Nguyên thượng úy CSGT đưa tiền để các bị cáo nhận tội?

TTO - Nguyên thượng úy CSGT Phạm Sỹ Hoài Như khẳng định không chỉ đạo bốn bị cáo khác đánh ông Nguyễn Văn Chín trong khi bốn bị báo đều khai Như chỉ đạo họ đánh.
Bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như tại tòa - Ảnh: Gia Minh
Bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như tại tòa - Ảnh: Gia Minh
Sáng 23-12, HĐXX sơ thẩm TAND TP.HCM đã xét xử bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như, nguyên thượng úy CSGT công an Q.Tân Bình và 4 đồng phạm tội cố ý gây thương tích.
Bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như, 35 tuổi, ngụ Q. Gò Vấp, nguyên CSGT công an quận Tân Bình đã có mặt tại phiên tòa.
Nguyên thượng úy CSGT chối tội
Khẳng định mình không phải là người chỉ đạo 4 bị cáo khác đánh ông Nguyễn Văn Chín như lời khai của các bị cáo. Như nói rằng việc Như gọi điện thoại cho các bị cáo khác đến là để mấy người này nói chuyện và đưa ông Chín về, bởi ông Chín quá xỉn.
Giải thích cho lý do bản thân mình không tự gọi điện hay nói chuyện với ông Chín, bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như, nguyên CSGT công an quận Tân Bình khẳng định, các bị cáo khác đã khai gian cho bị cáo, khi đó ông Chín quá say xỉn và chửi bới nên Như không thể nào nói chuyện với ông Chín vì đang mặc trang phục cảnh sát nên nhờ mấy người quen đến giải thích để đưa ông này về.
Sau lời khai này, chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Như có biết rõ nhiệm vụ của mình là gì không. Như nói, đáng lẽ Như phải báo công an và chính quyền địa phương để họ can thiệp, tuy nhiên chủ tọa phiên tòa khẳng định, Như có quyền giữ xe, thậm chí giữ người nếu nhận thấy họ có thể gây nguy hiểm cho xã hội.

Khi trả lời phần xét hỏi của VKS, Như tiếp tục nói mình không chỉ đạo đánh người, đại diện VKS cho rằng Như không thành thật, trong khi các bị cáo khác đều thống nhất lời khai nhưng Như thì chối tội.
Trước đó, bị cáo Nguyễn Minh Chung cho biết mình đang đi đường thì nhận điện thoại của Như, khi tới nơi, Như bảo cả nhóm 4 người đánh dằn mặt ông Chín vì ông Chín vi phạm giao thông mà còn cự cãi với cảnh sát giao thông.
Cụ thể, Chung khai: “Như gọi điện nói có việc gấp chạy về đây. Sau đó Như nói có người say xỉn, nên em đánh dằn mặt ông này. Bị cáo giải thích cho ông Chín biết việc ông Chín say xỉn và cự cãi là sai. Sau đó, các bị cáo khác đánh”.
Sau lời khai của Chung và Như, Trần Đức Vững khai sử dụng tay đánh ông Chín, sau đó là Ngô Thành Vương, Trần Đức Vững, Phạm Thanh Kim Hạnh cùng đánh ông Chín.
Trong đó, Hạnh khẳng định Hạnh là người dùng tay đánh vào mặt làm ông Chín ngã, sau đó Hạnh dùng chân đạp vào ngực và bụng ông Chín.
Có mặt tại tòa, đại diện cán bộ giám định pháp y khẳng định nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Chín là bởi vỡ ruột non và chết, chứ không phải do nguyên nhân khác.
Giám định viên cũng cho biết không được nhận hồ sơ bệnh án của ông Chín mà chỉ giám định pháp y về nguyên nhân dẫn đến chết.
Đề nghị sẽ lo cho gia đình các bị cáo để họ nhận tội
Tại tòa, từ lời khai của Ngô Thành Vương về việc Chung yêu cầu các bị cáo nhận tội sẽ được Như cho tiền. Luật sư Hoàng Cao Sang (bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại) đã hỏi lại thông tin này đối với bị cáo Chung.
Cũng từ lời khai của bị cáo Vương, luật sư Sang đã hỏi Nguyễn Thanh Kim Hạnh, bị cáo Hạnh khẳng định mình chính là người được bị cáo Như gọi điện thoại hẹn đến gặp tại quán cà phê Bằng Lăng Tím để nhận tiền. Tuy nhiên khi đến quán cà phê gặp Như, Như đưa một cọc tiền mà Hạnh không rõ là bao nhiêu và Hạnh không nhận cọc tiền này, bởi không biết nhận tiền để làm gì, đưa cho ai. 
Luật sư Sang cũng thông tin thêm tại tòa, rằng sau khi ông Chín chết, Phạm Sỹ Hoài Như đã gọi điện cho Chung, yêu cầu Chung kêu mấy người còn lại ra đầu thú và nhận tội. Như sẽ chăm sóc cho gia đình các bị cáo. Sau khi đi tù về, Như sẽ cho mỗi người 100 triệu và 1 chiếc xe máy. Tuy nhiên, đến giờ thì chưa ai nhận được đồng tiền nào từ Như.
