CHỌN ĐƯỜNG

Hoàng Dũng – Con Đường Việt Nam

Tôi có hơn 10 năm đi làm thuê kiếm tiền, trước khi trở thành người dấn thân đấu tranh. Viết ra đây hôm nay với mục đích duy nhất rằng để cho anh em bạn bè - những người đang tìm cho mình một con đường, một lý tưởng sống, một nơi gửi gắm niềm tin - tham khảo, trước khi bắt đầu. Do vậy, không phải là một bài viết mang tính khoe khoang hay quảng cáo. Nếu anh em đọc mà có cảm giác như vậy, cũng xin bỏ qua cho.

Ý tưởng viết bài có từ lâu và nó thôi thúc hơn từ hôm qua, sau khi nói chuyện với một anh bạn trăn trở. Tôi muốn kể những gì tôi đã trải qua, ngõ hầu rút ngắn thời gian của bạn tôi lại, những người đang bâng khuâng đứng giữa nhiều dòng nước...

Thật mừng khi tôi có hơn 10 năm đi làm và tích lũy, cả tiền bạc lẫn vốn sống. Hơn 10 năm này, tôi nhảy việc hơn 10 công ty, nghỉ đi chơi 1 năm và làm nhiều nghề. Dường như kinh nghiệm trong thương trường nó rất là cần thiết cho đấu tranh hiện nay, tôi thấy vậy. Ban đầu là 1 thằng chạy việc lặt vặt cho một công ty quảng cáo với mức lương bóp mồm bóp miệng. Ở đây tôi học được rất nhiều, từ soạn thảo văn bản, tư vấn khách hàng đến bốc xếp hàng hóa, làm quen nhà thầu hay đi nhậu với đối tác. Nhưng cái tôi học được lớn nhất là 1 câu nói tôi muốn bạn tôi cũng biết mà ông Giám đốc tặng tôi: "Em ạ, không thiếu việc, chỉ thiếu người biết làm việc"

Cũng chính người sếp này ở lần trở lại làm việc thứ 2 cho anh, trong một buổi sáng, ông gọi tôi lên và nói lời cảm ơn (thật ra là đuổi việc hehe vì tội kiêu binh). Và tôi lại tìm một công việc mới.

Sang một công ty bự thiệt bự về quảng cáo, tôi học được nhiều hơn nữa. Có lẽ hành trình của đời người là học và học. Tôi học được cách phải nghĩ khác biệt và phải luôn đặt câu hỏi tại sao. Đây là một vườn ươm các chồi non. Rời công ty khi lương đang cao ngất ngưởng, sang một công ty khác - một công việc mới hoàn toàn với mức lương chết đói. Đơn giản chỉ vì tôi chán ngấy cái sự nhàn nhạt của công việc hiện tại, chẳng cần nghĩ cũng biết hôm nay hay tháng tới mình làm gì. Công việc mới kia cho tôi tất cả, trừ mức lương cao.

Ở đây, tôi lại tiếp tục tích lũy cho mình từ người Giám đốc giỏi giang, từ những chuyện cực kỳ vặt vãnh như: "Em không được nói 'xem qua'. Qua là qua thế nào?" - khi tôi trình lên anh kế hoạch kinh doanh tháng, quý; đến những kinh nghiệm lớn trong chọn đối tác, bạn bè làm ăn. Tôi tiếp tục bị đuổi việc khi anh giám đốc qua Mỹ 6 tháng. Việc đầu tiên của Phó Giám đốc khi tiếp quản quyền hành là cũng nói lời cảm ơn. Khá buồn. Sau đó 1 năm, tôi nghe công ty đã nói lời cảm ơn với vị Phó Giám đốc đầy lý thuyết đó. Tôi hài lòng vì mình đã nhìn đúng người, không phải vì anh ấy cũng phải nghỉ việc như tôi hehe.

