Chẳng lẽ chịu thua “cò” khám bệnh

Chuyện “cò” khám nhanh ở Trung tâm y khoa Medic TP.HCM (còn gọi là phòng khám Hòa Hảo) diễn ra từ lâu. 
Họ chèo kéo bệnh nhân công khai, đưa bệnh nhân vào trong trung tâm để khám ưu tiên, dụ bệnh nhân đến phòng xét nghiệm khác...
Những con mồi bệnh nhân mới đến không rành rẽ, hoặc muốn làm nhanh đều phải chịu mất một vài trăm ngàn đồng.
Lần này ở Medic “cò” ngang nhiên đeo cả bảng tên?! Họ ra vào thường xuyên đến nhẵn mặt ở cửa phòng khám, phòng siêu âm, X-quang... với cái thế ưu tiên. Một câu hỏi đặt ra: bảo vệ, bác sĩ, nhân viên y tế biết không? Biết! Chắc chắn là biết!
Vậy tại sao lại làm ngơ để “cò” đưa bệnh vô không cần lấy số, xếp hàng, chờ đợi... vừa tạo sự hỗn loạn môi trường khám chữa bệnh, vừa gây mất công bằng, bức xúc ở người bệnh phải chờ? Nếu không có sự dễ dãi, du di hoặc thông đồng thì “cò” không có đất sống.

Hơn chục năm qua, “cò” trước cổng Trung tâm y khoa Medic, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Ung bướu, Từ Dũ, Da liễu... lộng hành đến mức như trêu ngươi.
Có bệnh viện ký hợp đồng với công an địa phương hằng tháng tuần tra, “cò” lặn một thời gian rồi lại lộng hành như cũ.
Đội trưởng đội bảo vệ một bệnh viện cho biết: dù bệnh viện phát loa ra rả từ sáng sớm đến chiều thông báo rõ giờ làm việc, nhận bệnh thường xuyên nhưng “cò” vẫn lôi kéo bệnh nhân ngay trước cổng để dẫn tới các phòng xét nghiệm, phòng mạch gần đó.
Sau đợt truy quét, công an phường lập biên bản, mời nhóm “cò” giáo dục, răn đe rồi... phải thả vì không đủ yếu tố xử lý nghiêm khắc hơn. Vậy là chỉ thời gian ngắn sau, nhóm “cò” lộng hành trước cổng bệnh viện càng dữ tợn, chúng công khai thách thức ra mặt!
Dẹp “cò” được không? Nhiều người cho là được, nếu ban lãnh đạo bệnh viện quyết tâm cải cách, sắp xếp từ khâu nhận bệnh một cách trật tự, văn minh, không tạo kẽ hở để “cò” có thể chen ngang vào. Phải xử lý nghiêm ngay từ trong nội bộ nếu phát hiện nhân viên y tế tiếp tay cho “cò”.
Chính quyền và công an địa phương chịu trách nhiệm chính trong việc ổn định, giữ gìn trật tự trước cổng các bệnh viện, thông báo rõ các hình thức xử phạt nghiêm khắc khi đủ chứng cứ xác định “cò”, thậm chí có biện pháp cải tạo, giam giữ nếu nhiều lần tái phạm.
Để “cò” lộng hành năm này qua năm khác, vừa làm tiền, làm khổ bệnh nhân nghèo, những người có trách nhiệm, từ lãnh đạo bệnh viện, chính quyền, công an địa phương còn mang món nợ lớn với dân.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.