Đề nghị sửa đổi toàn diện Luật phòng chống tham nhũng
Năm 2015, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phát hiện vi phạm tài chính khoảng 90.000 tỉ đồng và hàng ngàn hecta đất.
Đấu tranh phòng chống tham nhũng cực kỳ khó khăn, phức tạp |
Cũng tại báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2015, Chính phủ cho biết trong năm 2016 sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN để chuẩn bị sửa đổi toàn diện, cơ bản luật này.
Trong đó chú trọng sửa đổi các quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.
“Đấu tranh PCTN là công việc rất quan trọng, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và còn phải làm lâu dài, bền bỉ, kiên trì, quyết liệt hơn, với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa” - báo cáo viết.
Kiểm toán không phát hiện được tham nhũng(!)
99,5% đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập đã có bản kê khai, trong đó 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập (năm 2014 chỉ có 5 người bị xác minh).
Đã có 46 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó 4 người bị xử lý hình sự.
Tuy vậy, liên quan đến vấn đề này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp vừa được Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện ký ngày 19-10 không đánh giá cao biện pháp này: việc kê khai vẫn rất hình thức và hiệu quả
PCTN thấp.
Ủy ban Tư pháp đánh giá cao hiệu quả của các cuộc thanh tra trong năm qua, ngành thanh tra đã phát hiện và kiến nghị thu hồi 52.253 tỉ đồng (tăng 92,7% so với cùng kỳ năm trước) và 1.788ha đất;
Xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 14.447 tỉ đồng, 824ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm 1.945 tập thể, 14.339 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ, 50 đối tượng.
Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 181 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 23.024 tỉ đồng; kiến nghị xử lý nhiều tập thể liên quan, 30 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra một vụ.
“Với nhiệm vụ giúp Quốc hội kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước nhưng Kiểm toán Nhà nước hầu như không phát hiện được tham nhũng đã phản ánh sự thiếu hiệu quả PCTN trong hoạt động kiểm toán” - Ủy ban Tư pháp thẳng thắn.
Kêu gọi sự đồng hành của báo chí, người dân
Hoạt động của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN do Tổng bí thư đứng đầu cũng được đề cập trong bản báo cáo thường niên năm nay của Chính phủ.
Theo đó, Ban Chỉ đạo đã kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và công tác PCTN tại 4 bộ, ngành, 10 địa phương; 16 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã xét xử sơ thẩm 5 vụ, phúc thẩm 5 vụ án;
Viện kiểm sát đã có cáo trạng truy tố 6 vụ; cơ quan điều tra đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 4 vụ và đang điều tra 7 vụ khác.
Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, “công tác phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu đã kéo dài nhiều năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể”.
Đánh giá chung về tình hình, báo cáo Chính phủ nêu: tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn phổ biến. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực.
Qua kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn.
“Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội”, báo cáo viết.
Một trong những giải pháp chính của năm 2016 được Chính phủ đưa ra là: “Các cơ quan chức năng chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, doanh nghiệp để ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ của cán bộ, công chức, viên chức;
Chú trọng các biện pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội và nhân dân để tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong PCTN;
Kịp thời tôn vinh, biểu dương, khen thưởng xứng đáng những gương điển hình trong PCTN, tích cực bảo vệ những người đã dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng và xử lý nghiêm mọi biểu hiện trù dập, trả thù người tố cáo hành vi tham nhũng”.
Tăng số vụ, đối tượng tham nhũng
Số vụ tham nhũng được ngành thanh tra phát hiện tăng cao so với các năm trước, cụ thể năm 2015 đã phát hiện 100 vụ (tăng 46 vụ so với cùng kỳ 2014), 172 đối tượng (tăng 85 đối tượng so với cùng kỳ 2014) có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 40,7 tỉ đồng.
|
0 nhận xét