​Chồng chở người tình tông xe vào vợ: sao nỡ cạn tàu ráo máng

Mấy ngày nay, cộng đồng mạng xôn xao câu chuyện người chồng lái xe hơi gây tai nạn cho vợ rồi lái xe đi, trước sự chứng kiến của cô con gái nhỏ. Cô bé còn nói nhìn thấy cả người yêu của bố ngồi trong xe. 
Trước đó, dư luận cũng đã không ít lần xôn xao với những câu chuyện trả thù, nhục mạ, bôi xấu nhau sau ly hôn bằng đủ mọi thủ đoạn. 
Rồi những câu chuyện đau lòng như vì hận vợ, một người đàn ông sẵn sàng tưới xăng đốt con mình, vì hận chồng, một người phụ nữ trầm mình xuống sông cùng đứa con thơ. 
Nhiều người bàng hoàng thốt lên: Dù sao cũng nghĩa vợ tình chồng, sao nỡ đối đãi với nhau như thế, nhất là còn trước mặt con trẻ. Người lớn phũ phàng với nhau đã đành, sao còn bắt con trẻ phải chịu chung vết thương lòng ấy. 
Sao bạc như vôi
Nhiều người đã bày tỏ sự tức giận trước những câu chuyện “đem nhau ra xâu xé” khi chia tay của các cặp vợ chồng. 
Đọc câu chuyện chồng lái ôtô tông vợ và bỏ đi trước mặt con trẻ, chị Hồng Nhung (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết mình không nói nên lời vì bức xúc quá. 
“Trở thành vợ chồng là duyên là nợ, có với nhau mấy mặt con rồi, không còn tình thì cũng phải giữ lại cái nghĩa vì nhau, sao lại nỡ đối xử nhẫn tâm người từng chung chăn gối của mình như vậy? ”, chị đặt câu hỏi. 
Nhiều người khác lại cảm thấy quá xót xa và bất bình thay cho những đứa con – nạn nhân của sự đổ vỡ. 
“Nhìn thấy cảnh cha mẹ hành hạ nhau, làm sao đứa trẻ không bị ám ảnh? Vợ chồng mà sao bạc như vôi, còn đày đọa thêm con trẻ”, chị Hồng Nhung (Q.10, TP.HCM) chia sẻ. 
Ly hôn là không còn gì để giữ? 
Xung quanh vấn đề này, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho biết trong quá trình tư vấn, chị đã gặp không ít khách hàng là người chủ động hoặc là nạn nhân của suy nghĩ “không còn gì để giữ” sau khi ly hôn. 
ThS tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân kể chị từng chứng kiến những cặp vợ chồng không tiếc lời nói xấu, nhục mạ nhau trước mặt con. 

“Có người từng chia sẻ với tôi mưu đồ trả thù chồng, vợ. Họ quyết tâm làm cho đối phương thân tàn ma dại, tán gia bại sản mới thôi”, chuyên gia Minh Huệ kể. 
“Nhẹ nhàng” hơn thì sẽ chửi bới, rêu rao trên mạng xã hội về tội lỗi của người vợ, chồng hoặc tìm đến cơ quan của người ấy để giãi bày, kể lể, nhờ can thiệp vào việc riêng của gia đình mình. 
“Họ muốn cho người ấy một bài học về sự thất bại. Có người nghĩ rằng ly hôn, đồng nghĩa với việc người kia mãi mãi không được quyền hạnh phúc trong mắt họ”, chuyên gia Minh Huệ chia sẻ những trải nghiệm của mình. 
Đừng gây vết thương lòng cho con cái
Có nhiều người khi ly hôn lấy con làm “bia đỡ đạn”. 
“Những rạn nứt, xung đột trong quan hệ vợ chồng không chỉ ảnh hưởng đến họ mà còn tác động đến nhiều mối quan hệ khác, như cha mẹ hai bên, họ hàng và đặc biệt là những đứa con”, ThS Giáo dục học VõThị Hồng Trước nói. 
