Nhật ký phóng viên: “Em mong có nhiều ngày hội như vậy!”

.“Cố lên! Cố lên” - không khí tại trạm 3 sôi động hẳn lên khi các học sinh trải nghiệm trò chơi minh họa thổi bong bóng trong chai, chạy và thử hút giấy vụn... sau khi tìm hiểu về áp suất của không khí và sự vận hành của cánh quạt. 
Nhật ký phóng viên: “Em mong có nhiều ngày hội như vậy!”
Nhóm học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm thuyết trình và vận hành máy phân loại rác tại ngày hội - Ảnh: D.C.
Rất nhiều học sinh sau khi trải nghiệm xong là...đứng thở dốc và cười tít mắt: “Em không ngờ trải nghiệm khoa học lại thú vị và vui vẻ đến thế!” - Văn Tài, học sinh lớp 5/4 Trường tiểu học Lương Thế Vinh, nhận xét.
Đó là hoạt động của một trong năm trạm trải nghiệm khoa học mà 700 học sinh các trường tiểu học trên địa bàn quận 1, TP.HCM phải trải qua khi tham gia ngày hội “Học sinh tiểu học quận 1 - Vươn tới đỉnh cao khoa học” (do Phòng GD-ĐT quận 1, TP.HCM tổ chức sáng 8-4 tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng).
Các học sinh sẽ đóng vai là những nhà du hành vượt thời gian tham gia hoạt động tại các trạm. Mỗi trạm bao gồm nhiều trò chơi khác nhau được sắp xếp theo các giai đoạn lịch sử phát minh của nhân loại như: trạm 1: từ đầu Công nguyên đến thế kỷ 18; trạm 2: từ năm 1800 - 1850; trạm 3: 1851 - 1900; trạm 4: 1901-1950; trạm 5: từ 1951 đến nay.
Ngoài các hoạt động thí nghiệm đòi hỏi trí thông minh, sáng tạo của học sinh, các trạm còn cung cấp kiến thức về những đặc điểm văn hóa, khoa học tiêu biểu trong từng giai đoạn.
Và... một trong những trạm khiến các học sinh cười suốt buổi là trạm 4: học sinh sắm vai một giọt máu nhỏ, di chuyển trong “vòng tuần hoàn” mà các “động mạch”, “tĩnh mạch” là các trụ nhỏ. Mỗi đội gồm 5 học sinh - 5 “giọt máu” phải di chuyển theo hình dích dắc qua các trụ. Đội nào đi được hết “vòng tuần hoàn” thì đội đó hoàn thành nhiệm vụ. Trên “vòng tuần hoàn” có 4 chướng ngại vật mà các “giọt máu” phải vượt qua...

Theo ban tổ chức ngày hội, đây chính là trò chơi được xây dựng dựa trên nền tảng kiến thức môn tự nhiên xã hội của chương trình khối lớp 3, trò chơi giúp học sinh hiểu rõ hơn vai trò vô cùng quan trọng của tim đối với cơ thể con người.
Nếu ngoài sân trường, các “nhà khoa học tí hon” mướt mồ hôi với hàng loạt hoạt động trải nghiệm thì trong hội trường, không khí cũng “nóng” không kém với nội dung thi thuyết trình ý tưởng khoa học.
“Từ bao năm nay dù ngày hay đêm, dù trời nắng hay trời mưa, có một người mẹ lặng thầm với công việc phân loại rác để có tiền nuôi con...” - phần thuyết trình của nhóm học sinh lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm về ý tưởng “Máy phân loại rác” được trình bày như một vở kịch ngắn.
Khi “vở kịch” kết thúc, hàng loạt cánh tay của học sinh các trường khác giơ lên đặt câu hỏi: “Trục máy quay quá nhanh thì rác có rơi ra ngoài không?”, “Nếu rác đó là đồng thì làm sao nam châm hút được?”, “Máy có phân loại được rác thực phẩm không?”...
16 ý tưởng của học sinh 16 trường tiểu học trên địa bàn quận 1 đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của những người dự khán - học sinh bằng vô số câu hỏi thắc mắc, nghi vấn... Không những thế, ở phần thuyết trình của nhóm học sinh Trường tiểu học Trần Khánh Dư (ý tưởng “Máy bơm nước mini chạy bằng nước suối”), nhóm học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (ý tưởng “Tái tạo nguồn nước, trồng rau sạch, bảo vệ môi trường”), nhóm học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (“Tận dụng nguồn nước thải vào việc tưới rau thông qua hệ thống bơm tưới”)..., ban giám khảo đã phải hạn chế bớt các câu hỏi của những “nhà khoa học tương lai”.
Nói như một thành viên ban tổ chức ngày hội: “Điều này cho thấy sự quan tâm của học sinh đến khoa học là có thật. Dù 16 đề tài của 16 trường tiểu học chỉ mới dừng lại ở mức độ ý tưởng, nhưng nó đã khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh ngay từ lứa tuổi tiểu học”.
Chẳng thế mà Nguyên Trang, học sinh lớp 5/4 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, trình bày cảm nghĩ: “Em cảm thấy rất vui. Ngày hội khoa học đã mang lại nhiều điều bổ ích và rất ý nghĩa với em. Em mong có nhiều ngày hội như thế này...”.

0 nhận xét

Đăng nhận xét
Được tạo bởi Blogger.