệt đối không lạm dụng lực
lượng Công an vào việc đàn áp những người dân vô tội, chỉ yêu cầu giải quyết
quyền lợi hợp pháp của mình.
2. Các chiến sĩ Lực lượng vũ trang chỉ có thể
yên tâm rèn luyện và sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc khi tin tưởng
rằng cống hiến của họ luôn được Nhà nước ghi nhận thỏa đáng và gia đình của họ
sẽ được Nhà nước chăm sóc chu đáo. Việc cố tình phớt lờ cuộc chiến tranh bảo vệ
biên giới phía Bắc năm 1979 và mấy trận chiến bảo vệ biển đảo không chỉ phủ
nhận lịch sử, xúc phạm đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, mà
còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần và quyết tâm chiến đấu của Lực lượng
vũ trang. Đó là sai lầm không được phép tái phạm.
Để khắc phục hậu quả, phải nhanh chóng giải
quyết những cách cư xử không đúng đối với với thương binh và gia đình liệt sĩ.
Đặc biệt, phải sớm khôi phục danh dự và quyền lợi đã bị lãng quên của các liệt
sĩ và thương binh đã hy sinh xương máu trong chiến tranh biên giới phía bắc và
ngoài biển đảo, gấp rút tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ dọc biên giới phía Bắc đã
bị bỏ bê hơn hai chục năm qua.
3. Lực lượng vũ trang cần được xác định rõ
ràng và chính xác đối thủ, không thể mơ hồ biến thù thành bạn hoặc coi bạn là
thù. Đối tượng tác chiến của Quân đội phải là những thế lực có thể đe dọa chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong hiện tại và tương lai, chứ không
thể là những đối thủ đã thuộc về quá khứ. Đối tượng khống chế của Công an phải
là những kẻ tội phạm và các hành vi vi phạm hiến pháp, pháp luật, dù ở trong
hay ngoài bộ máy cầm quyền, chứ không thể là những người dân vô tội.
Lịch sử đã chỉ ra rằng Nhân dân ta phải
thường xuyên đề cao cảnh giác trước nguy cơ ngoại xâm từ nước láng giềng phương
Bắc. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của
của chúng ta, tuy nay đã tạm rút đi, nhưng vẫn cho thấy họ không hề từ bỏ quyết
tâm bá chiếm Biển Đông. Lịch sử cũng cho thấy, sau chiến tranh thế giới thứ
hai, nhiều nước cựu thù đã hợp tác với nhau rất hiệu quả và bền vững, ví dụ như
mối quan hệ giữa CHLB Đức và ba nước Mỹ, Anh, Pháp, giữa Nhật Bản và Mỹ, giữa
Việt Nam và hai nước Pháp, Nhật Bản.
Do đó, không thể vì những quan niệm bảo thủ,
giáo điều mà đánh mất các cơ hội hợp tác với các cường quốc tiên tiến văn minh,
nhằm phát triển kinh tế, công nghệ, nâng cao sức mạnh quốc phòng và tăng cường
sự ủng hộ quốc tế trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.
4. Là người chủ và người bảo vệ đất nước,
Nhân dân và lực lượng vũ trang phải được biết chính xác hoàn cảnh thực tế của
Quốc gia. Vì vậy, Nhà nước phải báo cáo rõ ràng với Nhân dân về thực trạng quan
hệ Việt-Trung và về những ký kết liên quan đến lãnh thổ trên biên giới, biển
đảo và các hợp đồng kinh tế ảnh hưởng lớn đến an ninh và chủ quyền của Quốc
gia.
Về Hội nghị Thành Đô, có tin nói rằng Tân Hoa
xã và Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đã công bố nội dung thỏa thuận giữa hai
bên, trong đó trích dẫn: “Việt Nam mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực
tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội
Mông, Tây Tạng, Quảng Tây... Phía Trung Quốc đồng ý và chấp nhận đề nghị nói
trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam
giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân
tộc Trung Quốc”. Chúng tôi không biết thật giả thế nào, yêu cầu Chủ tịch và Thủ
tướng cho chúng tôi và nhân dân biết rõ thỏa thuận tại Hội nghị Thành Đô năm
1990.
