Nghẹn ngào hình ảnh cô giáo bạo hành tâm lý học sinh

Không chỉ có cô giáo la mắng học sinh lớp một "ngu như bò"! Còn có cô giáo la mắng, chửi bới, bạo hành tâm lý học sinh liên tục khi vào lớp khiến các em bị sốc...

   “Lá đơn” của học trò - Ảnh: Thụy Hiền
“Lá đơn” của học trò - Ảnh: Thụy Hiền
Câu chuyện cô giáo la mắng học sinh lớp một "ngu như bò"! Rồi buổi trưa em nào khó ngủ thì bị cô giáo trét son môi màu đỏ lên mặt học sinh nam sau đó bắt đứng khoanh tay ở góc lớp để cho các bạn “lêu lêu”…l àm hàng ngàn bạn đọc phẫn nộ.
Nhiều phụ huynh đã thông tin với Tuổi Trẻ ngay những câu chuyện "bạo hành tâm lý" của các cô giáo ở một số trường tiểu học mà cha mẹ phải ngậm đắng nuốt cay không dám lên tiếng.
La nói nỗi học trò mê sảng
Một trò phạm lỗi, có khi cô phạt cả lớp
Một trò phạm lỗi, có khi cô phạt cả lớp
Phụ huynh bé H. ngậm ngùi kể: "con tôi học lớp hai ở một trường điểm, hôm qua đi học về nghẹn ngào nói, con mỏi và đau chân quá mẹ ơi. Gặng hỏi mãi bé mới kể rằng cô giáo chủ nhiệm phạt cả lớp đứng để học suốt từ giờ ra chơi đến giờ ăn trưa vì một hai bạn nói chuyện.".
Không chỉ chuyện các bé phải học đứng gần 90 phút, mà bé luôn bị ám ảnh về sự quát mắng của cô giáo vì từ đầu năm đến giờ cô giáo này luôn la hét, dùng thước quất mạnh các em trong lớp khi các em làm bài chậm hoặc làm sai một hai câu chữ trong bài.
Thời gian đầu, bé H. đêm đêm ngủ bị khủng hoảng tâm lý, nói mê sảng suốt đêm, sáng đi học bé cứ khóc xin không đi học nữa.
"Cả lớp, các phụ huynh ai ai cũng biết việc cô giáo "dữ", dạy dỗ các em bằng những từ ngữ khá "nặng tai" nhưng không ai dám nói vì sợ con mình bị ảnh hưởng. Chuyển lớp không được, chuyển trường cũng không xong. Trong buổi họp phụ huynh vừa qua, chỉ có hai chị can đảm đứng lên nhắc khéo cô chủ nhiệm là cô la dữ quá, làm các em sợ...".

