Lương giáo viên thua bảo vệ
66,9% giáo viên tiểu học ở TP.HCM cho rằng thu nhập hiện tại không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống gia đình.
Một tiết dạy của giáo viên lớp 3/1 Trường tiểu học Minh Đạo (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng |
Con số này đã làm “nóng” hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên tiểu học TP.HCM đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” do Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 11-12.
“Kết quả cuộc khảo sát ở chín quận, huyện trên địa bàn TP.HCM với gần 1.000 giáo viên tiểu học cho thấy: 37% giáo viên có mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng; 37% giáo viên thu nhập trên 6 triệu đồng” - PGS.TS Ngô Minh Oanh, viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, cho biết.
Theo TS Oanh: “Mức thu nhập này có phần lý tưởng hơn so với giáo viên các tỉnh, thành khác nhưng có đến 66,9% giáo viên cho rằng thu nhập hiện tại không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống gia đình mình.
Chỉ có 39% giáo viên có nhà ở riêng; 51,5% giáo viên đang ở nhờ nhà của bố mẹ. Chưa kể 23,3% giáo viên ít có điều kiện đi tham quan du lịch, nghỉ mát hằng năm để tái sản xuất sức lao động. Ngoài giờ dạy chính khóa, các giáo viên phải bươn chải để kiếm sống. 53,8% giáo viên phải dạy thêm để tăng thu nhập, một bộ phận còn lại có làm thêm nhưng công việc không gắn với chuyên môn”.
"Muốn làm thầy giáo phải học 4 năm đại học, vậy mà ra trường lãnh lương thua một anh bảo vệ. Bảo vệ bây giờ lương 4 triệu đồng người ta không chịu làm đâu. Nếu chúng ta thay đổi được lương giáo viên là thay đổi rất nhiều thứ
|
TS Huỳnh Công Minh |
Lương giáo viên thua lương bảo vệ
Không phải ngẫu nhiên mà đa số ý kiến nêu ra tại hội thảo đều tập trung phân tích và mổ xẻ vấn đề lương của giáo viên.
ThS Lê Ngọc Điệp, nguyên trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP, đưa ra bảng lương giáo viên của 10 nước trên thế giới: “Nước trả lương giáo viên cao nhất là Luxembourg gần 100.000 USD/năm, nước đứng hạng thứ 10 là Na Uy hơn 44.000 USD/năm. Việt Nam mình lương giáo viên mới ra trường trên dưới 3 triệu đồng/tháng. 3 triệu đồng ở TP.HCM thì làm sao mà sống? Từ đó mới thấy mức lương giáo viên của ta quá thấp, thấp hơn thế giới rất nhiều. Mình muốn có chương trình, phương pháp giảng dạy bằng thế giới mà mức lương giáo viên như thế là duy ý chí”.
Tương tự, TS Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng nhấn mạnh: “Trong các giải pháp để nâng cao năng lực giáo viên tiểu học thì giải pháp đột phá chính là tiền lương. Trước đây, khi tôi tốt nghiệp ĐH Sư phạm năm 1974, tôi lãnh lương 30.000 đồng/tháng, ăn cơm tháng, ở nhà sang trọng nhưng chỉ hết có 5.000 đồng, tức là lương 5 phần thì tiêu hết 1 phần, giáo viên bây giờ thì ngược lại: lương 1 phần nhưng phải cần đến 5 phần để trang trải cuộc sống. Hồi nãy TS Ngô Minh Oanh nói thu nhập giáo viên tiểu học 6 triệu đồng, tôi nói thu nhập đó có phần không lành mạnh là vì giáo viên phải dạy thêm, phải chòi đạp để có thể có thêm khoản thu nhập ngoài lương. Một người kỹ sư tâm hồn mà sống không yên tâm thì làm sao dạy con người tốt được?”.
Cần cơ chế “giáo dục cạnh tranh”
Phát biểu tại hội thảo, TS Hồ Văn Hải, trưởng khoa giáo dục tiểu học Trường ĐH Sài Gòn, đề nghị: “Cần khởi động từng bước cơ chế giáo dục cạnh tranh để tạo sức bật về chất lượng trong ngành giáo dục của TP nói chung, giáo viên tiểu học nói riêng. Giấy khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua nhiều năm để được tăng lương trước thời hạn một năm (với mức tăng vài trăm ngàn) đã không còn phù hợp.
