Lớp học đặc biệt của “Những đứa trẻ phi thường”

Cứ vào chiều thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần, ở Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương lại có một lớp học đặc biệt. Học sinh là những bệnh nhi bại não, tự kỷ, chậm phát triển. Còn giáo viên là những bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học tại Hà Nội. Lớp học đặc biệt này là hoạt động của dự án “Những đứa trẻ phi thường”.
Không quản nắng mưa
Trong thời gian hoạt động tình nguyện ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Nguyễn Minh Hằng (cựu sinh viên trường ĐH Ngoại thương) từng chứng kiến một em nhỏ bị bệnh bại não khóc ngằn ngặt trên giường. Em bé chỉ có người bà già nua chăm sóc. Hỏi ra, Hằng mới biết, em bị bố mẹ bỏ rơi vì chính căn bệnh mà em đang mắc. Tìm hiểu thêm về quá trình điều trị bệnh của những em nhỏ bại não, tự kỷ, chậm phát triển, Hằng thấy rằng, mỗi đợt điều trị của các em thường phải kéo dài khoảng 1,5 tháng (6 đợt mỗi năm). Vì thế, các em không có cơ hội được hưởng những nhu cầu cơ bản nhất là đi học, vui chơi, như bạn bè đồng trang lứa. Trong đó, nhiều em có hoàn cảnh rất khó khăn, có em bị cha mẹ bỏ rơi khi còn rất nhỏ tuổi, rồi người thân của các em cũng mất niềm tin, bi quan về khả năng chữa khỏi bệnh, cũng như sự phát triển tích cực của các em sau này.
Thực tế đó khiến Hằng trăn trở rất nhiều, với hàng loạt câu hỏi: “Nếu tôi là người khuyết tật, tôi muốn được đối xử thế nào?”; “Nếu tôi có con bị khuyết tật, tôi sẽ đối xử với nó ra sao?”… Và rồi ý tưởng về một dự án giúp đỡ các em nhỏ bại não, tự kỷ, chậm phát triển bắt đầu nhen nhóm. Sau đó, trong quá trình tham gia hoạt động “I Commit” của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững Việt Nam (CSDS VN), Hằng đã tìm được hai cộng sự là Đặng Thị Thanh Xuân (trường ĐH Ngoại thương) và Bùi Thị Huyền (trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội). “The Marvelous Children – Những đứa trẻ phi thường” ra đời vào tháng 1/2015, nằm trong khuôn khổ chương trình phát triển thanh niên “I Commit – Active Citizens”, được bảo trợ bởi CSDS VN.

“Sau khi tuyển thêm tình nguyện viên, với khoảng hơn 20 bạn sinh viên đang học tập tại Hà Nội, chúng mình tỏa đi khảo sát tình hình điều trị của các bệnh nhi ở nhiều bệnh viện tại Hà Nội, như: Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương… Nhóm còn phát những cuốn cẩm nang tập hợp các câu chuyện về những người khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo nhưng đã vượt qua bệnh tật, trở nên thành công cho các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh đọc cuốn cẩm nang chăm chú và mỉm cười, bảo họ có thêm niềm tin rằng, con mình có thể phát triển như một người bình thường. Từ những kết quả tích cực này, nhóm dự án bắt đầu truyền thông, rồi lên nội dung cho các hoạt động cụ thể “, Bùi Thị Huyền kể.
Tình nguyện viên dự án cùng các em nhỏ chơi trò chơi, tô màu…
Tình nguyện viên dự án cùng các em nhỏ chơi trò chơi, tô màu…
Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương được chọn là nơi đầu tiên triển khai dự án. Vào chiều thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần, tình nguyện viên sẽ tới bệnh viện này dạy các em nhỏ tập múa, tập hát, tập tô màu, chơi trò chơi và học cách thể hiện tình yêu thương với bố mẹ. Những ngày đầu, phụ huynh chưa tin tưởng vào hoạt động của dự án nên tình nguyện viên phải đến từng phòng bệnh, giới thiệu dự án và khuyến khích họ đưa con tới lớp học. Có hôm, cả lớp học chỉ có đúng 2 – 3 em nhỏ. Không nản lòng, các bạn vẫn vui vẻ chơi đùa, quan tâm các em từng chút một. “Dần dần, các phụ huynh nhận thấy con em họ vui vẻ, hoạt bát hơn sau khi tham gia lớp học nên về sau, cứ đến lịch học là họ chủ động đem con tới. Những ngày nắng, ngày mưa, chúng mình đều cố gắng đến lớp dạy các em”.
Những tình huống bất ngờ
Vì đối tượng mà dự án hướng tới rất đặc biệt nên quá trình duy trì lớp học, các tình nguyện viên cũng từng đối mặt với nhiều sự cố. Có em đang vui chơi thì bất ngờ lên cơn tăng động giật hết dây điện trên tường. Có em tự kỷ, cứ ngồi trong góc chơi một mình, các tình nguyện viên nói gì cũng không nghe, có em bị khuyết tật ở tay, tình nguyện viên phải xoa bóp tay, rồi hướng dẫn tỉ mỉ để em ấy có thể cầm nắm được đồ chơi… Nhờ đã được đào tạo về kỹ năng khi tiếp xúc với các em nên tình nguyện viên đều xử lý tốt tình huống.
Tham gia dự án, các tình nguyện viên cũng được nghe những câu chuyện buồn liên quan tới các bệnh nhi. Hà Tuấn Linh (trường ĐH Điện lực) chia sẻ: “Em H.A. (6 tuổi, Phú Thọ) là bệnh nhi có hoàn cảnh rất đặc biệt. Khi mẹ mang bầu H.A., biết là con gái, bố em ấy đã bỏ đi lấy vợ khác. Rồi H.A. bị một tai nạn bất ngờ, gây biến chứng não phải vào viện điều trị. Lúc mới tới viện, em ấy nhát lắm, lúc nào cũng khóc đòi về. Từ ngày đến với lớp học, em ấy vui vẻ, hoạt bát hẳn lên, lúc nào cũng mong đến thứ Ba, thứ Sáu để lại được ra chơi với chúng mình. Bà ngoại em ấy thấy được sự thay đổi tích cực đó của cháu gái thì mừng lắm. Khi được bà cảm ơn vì giúp em ấy thay đổi, mình đã rất xúc động, tự hứa với lòng sẽ quan tâm đến em ấy hơn và cố gắng làm tốt hơn nữa những công việc của lớp học”.
Dạy học cho trẻ em bình thường đã vất vả, dạy cho trẻ có khiếm khuyết còn vất vả hơn gấp trăm ngàn lần. Nhưng chính sự thay đổi tích cực của các em nhỏ, niềm vui và lời cảm ơn của phụ huynh là động lực để nhóm tiếp tục tìm tòi, thiết kế ra những trò chơi mới, cách học tập sáng tạo phù hợp nhất với các em. “Dự án mang tên “Những đứa trẻ phi thường” nhưng mình thấy, có lẽ, chính các em nhỏ tại bệnh viện cũng đang biến chúng mình thành những con người phi thường”, một tình nguyện viên bày tỏ. 

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.