Còn nhiều lắm, để dịp nào kể dần dần. Nhưng tôi muốn nói rằng hãy nhảy việc thật nhiều, hãy thay đổi thật nhiều nếu bạn không bó buộc vào mục tiêu phải kiếm tiền. Đây cũng là cái tôi tìm thấy trong cuốn Dạy con làm giàu (tập 1) mà tôi vừa đọc. Chỉ khi bạn không bị đồng tiền chi phối, sai khiến thì bạn mới có khả năng thành công, tôi tin là vậy. Thành công không phải là nhiều tiền. Có bao nhiêu tiền thì gọi là thành công?

Tuổi trẻ, tôi lao mình vào những cuộc tình, cuộc chơi để chứng tỏ. Mà giờ tôi không biết là chứng tỏ cái gì nữa. Chỉ đến khi vào Saigon năm 2005 tôi mới bắt đầu quan tâm đến chính trị. Và cũng mãi đến 2012 tôi mới ra mặt đấu tranh.

Có lẽ những năm trước 2012, tôi như nhiều bạn đọc bài này, bức xúc lắm, trăn trở lắm. Nhưng không biết bắt đầu từ đâu, làm gì, với ai, như thế nào rồi ra sao? Và đây là câu chuyện của tôi.

Tôi lên mạng rất nhiều, đọc hết những gì liên quan đến các nhà đấu tranh, những tù nhân lương tâm hay các bài viết về kinh tế, xã hội. Để đến khi hòa mình vào với những người bạn dấn thân, tôi hầu như biết cơ bản họ là ai, như thế nào và tôi không còn bỡ ngỡ. Tôi không phải hỏi: Ủa, anh/chị tên là gì, tiểu sử như thế nào... Tôi đã tự vẽ ra được cho mình một bức tranh toàn cảnh về hiện trạng đấu tranh lúc đó. Tôi mong các bạn cũng coi đây là bước đầu tiên nhé. Hãy tự tìm hiểu về tất cả những nhân vật đấu tranh hiện nay và tự đưa ra kết luận cho mình về hiện trạng, để mình biết rằng mình sẽ bắt đầu từ đâu, với ai, như thế nào - cho phù hợp.

Tìm hiểu về họ rồi, hãy mạnh dạn tìm cách tiếp cận họ để học hỏi. Những người đã dấn thân này rất mở lòng, họ sẵn sàng chào đón bạn bất cứ lúc nào, không kẻ cả, tính toán. Tôi đã gặp rất rất nhiều người đi trước và đây là một may mắn của tôi.

Khi ra mặt, tôi cũng mất nhiều tháng trời để bạn bè anh em không còn có chút nghi ngờ nào rằng tôi là rích, an ninh cài cắm này kia. Đó là điều bạn cũng không thể tránh khỏi. Và đừng phiền muộn. Đây là điều cần thiết và sự thật mãi là sự thật. Cứ đóng góp bằng đúng cái tâm trong sáng của mình, thế là đủ, phải không?

Vì sao tôi lại chọn Con Đường Việt Nam? Vì nó là một phong trào đấu tranh cho quyền con người, thứ quyền cơ bản của mỗi con-người, bất kể màu da, dân tộc, chính kiến, tuổi tác, địa vị. Nó là phổ quát. Tôi tin rằng khi quyền con người được tôn trọng thì đó sẽ là chìa khóa mở ra dân chủ, tự do. Nếu ai cũng biết quyền của mình và đòi được đối xử bình đẳng thì không độc tài nào có thể tồn tại được. Bạn có thể chọn cho mình một nhóm hội nào đó để tham gia hoặc độc lập, tùy bạn. Con Đường Việt Nam thì có vẻ nó hơi lan man vì mục tiêu rộng lớn quá (tự chê một tí :D). Bầu bí Tương thân là một gợi ý - một Hội chia sẻ tấm lòng với TNLT và những hoàn cảnh khó khăn. Hay No-U - một phong trào chống đường lưỡi bò Trung Cộng. Hội Nhà báo Độc lập cũng là một lựa chọn - nếu bạn thấy khả năng làm báo của mình rất tốt. Nhiều hội nhóm lắm!