Trong nền kinh tế thị trường, ai cũng có quyền làm giàu, riêng giáo viên trường công lập thì hầu như không thể. Tác động ngược lại là giáo dục tiểu học chỉ thu hút được sinh viên thường thường bậc trung vào ngành sư phạm”.
Ông Hải phân tích: “Mỗi giáo viên có một “đơn giá” riêng (hình thức này đang rất thịnh hành ở lĩnh vực dạy bồi dưỡng kiến thức, đối với giáo viên dạy giỏi, nổi tiếng). Nếu chúng ta cứ sợ dư luận và những tác động ngược của công chúng trong việc phân tầng dịch vụ giáo dục thì tài sản của những người có thu nhập cao sẽ chảy vào túi của các nhà giáo dục nước ngoài trong cơn bão hội nhập. Vì vậy, lãnh đạo thành phố nên làm “bà đỡ” bằng cách tạo ra bộ tiêu chuẩn giúp người học định hướng chọn thầy và trả một mức lương tối thiểu cho giáo viên (khi họ đạt đủ các điều kiện theo quy định), phần lương còn lại do thị trường điều tiết”.
PGS.TS Hoàng Thị Tuyết, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng phản ảnh: “Cải cách vấn đề lương giáo viên không chỉ là mức lương mà còn là cơ chế trả lương. Cách trả lương theo kiểu cào bằng như hiện nay đã quá lỗi thời, nhiều trường hợp giáo viên giỏi hơn, làm việc hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn nhưng mức lương lại thấp hơn chỉ vì họ không có thâm niên, vì công tác giảng dạy của họ bị gián đoạn do họ đi học nước ngoài. Cơ chế trả lương như hiện nay không khuyến khích, động viên được giáo viên dốc toàn tâm, toàn sức cho nghề”.
Tuyệt đối không “cầm tay chỉ việc”
Tại hội thảo, TS Hoàng Thị Tuyết đã kể một câu chuyện: “Khi đi dạy bồi dưỡng cho các hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, có người đã cầm cuốn sách giáo viên lên hỏi tôi: Vấn đề này là sai hay đúng? Tôi trả lời là sai. Họ nói: Tụi em cũng thấy sai nhưng không dám sửa, vẫn cứ dạy theo sách này. Đây là một ví dụ cho thấy giáo viên của ta quá lệ thuộc vào sách giáo khoa và sách giáo viên. Nó là hậu quả của cơ chế độc quyền và độc đạo một chương trình, một bộ sách giáo khoa mà chúng ta đang thực hiện”.
Theo TS Tuyết: “Nhiều minh chứng từ giáo dục các nước trên thế giới cho thấy việc giáo viên quá lệ thuộc vào bộ sách sẽ làm cho kỹ năng sư phạm bị mai một, giáo viên không thể chủ động trong việc dạy học của mình, từ đó kéo theo năng lực ít có cơ hội phát triển”. Và bà đề xuất: “Cần triển khai một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa theo hướng “mở” chứ không “tập trung hóa” như hiện tại. Ngay cả tài liệu chuyên môn cũng tuyệt đối tránh lối “cầm tay chỉ việc” để giáo viên có cơ hội thể hiện ý tưởng của mình”.
Theo kết quả khảo sát của TS Ngô Minh Oanh, hiện giáo viên tiểu học ở TP.HCM đang chịu quá nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến động lực làm việc của họ: 86,6% giáo viên cho rằng công việc sổ sách, giấy tờ quá nhiều; 78% giáo viên cho rằng yếu tố thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống ảnh hưởng nhiều đến công việc; 66,3% nói việc chưa có chính sách khuyến khích đối với giáo viên tâm huyết, có năng lực cũng là vấn đề họ băn khoăn, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy; 61% cho biết bệnh thành tích và sự thiếu trung thực làm giảm sút lòng tin và lòng yêu nghề; 45,3% phản ảnh điều kiện làm việc không đáp ứng công việc; 43,4% cho rằng cách quản lý chưa phù hợp làm cho khả năng độc lập, sáng tạo trong dạy học của họ bị hạn chế...
TP.HCM hiện có 18.922 giáo viên tiểu học. Đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp thì có 66,21% đạt loại xuất sắc; 33,41% đạt loại khá; 0,8% (144 giáo viên) đạt loại trung bình và 3 giáo viên (0,27%) đạt loại kém, có 80 giáo viên không xếp loại do nghỉ hộ sản, bệnh tật… Nhìn chung, đội ngũ giáo viên tiểu học có chất lượng cao, có khả năng thực hiện nhiệm vụ.
|
0 nhận xét