Việc thầy cô giáo đánh chửi học sinh không còn là mới. Thậm chí trong môi trường tiểu học khi các học sinh còn ở độ tuổi non nớt thì vấn đề đáng lên án này vẫn diễn ra.
Cách đây 3 năm đã có chuyện cô giáo Nguyễn Thị Hằng (Trường tiểu học Cao Xanh, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) vụt thước vào mặt 15 học sinh vì không thuộc bài. Rồi chuyện dư luận phẫn nộ việc giáo viên trường dân lập Quốc tế Việt -Úc mắng học sinh lớp 1 “ngu như bò”.
Hay như chuyện các giáo viên trường tiểu học Hoàng Diệu (Huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) phạt học sinh ăn ớt vì không thuộc bài và nói chuyện riêng trong lớp.
Tâm sự với TTO, không chỉ một mà nhiều vị phụ huynh bức xúc nói: Cô la mắng đến nỗi con tôi ngủ còn bị hốt hoảng. Sáng ra thì khóc lóc, không chịu đi học.
Phụ huynh khác kể con gái đi học mẫu giáo bị bạn giành ghế, cháu đòi lại thì cô giáo bắt phải nhường. Khi bé không đồng ý thì bị tát vào mặt.
Hội chứng đánh, phạt cả lớp
Bạn đọc T.C.T kể con mình là học sinh lớp 2, đi học về kể hôm nay bị cô đánh. Hỏi vì sao thì cháu kể là khi cô giáo đi vắng, có vài bạn bước ra khỏi lớp, thế là cô đánh cả lớp.
Một phụ huynh khác chia sẻ: mình từng phải động viên con nói xin lỗi cô giáo chỉ vì sợ ảnh hưởng đến con sau này, dù con mình không có lỗi.
“Tôi cũng biết đại đa số thầy cô bây giờ thường không bao giờ nhận lỗi trước học sinh”, phụ huynh viết.
Không chỉ có cô giáo chủ nhiệm phạt vạ tập thể các cháu mà cả cô bảo mẫu cũng làm theo. Cứ một bạn nói chuyện là cô giáo xách tai tất cả các em cả lớp trong giờ ngủ trưa.
“Vì sao không thể nhỏ nhẹ, từ tốn, lắng nghe từ học sinh thân yêu?” là câu hỏi mà độc giả Doan Nguyen DJ đặt ra.
Đã từng phải viết kiểm điểm dù không làm sao, bạn đọc khanhle chia sẻ câu chuyện của mình và các bạn mình: “Chúng tôi không thể cãi lại giáo viên vì họ quyết định 12 năm học của chúng tôi. Vì thế suốt thời phổ thông, dù đúng dù sai chúng tôi vẫn im lặng”.
Ở một góc nhìn khác, anh Huỳnh Quốc Vương nêu ý kiến ở mỗi cấp học đều cần một tình cảm đặc biệt thì mới hiểu được tâm tư của lứa tuổi các em.
Ở các nước tiên tiến, giáo viên luôn kích thích khả năng giao tiếp, học hỏi và dạn dĩ ở các em, vì lứa tuổi này quyết định phần lớn nhân cách và khả năng của các em. Xin đừng áp đặt suy nghĩ của giáo viên lên các bé sẽ dễ gây ra trầm cảm cho các bé.
La mắng, xử phạt có làm trò ngoan hơn?
Học sinh nói chuyện riêng bị phạt ăn ớt, câu chuyện đã làm nhiều người rất bức xúc 
Học sinh nói chuyện riêng bị phạt ăn ớt, câu chuyện đã làm nhiều người rất bức xúc 
Liệu sự la mắng, chửi bới có nên tồn tại trong môi trường sư phạm, nhất là với những học trò còn quá nhỏ, tâm lý còn chưa vững vàng?
Làm sao học trò cảm thấy công bằng, hợp lý khi ngay cả quyền nói lên ý kiến của mình cũng bị gắn mác hỗn hào?
Thành viên ban giám hiệu một trường tiểu học cho biết phương pháp giáo dục học sinh bằng cách la mắng hiện nay không còn phù hợp.
“Trong trường hợp học sinh nói chuyện riêng, không học bài, không làm bài tập, để kỷ luật thì trước tiên người giáo viên phải hiểu rõ hoàn cảnh của học sinh, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những vi phạm ấy rồi mới xử lý. Việc các giáo viên quan niệm rằng có la mắng thì học sinh mới có kỷ luật rõ ràng sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các em”, người này nhận định.
Nói về việc một học sinh vi phạm mà giáo viên lại kỷ luật cả lớp hoặc bắt cả lớp phải nghe mắng chửi, thành viên ban giám hiệu này cho rằng cách hành xử như vậy là không công bằng với học sinh.
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ nhìn nhận có những giáo viên không thể kiểm soát được sự giận dữ của mình mà lại “xả” hết cho học sinh. Đó là một việc không thể chấp nhận được, theo bà Huệ.
“Đối với học sinh cấp 1 còn non nớt, những giáo viên như vậy đã làm mất đi giá trị nuôi dưỡng tâm hồn trong môi trường giáo dục nhà trường. Những thầy cô hay chửi mắng trách phạt vô lý sẽ để lại ký ức xấu về thời gian đi học cho học sinh sau này", bà Huệ nói thêm. 
Phân tích sâu hơn, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho rằng những giáo viên quan niệm cách giáo dục như vậy là hiệu quả thì đó chỉ là cách biện hộ của họ khi không biết cách kiềm chế cảm xúc, không biết cách giúp đỡ học sinh hiểu được bài hay nghe theo lời chỉ dạy, do họ quá bất lực khi không tìm được phương pháp nào hòa bình hơn để thỏa thuận, giao tiếp với học sinh, đưa học sinh vào khuôn phép.
ThS. Lê Thị Loan, nguyên phó khoa Giáo dục Học viện Quản lý giáo dục (Hà Nội) nhận định rằng việc kỷ luật không phải để làm cho học sinh sợ mà phải giúp được các cháu hiểu ra vấn đề.
Học trò phản biện là hỗn?