Chuyện tài sản sẽ làm con người trở nên tham lam và không sòng phẳng. Chuyện con cái, con ở với ai, dạy con như thế nào cũng làm cho những người trong cuộc trở nên cố chấp. Nhiều người cố dành quyền nuôi con cho bằng được mặc dù chưa biết mình sẽ nuôi con bằng cách nào. Ai cũng loay hoay để giải thoát mình ra khỏi sự đổ vỡ của ly hôn.
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ
Một mặt, những đứa trẻ đau khổ vì không còn được sống trong sự quan tâm, gần gũi của cha hoặc mẹ. Nhưng phần quan trọng hơn chính là suy nghĩ “tan là nát”, những hành vi của sự “cạn tàu ráo máng” sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm  lý của trẻ. 
Trẻ sẽ mất đi những suy nghĩ, hình ảnh tốt đẹp về người cha người mẹ của mình. Vô tình xóa tan niềm hy vọng hàn gắn một cuộc hôn nhân và ước mơ về một gia đình trong tương lai của trẻ, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ nhận định. 
ThS Võ Thị Hồng Trước nói thêm chị đã từng chứng kiến những đứa trẻ bị rối nhiễu tâm lý nghiêm trọng, bị stress, trầm cảm... vì những cư xử không mấy đẹp đẽ của cha mẹ chúng. 
Đồng tình với những chia sẻ này, ThS Vũ Cẩm Vân cho rằng với những trẻ đã hiểu chuyện, chứng kiến sự dằn vặt nhau của cha mẹ, những đứa trẻ sẽ dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng trong cuộc sống, xuất hiện những xung đột nội tâm. 
Từ đó dẫn đến xu hướng cảm giác đau khổ và những lo âu thành hành vi bạo lực, sa vào những hành vi nguy cơ hủy hoại bản thân như tìm đến chất kích thích, đua xe, bỏ nhà đi, sống buông thả... 
“Cách ứng xử của cha mẹ khi ly hôn sẽ quyết định con trẻ có phải gánh chịu những vết thương lòng hay không”, thạc sĩ Vũ Cẩm Vân chia sẻ. 
Chuyên gia tâm lý Minh Huệ thì nhắn nhủ đừng “cạn tàu ráo máng” khi chia tay, đừng cắm sâu những nỗi ám ảnh vào đầu những đứa trẻ vô tội. Ly hôn là việc của người lớn nhưng hãy vì con trẻ là lựa chọn cách đối đãi với nhau sao cho núm ruột của mình bớt tổn thương. 
Làm sao để “tan mà không nát”? 
Khi hôn nhân không còn hạnh phúc, việc chia tay cũng là điều dễ hiểu và cần thiết nhưng “hãy cố gắng chia tay trong êm đẹp, tan mà không nát”, thạc sĩ Vũ Cẩm Vân khuyên nhủ. 
Không dễ dàng gì để chia tay nhẹ nhàng, các chuyên gia tâm lý đều đồng tình với điều này nhưng nếu biến cuộc sống sau ly hôn thành thù hận thì “ta ít cơ hội tìm được sự bình an hơn”, chuyên gia tâm lý Minh Huệ đúc kết. 
Khẳng định rằng ly hôn cũng cần có văn hóa, chị Minh Huệ chia sẻ suy nghĩ khi chia tay, đừng cố đổ lỗi cho người khác mà quên mất rằng trong sự tan vỡ này có một phần trách nhiệm của mình trong đó. 
Theo ThS Võ Thị Hồng trước, khi có những mâu thuẫn, xung đột, cần giải quyết nó thật rốt ráo, thẳng thắn dựa tên sự trao đổi, thương thuyết giữa hai vợ chồng. 
“Ai cũng có những đau khổ riêng khi quyết định chia tay nhưng nếu hiểu rằng những hành động, lời nói khi chia tay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần sau này của mình và các con, chắc hẳn những người làm cha, làm mẹ sẽ học được cách kiềm chế và chia tay có văn hóa để cuộc sống được bình an hơn”, ThS Vũ Cẩm Vân kết luận. 
Trong khi đó, ThS Võ Thị Hồng Trước khuyên những người phụ nữ nên tự tin nhiều hơn vào giá trị của mình để chấp nhận làm lại, cư xử đúng mực và thay đổi để có cuộc sống hạnh phúc hơn.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.