Sử dụng tiền Formosa bồi thường đạt hiệu quả cao nhất
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh, TP chiều 1-7.
Ngư dân xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sửa sang thuyền để chuẩn bị trở lại đánh bắt - Ảnh: Văn Định |
“Sau nhiều nỗ lực, Chính phủ đã công bố nguyên nhân, trách nhiệm bồi thường của Formosa trong sự cố môi trường ở miền Trung. Đặc biệt là chúng ta phát đi tín hiệu với trong nước và nước ngoài rằng phải thật sự coi trọng lợi ích của nhân dân, vừa kinh doanh vừa đảm bảo môi trường” - Chủ tịch ủy ban MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.
Ông “tin rằng sắp tới các địa phương, các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ giúp chúng ta duy trì ý thức trách nhiệm và trật tự trong việc đảm bảo môi trường”.
“Cần thanh tra quá trình đầu tư dự án, cấp phép xem có vấn đề gì không. Nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm túc, kịp thời. Đây là việc làm hợp lòng dân. Qua sự việc này, cần kiểm tra các doanh nghiệp có hoạt động xả thải, chấn chỉnh và xử lý sai phạm, đảm bảo việc xả thải bắt buộc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường
| ||
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình |
Formosa phải thực hiện đúng cam kết
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết để buộc Formosa nhận trách nhiệm và chấp nhận bồi thường số tiền 500 triệu USD (11.500 tỉ đồng), thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm việc bài bản, khoa học, đảm bảo đầy đủ chứng lý.
“Kết quả đạt được là từ thái độ bình tĩnh, phương pháp tiến hành khoa học, khách quan, cẩn trọng của các cấp lãnh đạo và các nhà khoa học nói chung. Tôi đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của rất nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn dự thảo chủ trương chính sách để cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài nguyên - môi trường giải quyết, sử dụng đạt hiệu quả cao nhất số tiền bồi thường. Trong đó lưu ý cần hỗ trợ lâu dài về sinh kế cho ngư dân, chú trọng hỗ trợ theo hướng đầu tư cho chương trình đánh bắt xa bờ để mang lại hiệu quả dài lâu, bền vững hơn.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tập hợp báo cáo gửi lại Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch sử dụng tiền đền bù, trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý việc hỗ trợ, bồi thường cho người dân chịu thiệt hại phải trên cơ sở tính toán đầy đủ, công khai, đúng đối tượng, không chỉ với người đánh bắt hải sản mà những người
trực tiếp liên quan.
Về hoạt động của Formosa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều quan trọng nhất là sau sự cố này Formosa phải thực hiện đúng cam kết, không để tái diễn hành vi vi phạm.
“Chúng ta khẳng định nhất quán quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Không vì phát triển kinh tế, vì thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường, nhất là môi trường sống của người dân, không vì kinh tế mà hi sinh môi trường” - Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cam kết thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, nửa đầu tháng 7 sẽ gấp rút hoàn thiện chính sách hỗ trợ ngư dân.
“Thực tế là chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng rồi, bây giờ trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng và góp ý, chúng tôi sẽ hoàn thiện để sớm trình lên Chính phủ”, ông Phát nói.
Đối với việc xây dựng, cải tạo các cảng cá ở miền Trung, ông Phát cho biết đã có chủ trương, sẽ sử dụng
vốn ODA để làm.
Ngư dân mong muốn nhà nước hỗ trợ để việc tiêu thụ hải sản sớm trở lại bình thường - Ảnh: Quốc Nam |
Sẽ triển khai 6 hướng
hỗ trợ người dân
Theo ước tính chưa đầy đủ của Tổng cục Thủy sản, số người đánh bắt và nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ gạo trong thời gian từ tháng 4 đến nay và cũng là những người bị thiệt hại bởi vụ cá chết bất thường do Formosa xả thải là 186.000 người.
Con số này chưa tính đến người làm muối, làm nghề du lịch, dịch vụ tại các bãi biển. Hiện Tổng cục Thủy sản đang tính toán về số thiệt hại riêng với ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản, sớm có báo cáo Bộ Nông nghiệp và phát
triển nông thôn.
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, cơ quan này dự kiến tiến hành khảo sát nhu cầu của ngư dân, diêm dân và người nuôi trồng thủy sản tại bốn tỉnh bắc miền Trung để triển khai sáu hướng hỗ trợ.
heo đó, sáu hướng chuyển đổi nghề bao gồm trồng san hô và tái tạo hệ sinh thái biển bắc miền Trung, đồng thời tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho ngư dân, diêm dân và người nuôi trồng thủy, hải sản.
