Sách giáo khoa mới có phần gợi mở cách tổ chức dạy học

Hội thảo giới thiệu bộ tiêu chí đánh  giá SGK mới được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 6-11 đã đưa ra nhiều điểm mới khác hẳn với tiêu chí biên soạn, thẩm định sách giáo khoa trước đây. 
Đây là cơ sở để các nhóm tác giả chuẩn bị cho hướng “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”.
Theo ông Đỗ Ngọc Thống - Thường trực ban soạn thảo chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông của Bộ GD-ĐT, một điểm mới hoàn toàn có trong dự thảo bộ tiêu chí biên soạn SGK là việc hỗ trợ phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, hỗ trợ kiểm tra đánh giá học sinh.
Mỗi bài học kèm một phần cách tổ chức dạy học
Theo đó, mỗi bài học có kèm theo phần hướng dẫn, gợi mở cách thức tổ chức dạy học, yêu cầu họat động trải nghiệm sáng tạo, gợi ý đề tài để thầy, trò cùng tìm tòi nghiên cứu, ứng dụng. Trong mỗi bài học, ngoài hệ thống câu hỏi bám sát mục đích, yêu cầu giáo dục, sẽ có đề xuất gợi ý hình thức kiểm tra đánh giá..
Đại diện ban soạn thảo chương trình SGK phổ thông cho rằng: Một yêu cầu mới trong việc biên soạn SGK là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, không chỉ với SGK điện tử mà cả SGK giấy. Theo đó trong các SGK giấy sẽ có phần địa chỉ gợi mở để giáo viên, học sinh truy cập tìm kiếm tài liệu tham khảo.

“Với tinh thần xây dựng chương trình - SGK mở, nhóm tác giả cũng phải lưu ý việc không đưa những nội dung cứng, mang tính “đóng” mà cần mở, đi kèm theo đó là việc hướng dẫn học sinh cách thức khai thác tài liệu từ các nguồn khác nhau bổ trợ cho bài học. Đây là việc hỗ trợ, giúp học sinh phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, lựa chọn tài liệu, thông tin cần thiết cho việc học tập của mình” - ông Đỗ Ngọc Thống nói
Mở là cần nhưng mở đến đâu?
Phản biện về điểm mới này, ông Phạm Minh Diệu, ĐH Giáo dục cho rằng: "Mở là yếu tố cần, nhưng cũng nên quy định mở đến đâu. Cần có giới hạn nếu không sẽ rơi vào tình trạng tùy tiện, thậm chí phạm phải những yếu tố nhạy cảm".
Trả lời, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói: "Không thể quy định mở đến đâu miễn là mở đừng sai. Còn học sinh nói đúng hay không thì tùy người dạy học. Giáo viên khi dạy học phải  hướng dẫn cho học sinh “mở đến mức nào”, giáo viên cần biết định hướng cho học sinh mở rộng việc khai thác kiến thức, phục vụ cho việc học tập, từ đó hình thành hiểu biết, năng lực vận dụng kiến thức của người học”.
Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết bên cạnh bộ  tiêu chí đánh giá, thẩm định SGK, Bộ GD-ĐT sẽ biên soạn tài liệu chung hướng dẫn giáo viên dạy học theo chương trình (thay đổi thói quen dạy học theo SGK một cách máy móc như hiện nay).
Căn cứ vào đó, giáo viên có thể sử dụng bất cứ bộ SGK nào đã được Bộ GD-ĐT thẩm định làm tài liệu dạy học.
Ngoài ra, tuy không bắt buộc nhưng để “cộng điểm” cho bộ SGK của mình, các nhóm biên soạn SGK cũng có thể ban hành sách hướng dẫn dạy học kèm theo SGK để giáo viên thuận tiện trong việc lựa chọn, sử dụng.
Coi trọng tính thiết thực
Cũng theo ông Đỗ Ngọc Thống thì tinh thần biên soạn SGK mới theo dự thảo bộ tiêu chí của Bộ GD-ĐT là “tinh giản, hiện đại và thiết thực”. Trong đó yếu tố thiết thực phải đặc biệt lưu ý.
“Việc tinh giản, hiện đại đã từng được đặt ra trong việc biên soạn SGK trước đây rồi nhưng tiêu chí thiết thực chưa được quan tâm. Vì thế mà SGK hiện hành vẫn đưa nhiều kiến thức hàn lâm quá, khó hiểu và không thiết thực đối với học sinh các cấp. Quan điểm biên soạn cho rằng cần phải đưa nội dung này, phần kiến thức kia vào SGK, đó đều là những tri thức hay nhưng so với mục tiêu giáo dục phổ thông thì không gần gũi và cần thiết”, ông Thống chia sẻ.
Ôm đồm kiến thức, đưa nhiều kiến thức hàn lâm, thuật ngữ khó hiểu là ý kiến chung của nhiều người tại hội thảo khi nhận xét về bộ SGK hiện hành. Vì vậy tiêu chí “thiết thực” đã được nhiều người đánh giá cao.
Theo bà Nguyễn Lan Phương, Viện Khoa học giáo dục thì khi xây dựng tiêu chí đánh giá SGK trong bối cảnh “một chương trình nhiều bộ SGK” cần phải lưu ý tiêu chí phát triển năng lực cá nhân. Đây là điểm còn mờ ở bộ SGK cũ.
“Cần phải đưa yêu cầu  hình thành phát triển kỹ năng sống, kỹ năng hội nhập, tính hữu dụng  trong cuộc sống hàng ngày, thiết thực với người học. Đó là những nội dung nhằm phát triển năng lực cá nhân”, bà Lan Phương nói.
Dự thảo tiêu chí đánh giá SGK phổ thông gồm 18 tiêu chí và 44 chỉ số. Theo nhiều ý kiến tại hội thảo thì cần phải xác định trọng số cho từng tiêu chí. Theo đó sẽ có những tiêu chí được ưu tiên hơn hẳn các tiêu chí khác.
“Những tiêu chí như hỗ trợ dạy học, hướng dẫn học sinh tự học nên có trọng số cao hơn các tiêu chí về hình thức, về tính logic trong cấu trúc cuốn SGK”, một ý kiến gợi ý.
Tuy nhiên cũng có những ý kiến khác cho rằng “hình thức thể hiện SGK” là tiêu chí không  thể xem nhẹ. Vì nhìn sang các nước, SGK bao gồm hệ thống kênh hình hấp dẫn khiến cho cuốn SGK sinh động, lôi cuốn người học.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, sau khi hoàn chỉnh, ban hành chính thức bộ tiêu chí đánh giá SGK, các nhóm tác giả sẽ căn cứ vào chương trình giáo dục tổng thể, chương trình môn học và bộ tiêu chí để biên soạn. Đây cũng là căn cứ để Bộ GD-ĐT thẩm định các bộ SGK được phép sử dụng trong các nhà trường.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.