   Chép phạt - một hình thức kỷ luật học trò 
Chép phạt - một hình thức kỷ luật học trò 
Thành viên ban Giám hiệu nêu trên cũng cho rằng trong trường hợp người giáo viên không cho học sinh quyền phát biểu ý kiến vì cho rằng là hỗn, chỉ muốn áp đặt cách nghĩ của mình lên học sinh thì phải xem lại chuyên môn và lương tâm của người giáo viên ấy.
“Phải tìm cách giáo dục cho các em về quyền dân chủ của bản thân, khuyến khích học sinh phát biểu ý kiến. Học sinh mà dám nói lên suy nghĩ của mình thì tốt chứ sao”- người này thẳng thắn. 
ThS. Lê Thị Loan cho rằng theo quan điểm dân chủ trong môi trường học tập hiện nay, học sinh phải biết hỏi lại, phản biện hoặc thậm chí tranh luận với thầy cô.
“Các thầy cô phải biết lắng nghe học trò khi phản biện. Phải thẳng thắn nhìn vào sự thật xem mình đã ứng xử đúng chưa, nếu chưa thì phải điều chỉnh. Việc ấy không hề làm người giáo viên mất hình ảnh mà còn trở đáng nể hơn trong mắt học trò”, bà Loan nhìn nhận.
Bà Võ Thị Minh Huệ cho rằng nhà trường và các gia đình Việt Nam hiện nay đang giáo dục con trẻ theo phương pháp thụ động. Những trẻ chỉ biết nghe lời người lớn mà không cần biết đúng sai thế nào sẽ được xem là trò ngoan. Ngược lại những đứa trẻ dám nói lên chính kiến của mình lại bị xem là hỗn.
“Cách quan niệm như vậy là sai. Những đứa trẻ không được quyền nếu chính kiến của mình không bao giờ chú tâm hết mức vào việc học. Trẻ sẽ thả tâm trí của mình vào những vấn đề khác chứ không thực sự tập trung, có thể trở nên không thích học, không chịu học”, bà Huệ phân tích.
“Người lớn không phải lúc nào cũng đúng.Tôi mong các thầy cô hãy lắng nghe để hiểu trẻ hơn và có định hướng đúng. Đôi khi, trẻ dạy chúng ta rất nhiều điều”, bà Huệ nói.
Giáo viên cũng lắm áp lực
Nhiều bạn đọc cho rằng giáo viên hiện nay chịu rất nhiều áp lực nên việc thiếu kiềm chế cảm xúc đôi khi vẫn xảy ra.
Nói với TTO, một giáo viên tiểu học giấu tên cho biết lớp đông học sinh, cô giáo chịu nhiều áp lực từ đảm bảo chương trình học, thành tích thi đua... nên đôi khi cũng la mắng các con nhiều.  "Nhưng khi nghĩ lại thì ân hận, bứt rứt lắm. Nên sau này có giận, mình hay bước ra khỏi lớp, để cơn giận qua đi rồi mới vào nói chuyện với các bé" - giáo viên này tâm sự.
Bạn đọc thanhmai chia sẻ góc nhìn: Giáo viên vừa phải loay hoay thích nghi với cải cách giáo dục thay đổi như chong chóng, vừa phải đi dạy thêm để lo cơm áo gia đình nên đôi khi không kiềm chế cảm xúc...

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.