TPP mang đến cơ hội chưa từng có cho doanh nghiệp trẻ
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng các bạn trẻ, các doanh nghiệp trẻ sẽ có cơ hội chưa bao giờ có trước đây.
Gần 2.000 tỉ đồng thanh khoản chứng khoán ngay sau TPP kết thúc đàm phán
|
Đó chính là việc tự do hóa hoạt động kinh doanh ở 12 nước thành viên TPP một cách bình đẳng và rộng rãi.
Tự do hóa kinh doanh ở 12 nước thành viên
Hiệp định TPP được ra đời để tạo ra nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng để bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nói cách khác, TPP đem lại cơ hội đầu tư mới, bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trẻ.
Theo ông Phong, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được khuyến khích phát triển, là trọng tâm ưu tiên của TPP và chống lại các hoạt động độc quyền, thao túng thị trường.
“Sự mở rộng, đa dạng hóa về lĩnh vực của TPP tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong hoạt động tìm kiếm thị trường trong nước lẫn ngoài nước, nhất là ngoài nước. Các lĩnh vực như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính,… rất phù hợp cho các bạn trẻ, nhất là các bạn có năng lực công nghệ thông tin, thương mại điện tử tốt”, ông Phong cho biết.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du đánh giá đây là "cơ hội tuyệt vời" cho những bạn trẻ có khả năng và muốn khởi nghiệp.
"Đây là cuộc chơi cạnh tranh. Ai thích nghi được thì sẽ tồn tại và ngày càng phát triển. Với sự di chuyển của dòng vốn, nhân lực và công nghệ khổng lồ khi mở cửa, cơ hội sẽ mở ra cho tất cả những ai có khả năng", TS Huỳnh Thế Du nói.
Những vấn đề nên chú ý
Một điểm tích cực, theo TS Huỳnh Thế Du là văn hóa "thất bại cho làm lại, thất bại dám làm lại" của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và là một thành viên của TPP - sẽ tác động tích cực đến tư tưởng kinh doanh của nhiều người trẻ.
Về thách thức, trước hết là những yêu cầu rất cao về bản quyền, thực hiện luật sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt.
Thứ hai, thực hiện nghiêm túc những chính sách liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Thứ ba, chấp nhận những tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật của các nước để vượt qua và xuất khẩu được sản phẩm.
Thứ tư là việc thực hiện môi trường đảm bảo quyền lợi của người lao động rất quan trọng, đây là một trong những điểm mới của TPP mà các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp trẻ phải lưu ý.
“Cần tuân thể nghiêm việc không sử dụng lao động trẻ em, bóc lột lao động, không trả lương thấp, không bỏ qua quyền lợi bảo hiểm của người lao động. Cần cải thiện môi trường làm việc, thực hiện quyền của người lao động trong vấn đề thành lập các hiệp hội, Công đoàn để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Đây là những vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam đôi khi lại bỏ qua hoặc coi thường”, ông Phong nhận định.
TS Nguyễn Minh Phong đánh giá ngoại ngữ là thách thức và cơ hội cho các bạn trẻ kinh doanh trong 12 nước thành viên
“Có ba tiêu chuẩn đặt ra khi hội nhập: một là tiếng Anh, hai là tinh thần lao động, khả năng làm việc nhóm và cuối cùng là sự hiểu biết văn hóa của môi trường, đất nước mà bạn đến kinh doanh”, ông Phong nhận định.
Ở khía cạnh này, TS Huỳnh Thế Du nhận định để hội nhập, việc đầu tiên mỗi bạn trẻ cần xác định là vượt qua nỗi sợ hãi không đủ kiến thức, thứ hai là tập cho mình kỹ năng thích ứng trước mọi tình huống xảy ra và cuối cùng là phải có tư duy phản biện, luôn đặt câu hỏi với mọi vấn đề, không nhìn sự việc chỉ theo một chiều mặc định.
"Tư duy phản biện và luôn đặt câu hỏi sẽ giúp bạn trẻ nhìn vấn đề rộng hơn và từ đó nhìn thấy nhiều cơ hội hơn", TS Huỳnh Thế Du kết luận.
Doanh nghiệp có lợi khi chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu
TPP sẽ làm xu hướng phân công lao động, phân công sản xuất kinh doanh toàn cầu càng lớn. Doanh nghiệp nào chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu thì sẽ có lợi.
TPP có lợi cho những người mong muốn cạnh tranh, mong muốn sáng tạo và tạo ra những giá trị thật sự cho xã hội.
Nếu quen với môi trường đóng, không minh bạch, hoạt động không dựa trên sự cạnh tranh mà chuyên trục lợi, "chạy" chính sách thì khi tham gia cuộc chơi toàn cầu, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.
Một vấn đề khác là khả năng bị thâu tóm của những doanh nghiệp nhỏ và vừa, có năng lực cạnh tranh và tạo ra giá trị gia tăng cho những "ông lớn" toàn cầu.
|
0 nhận xét