Người Buôn Gió - Chúng ta biết ơn những người bị bắt.
Có lần một thượng nghĩ sĩ của một nước châu Âu, hỏi trực tiếp tôi (qua phiên dịch). Bây giờ thì hình như ông ta là bộ trưởng hay phó thủ tướng gì đó.
- Anh nghĩ sao về chuyện có những người bị bắt và có những người chưa bị bắt. Tôi vẫn thấy nhiều người viết hoặc đấu tranh nhân quyền không bị bắt đó thôi.
Tôi trả lời.
- Tôi nghĩ là chỉ có người bị bắt và người chưa bị bắt thôi. Vì sự bắt bớ vẫn diễn ra, năm nay người này, năm sau người khác. Cho nên tôi chờ đợi ở những người như ông câu hỏi - Chừng nào ở Việt Nam không có người viết, người bất đồng chính kiến bị bắt? - Câu hỏi đó tôi nghĩ mới cần thiết.
Ở cuộc gặp này có 3 người Việt Nam được đối thoại với các nghị sĩ, hai trong số 3 người đó là người của nhà nước Việt Nam.
Trong câu hỏi của vị thượng nghị sĩ kia, chắc chắn ông ta có những thông tin về người bị bắt, và chắc chắn ông ta còn có những lý giải của ai đó về việc vì sao có người không bị bắt. Ví dụ người bị bắt là không phải đấu tranh ôn hòa cho nền dân chủ, nhân quyền mà họ đi gây sự, đi phá phách ...v.v.. và vân vân.
Những lý giải này từ phía người của nhà nước Việt Nam, đó là chuyện tất nhiên. Nhưng đáng tiếc những lý giải này còn có ở những người đấu tranh chưa bị bắt. Tôi rất buồn khi nhìn báo cáo của họ, tôi vẫn cứ nghĩ rằng báo cáo đó do an ninh mạo danh soạn ra và cách nào đó gửi đến đây, nghĩ thế cho đỡ buồn.
Trở lại câu chuyện người bị bắt và chưa bị bắt. Nói nôm na theo dân chúng, chẳng qua chỉ là chuyện nạc và xương. Bao giờ hết nạc mới vạc đến xương. Những người bị bắt là nạc, những người chưa bị là xương. Đương nhiên người ta cứ chén nạc cái đã, bao giờ hết mới đến bọn xương.
Tôi nằm trong số bọn xương, nhiều khi tôi nghĩ mình chưa bị bắt, không phải là khôn ngoan hơn người bị bắt. Chẳng qua những người bị bắt đã mạnh mẽ quá, và họ đã hứng chịu thay cho mình. Thử hỏi không có họ xem, ôn hòa à, hữu nghị à, chỉ viết lách à...với một chính quyền chuyên chế thì chỉ bóng gió thôi cũng đi tù mút mùa cải tạo như trước đây nhiều người đã bị khi nói vài câu ở hàng nước.
Nhưng hôm nay ở hàng nước nhiều người nói thế không sao. Bởi vì có người viết hẳn bài trên mạng, người viết bài trên mạng không sao, vì có người viết hẳn tên tuổi đích danh quan chức. Và nếu có bắt thì những người viết đích danh như Cù Huy Hà Vũ, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào sẽ bị bắt trước, chẳng bao giờ người ta đi bắt bọn phê phán ôn hòa ở hàng nước vỉa hè trước cả.
Tương tự như thế, những người ở đảng phái sẽ bị bắt trước những người không đảng phái. Khi mà không có người ở đảng phái, tổ chức thì ắt những người đấu tranh không đảng phái vô tù. Lúc đó thì đừng nghĩ mơ đến chuyện tôi không đảng phái gì, tôi độc lập, tôi trong sáng lý tưởng.
Cũng tương tự như thế, người đấu tranh trực tiếp trên đường phố bằng hành động thực tế như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha và Bùi Thị Minh Hằng sẽ đương nhiên bị ưu tiên hốt trước tiên.
Cho nên những người chưa bị bắt có đi con đường ôn hòa (con đường không nạc mỡ) thì đừng chê trách những người bị bắt. Vì hiểu thấu đáo nguyên nhân thì họ đã chịu trận cho mình. Chúng ta, những người chưa bị bắt chả khôn ngoan gì hơn họ, nói thẳng chúng ta đang hưởng chút an toàn từ họ.
Nhưng còn chê trách họ, ngầm tạo dư luận bất lợi cho họ trước phiên xử, trước khi cơ quan anh ninh ra quyết định khởi tố. Cung cấp những thông tin về họ thiếu khách quan cho tổ chức báo chí quốc tế, nhân quyền, đại sứ, chính phủ các nước. Để họ bị cô lập trước một cuộc tấn công sắp xảy ra.
Đó là điều không giản đơn.
Tôi chia sẻ với ông Huỳnh Ngọc Tuấn, là một người đấu tranh nhiều năm, chịu án tù nhiều năm, ông cảm giác cơn giông bão sắp tới với con thuyền gia đình mình là điều tất nhiên. Cảm giác ấy khó nói được thành lời để giãi bày thiên hạ.
Không phải tình cờ, một Hồ Lan Hương ngồi một chỗ, không mấy tiếng tăm, không tham gia các hoạt động. Càng chưa bao giờ gần với Bùi Thị Minh Hằng. Bỗng nhiên một ngày giật status nói Bùi Hằng đi gây sự, và hai hôm sau cơ quan an ninh chuyển từ tạm giữ sang tam giam và khởi tố Bùi Thị Minh Hằng với tội danh chống người thi hành công vụ, một tội danh rất phù hợp với từ "gây sự".
Chúng ta hãy xem lại đoạn phim Bố Già, khi Mai Cơn vào viện thăm ông, không thấy ai bảo vệ. Mai Cơn đã hiểu đằng sau đó có vấn đề sắp đến với sinh mạng bố mình.
Cũng như Trần Bùi Trung đi đòi bảo vệ mẹ mà không thấy những người trước kia gọi mẹ xưng con, chị chị em em đi theo.
Dù sao ở bài viết này, tôi vẫn muốn nhấn mạnh chuyện vì sao có người bị bắt và chưa bị bắt. Và vì sao những người chưa bị bắt nên cám ơn họ. Chứ không phải là chê trách họ ngu hơn mình.
Đó cũng là lý do vì sao tôi hay bênh vực những người bị bắt bớ giam cầm vì lý tưởng.