Xác nhận thông tin này, bị cáo Nguyễn Minh Chung cho biết Như đã gọi điện thoại cho Chung và yêu cầu Chung ra đầu thú và nhận tội thì sẽ được Như lo cho.
Trong phần nói về quan điểm của gia đình bị hại, bà Dương Thị Thảo, vợ của nạn nhân Chín yêu cầu các bị cáo bồi thường hơn 3 tỉ đồng. Tại phiên xét xử, bà Thảo đã nói với bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như rằng: Chồng tôi là cái lưng của tôi, là cái cổ của tôi, là cuộc sống của tôi, vì cậu mà chồng tôi phải chết. Vậy thì cậu hãy nhận cái sai của mình để sớm kết thúc phiên tòa, không làm mất thời gian của mọi người ở đây”.
Trả hồ sơ để điều tra lại
Sau phần xét hỏi liên quan đến kết quả giám định và việc Như đưa tiền cho các bị cáo khác, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ cho VKSND TP.HCM để điều tra lại.
Theo đó, HĐXX cho rằng do kết quả giám định tại hồ sơ vụ án cũng như các thông tin được cung cấp bởi giám định viên tại phiên tòa, nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Chín là do chấn thương vùng bụng, vỡ ruột non dẫn đến tử vong.
HĐXX cho rằng, do giới hạn phạm vi xét xử, nên HĐXX trả hồ sơ để VKS, cơ quan điều tra xác đinh lại tội danh cho các bị cáo.
Nạn nhân chết do vỡ ruột non, sặc thức ăn vào đường thở
Theo cáo trạng, tối 25-6-2014, ông Nguyễn Văn Chín, ngụ tại Gò Vấp, TP.HCM lái xe có biểu hiện sử dụng rượu bia đi đến giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú) thì gặp tổ tuần tra CSGT Tân Bình (trong đó có nguyên thượng úy Phạm Sỹ Hoài Như).
Tổ này ra hiệu lệnh dừng xe và yêu cầu ông Chín đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, ông Chín không chấp hành việc đo nồng độ cồn, ký biên bản mà có cự cãi với phía CSGT.
Phạm Sỹ Hoài Như gọi điện cho Nguyễn Minh Chung (24 tuổi, quê Quảng Ngãi, là người quen của Như, khi đó đang lái môtô chở Nguyễn Quốc Khánh đi trên đường Lê Hồng Phong, Q.10), yêu cầu Chung đến ngã tư Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.
Chung nghe điện thoại của Như xong thì gọi điện thoại tiếp cho Phạm Thanh Kim Hạnh (18 tuổi, quê Đắk Nông) và Trần Đức Vững (19 tuổi, quê Quảng Ngãi) và Vững chở Ngô Thành Vương (19 tuổi, quê Hải Dương) đến theo yêu cầu.
Khi nhóm này đến nơi, Như nói rõ cho Chung biết là ông Chín không ký biên bản vi phạm giao thông mà còn cự cãi nên Như kêu Chung đánh dằn mặt ông Chín và đuổi đi để tổ công tác làm việc. Sau đó, Như mô tả đặc điểm của ông Chín để cho nhóm của Chung đánh.
Nhóm của Chung dụ ông Chín ra khu vực vắng rồi đánh đập khiến ông gục xuống. Ông Chín tỉnh dậy lết đến chỗ tổ CSGT đang làm nhiệm vụ để nhờ gọi taxi đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, sau đó ông Chín đã tử vong vào lúc 4g05 sáng 27-6-2014.
Kết luận giám định cho biết nạn nhân Chín chết bởi bị thương do vỡ ruột non, sặc thức ăn vào đường thở.
Ngày 9-7-2014, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam bốn đối tượng của nhóm Chung. Ngày 7-11-2014 cơ quan điều tra bắt tạm giam Như nhưng sau đó Như được cho tại ngoại.
Sau khi có kết luận điều tra vụ án và cáo trạng, bà Dương Thị Thảo, vợ của nạn nhân Nguyễn Văn Chín đã khiếu nại cho rằng hành vi của nhóm bị can này cấu thành tội giết người chứ không phải tội cố ý gây thương tích.
Đại diện bị hại cũng yêu cầu bồi thường số tiền tổng cộng gần 3,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, gia đình nạn nhân chưa nhận được một khoản bồi thường nào.
Trước khi phiên tòa diễn ra, chủ tọa phiên tòa nhắc bà Dương Thị Thảo cân nhắc việc cho con nhỏ (dưới 16 tuổi) tham dự phiên tòa, nhưng sau khi hỏi ý kiến cháu bé, bà Thảo nói muốn cả 2 con của mình được chứng kiến phiên tòa này.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.