Vì sao đây là lúc mà bạn nên tham gia một hội nhóm nào đấy, nếu sẵn sàng bước ra? Bởi "sáu chân chạy nhanh hơn bốn chân". Đùa thôi. Bởi sức mạnh tập thể bao giờ cũng lớn hơn sức mạnh cá nhân. Bó đũa mà. Bạn còn được làm quen với những người bạn cùng chí hướng, những người có suy nghĩ vì người khác , vì xã hội... Có lẽ không cần giải thích nhiều 

Ngoài chuẩn bị cho mình một kiến thức (bức tranh về đấu tranh), bạn còn phải dọn đường nhiều lắm. Lo lắng về kinh tế khi sắp tới có thể bạn bị triệt mọi công việc, gia đình lớn bị quấy nhiễu. Mình không có kinh nghiệm với gia đình nhỏ, nên không biết nói gì với những bạn đang phải lo lắng kinh tế cho vợ, con. Nhưng, mình khuyên những bạn có gia đình lớn, tức là có ba mẹ, ông bà, dòng họ. Đừng suy nghĩ quá nhiều. Cái gì cũng có giá của nó cả. Bạn phải chấp nhận và bây giờ là 8/2014 chứ không phải trước 2000 - khi mà họ quấy nhiễu đến sự an nguy của ba mẹ bạn. Gia đình lớn của tôi hầu như không bị làm phiền. Bởi trước nhất những gì tôi làm là hoàn toàn phù hợp pháp luật và những người có trách nhiệm quản lý hồ sơ của tôi họ cũng đánh giá như vậy. Tôi chỉ làm những việc với mục đích cho xã hội này tốt đẹp hơn thôi. Họ vẫn phải theo dõi, bởi đó là công việc và trách nhiệm của họ. Họ tôn trọng mình, mình tôn trọng họ. Cũng bởi họ, tôi và bạn - chúng ta là con người.

Tôi mất nhiều tháng bị chỉ trích bởi bạn bè thân và giađình. Họ cũng đúng, bởi họ lo lắng cho sự an nguy của tôi. Họ cũng hiểu rằng cần phải lên tiếng cho xã hội tốt đẹp hơn nhưng thôi để người khác, mình cứ lo mà làm mà ăn là tốt rồi. Ai cũng nghĩ thế thì ai làm đây? Dần dà, gia đình thấy việc làm của mình là cần thiết nên không còn bị chỉ trích nữa. Bạn bè cũng vậy.

Một kinh nghiệm lớn, thực sự cần thiết nữa là làm việc với cơ quan an ninh khi có dịp. Cái này các bạn có thể google nhé. JB Nguyễn Hữu Vinh, Người Buôn Gió, Liberty Hạnh... là những cây đại thụ hehe. Tôi may mắn được ngài Vinh kể cho rất nhiều chuyện. Nhân đây, xin cảm ơn ngài :D

Khi trở thành người đấu tranh, tôi cho rằng bạn sẽ trở thành một người tốt hơn rất nhiều. Bạn buộc phải sống một cuộc sống nghiêm túc hơn. Bạn phải tuân thủ pháp luật hơn. Bạn phải học hỏi, tìm tòi, gặp gỡ, cống hiến nhiều hơn. Từ đó, bạn được nhiều hơn cho chính bản thân mình. Hãy gia nhập hàng ngũ những người đấu tranh, rồi bạn sẽ thấy không một tập thể nào bình-dân, gần-gũi và hữu ích cho xã hội hơn tập thể này.

Để kết thúc, tôi nhắc đến rủi ro lớn nhất: ngồi tù. Nhưng có vẻ hơi thừa, bạn sẵn sàng mà, đúng không? Ngồi tù vì đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn, tại sao không?

Hoàng Dũng – Con Đường Việt Nam

, ,

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.