Xin lỗi du khách nước ngoài, còn người dân bị cướp thì sao?

Đã có gần 300 ý kiến phản hồi của bạn đọc về câu chuyện ngành chức năng ở TP.HCM gặp mặt xin lỗi nữ du khách bị cướp với nhiều lời hoan nghênh hành động này, đồng thời đòi hỏi thành phố nỗ lực ngăn chặn nạn cướp giật.
Xin lỗi du khách nước ngoài, còn người dân bị cướp thì sao?
Nữ du khách Alaa Aldon chia sẻ với báo chí chiều 16-3 - Ảnh: Vũ Thủy
Để lời xin lỗi trọn vẹn hơn...
Việc chính quyền địa phương và ngành chức năng ở TP.HCM tổ chức buổi gặp mặt xin lỗi cô Alaa Aldon - nữ du khách 22 tuổi, quốc tịch Ai Cập - do trước đó cô bị cướp giật chiếc túi xách được dư luận đồng tình.
Hình ảnh cô Alaa Aldon tại cuộc gặp gỡ này với nụ cười thật dễ thương như xua đi trong mỗi chúng ta sự nặng nề, xấu hổ khi du khách phải bàng hoàng, thảng thốt, khóc nức nở trong lần đầu tiên đến Việt Nam du lịch.
Lời xin lỗi này sẽ trọn vẹn hơn nếu sau đó sẽ là việc tìm ra thủ phạm, hoàn trả cho du khách tài sản bị cướp, bị mất cắp. Cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ nhằm truy tìm ra thủ phạm, thu hồi tài sản trả lại cho bị hại, đưa kẻ cướp ra trước vành móng ngựa để pháp luật xử lý.
Với du khách, chúng ta đã có lời xin lỗi, còn người dân - những nạn nhân của các vụ trộm cắp, cướp giật - cũng cần được quan tâm cùng những biện pháp khắc phục từ người có trách nhiệm.
Có câu “bần cùng sinh đạo tặc”, vì thế chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, trường học, nhà máy... cần có chương trình phối hợp để đưa ra các biện pháp giúp những người khốn khó, thất nghiệp vượt qua lúc ngặt nghèo, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định, giúp họ nuôi sống được bản thân và gia đình.

Nghiện rượu bia, game online, ma túy, cờ bạc là những nguyên nhân dẫn đến cướp giật, trộm cắp. Vì thế cần có chương trình công tác ở các cấp, các ngành, các đoàn thể nhằm chấn chỉnh các tụ điểm ăn nhậu, hộ kinh doanh Internet, truy tìm và tận diệt việc mua bán ma túy cũng như các sòng cờ bạc.
Bên cạnh đó, cần mở thêm các tụ điểm vui chơi, giải trí, sinh hoạt lành mạnh, tổ chức các cuộc thi có nội dung phong phú trong thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân, lao động tự do nhằm tuyên truyền, góp phần thay đổi nhận thức, lối sống để họ hướng thiện hơn.
TP.HCM đang mở cuộc tổng tấn công tội phạm, với mục tiêu trong ba tháng sẽ giảm vấn nạn cướp giật. Sự ra quân mạnh mẽ của lực lượng công an đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự hợp tác của người dân thì kết quả đạt được mới bền vững.
Ước mong đất nước yên bình, người dân sống an toàn cần lắm những biện pháp trước mắt và những giải pháp lâu dài. Có như thế lời xin lỗi mới trọn vẹn.
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Tăng cường cảnh báo cho du khách
Đối với khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài, việc cảnh báo tình hình cướp giật trên đường phố cho họ biết để họ cảnh giác là cần thiết. Việc này có thể trước mắt làm “xấu hình ảnh” đôi chút về đất nước, con người Việt Nam, nhưng đó là công việc ngành du lịch phải làm và nên làm ngay để bảo vệ quyền lợi sát sườn không phải chỉ của du khách mà còn của cả ngành du lịch nói chung.
Theo tôi, các công ty du lịch không chỉ nhắc nhở khách bằng lời nói cảnh báo về vấn nạn cướp giật khi họ bắt đầu đặt chân tới thành phố, mà việc này cũng cần phải được đưa vào cả tờ rơi hướng dẫn để khách đọc kỹ trước khi họ ra phố vãng cảnh, thăm thú.
Khi du khách đã ít nhiều được trang bị thông tin như vậy, chắc chắn họ sẽ đề cao cảnh giác và như vậy bọn cướp sẽ khó bề làm ăn hơn.
Ngoài các công ty du lịch có khách đi tour theo đoàn, các khách sạn - nơi nhiều khách đi lẻ theo kiểu du lịch “bụi” tự tổ chức - cũng cần phải thông báo cho khách biết về vấn nạn cướp giật này để khách lưu tâm.
Kết hợp với việc cảnh báo vấn đề cướp giật, các công ty du lịch, các khách sạn cũng luôn chú ý nhắc nhở, dặn dò khách không nên mang theo nhiều tiền bạc, tài sản, hộ chiếu, giấy tờ quan trọng trong người khi ra phố.
Với balô, túi xách thì phải nhắc khách đeo dây quai vào cả hai vai hoặc đeo xéo qua người cho chắc chắn, chứ không đeo một bên vai hay cầm tay hớ hênh. Việc căn dặn khách thật lưu ý khi nghe điện thoại hay cầm máy ảnh chụp hình trên đường phố cũng là luôn cần thiết...
LÊ HƯƠNG GIANG
Giữ được hình ảnh thân thiện
Trong 297 ý kiến phản hồi của bạn đọc, rất nhiều ý kiến cho rằng cách tổ chức xin lỗi và hỗ trợ nữ du khách bị cướp sẽ góp phần tạo lại niềm tin cho du khách.
Bạn đọc Liêu Tài bày tỏ là mình đã “nhẹ cả lòng” khi đọc thông tin về buổi xin lỗi này. Bạn đọc Thu Lan USA cho rằng: “Bến Thành Tourist đã đem lại niềm tin với du khách trong việc giúp đỡ nạn nhân. Điều này cũng đã giữ được hình ảnh thân thiện, mến khách của Việt Nam”.
Bạn đọc Trần Hữu Cẩn cũng bình luận: “Cách làm này của lực lượng chức năng TP.HCM sẽ làm du khách yên lòng khi du lịch đến Việt Nam”.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hoan nghênh, nhiều bạn đọc vẫn cho rằng cách giữ niềm tin với du khách tốt nhất vẫn là phải tạo cho họ môi trường du lịch an toàn, như lời bạn đọc Minh Quân: “Xin lỗi vị du khách nước ngoài là việc làm rất tốt và nhân văn, nhưng đẩy lùi được nạn cướp giật mới là việc lớn”.
Bạn đọc Bảo Anh hiến kế: “Phải tìm cho ra nguyên nhân cội nguồn vì sao nạn cướp giật ngày càng hoành hành để diệt tận gốc. Chính quyền phải hợp tác hết sức với dân để dẹp cướp giật, chứ cướp thì thấy đó mà không có mấy người dân quan tâm thì cũng khó ngăn chặn”.
N.N. tổng hợp

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.