Chuyến đi thăm Trung Quốc gần đây của đặc
phái viên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã thỏa thuận với phía Trung Quốc
về ba nguyên tắc chỉ đạo phát triển quan hệ Việt-Trung mà nội dung chỉ nhắc lại
những câu sáo ngữ, không nói gì tới thực trạng và các biện pháp chấm dứt các
hành động ngang ngược của thế lực bành trướng Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ của nước ta trong mưu đồ bá chiếm Biển Đông.
Chưa biết bên trong còn có những thỏa thuận
cụ thể gì, nhưng toàn dân và toàn quân yêu cầu lãnh đạo Đảng và Nhà nước có đối
sách đúng đắn trước mưu đồ và hành vi xâm lược của thế lực bành trướng Trong
Quốc, không thể chấp nhận thái độ thể hiện sự thần phục họ, và càng đòi hỏi
phải công khai, minh bạch thực trạng quan hệ giữa hai bên.
Trên đây là mấy đòi hỏi cấp bách, nhằm khôi
phục uy tín của Quân đội và Công an trong Nhân dân, đồng thời tăng cường sức
chiến đấu của Lực lượng vũ trang, để có thể đáp ứng được những thách thức to
lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
DANH SÁCH NGƯỜI KÝ
1. Lê Hữu Đức, Trung tướng
– nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham Mưu.
2. Trần Minh Đức, Thiếu tướng – nguyên Phó Tư lệnh về hậu cần Mặt trận Trị
Thiên – Huế.
3. Huỳnh Đắc Hương, Thiếu tướng – nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện
Việt Nam tại Lào. 4. Lê Duy Mật, Thiếu tướng – nguyên Tư lệnh Phó Tham mưu
trưởng Quân khu 2.
5. Bùi Văn Quỳ, Thiếu tướng – nguyên Phó Tư lệnh về chính trị bộ đội Tăng–Thiết
giáp.
6. Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng – nguyên Chính ủy Quân khu 4.
7. Bùi Văn Bồng, Đại tá – nguyên Trưởng Đại diện báo Quân đội Nhân dân khu vực
Đồng bằng sông Cửu Long.
8. Phạm Quế Dương, Đại tá – nguyên Tổng Biên tập tạp chí Lịch sử Quân sự.
9. Nguyễn Gia Định, Nghệ sĩ ưu tú Điện ảnh quân đội.
10. Lê Hồng Hà – nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công an, ủy viên Đảng đoàn Bộ Công
an.
11. Phạm Hiện, Đại tá – nguyên Chánh Văn phòng B 68 đoàn chuyên gia giúp
Campuchia.
12. Xuân Phương, Đại tá – nguyên chuyên viên Cục Nghiên cứu Tổng cục Chính trị.
13. Nguyễn Đăng Quang, Đại tá – nguyên cán bộ thuộc Bộ Công an.
14. Đào Xuân Sâm, Cựu chiến binh Hà Nội – nguyên chủ nhiệm khoa Quản lý kinh tế
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
15. Tạ Cao Sơn, Đại tá – nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2.
16. Đoàn Sự, Đại tá– nguyên Phó Cục trưởng Cục Xuất bản Tổng cục Chính trị.
17. Lê Văn Trọng, Đại tá – nguyên Trưởng Ban lịch sử Cục Nghiên cứu Bộ Tổng
Tham Mưu.
18. Nguyễn Thế Trường, Đại tá – nguyên Tổng Biên tập báo Quân giải phóng Trung
Trung bộ.
19. Nguyễn Văn Tuyến, Đại tá cán bộ tiền khởi nghĩa – nguyên cán bộ Viện Lịch
sử Quân sự.
20. Nguyễn Huy Văn (tức Kim Sơn), Đại tá lão thành cách mạng – nguyên Phó
Trưởng phòng Sở chỉ huy Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham Mưu.
0 nhận xét