Cho vay hỗ trợ lãi suất theo nghị định 67 đối với ngư dân có nguyện vọng đóng mới tàu 90-400 mã lực để đánh bắt xa bờ. Cho vay hỗ trợ lãi suất từ 50-100 triệu đồng/gia đình để mua cây con giống chuyển đổi nghề.
Phối hợp với Bộ Lao động - thương binh và xã hội ưu tiên con em người bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết đi xuất khẩu lao động, trong đó hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ, học nghề trước khi đi. Ngoài ra còn hỗ trợ học phí học nghề ngắn hạn theo nhu cầu của
người bị ảnh hưởng.
Trả lời Tuổi Trẻ về thời gian các hỗ trợ này đến tay người dân, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết tiền bồi thường của Formosa sẽ được “thanh toán một cục” cho Chính phủ, dự kiến trong vòng 2-3 tháng tới.
“Chúng tôi đảm bảo trong 2-3 tháng tới các hỗ trợ sẽ đến tay người dân” - vị đại diện này cho biết.
400 tỉ đồng để làm sạch môi trường biển 4 tỉnh có cá chết
Ngân sách trung ương sẽ đầu tư 100% kinh phí cho việc trồng lại san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, làm sạch môi trường. Ước tính mức đầu tư khoảng 40 tỉ đồng/năm và kéo dài trong 10 năm, từ 2017-2027.
Đây là một trong những chính sách quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ (dự thảo) về một số chính sách ổn định đời sống người dân, khôi phục, phát triển sản xuất tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, đang được Bộ NN&PTNT gấp rút lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và bốn địa phương nêu trên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 1-7, một lãnh đạo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT, cơ quan chủ trì soạn thảo quyết định này) cho biết dự kiến trong tuần tới cơ quan này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt ban hành quyết định này.
“Một số bộ, ngành, địa phương đã góp ý, cơ bản thống nhất với dự thảo. Nếu quyết định được phê duyệt, các tổ chức, cá nhân liên quan đến khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, nghề muối bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế sẽ được hưởng nhiều chính sách nhằm ổn định đời sống, khôi phục và phát triển sản xuất” - nguồn tin này nói.
ĐỨC BÌNH
|
Cần giúp đỡ ngư dân có tàu bị nước ngoài đâm chìm
Tại cuộc họp giữa Chính phủ với lãnh đạo 63 địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nêu thực trạng đầy lo ngại: “Hiện nay bà con ngư dân hoạt động trên biển trong tình trạng không an toàn, nhiều tàu cá của Bình Định bị tàu nước ngoài đâm chìm, mỗi năm hàng chục chiếc, mỗi chiếc hàng tỉ đồng là tài sản rất lớn của ngư dân.
Khi bị đâm chìm thì không có chính sách gì, đây là vấn đề rất bức xúc, đề nghị Thủ tướng và các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ. Đồng thời sớm thành lập lực lượng hỗ trợ ngư
dân hoạt động trên biển”.
Ông Dũng cũng cho biết các cảng cá ở Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung hiện nay do biến đổi khí hậu, bị bồi lấp rất nhiều, tàu thuyền không vào được. Đề nghị Chính phủ tiến hành khảo sát, có chính sách hỗ trợ xây dựng, cải tạo hệ thống cảng cá, phục vụ ngư dân.
“Đối với các tỉnh miền Trung thì lợi thế lớn nhất là phát triển kinh tế biển nhưng đến nay việc quy hoạch, cơ chế chính sách vẫn thiếu, không đồng bộ cho phát triển kinh tế biển, từ du lịch, khu công nghiệp, đánh bắt hải sản... còn nhiều bất cập. Chính phủ cần có kế hoạch tổng thể, chính sách đủ mạnh phát triển hài hòa, phát huy được lợi thế biển” - ông Dũng kiến nghị.
Về vấn đề tàu cá bị đâm chìm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết “đã có chính sách hỗ trợ ngư dân gạo và tiền, hỗ trợ chủ tàu bằng tiền. Trước mắt vận dụng chính sách này, bộ sẽ nghiên cứu và
đề xuất khi xuất hiện yếu tố đặc thù”.
|
0 nhận xét